24 tháng 5, 2012

Hà Nội: Chưa có ý kiến chính thức về việc bán trụ sở Bộ GTVT


Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị trong cuộc trao đổi với chúng tôi chiều qua.
>>Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở!

Trao đổi với phóng viên báo chí bên lề kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII về chủ trương bán theo giá thị trường trụ sở của một số bộ, ngành trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, đó chỉ là ý kiến của Bộ GTVT chứ chưa phải là phương án được chấp thuận. Hiện nay, Hà Nội vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào về vấn đề này.

Hà Nội: Chưa có ý kiến chính thức về việc bán trụ sở Bộ GTVT | ảnh 1
Trụ sở Bộ Giao thông - Vận tải. Ảnh: VNN

Theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, phương án nào đưa ra cũng phải có điều kiện cụ thể. Trong trường hợp cho bán đấu giá, nhưng đấu giá để làm gì trên khu đất ấy thì mức giá sẽ khác nhau. Việc bán đấu giá để làm công viên thì chắc chắn giá không cao, còn bán đấu giá để làm căn hộ hoặc trường học thì giá sẽ khác.

Được biết, vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ GTVT đã thông báo về việc di dời trụ sở mới, được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 2469 ngày 29//12/2011, đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại số 80 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo giá thị trường. Việc chuyển nhượng này phải bảo đảm nguyên tắc giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý.
(Theo HNM)

Quảng Ninh: Phải hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất trước 24/5


Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về lập quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2020, rà soát đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh: Phải hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất trước 24/5 | ảnh 1
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2020 tổng diện tích tự nhiên của Quảng Ninh là 610.235ha bao gồm đất nông nghiệp 445.226ha, đất phi nông nghiệp 130.510ha, đất chưa sử dụng 34.500ha…

Phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy mô phát triển và đặc thù từng vùng, hình thành các trung tâm kinh tế, khu đô thị, khu du lịch...

Về kết quả thực hiện giao đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, đến nay số hộ được giao đất nông nghiệp là 82.605 hộ với diện tích 28.578ha. Trong đó, số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 99%.

Đối với kết quả rà soát đất nông nghiệp giao 20 năm cho các hộ gia đình, đến nay có tổng diện tích trên 31.476 ha, với tổng số hộ dân được giao đất là 99.229 hộ.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đất công nghiệp, đất nhà ở đề nghị thực hiện theo chỉ tiêu của Trung ương phân bổ. Đồng thời đề nghị bộ phận soạn thảo hoàn chỉnh quy hoạch xong trước ngày 24/5 để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Đối với nội dung rà soát đất nông nghiệp, đồng chí đề nghị các địa phương đặc biệt chú trọng công tác quản lý đất bãi triều, tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân.
(Theo Báo Quảng Ninh)

Làm nhà cho thuê - Chính sách ưu đãi không đủ sức hút


Hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam vẫn trong tình trạng lao dốc, giá nhà đất giảm ở hầu như khắp các đô thị trên cả nước và chưa có dấu hiệu gì sẽ hồi phục. Những thông tin “giá bất động sản tiếp tục xuống, giao dịch trầm lắng” trở nên quen thuộc trên các phương tiện truyền thông.

BĐS Việt Nam - Những hướng nhìn dài hạn | ảnh 1
Giá bán căn hộ được dự báo sẽ còn giảm - Ảnh: T.Tùng

Vẫn chưa tới đáy

Với chủ dự án căn hộ, doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp đang “ôm” hàng, tâm trạng của họ là mong giai đoạn đáy sớm kết thúc, thị trường nhanh chóng “leo dốc” trở lại. Còn với những người có nhu cầu mua bất động sản, họ kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, đáy sẽ còn được đào sâu nữa.

Có vẻ như diễn tiến thị trường đang ủng hộ người mua, dù cho bên bán liên tục “đăng đàn” tuyên bố giá đã xuống hết mức có thể, với giá đó người bán đã phải chịu lỗ.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng sắp tới sẽ là thời điểm đi lên của thị trường, vì giá bất động sản đã ở mức thấp nhất trong mấy năm qua. Ông Mai lý giải, theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp bất động sản, lợi nhuận của hầu hết các dự án đều âm, tức là việc thực hiện các dự án bất động sản không thu được lợi nhuận nữa.

