22 tháng 4, 2012

Hà Nội: Công bố quy hoạch khu nhà ở Đại Thanh


Sáng qua (19/4), Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì đã công bố quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh - tỷ lệ 1/500.
Hà Nội: Công bố quy hoạch khu nhà ở Đại Thanh
Khu chức năng hỗn hợp Đại Thanh, được giới hạn bởi phía bắc giáp đường 70 (đường Phan Trọng Tuệ), phía nam giáp sông Nhuệ, phía đông giáp nhánh sông Tô Lịch, với tổng diện tích đất khoảng 15,8ha, quy mô dân số 3.000 người.

Theo quy hoạch, công trình thấp tầng (có chiều cao khoảng 3 tầng) kết hợp với trường học, nhà trẻ, công trình dịch vụ… được tổ chức tại khu vực trung tâm, bố trí liên hoàn với hệ thống cây xanh, hồ nước liên kết với hai nhánh sông Tô Lịch và sông Nhuệ tạo thành các trục, tuyến không gian cảnh quan cây xanh và phù hợp với vành đai xanh, hành lang xanh lân cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch chung.

Tại các khu đất dọc tuyến đường Phan Trọng Tuệ có mặt cắt ngang đường rộng 50m bố trí khối công trình hỗn hợp (cao nhất 29 tầng) làm điểm nhấn cho trục đường và khu vực.
(Theo HNM)

Đã phát hiện 145 dự án thất thoát, lãng phí


Vừa qua, Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) có tổng hợp về giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 dựa trên báo cáo của các tỉnh thành, cơ quan bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91.
Đã phát hiện 145 dự án thất thoát, lãng phí | ảnh 1
Theo đó, trong năm 2012 VN có 38.420 dự án đang thực hiện, trong đó có 14.145 dự án khởi công mới.

Theo Bộ KH-ĐT, tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến và là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Bộ KH-ĐT cho biết đã phát hiện 100 dự án trong năm 2011 có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 145 dự án có thất thoát, lãng phí. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho kiểm điểm những đơn vị thuộc diện phải báo cáo để giám sát, đánh giá đầu tư nhưng không thực hiện.
(Theo TTO)

Giải cứu BĐS: Có thực sự vì sự lành mạnh của thị trường?


Việc “giải cứu nhà giàu” thực ra là việc giới nhà băng tự cứu mình, chứ không phải vì sự lành mạnh của thị trường, không phải vì quyền lợi của đa số dân chúng...
Báo chí hôm qua giật tít dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới: “Chỉ 5% dân số Hà Nội đủ tiền mua nhà đất”. 95% dân thủ đô, với GDP bình quân xấp xỉ 2.000 USD, gấp rưỡi GDP bình quân chung cả nước mà còn không mua nổi nhà thì mấy ai đủ tiền mua?

Tại sao giá nhà đất ở Hà Nội, Tp.HCM nói riêng, trên toàn quốc nói chung luôn “cao vời vợi” như vậy? Dường như báo chí hôm qua cũng đã có câu trả lời khi một doanh nghiệp địa ốc kêu gào thảm thiết “xin nộp thuế bằng… đất”. Dự kiến bán dự án được 60 tỷ đồng, trong khi phải nộp thuế đất là 57 tỷ đồng, Công ty Địa ốc Bình Dân (Tp.HCM) đã xin được đóng tiền sử dụng đất bằng… đất. Nếu không được, Bình Dân dọa giao lại dự án cho Nhà nước để “chính quyền kinh doanh”. Đáng chú ý, dự án rộng 14.000m2 này dành cho đối tượng có thu nhập trung bình thấp.
Giải cứu BĐS: Có thực sự vì sự lành mạnh của thị trường? | ảnh 1
Có hai điểm đáng chú ý xung quanh sự kiện, thoạt nhìn giống một lời kêu khổ của các đại gia bất động sản này. Thứ nhất, giá tiền sử dụng đất, thuế, phí quá cao chính là một yếu tố khiến giá nhà đất luôn ở “trên trời” đối với người dân. Thứ hai, nhà ở xã hội hầu như chỉ mang ý nghĩa danh nghĩa, khi ngay cả “vài tỷ bạc lợi nhuận” cũng kể như là thất bại đối với doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ.

Đang có một nghịch lý: Trong khi các đại gia bất động sản, và giới địa ốc kêu gào thảm thiết về việc đã “giảm giá tới 50% nhưng vẫn không có thanh khoản” thì người dân vẫn không đủ tiền để sở hữu dù chỉ một căn hộ chính sách. Không phải ngẫu nhiên mà một quan chức Bộ Xây dựng đã từng có phát ngôn bất hủ: “Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp”.

Trong mấy tháng qua, khi thị trường “ướp đá”, đã có không ít câu chuyện kể khổ khi các đại gia bất động sản “ôm đống tài sản chờ chết”, dân môi giới thì bán phở, bán bia, bán trà đá để kiếm sống qua ngày...

Việc giải cứu “tiếp sữa”, hé nguồn cho thị trường này đã được đặt ra khi lãi suất huy động được đưa về mức 12% trong hoàn cảnh mà “90% doanh nghiệp địa ốc chết lâm sàng, 100% không có thanh khoản”. Nhưng quan trọng nhất, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng liên tục tăng cao. Theo TS Vũ Thành Tự Anh: “Dư nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,4%, quy ra khoảng 85.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu phân loại nợ theo chuẩn mực quốc tế, Fitch Rating thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là 13% tổng dư nợ (khoảng 300.000 tỷ đồng)”. Hầu hết nợ xấu rơi vào bất động sản.

Vì thế, việc “giải cứu nhà giàu” thực ra là việc giới nhà băng tự cứu mình, chứ không phải vì sự lành mạnh của thị trường, không phải vì quyền lợi của đa số dân chúng. Chưa nói đến tiền dùng để giải cứu, thực ra cũng hầu hết là tiền của người dân đóng thuế.
(Theo Dân Việt)

Các doanh nghiệp BĐS quá tham lam?


Sau thời gian phát triển quá “nóng”, đầu tư ồ ạt và lãi “đậm”, các doanh nghiệp bất động sản giờ nằm bất động và quay sang “cầu cứu” các cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp BĐS quá tham lam? | ảnh 1
Các doanh nghiệp BĐS “chết hẳn” có thể là một tin mừng đối với thị trường nhà đất.

HAGL tuyên bố vẫn lãi khi bán căn hộ với giá bằng 50% các sản phẩm cùng vị trí. Điều này có nghĩa là các DN khác đang quá tham lam?

Tham thì thâm!

Giai đoạn 2008 - 2010 được coi là “thời hoàng kim” của thị trường bất động sản (BĐS) khi mà dự án nào tung ra thị trường cũng cháy hàng. Các chủ đầu tư đua nhau xin cấp phép. Các dự án ra đời ồ ạt còn giá chào bán tăng từng ngày. Giá bán trao tay từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác có thể cao hơn vài chục phần trăm chỉ sau vài giờ đồng hồ, thậm chí là ngay sau khi hợp đồng vừa được kí kết.

Thời điểm đó, BĐS được coi như “thiên đường” đầu tư. Giới đầu tư đua nhau đổ tiền vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp vốn không kinh doanh đất đai cũng bất ngờ “chuyển nghề”. Các trung tâm môi giới BĐS thì mọc lên như nấm sau mưa.

Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp trong số đó đầu tư theo kiểu “tay không bắt giặc”, nghĩa là không có tiền, thiếu kiến thức chuyên môn và chiến lược cụ thể nhưng vì thấy lĩnh vực này quá “béo bở” nên các ông chủ doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp toàn bộ tài sản, vay mượn ngân hàng, vay chợ đen và xoay sở đủ kiểu để có tiền “rót” vào đất đai.

