18 tháng 5, 2012

Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ?


Tại địa phương của ông Nguyễn Hữu Phương (phng.hng28@...), một số người dân khi nhận chuyển nhượng đất ở chỉ có giấy tờ viết tay và chữ ký của chủ hộ, không được chính quyền xác nhận, nhưng chủ mới đã sử dụng từ khi nhận chuyển nhượng đến nay (có trường hợp trước ngày 15/10/1993), phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp.
Nay, người dân đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhưng Hội đồng xét duyệt xã đề nghị huyện không cấp vì cho rằng không có xác nhận của chính quyền. Ông Phương hỏi: Việc xã trả lời như vậy có đúng quy định không?

Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ? | ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Trường hợp được cấp giấy chứng nhận QSDĐ:

Tại  Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định:  Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất: Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho QSDĐ hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất; Giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10 /1993; Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2004) chưa thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ theo quy định của pháp luật, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất.

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ theo quy định nêu trên nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất.

- Hộ  gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ theo quy định nêu nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành (1/7/2004), nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.

Đối với giấy tờ chuyển nhượng trước ngày 1/7/2004 không có xác nhận:

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 127 Luật  Đất đai năm 2003 thì hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Để khắc phục tình trạng hợp đồng, giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, tại Điều 11, Nghị định 84/2004/NĐ-CP ngày 25/5/2004 của Chính phủ quy định như sau: Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho QSDĐ hoặc nhà ở gắn liền với QSDĐ ở (gọi chung là người nhận chuyển quyền) trước ngày 1/7/2004 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng có giấy tờ về việc chuyển QSDĐ có chữ ký của bên chuyển quyền (không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển quyền) thì không phải thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ, người nhận chuyển quyền nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định .

Trường hợp ông Nguyễn Hữu Phương phản ánh tại địa phương ông có một vài trường hợp người dân nhận chuyển nhượng đất theo giấy tờ viết tay có chữ ký của chủ hộ nhưng chưa có xác nhận đóng dấu của chính quyền địa phương vào thời điểm chuyển nhượng, nay không được UBND xã xét duyệt, chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 84/2004/NĐ-CP nêu trên thì giao dịch chuyển nhượng phát sinh trước ngày 1/7/2004 mà giấy tờ chuyển nhượng không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền như công chứng hoặc UBND xã nơi có đất về việc chuyển quyền thì vẫn được xem xét để cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đối với giao dịch, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ ngày 1/7/2004 trở đi phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực tại UBND theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai mới được xem xét để cấp giấy chứng nhận QSDĐ.  

Tuy nhiên, khi xét duyệt, đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho trường hợp chuyển nhượng trước ngày 1/7/2004 mà giấy tờ không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền vào thời điểm chuyển nhượng, UBND xã phải xem xét các điều kiện khác như nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng, người chuyển nhượng phải có quyền chuyển nhượng; đất nhận chuyển nhượng sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không có tranh chấp. Nếu đủ điều kiện này UBND xã mới xác nhận là đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và chuyển hồ sơ lên Văn phòng đăng ký QSDĐ giải quyết, trình UBND huyện cấp Giấy chứng nhận.
LS Lê Văn Đài- VPLS Khánh Hưng
(Theo Chinhphu.vn)

Chuyển nhượng và tách thửa đất chưa có sổ đỏ


Hỏi: Tôi muốn mua một lô đất nhỏ (75 m2) trong lô đất lớn có sổ đỏ chung gồm 2 căn nhà đang xây dựng và 1 lô đất nhỏ (trị giá 750 triệu đồng) tọa lạc ở khu dân cư hiện hữu gần UBND Q.12, Tp.HCM. Hiện bên bán bắt buộc tôi đưa trước 650 triệu đồng khi ký hợp đồng tay.
Sau khi ra công chứng đưa thêm 50 triệu đồng, 50 triệu đồng còn lại sau khi ra sổ đưa hết cho bên bán. Xin hỏi trong trường hợp này liệu tôi có nhận chuyển nhượng được không? Nếu được thì thực hiện như thế nào để tránh rủi ro?
Hong Manh Ho Dang (manh_mkt@... )

Trả lời:

Theo quy định của Luật đất đai hiện hành, đất chuyển nhượng phải có giấy tờ hợp lệ, trường hợp tách thửa thì phải đảm bảo các điều kiện về tách thửa.