Điều này có đồng nghĩa với “giá bán tại thời điểm này là thấp nhất”, “đây cũng là cơ hội tốt cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm vừa ý, hợp túi tiền” và “niềm tin của thị trường sẽ sớm được cải thiện, thị trường sẽ có chiều hướng đi lên” hay không thì còn phải bàn.

Thị trường tuân theo quy luật cung cầu, không hẳn người bán cứ chào hàng ở giá “không có lời” thì người mua sẽ vào cuộc. Người ta chỉ mua một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó khi cảm thấy thu được lợi ích từ hoạt động mua đó.

Khi thị trường lên cơn “sốt”, ai cũng biết giá đất đai, căn hộ quá cao so với giá trị thực, mua là “mua đắt” nhưng vẫn đổ xô vào, vì họ tin rằng việc mua đấy có lợi cho họ.

Nhà đầu tư thứ cấp cho rằng giá sẽ còn cao hơn, mình sẽ bán lại thu được lợi nhuận; người có nhu cầu thực sợ rằng nếu không mua, sau một thời gian giá còn cao nữa, mình sẽ bị thiệt.

Còn bây giờ, nhà đầu tư thứ cấp “mua rẻ” để làm gì, khi dự đoán rằng mua xong cũng không biết bán lại cho ai! Những người có nhu cầu thực, do dự đoán giá còn hạ nữa nên sẽ còn chờ để có thể mua với giá rẻ hơn nữa.

Vậy nên, “giá rẻ” chưa hẳn đã được thị trường chấp nhận, nếu nó vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của người mua; nói cách khác là phía cung chưa đáp ứng được đòi hỏi giá thấp hơn nữa từ phía cầu. Cũng như “giá cao” thời gian trước đó chưa hẳn là bất lợi với người bán nếu cầu lớn hơn cung.

Khi thông tin các ban ngành cũng như cơ quan chức năng có những động thái “nâng đỡ” các chủ doanh nghiệp bất động sản, như nới lỏng tín dụng đối với lĩnh vực này, tạo điều kiện cho các ngân hàng đảo nợ, giãn nợ đối với các khoản vay cho các doanh nghiệp bất động sản, cho các dự án không hoàn thành sau năm 2012 cũng được vay vốn…, nhiều người tỏ ý lo ngại sự can thiệp ấy có thể làm lệch lạc thị trường.

Nếu có một sự đổ vốn ồ ạt vào thị trường này khiến giá nhà đất tăng trở lại một cách không thực chất, thì những hệ lụy sau đó sẽ rất nguy hiểm. Một chính sách kiểm soát chặt chẽ về tín dụng với bất động sản, để thị trường tự điều tiết là điều nên làm trong dài hạn.

Nâng đỡ thị trường, nên thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng để thị trường lâm vào tình trạng như hiện nay, lỗi chính là phía doanh nghiệp, muốn “ăn dày” nên đã đẩy giá căn hộ lên quá cao trong một thời gian dài.

Dẫn chứng: Như tuyên bố của một doanh nghiệp, năm 2009 họ đã giảm giá căn hộ 40%, năm 2011 giảm thêm 20% và sắp tới sẽ có căn hộ được bán với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí mà vẫn có lời.

Vậy nếu doanh nghiệp không giảm giá thì mức sinh lời sẽ kinh khủng đến thế nào? Theo tính toán, giá thành xây dựng một chung cư 20 tầng là khoảng 11 triệu đồng/m2 nếu là chung cư bình dân, và khoảng 15 triệu đồng/m2 nếu là chung cư cao cấp.

Như vậy, nếu một căn hộ có giá bán lên tới 25-30 triệu đồng/m2, thì chỉ có thể lý giải, hoặc những chi phí “ngoài xây dựng” quá cao, hoặc mức lãi của doanh nghiệp dự tính là quá lớn. Giờ thì một số doanh nghiệp bất động sản đã quyết định giảm mạnh giá bán để tự giải thoát mình, tuy nhiên cũng không ít doanh nghiệp cương quyết gồng mình giữ giá.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản có thể sụt giảm liên tục trong khoảng năm ba năm, nhưng không vì thế mà có một sự sụp đổ, mà chỉ là “quãng nghỉ” cho một làn sóng đầu tư mới. Tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế là rất rõ ràng.

Ngay ở các nước phát triển, chỉ số căn hộ xây mới, số căn hộ bán được hằng quý, hằng năm luôn là tiêu chí quan trọng để biết nền kinh tế ấy vẫn phát triển tốt hay đang trì trệ.