Lợi nhuận thực sự của các công ty này là bao nhiêu thì có lẽ chỉ chính các ông chủ doanh nghiệp biết nhưng cứ nhìn vào cơn sốt xình xịch trên thị trường nhà đất Hà Nội và TPHCM thì có thể dễ dàng khẳng định đấy là những con số không hề nhỏ.

Ngay trong thời điểm đó, một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bong bóng BĐS và thị trường có thể “vỡ trận” bất kì lúc nào. Tuy nhiên, giới kinh doanh địa ốc đã lờ tất cả những cảnh báo này bởi đang mờ mắt với những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Giờ đây, khi bong bóng bất động sản vỡ, các doanh nghiệp lại dồn dập lên tiếng cầu cứu.

Nên cứu hay để “chết hẳn”?

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện dư nợ tín dụng cho vay BĐS khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm 1/10 tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Tạm chưa bàn đến việc doanh nghiệp làm thế nào để trả khoản nợ gốc này mà chỉ tính với mức lãi suất trung bình 20%/năm thì các doanh nghiệp BĐS phải trả lãi vay lên đến 40.000 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS đang cầu cứu Chính phủ nới chính sách, NHNN nới tín dụng và các cơ quan hữu quan tạo điều kiện hỗ trợ để khơi thông nguồn vốn.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Chính phủ đồng thì việc lấy đâu ra 200.000 tỷ đồng để cứu các doanh nghiệp này rõ ràng là một vấn đề không hề nhỏ?

Trong khi đó, luồng ý kiến trái chiều thì cho rằng, tốt nhất nên để các doanh nghiệp BĐS yếu kém “chết hẳn” vì đây không phải “thảm họa” như chính các doanh nghiệp “dọa dẫm” mà trái lại còn là cơ hội để thị trường BĐS hồi sinh.

Các chuyên gia ủng hộ quan điểm trái chiều này lý giải: Doanh nghiệp phá sản, nhưng giấy phép xây dựng, công trình dự án, nhân công lao động vẫn còn nguyên đó và sẽ được chuyển cho một ông chủ khác có trình độ quản lý tốt hơn, có nguồn vốn vững mạnh hơn và công trình sẽ được thi công nhanh chóng hơn thay vì nằm “đắp chiếu” từ năm này sang năm khác như hiện nay.

Thêm một lý do để củng cố quan điểm không nên “cứu” các doanh nghiệp BĐS là các doanh nghiệp này liên tục kêu khó khăn nhưng vẫn giữ giá nhà đất ở mức cao ngất ngưởng tới mức kì quặc và vượt quá khả năng của đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà đất thực sự.

Các doanh nghiệp BĐS quá tham lam? | ảnh 2
Ước mơ sở hữu một căn nhà vẫn quá xa xỉ với đại bộ phận người dân lao động. (Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: internet)

Một trường hợp cụ thể cho thấy các doanh nghiệp BĐS đã tham lam đến thế nào là việc ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ bán căn hộ với giá chỉ bằng 50% giá bán của các sản phẩm ở cùng vị trí nhưng vẫn có lãi.

Như vậy, thực chất là các doanh nghiệp đã quá tham lam nên vỡ nợ là bài học mà họ buộc phải chấp nhận vì đã khiến cả thị trường lao đao trong các cơn sốt giá giả tạo. Sau làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp BĐS, nhiều khả năng thị trường nhà đất sẽ đón nhận nhiều tin tốt lành hơn, đặc biệt là khả năng giá nhà đất sẽ tiến gần với nhu cầu của đại bộ phận người dân lao động hơn.

Ngân hàng - “ngư ông đắc lợi”?

Doanh nghiệp BĐS kêu cứu vì sản phẩm không có đầu ra, dự án đình trệ, không thể thi công vì thiếu vốn. Người dân lắc đầu vì giá nhà đất vẫn ở “trên trời”. Duy chỉ có giới ngân hàng là “ngư ông đắc lợi” với mức lợi nhuận công bố nhiều nghìn tỷ đồng.

Thực tế thì không chỉ lời to trong cơn sốt nhà đất 2008 - 2010 khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đổ xô đến vay vốn mà tại thời điểm này, khi nhà đất đóng băng thì các ngân hàng vẫn ung dung ngồi thu lãi từ các khoản cho vay đã giải ngân trong thời kì “đỉnh cao” của thị trường nhà đất.

Chỉ riêng khoản lãi 40.000 tỷ đồng/năm mà các doanh nghiệp BĐS phải trả như tính toán ở trên cũng đủ để các ngân hàng sống “khỏe” dù Chính phủ thắt chặt tín dụng, hạn chế tăng trưởng hay khủng hoảng tài chính.

Thực tế, trong giai đoạn “lay lắt” hiện nay, nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết lợi nhuận chỉ đủ trả lãi ngân hàng chứ không thể tái quay vòng vốn đầu tư dự án.

Không những thế, việc NHNN hạ trần lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng cũng được cho là sẽ tiếp tục “vỗ béo” giới ngân hàng vì ngân hàng huy động được vốn rẻ hơn nhưng vẫn cho các doanh nghiệp vay với mức lãi suất cao ngất ngưởng, trung bình là 20%/năm và lên tới 25% đối với các doanh nghiệp BĐS.

Vậy là, giờ đây khi nhắc đến câu chuyện về thị trường nhà đất, mối băn khoăn không chỉ nằm ở việc có nên cứu các doanh nghiệp BĐS hay không mà còn cả lợi ích nhóm mà các ngân hàng đang sở hữu.

(Theo DVT)

Không khí thị trường BĐS: Cảm nhận về cuối 2006


Cuối năm 2011, không khí của thị trường chứng khoán đã manh nha một nét gì đó tựa như giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009. Còn giờ đây, không khí của thị trường bất động sản cũng đang hơi giống với giai đoạn… cuối năm 2006.

Giao dịch sôi động?

Thị trường bất động sản hai miền Nam - Bắc đang bắt đầu xuất hiện vài dấu hiệu của sự phân hóa. Trong khi  khu vực Tp.HCM vẫn hoàn toàn trầm lắng thì có vẻ như nhà đất Hà Nội lại có giao dịch nhiều hơn hẳn. Nhưng giao dịch đó đến từ đâu?

Câu trả lời vẫn chỉ xuất phát từ… báo chí. Đúng là như vậy, bởi trên mặt báo chí trong vài tuần gần đây đã xuất hiện khá đều đặn những bài viết mô tả về “giao dịch sôi động” hay “đất thổ cư tăng mạnh” ở khu vực phía Đông Hà Nội như Long Biên, Gia Lâm, kể cả đất dự án tại Nam An Khánh, Văn Khê, Vân Canh, Geleximco… ở phía Tây Hà Nội cũng bắt đầu “rục rịch”. Nhưng với một cái nhìn khá trái ngược, cũng có thông tin báo chí cho rằng vẫn chưa có gì thay đổi, thị trường nhà đất Hà Nội vẫn “ngủ đông”. Có chăng chỉ là phân khúc nhà chung cư bình dân là khả quan hơn cả.
Không khí thị trường BĐS: Cảm nhận về cuối 2006 | ảnh 1
Nếu đề cập đến căn hộ bình dân với giá 11-15 triệu đồng/m2 thì có thể còn phần nào hợp lý, bởi nhu cầu mua nhà của người dân Hà Nội, trong đó có đến 30-40% là người ở các tỉnh lân cận kéo về, là một sự thật và đã kéo dài từ năm này sang năm khác. Ngay cả trong bối cảnh suy thoái năm 2011, khi hai phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp phải cắn răng chịu cảnh sương sa gió táp thì nhà bình dân vẫn tiêu thụ được, tất nhiên với tỷ lệ khiêm tốn chứ không phải như thời sốt nóng năm 2007 hay 2009.