Trường hợp của ông, theo quy định tại Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND của UBND Tp.HCM thì tại khu vực quận 12, việc tách thửa đất ở phải đảm bảo thửa đất được tách và thửa đất còn lại có diện tích từ 80m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m.

Căn cứ quy định này thì Nhà nước không cho phép thực hiện việc chuyển nhượng đất trên.

Tuy nhiên, cũng xin được nói thêm, nếu chủ đất xin phép xây dựng và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với căn nhà trên đất. Trường hợp này nếu thửa đất được tách chuyển nhượng cho ông và thửa đất còn lại có diện tích từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 4m thì sẽ được phép tách thửa và chuyển nhượng.

Nếu thửa đất thuộc trường hợp được tách và chuyển nhượng như nói trên, để giảm rủi ro ông nên đề nghị bên chuyển nhượng lập bản vẽ chuyển nhượng một phần có xác nhận của UBND quận 12. Sau đó hai bên tiến hành lập hợp đồng mua bán và có chứng nhận của công chứng.

Nội dung hợp đồng, các bên có quyền tự thỏa thuận về tiền đặt cọc và các cam kết khác. Hợp đồng này được pháp luật bảo vệ và đảm bảo thực hiện.

Thân ái chào ông.
LS HUỲNH VĂN NÔNG
(Theo Tuổi trẻ)

Có nên mua căn hộ đã hoàn thiện, chưa có sổ hồng?

Hỏi: Tòa chung cư ở khu đô thị mới An Phú - An Khánh (Tp.HCM) của một công ty hiện đã hoàn thiện và bàn giao cho các hộ vào ở nhưng chưa có sổ hồng. Vậy tôi có nên mua loại căn hộ này không?
Tôi được tư vấn nếu nộp trước 95% số tiền sẽ được bàn giao căn hộ vào ở ngay, phần còn lại sẽ nộp sau khi có sổ hồng - khoảng tháng 3-2011. Tôi được biết công ty có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng chung cư, quyết định của UBND quận 2 về việc cấp số nhà cho các căn hộ.

Vậy tôi có nên mua căn hộ này không? Chung cư này có được cấp sổ hồng cho các hộ vào ở không?


Trả lời:

- Theo quy định của pháp luật hiện hành, người mua các căn hộ thuộc chung cư như bạn trình bày sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là “giấy chứng nhận”). Tùy vào thực trạng của chung cư (như có được xây dựng đúng giấy phép đầu tư hay không, đã đảm bảo đầy đủ các quy định hiện hành về hoàn công, về phòng chống cháy nổ...) mà người mua sẽ được cấp giấy chứng nhận đúng tiến độ hoặc chậm hơn thời gian quy định.

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư để làm rõ về việc trong thời hạn bao lâu sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu cần thiết, bạn cũng có thể yêu cầu chủ đầu tư xác lập thêm một bản cam kết về thời hạn được cấp giấy chứng nhận kể từ thời điểm xác lập hợp đồng mua bán căn hộ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Theo TTO)

Sửa Hiến pháp rồi mới sửa Luật Đất đai


Tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ 3, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, sửa Luật Đất đai có vấn đề quan trọng là “sở hữu” mà để điều chỉnh quy định này thì phải chờ sửa Hiến pháp năm 1992.
Do vậy, phải đợi đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thông qua, dự kiến vào kỳ họp cuối năm 2013.

Cũng liên quan tới đất đai, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội có thành lập đoàn giám sát chuyên đề các vụ việc khiếu nại đất đai thu hút sự quan tâm của người dân như vụ ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), ông Phúc cho biết, trên cơ sở báo cáo khiếu nại, tố cáo của Ban Dân nguyện, Quốc hội trong quá trình thảo luận và xét thấy cần thiết thì sẽ thành lập.

Sửa Hiến pháp rồi mới sửa Luật Đất đai | ảnh 1
Các đại biểu trong cuộc họp báo

Về kỳ họp Quốc hội tới, theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Sĩ Dũng, nội dung chính của kỳ họp là công tác lập pháp. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật.