Bởi một khi thị trường bất động sản phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác như xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội, ngoại thất, đồ gia dụng, dịch vụ xây dựng... phát triển theo.

Khi thị trường bất động sản đóng băng, sụt giảm như tình trạng hiện nay của nước ta, các ngành liên quan cũng gặp khó. Ở nước ta, nguồn vốn chủ yếu cung cấp cho thị trường chưa đa dạng mà chỉ đến từ các ngân hàng, thế nên trong giai đoạn tái cơ cấu ngành ngân hàng, tín dụng bất động sản không được khuyến khích như hiện nay, thị trường bất động sản gặp khó là tất yếu.

Thay vì lo lắng giải cứu thị trường bất động sản bằng những giải pháp tình thế, điều các cơ quan chức năng nên làm là tạo thuận lợi cho việc mua bán, thủ tục, cơ sở pháp lý cho những vấn đề liên quan đến tín dụng cho bất động sản…, còn thì tập trung vào những phân khúc mà doanh nghiệp khó thể tham gia, đó là nhà cho người có thu nhập thấp và nhà cho thuê.

Phải có bộ phận chuyên trách việc này, đứng ra quy hoạch đất sạch, tìm nguồn tiền đầu tư, quản lý, đấu thầu xây dựng, giám sát việc bán, cho thuê đúng đối tượng. Có thế mới tạo ra nguồn cung đúng cho người có nhu cầu thực ở loại hình này.

Còn với cách làm như lâu nay - giao hết cho doanh nghiệp kèm một số chính sách ưu đãi về thuế, đất đai…, không cần biết họ lấy vốn ở đâu để xây dựng, xây dựng xong có được người thu nhập thấp chấp nhận mức giá hay không, người thu nhập thấp có đủ tiền để mua, thuê hay không - thì câu chuyện nhà ở xã hội vẫn tiếp tục khó có lời giải.
(Theo Doanh Nhân Sài Gòn)

Địa ốc Tp.HCM: Âm thầm "gom" khách


Một trong những cách giúp các công ty địa ốc bán hàng trong tình hình hiện nay là tiếp thị trực tiếp đến nhóm khách hàng có nhu cầu.
Trước đây, khi chào bán dự án, các chủ đầu tư và công ty môi giới thường làm chương trình truyền thông khá rầm rộ, nay việc chào bán diễn đang ra âm thầm hơn và có chọn lọc đối tượng khách hàng hơn.

Địa ốc Tp.HCM: Âm thầm "gom" khách | ảnh 1
Phối cảnh một dự án căn hộ trên đường Liên Phường quận 9, Tp.HCM. Ảnh: TL.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, cho biết ở những thời điểm thị trường tốt hàng loạt các dự án chào bán, thu hút nhiều nhà đầu tư phong trào bên cạnh những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình thị trường trầm lắng thời gian vừa qua đã loại bớt những người mua bất động sản theo phong trào. Do vậy, các doanh nghiệp, theo ông Tuấn, đã phải thay đổi cách bán hàng bằng cách tiếp thị trực tiếp để chọn lọc khách hàng, thậm chí cử nhân viên tới tận nhà để tư vấn tìm khách hàng.

Đó cũng là cách công ty này rỉ rả tìm khách hàng cho các sản phẩm đất nền thuộc dự án Green River City tại Mỹ Phước 4, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thời gian vừa qua, và đang chuẩn bị chào bán một dự án khác tại trung tâm Thành phố mới Bình Dương vào cuối tháng tới.

Cũng tại Bình Dương, Công ty cổ phần SetiaBecamex cũng đang tìm kiếm khách hàng cho dự án khu nhà phố thương mại EcoWalk thuộc giai đoạn hai dự án khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước.

Nhà đầu tư của Malaysia này cho biết khu nhà phố thương mại được xây từ 2 - 3 tầng và đã hoàn thiện mặt ngoài, có giá bán từ 3,5 tỉ đồng/căn. Theo kế hoạch thì việc xây dựng khu phố thương mại này sẽ hoàn thành vào quý bốn năm 2013.

Để thu hút khách hàng, SetiaBecamex áp dụng mô hình 40/60 cho khu nhà phố thương mại, theo đó người mua trả trước 40% giá nhà khi ký hợp đồng và thanh toán làm bốn đợt, sau đó, không cần phải trả thêm bất kỳ khoản nào trong suốt thời gian xây dựng. Khi hoàn thành xây dựng, người mua có thêm sáu tháng nữa để thanh toán hết số tiền còn lại.