Nhưng phân khúc chung cư bình dân hay đất thổ cư lại không hẳn mang tính đại diện cho thị trường bất động sản ở Thủ đô. Theo quan niệm truyền thống của giới đầu tư và đầu cơ, đất nền vẫn có vai trò quyết định đối với bất kỳ một “sóng lên” hoặc “sóng xuống” nào. Chẳng phải trong những con sóng tăng giá của thị trường vào năm 2007 và gần đây nhất là hai năm 2009 - 2010, đất nền các dự án khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội đóng vai trò chủ công sao?

“Trơ” hết thuốc chữa?

Những đồn đoán và dự báo của giới kinh doanh nhà đất Hà Nội về một con sóng phục hồi có thể xảy ra vào tháng 4/2012 đang dần trở nên vô vọng. Tháng Tư đã đi được hai phần ba thời gian của nó, nhưng thực tế vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào về việc đất dự án được “đánh” lên. Không những thế, nhiều dự án còn được mô tả là có tình trạng sụt giá đến 40-50% so với đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2011.

Nhưng thực chất giảm giá đất dự án ở Hà Nội có đúng như vậy hay không thì lại không có một tổ chức hay cơ quan nào đánh giá được một cách toàn diện. Các công ty tư vấn bất động sản mang mác ngoại như Savills hay CBRE vẫn chỉ cung cấp những báo cáo thiên về nhận định vĩ mô hơn là một bản nghiên cứu và phân tích chi tiết về thị trường. Những mô tả về tình hình giao dịch tại các phân khúc nhà đất trong các báo cáo này hầu như chỉ có thể đánh giá chung nhất, hoặc chính xác hơn là nặng về cảm tính, mà không thể có bất kỳ con số thống kê về lượng giao dịch cụ thể nào đối với một số dự án. Chỉ thỉnh thoảng, người ta mới thấy thông tin trên báo chí về dự án này, dự án kia “bán hết hàng” hay “khách đăng ký mua hết”, nhưng lại không kèm theo một xác thực nào từ phía người mua.

Vốn là một thị trường có độ minh bạch thuộc loại kém nhất trong tất cả các thị trường đầu cơ, bất động sản cũng vì thế mà tiếp tục rơi vào khoảng chân không mờ mịt của vô số thông tin nhiễu loạn. Do không có được những nguồn thông tin cụ thể và xác thực, người mua nhà để ở hay dân mua đi bán lại đành phải dựa vào “kênh thông tin truyền thống” là tin đồn, hoặc dựa vào độ cảm nhận trực tiếp của cá nhân đối với thị trường.

Song nói gì thì nói, tháng 4/2012 đã gần trôi qua mà thị trường nhà đất cả hai miền Nam - Bắc vẫn chưa có một chuyển động đáng kể nào. Tình trạng bất động vẫn tiếp tục lê thê, bất chấp chủ trương “giải cứu bất động sản” mà Ngân hàng nhà nước đã chính thức tuyên bố vào gần giữa tháng 4/2012.

Đối với giới đầu cơ nhà đất, rõ ràng giai đoạn này còn có thể tồi tệ hơn cả năm ngoái, khi thị trường tỏ ra “trơ” với mọi thông tin tích cực. Riêng với giới doanh nghiệp bất động sản đang bị “kẹp hàng”, đống tài sản khổng lồ của họ rõ ràng có nguy cơ rơi hết vào tay ngân hàng, đẩy họ đến tình cảnh phải “bán mình”, tức không chỉ bị siết sự án mà còn có nguy cơ bị các ngân hàng thâu tóm. Về việc này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành, đã là một trong những thương gia đầu tiên lên tiếng xác nhận.

Sự xác nhận trên còn thể hiện rõ hơn khi cho biết một số ngân hàng cố tình không cho doanh nghiệp bất động sản vay, với mục tiêu cuối cùng là chờ các doanh nghiệp này… chết. So lại với thực tế, dù cho quan điểm của Ngân hàng nhà nước là thúc đẩy hoạt động cho vay của khối ngân hàng trong quý 2/2012, được thể hiện cụ thể trong văn bản số 2056 vào trung tuần tháng 4/2012, nhưng lại chẳng mấy doanh nghiệp bất động sản nào kỳ vọng là quá trình cho vay vốn sẽ diễn ra nhanh chóng. Mà thông thường, từ chủ trương đến thực tế lại phải có độ trễ ít ra vài ba tháng. Cho đến lúc đó, thị trường nhà đất sẽ rơi về cuối quý 2 của năm nay, để khi đó lại càng thêm  khốn quẫn vối vô số khoản nợ gốc lẫn lãi vay dồn cục trên đầu.

Âm mưu?

Riêng với Tp.HCM, một phép thử nho nhỏ đã không mang lại kết quả nào, khi vào giữa tháng 4/2012, sự kiện khởi công dự án Cầu Sài Gòn 2 đã không có bất kỳ tác động nào đến thị trường nhà đất quận 2. Cũng nên nhớ lại vào tháng 11/2011, sự kiện chính thức thông xe Hầm Thủ Thiêm, được giới đầu tư bất động sản kỳ vọng như một liều thuốc kích thích khu Đông, đã chỉ tạo nên hiệu ứng tăng giao dịch trên… mặt báo.

Không khí thị trường Tp.HCM, theo thông tin từ một số văn phòng môi giới nhà đất, thậm chí còn trầm lắng hơn cả vài tháng trước đây. Vậy là sao? Chỉ có thể hiểu đơn giản là, một khi thị trường này đã chẳng có phản ứng nào với thông tin tích cực, thì hoặc nó sẽ lụi tàn và kéo theo làn sóng bán tháo trong thời gian còn lại của năm 2012, hoặc đó là một… âm mưu.

Nhưng ở vế thứ hai, đó là âm mưu gì vậy? Vào cuối năm 2011, không khí của thị trường chứng khoán đã manh nha một nét gì đó tựa như giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009. Còn giờ đây, không khí của thị trường bất động sản cũng đang hơi giống với giai đoạn… cuối năm 2006. Nói như thế để thấy rằng đối với thị trường quá ít thông số phân tích này, các quyết định đầu tư đành phải dựa vào… trực giác.

Trong khi đó, hai chỉ số chứng khoán vẫn đều đặn tiến lên, và còn có thể bật lên nữa. Kết quả nào sẽ tác động đến hiệu ứng “bình thông nhau”?
(Theo Vietstock)

Thị trường BĐS có thể "thoát hiểm" với chính sách đất đai mới?


Với những chính sách mới về đất đai, thị trường có thể “thoát hiểm”, nhưng cơ hội thành công cũng chỉ dưới 50%, TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải nhìn nhận về thị trường bất động sản Việt Nam.
Thị trường BĐS có thể "thoát hiểm" với chính sách đất đai mới? | ảnh 1
TS. Alan Phan: "Kinh nghiệm ở Thái Lan, Mỹ... cho thấy, một chu kỳ của bất động sản phải mất 7 - 8 năm để thay đổi, để tạo một mặt bằng mới".

Trò chuyện với VnEconomy, ông Alan Phan nói:

- Thị trường bất động sản xưa nay vốn có hai vấn đề cốt lõi, một là vấn đề về luật cung cầu, nếu cung ít, cầu nhiều thì tác động đến giá bán. Phần thứ hai là giá trị thật của nó, tức là dựa trên thu nhập của người dân. Bất động sản vốn phức tạp, có rất nhiều phân khúc. Mấy năm trước chỉ có nguồn cung cao cấp khá dồi dào, trong khi người dân vẫn thu nhập thấp là chủ yếu. Trước đây chỉ có các nhà đầu tư thứ cấp ôm vào. Giờ họ không ôm nổi nữa lại càng khiến cung dư thừa nhiều, giá giảm là điều tất yếu.