Các luật và nghị quyết được thông qua gồm: Giáo dục đại học; Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật Giá; Công đoàn (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam… Nghị quyết về các giải pháp giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH…

Kéo dài trong 32 ngày (từ ngày 21/5 đến 21/6), kỳ họp này của Quốc hội cũng xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế xã hội – ngân sách năm 2011 và những tháng đầu năm 2012; cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về những đổi mới tại kỳ họp này, ông Nguyễn Sĩ Dũng- phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho các phiên họp toàn thể (chiếm 85,7%), nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Các Bộ trưởng và chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội chỉ có tối đa 20 phút để trình bày trước Quốc hội. Phần chất vấn được bổ trí vào cuối phiên họp, trong đó tăng cường tính đối thoại để làm rõ các vấn đề.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, trong các kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm hàng hàng năm đối với các chức danh do Quốc hội bầu như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu này còn căn cứ vào quy chế và quy trình. Đây cũng là việc làm cụ thể thực hiện Nghị quyết TW 4./.
(Theo Tổ quốc)

Tp.HCM đã đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính


Ngày 17/5, Ban Pháp chế HĐND Tp.HCM đã giám sát kết quả cải cách hành chính của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT).
Tp.HCM đã đơn giản hóa 19 thủ tục hành chính | ảnh 1
Hai lĩnh vực “nóng” nhất trong công tác giải quyết hồ sơ là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, giao, cho thuê đất và đánh giá tác động, xử lý vi phạm môi trường.

Trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, Sở TN-MT đã cấp được 4.851 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trình UBND TP ban hành 108 quyết định giao và cho thuê đất, đã đơn giản hóa được 19 thủ tục hành chính…

Ngoài ghi nhận những nỗ lực của Sở TN-MT, ông Phạm Văn Bá, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, còn chỉ ra sự chậm trễ mà Sở TN-MT cần nhanh chóng khắc phục: Rà soát các thủ tục hành chính trình UBND TP công bố để có cơ sở thực hiện, danh mục 17 ngành nghề không được hoạt động trong khu dân cư; tham mưu cho TP xử lý tình trạng dự án đầu tư “da beo” do chủ đầu tư không có năng lực hoặc tình trạng “xí đất” để dành.
(Theo NLĐ)

Sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về cưỡng chế, thu hồi đất


Sắp tới, Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết các trường hợp bị thu hồi, cưỡng chế đất mà không nhận tiền hoặc nhà, đất được đền bù.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về cưỡng chế, thu hồi đất | ảnh 1
Tiếp sau vụ Tiên Lãng, vụ cưỡng chế đất đai tại Văn Giang, Hưng Yên lại gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trong công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 15/5, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cơ quan này sớm tổng hợp các vướng mắc của địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định số 69/2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù Nghị định 69/CP của Chính phủ đã có hướng dẫn, việc cưỡng chế thu hồi đất sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 39 của Luật Đất đai. Cụ thể là phải đảm bảo 5 điều kiện, từ thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quá 30 ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định, đã vận động thuyết phục nhưng không bàn giao, có quyết định cưỡng chế của UBND cấp có thẩm quyền và người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cơ quan này vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thiếu các chế tài liên quan đến việc giải quyết các trường hợp thu hồi đất phải cưỡng chế.

Trước thực tế đó, Bộ đã kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn về pháp luật đối với các trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế nói trên.

Chấp thuận đề xuất này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trên cơ sở xem xét, phân tích những bất cập về thu hồi, cưỡng chế đất đai hiện nay, Chính phủ sẽ giao các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị định 69.

Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 69 sẽ phải bổ sung quy định cụ thể về trường hợp thực hiện cưỡng chế khi người bị thu hồi đất không nhận tiền chi trả về bồi thường, hỗ trợ, không nhận nhà ở, đất ở tái định cư.