Ông Leong Swee Chow, Tổng giám đốc SetiaBecamex, cho rằng chương trình 40/60 tạo sự linh hoạt tối đa cho người mua, giúp họ có đến hai năm để lập kế hoạch tài chính.

Trước đó, công ty này khá thành công với mô hình thanh toán 30/70 cho các sản phẩm chào bán trong giai đoạn 1 với khoảng 310 căn nhà phố và biệt thự đã được hoàn thành và bàn giao cho các cư dân từ đầu năm 2011.

Trong khi đó tại Tp.HCM, Công ty TNHH Hùng Việt và KRDF03 của Hàn Quốc đang tìm khách hàng cho những căn hộ đầu tiên của dự án The Eastern trên đường Liên Phường, quận 9, Tp.HCM.

Dự án có vốn đầu tư khoảng 40 triệu đô la Mỹ, gồm 648 căn hộ có diện tích từ 56 – 112 mét vuông, có giá bán từ 1,2 – 2,4 tỉ đồng/căn. Theo kế hoạch, The Eastern sẽ được hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng vào cuối năm 2013.

Chủ đầu tư dự định sẽ chào bán 100 căn hộ đầu tiên, với phương thức thanh toán 10% giá trị căn hộ, phần còn khách hàng lại sẽ đóng vào thời điểm nhận nhà.

Đại diện công ty này cho biết mặc dù đến cuối tháng 6 tới dự án mới chính thức chào bán, nhưng phương thức tiếp cận khách hàng trực tiếp của công ty và một số sàn phân phối cho thấy tín hiệu rất khả quan khi lượng khách quan tâm đến dự án và đã có một số khách hàng đặt chỗ mua căn hộ tại dự án này.
(Theo TBKTSG)

Nhà đầu tư không đoái hoài đến nhà trên giấy


Khách hàng mua bất động sản bây giờ đều có chung tâm lý phải nhìn tận mắt, sở tận tay sản phẩm căn hộ hình thành trong tương lai thay vì mua nhà trên bản vẽ.

Mua nhà phải nhìn tận mắt

Khách hàng mua chung cư dường như đang bị khủng hoảng niềm tin do việc mua bán nhà trên giấy gây ra. Để khôi phục lại niềm tin khách hàng, nhiều chủ đầu tư lớn đã tập trung đầu tư, xây dựng nhà mẫu để chiều lòng khách hàng của mình. Điều đáng nói, trong bối cảnh khó khăn không chỉ có những công ty bất động sản tư nhân mà ngay cả các đại gia lớn như Tập đoàn HUD, Vinaconex, ... cũng rất chăm chút làm nhà mẫu

Đơn cử, Tập đoàn HUD đã khai trương căn hộ mẫu và mở bán dự án Green Life Tower tại Linh Đàm… Đây là dạng căn hộ cao cấp, được thực hiện đầu tư theo hình thức chìa khóa trao tay, có nghĩa được trang bị đầy đủ thiết bị nội thất như bếp tủ, điều hòa…

Theo lãnh đạo HUD, doanh nghiệp này đã phối hợp với đơn vị tiếp thị độc quyền để xây dựng phương án nhà mẫu y nhà thật, làm ngay tại dự án với kích cỡ diện tích giống các căn hộ điển hình để người mua dễ dàng hình dung căn hộ tương lai.

Mới đây, khi mở bán dự án đợt 2, Công ty CP Đầu tư Mai Linh cũng tiến hành khai trương căn hộ mẫu dự án Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nôi). Đây là tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp với đầy đủ tiện nghị hiện đại. Được xây dựng theo hình thức chìa khóa trao tay cho khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Ủy viên HĐQT Công ty Đầu tư Mai Linh, doanh nghiệp đã bỏ ra không dưới cả chục tỷ đồng để làm các căn nhà mẫu với diện tích khác nhau để khách hàng mua nhà xem. Thậm chí, khách hàng có thể kiểm tra chất lượng, thiết bị, thiết kế có phù hợp hay không. Khi ký hợp đồng, tất cả chi tiết được liệt kê trong gói nội thất được công ty cam kết nếu cắt giảm bất kỳ hạng mục nào sẽ giảm giá trị tương ứng cho khách hàng khách hàng yên tâm.