Trong khi ở phân khúc bình dân, cầu cao nhưng cung gần như không có. Ở Malaysia, họ xây căn hộ 100 m2 bán khoảng 500 triệu đồng là rất phổ biến. Nhưng ở ta, do chi phí xây dựng, chi phí đất đai... quá cao nên xây căn hộ giá rẻ là không thể làm được.

Nếu so sánh giá trị thực của bất động sản với thu nhập của người dân, hiện giá bất động sản trung bình ở Việt Nam gấp khoảng 25 lần thu nhập, trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần... Khi giá quá cao, thì đó là hiện tượng bong bóng, và bong bóng sẽ nổ vì không ai có thể chịu đựng nổi.

Tất cả mọi yếu tố trên cho thấy, bất động sản sau một thời gian trầm lắng, nó sẽ tới một giai đoạn phải giải quyết vào cuối năm nay, có thể nó sẽ rẽ sang một đường khác. Trong bối cảnh đó, nếu người nào biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ tốt thì có thể có lợi.

Có ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản tồn tại những nghịch lý nói trên là do có sự chi phối của một nhóm lợi ích nào đó?

Đương nhiên là nó chịu chi phối của một nhóm đầu cơ nhất định. Thực tế thì họ đã làm rồi, vì thị trường non trẻ nên rất dễ để người ta lợi dụng để trục lợi. Giá nhà đất đã được thổi lên khá cao trong mấy năm qua. Ngay trước khi có tin Hà Tây nhập vào Hà Nội thì thiên hạ đã gặt được khá nhiều điều từ tin đó.

Nhưng một bộ phận không nhỏ này hiện nay đã hết tiền, không còn cơ hội để đầu cơ nữa, nên cuối năm nay sẽ phải thay đổi.

Trong một bài viết mới đây, ông có nói thị trường bất động sản có thể “thoát hiểm” với chính sách đất đai mới. Cơ sở của nhận định này là gì?

Thoát hiểm ở đây có nghĩa là, nếu có một luật đất đai mới, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà, đất đai, bỏ hộ khẩu... thì nó sẽ kích cầu được một phần, thu hút được một lượng tiền không nhỏ vào bất động sản.

Thứ hai nữa, hiện Chính phủ đang rất muốn đẩy cầu chứng khoán, bất động sản lên để đỡ phần nào cho ngân hàng.

Nhưng để có được một luật đất đai mới cũng rất khó khăn. Theo tôi, cơ hội để thị trường không tụt giảm nữa, dân tin và sẽ mua thêm chỉ dưới 50%.

Nhưng nếu chính sách “thoáng” quá thì thị trường lại quay lại sốt nóng, khó kiểm soát?

Tôi cho rằng, không thể sốt nóng được nữa vì với tình trạng kinh tế suy thoái như hiện nay, nếu nó đứng yên được thì cũng đã là khó khăn và may mắn rồi.

Còn ở cả góc độ quản lý cũng không phải băn khoăn gì vì đây là một thị trường quá lớn, nó chịu chi phối, quản lý của nhiều cơ quan, bộ ngành khác nhau.
 
Ông nhìn nhận thế nào về động thái hạ lãi suất của ngân hàng vừa qua, nó tác động đến thị trường bất động sản thế nào?

Vấn đề giảm lãi suất cũng là một cố gắng của Chính phủ trong việc kích cầu bất động sản. Nó sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng cũng không nhiều. Vì thực thế hiện người dân, doanh nghiệp vẫn đang thiếu tiền, suy sụp, người ta vẫn phải lo ăn uống, tồn tại của doanh nghiệp trước, chưa thể vung tiền cho bất động sản được.

Những động thái của Chính phủ sẽ gây ra động thái tâm lý tốt, có thể có tác dụng trong vài ba tháng tới nhưng sang năm thì nó lại vô hiệu.

Bởi, những chính sách đó giống như một người uống thuốc giảm đau, cơn đau sẽ cắt trong vòng vài tiếng đồng hồ nhưng ngày hôm sau sẽ đau trở lại, buộc phải uống thêm. Nhưng thực tế là thuốc không thể uống hoài được.

Thị trường bất động sản hiện vẫn tồn tại mâu thuẫn khi người dân cho rằng giá vẫn cao, trong khi chủ đầu tư lại cho rằng, giá đã chạm đáy. Theo ông làm sao giải được bài toán này?

Không nên xem đó là bài toán cần giải quyết mà nên xem đó là định luật của thị trường. Nếu làm ăn đúng thời điểm, cơ hội thì kiếm nhiều lợi nhuận. Giờ thị trường khó khăn, bước sang một chu kỳ mới nếu rút ra không kịp thì đương nhiên phải mất tiền.
 
Còn ở tầm vĩ mô, đó là một cơ hội cho người dân co cơ hội mua nhà giá rẻ.
 
Nhưng nếu không giải cứu bất động sản, rất có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác vì bất động sản vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế?

Thế giới họ đánh giá nền kinh tế Mỹ mạnh hay yếu có phải do bất động sản Mỹ đâu. Hiệu quả nền kinh tế dựa trên nhiều yếu tố, từ hiệu năng sản xuất, GDP, thu nhập người dân...

Nếu có tiền, ông có bỏ vào bất động sản lúc này?

Tôi sẽ không làm điều đó, dù có người nghĩ đó là động thái đúng, có thể làm nóng lại thị trường. Tôi tin là thị trường còn tiếp tục đi xuống nữa, vì giá trị thực và giá cung cầu vẫn chưa ăn khớp nhau.

Nếu nhà đầu tư mua bất động sản rồi giữ lại trong vòng 20 năm thì sẽ có lời. Nhưng nếu mua rồi bán lại trong vòng 3 -5 năm thì không nên làm. Tốt hơn là nên giữ tiền hoặc đầu tư vào hướng khác.

Vừa qua, một số người có chào tôi dự án bất động sản nhưng tôi thấy giá đó chưa phù hợp, vì theo tôi thị trường khoảng 10 năm nữa mới bắt đầu hưng thịnh thực sự.

Kinh nghiệm ở Thái Lan, Mỹ... cho thấy, một chu kỳ của bất động sản phải mất 7 - 8 năm để thay đổi, để tạo một mặt bằng mới. Bất động sản chúng ta dù khó khăn vài năm nay nhưng theo tôi vẫn chưa chạm đáy. Nó phải xuống đáy đã rồi mới từ từ đi lên.

Hiện giới đầu tư, đầu cơ lướt sóng bất động sản vẫn còn vướng rất nhiều dư vị đắng cay của vài năm qua nên dường như chưa mấy ai nhảy vào.
(Theo VnEconomy)

Tranh chấp liên quan nhà chung cư: Khởi kiện cũng là một giải pháp tốt


Thời gian gần đây, tranh chấp giữa các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phát sinh ngày một nhiều.
 PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) về cơ chế giải quyết những tranh chấp kiểu này.

LS Phạm Văn Phất nói: Chung cư ngày càng được nhiều người lựa chọn, không chỉ người có thu nhập trung bình, mà cả những người có thu nhập cao.

Sự gia tăng về số lượng tranh chấp trong thời gian gần đây giữa cư dân với chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý chung cư một phần do khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực quản lý, sử dụng chung cư chưa được hoàn thiện, chưa theo kịp thực tiễn, phần khác do nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng đến việc thu lợi từ bán căn hộ mà không quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên đã xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của cư dân.
Tranh chấp liên quan nhà chung cư: Khởi kiện cũng là một giải pháp tốt | ảnh 1
Lỗi nâng giá dịch vụ (chẳng hạn trông giữ ô tô, xe máy) vượt quá quy định thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ chứ không phải chủ đầu tư?