Thời gian gần đây, một số vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là vụ cưỡng chế tại dự án Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về lý do cưỡng chế, thu hồi đất của người dân để cấp cho các dự án thương mại, phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, thay vì quy định “chỉ thu hồi đất phục vụ cho các dự án liên quan tới quốc phòng, an ninh, công trình quốc gia, công cộng” như Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 đã “nới” điều khoản thu hồi, cưỡng chế khi chi cần dự án đó được gắn với hai từ “trọng điểm”.
(Theo VnEconomy)

Giá đất chạm đáy - Đã đến thời điểm mua chưa?


Hiện nay, giá đất tại nhiều khu vực ở Hà Nội đã giảm tới 40-50% quay trở về mốc của 2 năm trước. Giá đất nền ở 1 số nơi được rao bán tương đương với giá của chủ đầu tư. Một số dự án chung cư thì rao bán bằng giá sàn với Bộ Xây dựng ban hành.
Không ít người đặt ra câu hỏi ở thời điểm này liệu BĐS Hà Nội đã chạm đáy hay chưa và ở mức giá nào thì người mua có thể xem xét quyết định mua. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Thanh, TGĐ Công ty TNHH cao ốc Quốc tế Hồ Tây về vấn đề này.
Hiện nay, nhiều luồng ý kiến cho rằng BĐS đang đi xuống điểm đáy. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Hiện nay, một số phân khu nhà hầu như đã chạm giá gốc của nhà đầu tư. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã phải bán ở mức chấp nhận lỗ để thu ngay được tiền vốn về để có thể trả thế chấp ngân hàng hoặc tiếp tục đầu tư dự án khác. Hoặc không muốn đi vào tình trạng phá sản nên tôi khẳng định hiện nay có 1 số dự án đã chạm đáy.

Hiện nay, Tp.HCM giá chung cư có vẻ giá thấp hơn khá nhiều so với Hà Nội. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Theo ông với mức giá nào thì người mua có thể yên tâm mua trong thời điểm này?

Bản thân giữa giá sàn Tp.HCM và Hà Nội đã khác nhau, bên cạnh đó chi phí nhân công, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển khác nhau. Như ở Tp.HCM các sản phẩm bán ở 14-15 triệu đồng/m2. Tại Hà Nội do nhiều chi phí cao thì 16-20 triệu đồng/m2 là khách hàng có thể yên tâm mua.

Về đất nền thì ông thấy đã chạm đáy chưa?

Về đất nền tôi chia ra làm 2 loại: Nếu nhà đầu tư có nguồn tài chính lành mạnh, giá dưới 25 triệu đồng/m2 hoàn toàn có thể mua được. Còn với những dự án ngoài vành đai 3, hạ tầng đầu tư mới chưa có gì thì cần xem xét kỹ trước khi mua.

Hiện nay với những dự án ngoài vành đai 3 như các khu đô thị mới phát triển hạ tầng chưa đồng bộ, người dân chưa quần tụ được thì sẽ chậm, và đầu tư chậm thu hồi.

Vậy theo ông nên chọn những dự án nào để đầu tư?

Chúng ta nên tìm hiểu chủ đầu tư thật kỹ rồi mới quyết định mua.

Xin cảm ơn ông!
(Theo VTV)

Doanh nghiệp BĐS cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro


Trước những tin đồn luôn vây quanh thị trường bất động sản (BĐS), chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng - cho biết, doanh nghiệp cần phải công khai thông tin để hạn chế rủi ro không đáng có.
Doanh nghiệp BĐS cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro | ảnh 1
 Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều tin đồn thất thiệt

Tại sao thời gian qua thị trường nhà đất lại có nhiều tin đồn kiểu như "công ty này sắp phá sản, dự án kia sắp bán rẻ phá giá" như vậy, thưa ông?

Thị trường BĐS đang còn đóng băng do sức tiêu thụ rất thấp, đặc biệt là những căn nhà có giá trị lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp phải vay tiền với lãi suất rất cao. Tình trạng này kéo dài 2-3 năm nay, dù nhiều người hy vọng năm 2011 sẽ kết thúc. Tuy nhiên giờ đã bước sang quý 2/2012 mà tình trạng tan băng nghe chừng còn rất xa.