Nhà đầu tư không đoái hoài đến nhà trên giấy | ảnh 1
Nhà mẫu dự án Golden Palace (Mễ Trì)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT công ty CP GP Invest cho biết, dự án chung cư đang rất ế ẩm vì vậy là một trong những doanh nghiệp đâu tư xây dựng nhiều dự án chung cư, ông cũng đang hết sức lo lắng cân nhắc. Mặc dù dòng sản phẩm GP Invest chọn là phân khúc chung cư bình dân nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ tiến hành làm nhà mẫu với phương châm để khách hàng cấp mà chỉ chung cư bình dân với phương chậm nhìn tận mắt sờ tận tay để khách hàng không phải mua nhà trên giấy nữa.

“Người mua nhà không phải như vài năm trước cứ cắm đầu cắm cổ vào mua mà không hề biết sản phẩm mình sẽ nhận trong tương lai là gì” ông Hiệp nhấn mạnh.

Chọn mặt gửi vàng

Trong cơn lốc đầu tư bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào thị trường nhưng với sự không chuyên và kinh nghiệm non nớt, kết cục là sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư sau khi huy động tiền đầu tư hàng trăm, hàng nghìn khách hàng nhưng không thực hiện dự án mà đem tiền đi đầu tư dàn trải khắp nơi. Điều này khiến cho khách hàng gặp nhiều rủi ro tiền mất, tật mang.

Trong cuộc chơi khắc nghiệt thời gian vừa qua, đa phần những chủ đầu tư yếu kém đã phải chấp nhận tự loại mình khỏi cuộc chơi do không chịu được sức ép về tài chính. Nhờ vậy, thị trường bất động sản cũng trong sạch và minh bạch hơn được nhiều phần.

Nhà đầu tư không đoái hoài đến nhà trên giấy | ảnh 2
Nhà mẫu dự án Green Life Tower

Theo phân tích chuyên gia Đinh Thế Hiển, khi mua căn hộ khách hàng phải xem kỹ hợp đồng, năng lực chủ đầu tư, tiến độ dự án, các tiện ích…

“Mua căn hộ cũng như mua hàng hóa tiêu dùng, tức là phải chọn chủ đầu tư có năng lực, uy tín. Dự án phải được thiết kế, giám sát bởi những đơn vị có uy tín. Bởi như thế, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện dự án theo chất lượng đã công bố”, ông Hiển phân tích.

Hiện trên thị trường đang tồn tại song song hai hình thức là mua và góp vốn đầu tư. Góp vốn đầu tư rất rủi ro, bởi nếu chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ cũng khó khởi kiện được. Do đó khách hàng nên ký hợp đồng mua bất động sản và kiểm tra các thông tin như: giấy phép xây dựng, đất đã chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đã hoàn thành các nghĩa vụ, các khoản thuế với nhà nước và đặc biệt là phải hoàn thành xong phần móng...

Đặc biệt, yêu cầu chủ đầu tư cam về chất lượng sản phẩm bằng cách đưa vào hợp đồng danh mục các loại vật tư, trang thiết bị dùng cho căn hộ… Phải xem xét mật độ xây dựng. Làm sao phải đảm bảo mỗi căn hộ phải có một chỗ đậu ô tô vì không chỉ mua căn nhà mà mua cả không gian sống. Yêu cầu chủ đầu tư đưa vào trong hợp đồng phí bảo trì, phí quản lý căn hộ theo quy định của nhà nước để tránh tranh chấp về sau.
(Theo VnMedia)

Căn hộ giá trung bình Tp.HCM: Nhà đầu tư thứ cấp rao bán dưới giá gốc


Sau thời gian dài nghe ngóng, các nhà đầu tư thứ cấp đã quyết định rao bán căn hộ với giá thấp hơn giá gốc khoảng 20%.
Gói tín dụng với lãi suất thấp trị giá 6.000 tỷ đồng để “cứu trợ” thị trường bất động sản (BĐS) của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được công bố mới đây đã khiến thị trường căn hộ giá thấp rục rịch chuyển động. Tuy nhiên, giao dịch thành công chưa nhiều và một số nhà đầu tư thứ cấp đã tranh thủ rao bán căn hộ với giá thấp hơn giá gốc khoảng 20%.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, gói cứu trợ của BIDV chỉ giúp được một số DN, chứ không chữa trị tận gốc “căn bệnh” của thị trường bất động sản. Gói giải pháp này chỉ giúp các DN ốm yếu duy trì hoạt động. Cái gốc của vấn đề là cần hỗ trợ nhu cầu thực và trong khả năng thanh toán của khách hàng.