Qua những tranh chấp tôi từng tham gia tư vấn giải quyết thì thấy ở những nơi việc cung cấp dịch vụ do chủ đầu tư đảm nhận hoặc đứng ra thuê dễ phát sinh những vi phạm kiểu này, còn những đơn vị do Ban quản trị chung cư thuê, họ thường thực hiện tốt, ít có vi phạm.

Tranh chấp nhà chung cư khó giải quyết dứt điểm. Tại khu dân cư số 6 Đội Nhân (Ba Đình, Hà Nội), chủ đầu tư đã và đang xâm hại nghiêm trọng quyền lợi cư dân các nhà chung cư; Sở Xây dựng TP Hà Nội đã kết luận, song mọi chuyện vẫn không thay đổi. Có cách nào đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm, thưa luật sư?

Những tranh chấp liên quan tiến độ thi công, chất lượng công trình xây dựng… Thanh tra ngành Xây dựng kiểm tra, xử lý là hữu hiệu.

Tuy nhiên, nhiều tranh chấp khác mang tính chất dân sự thì chính quyền rất khó can thiệp. Theo tôi, để có thể xử lý hiệu quả các tranh chấp liên quan đến chung cư, trước hết cư dân và Ban quản trị chung cư phải nắm vững các quyền của họ đã được pháp luật quy định.

Khi phát hiện vi phạm, họ cần đấu tranh một cách kịp thời và cương quyết, nếu cần, phải tìm thêm tiếng nói hỗ trợ từ chính quyền, công an và các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Trường hợp phía vi phạm vẫn không sửa chữa, khởi kiện ra Tòa án dân sự sẽ là giải pháp tốt.
(Theo TPO)

DNNN được bán đất có gây "chảy máu" BĐS?


Bộ Tài chính đang kiến nghị cho phép các doanh nghiệp nhà nước được bán, chuyển nhượng nhà, đất dôi dư để tạo vốn tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Liệu điều này có là bước khởi đầu cho quá trình "chảy máu" bất động sản?
Câu chuyện sử dụng đất đai, trụ sở ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một lần nữa lại trở nên “nóng” khi Bộ Tài chính đang xem xét cơ chế cho phép khu vực kinh tế này chuyển nhượng, hoặc Nhà nước sẽ thu hồi những bất động sản dôi dư hoặc không sử dụng đến.

DNNN được bán đất có gây "chảy máu" BĐS? | ảnh 1
Văn phòng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại số 136 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM. Ảnh: THANH TAO.

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính thừa nhận thực trạng trên có nguồn gốc lịch sử sâu xa: các DNNN thường được thành lập sớm hoặc sử dụng quỹ nhà, đất sau khi tiếp quản từ chế độ cũ nên được bố trí những vị trí đắc địa, có giá trị thương mại cao. Cụ thể như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có được văn phòng tại 136 Hàm Nghi, quận 1, Tp.HCM từ sau năm 1975; tập đoàn Điện lực Việt Nam đóng trụ sở chính tại 75 Đinh Tiên Hoàng, đối diện Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội... Tình trạng các DNNN sở hữu nhiều bất động sản và trong đó có những vị trí “vàng” là thực tế đang tồn tại ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ tài chính đất đai đối với Nhà nước lại không thực hiện đầy đủ.
Ở Tp.HCM chẳng hạn, Tổng công ty Lương thực miền Nam từng có tới 351 các điểm bán lẻ, các cơ sở kinh doanh lương thực nằm rải rác khắp các quận, huyện của thành phố khi tổ chức kinh doanh lương thực thời bao cấp.

Bộ Tài chính ước tính, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất. Bộ nhận định, các DNNN chiếm giữ nhiều mặt bằng nhưng không sử dụng hết vào mục đích sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ tài chính đất đai đối với Nhà nước lại không thực hiện đầy đủ.

Các công ty 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hóa đang có lợi thế chiếm giữ nhiều nhà, đất, ở những vị trí có giá trị thương mại cao, nhưng sử dụng, khai thác chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng, cho thuê lại kiếm lời; cá biệt có không ít nhà, đất bị chiếm dụng hoặc bỏ trống trong khi nhiều tổ chức, cá nhân của các thành phần kinh tế khác lại không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh.

“Tranh thủ” bán nhà xưởng

Liệu đề án xử lý đất đai dôi dư ở các doanh nghiệp nhà nước có mở đường cho một đợt chuyển đổi đất đai ồ ạt từ khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cuối cùng thì cả Nhà nước và người dân đều không được hưởng lợi?
Trong bối cảnh đó, nhiều DNNN đã “tranh thủ” bán trụ sở, nhà xưởng để lấy vốn tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong số 351 mặt bằng của Tổng công ty Lương thực miền Nam, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 233 mặt bằng, trong đó khoảng 30% được giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh, 2% chuyển mục đích sử dụng đất, khoảng 2% được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, số còn lại được thu hồi và chuyển giao cho chính quyền thành phố quản lý.

Tất nhiên, là có những lời than phiền. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, ông Nguyễn Hồng Nam, nói: “Tổng công ty có nhiều đất đai và nhiều cửa hàng bán lẻ nằm rải rác. Khi bị yêu cầu di dời cơ sở sản xuất ra khỏi thành phố, chúng tôi phải tự chọn địa điểm phù hợp và tự chuyển nhượng phần đất trong thành phố để làm vốn. Chúng tôi rất khó khăn về vốn, cũng như chuyện giải phóng mặt bằng ở nơi mới”. Và ông cảnh báo: “Vốn của DNNN cũng là vốn nhà nước”.

Thực tế, số tiền mà Tổng công ty Lương thực miền Nam thu được từ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không hề nhỏ. Bộ Tài chính cho biết, tổng công ty này đã thu được hơn 727 tỉ đồng, tất cả được sử dụng để đầu tư hệ thống kho chứa và cơ sở sản xuất.

Nhiều DNNN khác cũng đã được bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thu được 1.809 tỉ đồng từ bán và chuyển nhượng mục đích sử dụng ba cơ sở trên địa bàn Tp.HCM. Số tiền này được sử dụng để di dời toàn bộ nhà máy sản xuất thuốc lá gây ô nhiễm trong nội thành ra khu công nghiệp. Tập đoàn Dệt may Việt Nam sử dụng 259,6 tỉ đồng thu được từ bán nhà đất, để di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp và phát triển hệ thống siêu thị dệt may tại các tỉnh phía Nam.

Báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất. Trong số đó, 9 triệu mét vuông đã được “sắp xếp lại” với những con số kèm theo khá mơ hồ là có 100.000 mét vuông được chuyển nhượng, 300.000 mét vuông bị thu hồi, 300.000 mét vuông di dời do ô nhiễm môi trường và 1,3 triệu mét vuông được chuyển mục đích sử dụng.

Như vậy, một số lượng lớn đất đai của các tập đoàn, tổng công ty lại không hề được nhắc đến đã được sử dụng thế nào, làm việc gì, ai sử dụng... sau khi được “sắp xếp lại”. Bộ này cũng cho biết, số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất như trên là hơn 15.000 tỉ đồng. Số tiền trên có vẻ quá ít so với tổng số 9 triệu mét vuông đã được “sắp xếp lại”? Cho dù những số liệu được nêu rõ ràng là không đủ thuyết phục về tính hiệu quả và sự minh bạch trong việc chuyển đổi đất đai ở các DNNN, song bộ này vẫn nhận xét, tác động về khai thác nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty là “rất tích cực”.

Chưa có khung pháp lý, Vinashin vẫn được ưu ái

Trong đề án xử lý đất dôi dư ở các DNNN, Bộ Tài chính đề cập đến ba phương án cơ bản. Thứ nhất, các DNNN được phép bán, chuyển nhượng  quỹ nhà, đất dôi dư để tạo vốn tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Thứ hai, quỹ nhà, đất được phép chuyển mục đích sử dụng nhưng chưa thực hiện sẽ được chuyển giao cho các đơn vị có chức năng theo giá thị trường. Thứ ba, quỹ nhà, đất dôi dư mà doanh nghiệp không có phương án sử dụng sẽ bị thu hồi, bán đấu giá hoặc chuyển giao cho địa phương để phục vụ cho lợi ích công cộng theo quy hoạch.

Tuy nhiên, trước khi được Chính phủ thông qua và ban hành khung pháp lý để triển khai, thì tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được bật đèn xanh để đi trước. Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Phạm Đình Cường cho biết, Chính phủ đã cho phép Vinashin chuyển nhượng và cho thuê quỹ đất chưa sử dụng, và chỉ được dùng số tiền thu được để đầu tư, kinh doanh chứ không được dùng để trả nợ. Theo cục này, Vinashin đang nắm giữ diện tích đất lên tới 2.400 héc ta, trong đó có 1.200 héc ta chưa sử dụng. Như vậy, có thể thấy số tiền mà Vinashin có thể thu được từ chuyển nhượng số đất đai chưa sử dụng là cực kỳ lớn.

Nhưng từ đây cũng có thể đặt ra câu hỏi: Vì sao Vinashin có quyền bán số đất đai khổng lồ này, thay vì buộc phải trả lại Nhà nước khi không sử dụng đến, như đã quy định trong Luật Đầu tư? Bộ Tài chính lý giải, do Vinashin “vẫn cố thủ” lượng đất đai này dù đang thiếu vốn để tái cơ cấu và để phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện chưa có thông tin cụ thể về những dự án mà Vinashin dự kiến đem bán. Nhưng không như những tập đoàn khác, dù mới phát triển gần đây nhưng Vinashin lại có rất nhiều đất đai, trong số đó đa phần là khu công nghiệp như khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu ở Hải Dương; khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn ở Thanh Hóa; khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp ở Tiền Giang; khu công nghiệp cảng biển Hải Hà ở Quảng Ninh, cảng Vinashin Đình Vũ ở Hải Phòng, khu công nghiệp và Nhà máy Đóng tàu ở Hậu Giang…

Số liệu chi tiết về 1.200 héc ta đất mà Vinashin có thể chuyển nhượng đến nay chưa được công bố. Tuy nhiên, việc tập đoàn này được phép bán và chuyển nhượng đất đai sẽ làm phát sinh hàng loạt câu hỏi về tính pháp lý. Vinashin được phép bán đất dôi dư, thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác sẽ như thế nào? Các doanh nghiệp này có được phép bán đi số đất đai đã có được hay không? Chính quyền địa phương cấp đất cho Vinashin để tập đoàn phát triển sản xuất tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm gì khi số đất này lại được bán đi? Vì sao 1.200 héc ta đất đai của Vinashin chưa sử dụng đến lại không bị thu hồi, theo quy định trong Luật Đầu tư?...

Đề án của Bộ Tài chính, rõ ràng, muốn giải quyết tình trạng các DNNN có đất đai dôi dư, lãng phí trong khi các thành phần kinh tế khác lại rất thiếu đất để sản xuất kinh doanh. Song, liệu nó có mở đường cho một đợt chuyển đổi đất đai ồ ạt từ khu vực DNNN mà cuối cùng thì cả Nhà nước và người dân đều không được hưởng lợi?
(Theo TBKTSG)

Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản


Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu các sở trực thuộc lập báo cáo tổng hợp về hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm 2011 tại địa phương để tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng.
Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản | ảnh 1
Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản tới Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương triển khai việc gửi văn bản yêu cầu các Sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản tại địa phương thực hiện quy định về xây dựng và ban hành quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; lập báo cáo về hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm 2011 theo quy định tại Điều 13 của Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ Xây dựng gửi về Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản trước ngày 20/4/2012. Lập báo cáo tổng hợp về hoạt động phòng, chống rửa tiền đã thực hiện trong năm 2011 tại địa phương gửi về Bộ Xây trước ngày 20/4/2012 để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(Theo BXD)

Hà Nội: Toà nhà 9 tầng có dấu hiệu dùng giấy phép giả


Nhiều cử tri quận Đống Đa đang quan tâm đến công trình xây dựng số 28 trên đường Đê La Thành xây cao tới 10 tầng với nhiều khuất tất mà đến nay Quận Đống Đa vẫn chưa có câu trả lời công luận.
Hà Nội: Toà nhà 9 tầng có dấu hiệu dùng giấy phép giả | ảnh 1
UBND quận Đống Đa cần làm sáng tỏ việc cấp Giấy phép xây dựng cho công trình này có đúng quy định hay không? Ảnh: Vũ Văn Tiến

Như PV đã phản ánh, công trình xây dựng tại số 28  lại xây cao tới 10 tầng nằm ở vị trí nhạy cảm của tuyến đường Đê La Thành (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến đình Kim Liên), đoạn đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc.

Điều đáng nói, xung quanh việc cấp phép của công trình này có nhiều điều khuất tất khi mà phường sở tại cho rằng nó có phép thì lãnh đạo phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa lại khẳng định chúng tôi chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép của công trình này.

Làm việc với UBND phường Thổ Quan, chúng tôi được ông Phạm Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND phường và ông Đào Trọng Cương, cán bộ quản lý trật tự xây dựng phường cung cấp giấy phép xây dựng số 091453/GPXD, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung ký, cấp cho công trình số 28 đường Đê La Thành. phường Thổ Quan), được xây dựng trên diện tích đất hơn 300m2

Theo đó, công trình là nhà ở kết hợp văn phòng cao 9 tầng (có tum). Số hiệu bản vẽ KT03 đến KT15 được Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa xác nhận, gồm các nội dung sau: Từ tầng hầm đến tầng 6 để ở, trong đó diện tích xây dựng tầng hầm 301,20m2 cao 2,50m. Diện tích xây dựng tầng 1 là 250,50m2, cao 4m. Từ tầng 2 đến tầng 5, diện tích xây dựng 250,50m2, cao 2,8m. Tầng 6, diện tích xây dựng 250m2, cao 2,8m. Từ tầng 7 đến tầng 9 làm văn phòng cho thuê, diện tích sàn 198,20m2, cao 3m. Như vậy, chiều cao tới đỉnh mái là 27m, tổng diện tích sàn xây dựng 2.398m2.

Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, không khó khăn lắm để nhận ra công trình này đã xây tới 10 tầng, 1 tum và đang “ung dung” hoàn thiện. So với giấy phép xây dựng do UBND phường Thổ Quan cung cấp cho chúng tôi,  công trình này đã vượt hơn 1 tầng. Không nằm khuất nẻo mà chỉ cách ngã tư Ô Chợ Dừa có vài chục mét, cũng không xa UBND phường Thổ Quan là mấy, vậy tại sao, những người có trách nhiệm ở phường lại không biết?

Với thắc mắc căn cứ nào để UBND quận Đống Đa cấp phép xây dựng công trình cao 9 tầng trên tuyến đường có mặt cắt ngang hẹp như Đê La Thành?