Trên địa bàn Tp.HCM, thời gian vừa qua có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý khách hàng, trong đó có phát biểu gây sốc của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai rằng, Công ty sẽ giảm 50% giá bán căn hộ trong tháng 6, nhưng vẫn có lãi.

Thị trường chung cư giá thấp được cho là “chạm đáy” cũng liên tục tụt dốc. Tại thời điểm này, ngân hàng hạ lãi suất cùng gói cho vay mua nhà của BIDV được nhiều khách hàng đưa vào tính toán: mua nhà hay thuê.

Chị Đoàn Thanh Phương vừa mua lại một căn hộ chung cư ở quận 7, Tp.HCM cho biết, chị mua lại căn hộ 71 m2 với giá 800 triệu đồng, giảm gần 20% so với giá gốc, vì đến hạn giao nhà mà người mua không có tiền đóng 50% còn lại nên đành bán. Để mua căn hộ này, chị chỉ phải đi vay gần 300 triệu đồng.

Căn hộ giá trung bình Tp.HCM: Nhà đầu tư thứ cấp rao bán dưới giá gốc | ảnh 1
Nhiều nhà đầu tư thứ cấp quyết định xả hàng sau thời gian dài nghe ngóng, tính toán

Một số căn hộ chung cư đang được chào bán với giá thấp hơn giá gốc như căn hộ 70 m2 tại Chung cư Terra Gosa, huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Căn hộ này có giá gốc là 1,1 tỷ đồng, đang được khách hàng rao bán với giá 900 triệu đồng. Có khách hàng còn rao “đổi căn hộ chung cư lấy xe Camry hoặc Sonata 2011”.

Trao đổi với ĐTCK, một số nhà đầu tư bất động sản thứ cấp chia sẻ, họ quyết định xả hàng sau thời gian dài nghe ngóng, tính toán. Theo họ, thời điểm này thích hợp cho cả người bán lẫn người mua. Thời điểm cách đây 1 - 6 tháng có muốn xả hàng cũng không dễ, bởi tính bấp bênh của thị trường và lãi suất ngân hàng ở mức cao.

Thị trường căn hộ chung cư tại Tp.HCM tuần qua có dấu hiệu sôi động trở lại của nhiều dự án có giá từ 10 - 17 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư chọn thời điểm này để bung hàng và hy vọng thị trường sẽ ấm dần, còn khách hàng hy vọng mua được căn hộ giảm giá của những NĐT nhỏ lẻ sang tên. Căn hộ có diện tích trung bình từ 55 - 75 m2 đang được chào bán khá nhiều. Chẳng hạn, căn hộ Chung cư Phố đông Hoa Sen (quận 9), diện tích từ 55 - 94 m2, giá 9 triệu đồng/m2; căn hộ Era Town (quận 7), diện tích từ 66 - 90 m2, giá 14,4 triệu đồng/m2; căn hộ PetroLand Tower (quận 2), diện tích từ 66 - 105 m2, giá 13,7 triệu đồng/m2...
(Theo ĐTCK)

Các sàn BĐS tung đủ chiêu để hút khách


Khi trên thị trường chào bán đầy rẫy các sản phẩm BĐS, giữa các sàn giao dịch BĐS đang diễn ra cuộc chiến ngầm cạnh tranh khốc liệt để giành giật số khách ít ỏi.
Đã nhiều tháng nay, thị trường BĐS ít giao dịch thành công. Vì vậy, rất nhiều sàn giao dịch BĐS đã lặng lẽ đóng cửa hoặc giải thể. Những sàn giao dịch ít ỏi còn hoạt động thì phải cạnh tranh nhau quyết liệt để giành được miếng bánh thị trường đang ngày càng eo hẹp.

Từ giữ chân khách hàng bằng tiền cọc

Anh Trần Quang Hiển, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, khi thị trường BĐS còn sốt, các sàn giao dịch BĐS cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc giành được quyền bán sản phẩm nào đó. Một khi đã có hàng để bán, kiểu gì sàn cũng kiếm được lợi nhuận từ vài chục triệu, đến vài trăm triệu đồng tiền chênh, vì người mua khi ấy không thiếu. Nhưng đến thời điểm hiện nay, sản phẩm rao bán quá nhiều, trong khi khách có nhu cầu mua hàng thật sự rất ít, lại cực kỳ khó tính. Vì vậy, vấn đề cốt yếu của các sàn giao dịch là tìm mọi cách ràng buộc khách hàng, để khách hàng không chuyển qua các sàn giao dịch đối thủ. Nếu làm được việc này, khả năng bán được hàng sẽ rất cao.