Trả lời báo chí, ông Lê Trọng Ngọ, Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa rất ngạc nhiên khi được biết, đơn vị này chưa tiếp nhận hồ sơ công trình trên thì làm sao làm thủ tục để trình lãnh đạo quận cấp phép xây dựng được..

Trao đổi với PV xung quanh việc cấp phép xây dựng tòa nhà 9 tầng tại số 28 đường Đê La Thành có nhiều dấu hiệu là giấy phép “giả”, giấy phép được cấp “chui”, ông Trần Đức Học cho biết: Để làm rõ việc này, UBND quận đã giao cho ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa làm rõ và báo cáo lãnh đạo quận.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Trần Việt Trung cho rằng: Để làm sáng tỏ vụ việc, mang tính chất khách quan, Chủ tịch UBND quận nên giao việc này cho một đơn vị chuyên môn khác xác minh sẽ cụ thể và đảm bảo khách quan hơn. Nếu trực tiếp ông Trung đi xác minh vấn đề này, sẽ làm mất tính khách quan của sự việc.

Hà Nội: Toà nhà 9 tầng có dấu hiệu dùng giấy phép giả | ảnh 2
Giấy phép bị "nghỉ" giả mà đông đảo cử tri quận Đống Đa chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ Ảnh: Vũ Văn Tiến

Bản thân ông Trung khi nhìn vào GPXD số 091453 dưới đây cũng không thể "biết" là có phải GPXD do UBND quận Đống Đa ban hành không nữa?!.

Như vậy, hiện nay các lãnh đạo quận Đống Đa đều không thể biết rõ việc công trình xây dựng tại số 28 Đê La Thành đã có GPXD hay chưa? Hoặc trong trường hợp có GPXD thì cũng không rõ đó là GPXD “xịn” được cấp theo đúng quy trình hay là GPXD được cấp “lậu”, trái với quy định của nhà nước?!.

PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Cơ quan Công an cần sớm vào cuộc điều tra dấu hiệu làm giả giấy phép xây dựng trêm; đồng thời UBND TP. Hà Nội cần vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc này để chứng minh giấy phép xây dựng mà UBND phường Thổ Quan cung cấp cho PV báo chí là giấy phép giả? Hoặc nó đã được cấp “lậu” không qua quản lý của phòng chức năng? Đây là vấn đề cần được làm sáng tỏ. Hiện nay, tại hồ sơ lưu của Phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa không hề có hồ sơ xin cấp phép của công trình trên.
(Theo Dân Trí)

Đất phía đông Hà Nội: Khó "sốt" nóng?


Bất động sản phía đông đang mở ra những cơ hội đầu tư mới, nhưng với những lợi thế về tự nhiên, sự cải thiện về giao thông, hạ tầng,… khu vực này liệu có xảy ra một đợt “sốt” đất ảo?

Khó “sốt” nóng

Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, tại thời điểm hiện tại, việc “sốt” đất ở bất cứ khu vực nào là điều khó xảy ra. Việc giá đất có “nhúc nhích” đi lên chủ yếu là do nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển của một khu vực nào đó.

Tại cuộc hội thảo giải pháp tổng thể cho thị trường bất động sản năm 2012 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, năm 2012 sẽ là một năm hết sức khó khăn của thị trường và các doanh nghiệp.

“Địa ốc ít giao dịch, thanh khoản chậm còn doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, lãi suất cho vay còn cao. Địa ốc năm nay sẽ rất khó sốt nóng", ông Hà thẳng thắn.

Như vậy, về tổng thể, theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý, việc bất động sản “sốt nóng” là khó xảy ra. Tuy nhiên, câu chuyện về giá đất Ba Vì tăng cao hồi năm 2009 do những thông tin về quy hoạch đã đặt ra một bài toán mới với nhiều nhà đầu tư bất động sản gần đây là “Liệu sự nhích lên về giá của đất khu vực phía đông có phải là dấu hiệu của một đợt sốt nóng mới?”.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc trung tâm môi giới nhà đất Hải Anh (Gia Lâm, Hà Nội), không thể dùng từ “sốt” để nói về giá đất ở khu vực phía đông ở thời điểm này được.

Đất phía đông Hà Nội: Khó "sốt" nóng? | ảnh 1
Đất phía đông, liệu có "sốt" ảo?

Bởi lẽ, ngoại trừ việc tăng giá trông thấy ở một số khu vực được cải thiện về giao thông rõ rệt như chân cầu Vĩnh Tuy hay ven các dự án khu đô thị mới, thì các khu còn lại giá đất chỉ nhích lên chưa đến 10% và hoàn toàn theo quy luật thông thường của thị trường, chứ không phải tăng ở mức “ồ ạt, đột biến” như các đợt “sốt nóng” trước đây.

Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Hải cho biết, khi ông mở trung tâm môi giới nhà đất Hải Anh hồi năm 2007, giá đất khu vực Sài Đồng (Gia Lâm) chỉ rơi vào tầm 10 – 15 triệu đồng/m2. Sau đó, khoảng 2 - 3 năm, giá ở mức trên 20 triệu đồng/m2, tức là tăng gấp đôi.

“Tuy tăng mạnh như vậy, nhưng giá đất không phải tăng một lúc 50%, mà nhích lên từ từ trong vòng 2 – 3 năm. Việc tăng này là ăn theo các khu công nghiệp, chứ không phải “sốt đất” do tin đồn” – ông Hải nói thêm.

Đồng tình với ông Hải, anh Minh, một nhà đầu tư địa ốc ước lượng, mức tăng giá lên 30% ở một số khu vực như cầu Vĩnh Tuy,…thời gian gần đây chỉ được coi là ấm lên, chứ không phải “sốt” theo kiểu hôm trước hôm sau một giá.

“Thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng trầm lắng. Nên việc “sốt” đất ở một khu vực nào đó là rất khó xảy ra. Đất phía đông tăng giá là do có nhiều người tìm hỏi mua”, anh Minh cho biết.

Tăng vì nhu cầu

Phân tích về việc tăng giá của bất động sản phía đông gần đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phát triển về phía đông mới đúng là thuận theo quy luật tự nhiên.

Một nguyên tắc trong phát triển đô thị là nơi nào ở vùng đất cao thì nơi ấy phát triển hơn. Đối với Hà Nội, địa hình khu vực phía đông cao hơn hẳn khu vực phía tây. Bằng chứng rõ rệt nhất là trận lụt lịch sử hồi năm 2008, phần phía tây của Hà Nội bị ngập sâu dưới nước, nhưng ở khu vực phía đông như Gia Lâm, Long Biên lại không hề bị ngập, có chăng chỉ là ngập cục bộ do hệ thống thoát nước.

Mặt khác, lý do các cụ ta trước kia chọn khu vực Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ là trung tâm là do địa hình ở đây cao nhất và khu vực địa hình này kéo dài qua sông Hồng sang tận Bắc Ninh.

Lý do khiến khu vực phía đông xưa nay chưa phát triển bằng khu vực phía tây do những khó khăn về giao thông, nên nhiều người dân có tâm lý ngại “qua sông”. Hơn nữa, việc quy hoạch phát triển về phía tây cũng khiến cho đất tại khu vực này hút sự chú ý của các nhà đầu tư hơn.

Với việc đi vào hoạt động cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì và tới đây là cầu Nhật Tân, giao thông tại khu vực này được cải thiện rõ rệt, nên việc phát triển về phía đông là đúng theo quy luật tự nhiên.

Mặt khác, trục Hà Nội – Hải Phòng nằm trong tứ giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Lạng Sơn là phía đông chứ không phải phía tây. Vì vậy, trong tương lai, việc phát triển kinh tế, giao lưu thương mại sẽ nằm ở khu vực phía đông.

Ngoài ra, về mặt phong thủy “tựa sơn hướng thủy” thì rõ ràng phía đông là hướng ra biển, nên phát triển theo hướng này là thuận theo tự nhiên.

Với những ưu thế như vậy, liệu có xảy ra “sốt” đất tại khu vực này trong thời gian tới hay không, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: “Đây là điều khó xảy ra. Giá đất sẽ tăng từ từ, chứ không thể đẩy giá lên cao ngay một lúc được. Bởi lẽ, đây là tăng vì nhu cầu, chứ không phải vì đầu cơ”.

(Theo VTC)

"Tắc" sổ đỏ nhà dự án: Buông lỏng quản lý, chủ đầu tư nhờn luật


Cả vạn hộ dân mua nhà tại các dự án nhà tại Hà Nội, Tp.HCM đang mỏi mòn chờ sổ đỏ. Nguyên nhân do chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế, tự ý nâng tầng, chuyển nhượng đất và dự án trái phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước...
"Tắc" sổ đỏ nhà dự án: Buông lỏng quản lý, chủ đầu tư nhờn luật | ảnh 1
Hàng trăm hộ dân tại The Manor đã phải chờ sổ đỏ 5 năm nay.   Ảnh: Minh Tuấn.

Giao nhà 5 năm vẫn chưa có sổ đỏ

Bà Nguyễn Nhung Hạnh – Tổ trưởng dân cư khu căn hộ-biệt thự thuộc The Manor cho biết, đã 5 năm chuyển đến ở tại khu The Manor thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm mà 500 hộ dân tại đây vẫn chưa nhận được sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở).

Họ đã sống tại đây trong tình trạng không có giấy chứng nhận hợp pháp của nhà nước về nhà ở nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, chủ đầu tư là Cty Bitexco vi phạm quy định của nhà nước khi triển khai dự án.

“Suốt năm qua chúng tôi đã phải chạy vạy gõ cửa nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nhưng vẫn chưa có kết quả. Không có sổ đỏ, nhà rao bán rẻ vẫn không có người mua, không được thế chấp ngân hàng huy động vốn kinh doanh”-bà Hạnh nói.

Năm 2004, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thăng Long được thành phố chấp thuận giao 9.992 m2 đất xây khu KTX sinh viên.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã ký “Hợp đồng đầu tư” với nhiều hộ dân có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội. Và cũng chính vì giao dịch kiểu “lách luật” này, đã dẫn đến tình trạng là cả trăm căn hộ tại đây chưa biết ngày nào mới được cấp sổ đỏ.

Không có sổ đỏ, nhiều hộ dân tại đây còn bị từ chối khi muốn nhập hộ khẩu, việc xin cho con đi học cũng gặp khó khăn. Trường hợp đáng buồn khác đó là hàng chục hộ dân mua nhà chung cư của dự án 151 A Nguyễn Đức Cảnh – Hà Nội.

Mua nhà đã hơn 4 năm, vất vả đi tìm hỏi mãi các gia đình ở đây mới ngã ngửa khi hay tin chủ đầu tư đã vi phạm trong chuyển nhượng dự án và nay đã giải thể rồi!

Tìm đến cơ quan chức năng của thành phố thì chỉ biết là phải chờ để xử lý. Tại hàng chục dự án khác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, người dân đang phải è cổ gánh chịu hậu quả do kiểu làm ăn chụp giật, vi phạm pháp luật của chủ đầu tư gây ra...

Quản lý buông lỏng, chủ đầu tư nhờn luật

Ông Trần Hùng Phi – Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, tình hình cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội, Tp.HCM và cả nước hiện rất chậm.

Bộ TN&MT đã khảo sát tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2011, Bộ TN&MT cùng Bộ Xây dựng kiểm tra trực tiếp 19 dự án tại Hà Nội và Tp.HCM.

Nếu tính trên tổng các dự án đầu tư nhà ở được duyệt thì mới hoàn thành khoảng 19% sổ đỏ so với yêu cầu. Riêng Hà Nội thì chưa đạt 10% so với yêu cầu. Tp.HCM đạt khoảng 30% so với yêu cầu.

Tỷ lệ sổ đỏ được cấp trên tổng số nhà đã bàn giao cho người dân tại Hà Nội chỉ chiếm khoảng 20%.

Nguyên nhân của tình trạng này là chủ đầu tư không chấp hành Luật Đất đai, quy định của pháp luật về nhà ở và xây dựng. Cụ thể là xây dựng không đúng quy hoạch, thiết kế, giấy phép được duyệt.

Theo quy định phải xây nhà xong mới bán, nhưng chủ đầu tư lại chia lô bán nền dẫn đến nhà không được đưa vào sử dụng, để hoang rất lãng phí.

Hiện có nhiều dạng vi phạm khác như chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất dẫn đến bên nhận chuyển nhượng đã xây xong nhà bán nhưng lại chưa có quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và Tp.HCM đã không thực hiện đúng quy định pháp luật như, tính thiếu nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc tạm tính như dự án khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra.

Nhiều bộ ngành vào cuộc tháo gỡ

Ông Trần Hùng Phi cho biết, Bộ TN&MT đã có ý kiến chỉ đạo Hà Nội và Tp.HCM có báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể để nhằm khắc phục tình trạng này.

Các Bộ TN&MT, Tài chính, Xây dựng cũng đang bàn phương án tháo gỡ. Nếu sai phạm thuộc về chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Nếu sai phạm không phải người dân gây ra thì phải tìm mọi cách để cấp giấy cho dân.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phi có nhiều cái khó không dễ giải quyết. Ví dụ có tình trạng hai doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho nhau sau đó một bên lại giải thể rồi thì bây giờ rất khó xử lý vì tiền thì chủ đầu tư đã thu của dân nhưng lại chưa nộp gì cho nhà nước.

“Những trường hợp phức tạp, chúng tôi phải xin ý kiến các bộ ngành và Chính phủ”-ông Phi cho hay.

Với những trường hợp như cấp phép 10 tầng nhưng lại xây lên 12 tầng thì những phần hợp pháp thì cấp sổ đỏ trước, phần sai thì chờ xử lý.

Một số dự án chủ đầu tư đã xây dựng gần xong dự án nhưng còn một phần đất nhỏ vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc đang tranh chấp khiếu kiện thì cần cấp sổ cho những phần đã xong, không nên cứng nhắc.

Từ chối cấp sổ đỏ trong trường hợp như vậy là không cần thiết. Có trường hợp chủ đầu tư phân lô rồi xây nhà cho dân nhưng không đúng thiết kế, xây nhà ra cả đất lưu không dẫn đến không cấp được sổ đỏ. Trường hợp này Bộ TN&MT yêu cầu thành phố kiểm tra xử lý dứt điểm.

Trường hợp chủ đầu tư đã giải thể, Bộ TN&MT dự kiến vẫn chấp thuận cho làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, người dân tự đến nộp hồ sơ làm thủ tục, nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất nhà.

Theo Bộ TN&MT trong quý II-2012 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể tháo gỡ vướng mắc. “Trước yêu cầu phải mở cơ chế tháo gỡ, vẫn có ý kiến cho rằng làm như vậy có thể dẫn đến nhờn luật. Liệu có tình trạng cứ làm sai rồi nhà nước lại cho hợp lý hoá?”-ông Trần Hùng Phi nói.

Trách nhiệm kiểm soát các dự án nhà ở của chính quyền địa phương là rất lớn. Sai phạm khi Tổng Cty Sông Đà chuyển nhượng dự án cho Bitexco để xây khu nhà The Manor là sai phạm điển hình, chủ đầu tư bất chấp pháp luật” - Cục trưởng Cục đăng ký và Thống kê đất đai Trần Hùng Phi.
(Theo TPO)