Các sàn BĐS tung đủ chiêu để hút khách | ảnh 1
Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 913 sàn giao dịch BĐS

Anh Hiển tiết lộ một “độc chiêu” giữ chân khách hàng đã được nhiều sàn áp dụng trong thời gian qua. Ấy là việc nhân viên kinh doanh bịa ra một sản phẩm phù hợp với mọi yêu cầu của khách hàng để yêu cầu khách hàng đặt cọc tiền. Sau khi khách đã đặt cọc, nhân viên sẽ thông báo cho khách hàng một tình huống mới là sản phẩm ấy đã được bán cho người khác, hoặc chủ nhân của sản phẩm vừa tăng giá bán, rồi hướng sự quan tâm của khách hàng sang một sản phẩm khác.

Trong trường hợp này, dù rất ấm ức và thất vọng, nhưng nhiều khách hàng không thể chuyển sang sàn giao dịch khác, vì không rút được tiền đặt cọc.

Đến săn hàng độc quyền đại hạ giá

Muốn có được các giao dịch thành công và có nguồn thu lớn, các sàn BĐS bắt buộc phải tìm được những sản phẩm độc quyền. Đó là những sản phẩm đại hạ giá do chủ nhân quá bí bách về tài chính. Nếu có sản phẩm này, việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng. Thậm chí, các sàn còn có thể nâng thêm giá bán để hưởng chênh lệch nếu mức chào bán ban đầu quá thấp.

Anh Nguyễn Văn Lâm, nhân viên kinh doanh thuộc sàn giao dịch BĐS Tấc vàng trên đường Lê Văn Lương cho biết, phần lớn các sản phẩm chào bán đầy rẫy trên các trang mạng rao vặt và tại các sàn BĐS không phù hợp những tiêu chí lựa chọn của khách hàng. Nếu có sản phẩm phù hợp, nhiều khách hàng cũng chỉ coi sàn giao dịch là nơi tham khảo giá và tìm hiểu thông tin sản phẩm, chứ giao dịch thật, khách hàng sẽ tìm đến tận chủ dự án để mua với giá gốc.

Tuy nhiên, với những sản phẩm được bán với giá thấp hơn giá gốc của chủ đầu tư, lại tiếp tục được chiết khấu cho khách mua hàng, thì thị trường xấu đến mấy, những sản phẩm này vẫn dễ dàng tìm được người mua. Do thanh khoản của những sản phẩm này tốt nên các sàn tìm mọi cách để có được nguồn sản phẩm này. Thậm chí, nhiều nhân viên kinh doanh của các sàn sẵn sàng ­­­­­­­­dùng “mưu sâu” để nẫng sản phẩm này từ tay đối thủ.

Theo anh Lâm, nếu có được nguồn hàng độc quyền, các sàn BĐS thường rất bí mật trong việc bảo vệ thông tin về chủ nhân, cũng như nhiều thông tin khác của sản phẩm. Tuy nhiên, các nhân viên kinh doanh của sàn đối thủ vẫn tìm đủ trò để có thông tin tiếp cận với chủ nhân sản phẩm để chiếm quyền bán hàng. Nhiều nhân viên kinh doanh của chính sàn có sản phẩm độc quyền, vì lợi ích cá nhân, cũng sẵn sàng “bắn” hồ sơ hoặc những thông tin về sản phẩm độc quyền này ra bên ngoài để ăn phần trăm.

Theo báo cáo của của Bộ Xây dựng, năm 2011, cả nước có 913 sàn giao dịch BĐS. Đến thời điểm hiện nay, chưa có con số thống kê chính xác cả nước có bao nhiêu sàn giao dịch BĐS. Thế nhưng, với việc hàng loạt sàn giao dịch BĐS đóng cửa thời gian qua, trong khi các sàn giao dịch BĐS còn lại hoạt động theo kiểu dẫm đạp lên nhau. Vì thế, tương lai của hoạt động môi giới BĐS và mô hình sàn giao dịch BĐS tại nhiều địa phương đang quá mờ mịt.
(Theo ĐTCK)

Chung cư cũ tại Hà Nội mất dần vị thế


Ông Minh, chủ một chung cư ở Nghĩa Tân đang sốt ruột vì rao bán cả tháng nay nhưng không có khách hàng. Cùng cảnh ngộ của thị trường bất động sản, chung cư cũ rao bán nhưng khách hàng vẫn thờ ơ.
Căn hộ  40m2 của nhà ông Minh đang được rao bán với giá gần 2 tỷ đồng. Mặc dù vẫn đã đăng thông tin rao bán gần tháng nay nhưng số người hỏi mua lác đác. Có người đến xem nhà nhưng vẫn thờ ơ chưa quyết định.

Không ít căn được chào bán với giá dưới 1 tỷ đồng như căn hộ C16B Kim Giang, Thanh Xuân, diện tích sử dụng 30m2 đang chào bán với giá chỉ 920 triệu đồng, nhà tập thể tầng 2 nhà A8 Kim Giang cũng bán giá 950 triệu đồng. Đây là mức giá khá phù hợp với người có nhu cầu để ở, song không nhiều người quan tâm.

Cách đây không lâu, chung cư cũ ở các khu vực trung tâm đông dân cư như Kim Liên, Phương Mai, Nghĩa Tân, Thanh Xuân, Giảng Võ,... luôn được người dân quan tâm bởi các căn hộ có diện tích nhỏ, vừa tiền, gần các khu vực đông dân cư, ổn định.
Chung cư cũ tại Hà Nội mất dần vị thế | ảnh 1
Nhận định về mảng chung cư cũ, ông Trần Bảo Tín, một nhân viên môi giới trong lĩnh vực này cho hay, sự hấp dẫn của các khu chung cư cũ này vẫn là do vị trí nằm trong các khu dân cư sinh sống ổn định trong đó hạ tầng giao thông, trường học, chợ búa...đầy đủ  khiến những người đang ở trong các căn hộ chung cư cũ không muốn thay đổi chỗ ở, rất ít người muốn bán Tuy nhiên, theo ông Tín, thời này số lượng người rao bán chung cư cũ  tăng lên, người quan tâm không nhiều.

Theo khảo sát, giá chung cư cũ tại một số quận trong nội thành Hà Nội có giá bán ở mức cao, dao động từ 35 - 60 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Một căn chung cư tại Thành Công, tầng 4 mặt ban công hướng ra,  diện tích 50m2, cải tạo  mới nhà đẹp thoáng mát, có sổ đỏ chính chủ đang được chủ nhà nhờ ông gửi bán với giá 2,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, căn hộ ở tầng 3 cùng khu vực đang bán với giá 1,82 tỷ đồng. căn tầng 1 khu vực chợ Thành Công diện tích cả nhà và cơi nới lên tới 80m2 cũng chỉ bán với giá 3,5 tỷ đồng. Tại khu vực quận Ba Đình, một căn hộ 46m2, đã cơi nới lên 53m2, tầng hai, khu tập thể Điện ảnh, 221 Hoàng Hoa Thám được rao bán với giá 4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc sàn Nhà đất Việt, cho rằng, tại thời điểm hiện nay chung cư cũ cũng khó bán. Trước đây, nhóm mua để đầu cơ đã không còn quan tâm tới phân khúc này bởi phải mất nguồn vốn lớn cũng như giá trị lợi nhuận không cao. Khách hàng chủ yếu vẫn là người có nhu cầu thật. Tuy nhiên, họ lại đang phân vân bởi mức giá bán tương đối cao thường cũng phải 30 triệu đồng/m2, bên cạnh đó nhiều khu chung cư cũ xuống cấp, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Huy, Sàn giao dịch bất động sản Hapulico nhận định, do có vị trí thuận tiện, diện tích vừa phải, chung cư cũ luôn là lựa chọn hàng đầu cho những gia đình có thu nhập vừa phải. Hiện, chung cư cũ đã không còn là lựa chọn hấp dẫn nữa bởi nó tồn tại quá nhiều nhược điểm, ngoài việc bị cạnh tranh gay gắt bởi những chung cư bình dân mới xây với đầy đủ thang máy, chỗ để ô tô, hạ tầng cơ sở rộng rãi thoáng mát. Tập thể cũ đã tồn tại hàng chục năm vốn đã xuống cấp nghiêm trọng, thiếu chỗ để xe, ngoài ra còn rình rập nguy cơ bị giải tỏa bất cứ lúc nào.

Nhận định phân khúc này trong thời gian tới, ông Ngọc cho rằng, chung cư cũ sẽ ít biến động, vẫn giữ giá bán và chỉ giảm giá bán sau khi có chính sách cải tạo.
(Theo VEF)