Như vậy, doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc chuyển nhượng, bán lại dự án vì chịu không nổi lãi vay. Do đó, những tin đồn về thị trường BĐS như ở trên ít nhiều là có cơ sở. Nhưng cũng không loại trừ đó là thông tin ác ý nhằm cạnh tranh lẫn nhau.

Như vậy có thể thấy tin đồn thường chỉ xuất hiện khi thị trường quá nóng hoặc quá trầm lắng?

Tin đồn chỉ xuất hiện khi thị trường duy trì một trạng thái kéo dài mà không có sự chuyển biến. Lúc đó, thông tin từ nhiều nguồn sẽ truyền đi và được nhiều người tin thì nó trở thành tin đồn. Còn nếu một thông tin đưa ra nhưng qua sự kiểm tra không có chứng cứ sẽ không có sức lan tỏa. Như vậy có thể thấy, một tin đồn có sức lan tỏa bởi vì ít nhiều nó có cơ sở.

Một khi có quá nhiều tin đồn không được kiểm chứng, chứng tỏ nền kinh tế hay thị trường BĐS phát triển không bền vững?

Theo tôi biết thì ở nước ngoài, tin đồn còn nhiều hơn ở Việt Nam, nằm ở những tờ báo lá cải hay trong các trang web không chính thống. Cho nên nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng đừng quá lo lắng về các tin đồn.

Trong một thế giới tràn ngập thông tin thì chúng ta phải biết lọc ra những thông tin nào có độ tin cậy cao. Đó chính là những thông tin ở trên các tờ báo, trang web chính thống. Còn những thông tin chưa rõ nguồn thì nhà đầu tư phải có khả năng phán đoán, kiểm chứng nhiều chiều. Không nên dị ứng với tin đồn mà phải coi nó là một phần tất yếu của nền kinh tế.

Tin đồn là một phần tất yếu, vậy theo ông doanh nghiệp nên xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Phải nói rằng các doanh nghiệp trong nước còn chậm trong việc xử lý thông tin. Chính sự chậm chạp đó là đất sống của tin đồn. Công ty nào càng chậm cung cấp thông tin hay thông tin không minh bạch, thiếu chính xác càng dễ làm tin đồn xuất hiện. Ngược lại, công ty nào cung cấp thông tin thường xuyên cho nhà đầu tư sẽ hạn chế được tin đồn.

- Sự thật là không ít tin đồn ảnh hưởng tới nhà đầu tư, khách hàng. Vậy trong mớ bòng bong tin đồn, có tin trúng, có tin trật thì nhà đầu tư nên xử lý như thế nào?

Nhà đầu tư có hai nhóm. Nhóm thứ nhất biết đó là tin đồn nhưng sử dụng chúng với mục đích riêng. Như vậy có nhiều nhà đầu tư biết tin đồn đó không có cơ sở nhưng dùng nó để tham gia vào một tiến trình mua bán nhằm hưởng lợi.

Còn nhóm thứ hai bị thiệt hại bởi tin đồn. Ở nhóm này cần phải học cách xử lý thông tin một cách thông minh hơn. Nhà đầu tư phải kiểm tra chéo thông tin từ nhiều nguồn khi gặp một tin đồn, rồi mới có quyết định đầu tư hay không.

Xin cảm ơn ông!
(Theo Thanh niên)

Phải quyết liệt chống đầu cơ đất đai


Quy hoạch không phù hợp và “quy hoạch treo” hiện là mầm mống phân tầng trong xã hội ta, nếu không tìm được giải pháp khắc phục thích hợp sẽ hoang phí nhiều đất đai, khoảng cách giàu nghèo sẽ càng khó rút ngắn, làm cho có người giàu lên một cách vô lý trong khi một số người khác bị mất đất, thiệt thòi.
Phải quyết liệt chống đầu cơ đất đai | ảnh 1
Quy hoạch dân cư, phát triển đô thị là một nhu cầu tất yếu đang diễn ra trên cả nước với tốc độ chóng mặt. Vấn đề là làm sao để các quy hoạch đó không bị phá vỡ nhanh chóng, đảm bảo nó được thực thi tốt, góp phần làm kinh tế - xã hội ngày càng phát triển tốt hơn và quan trọng hơn là đất đai nằm trong quy hoạch không bị đầu cơ hay sang bán trái phép.

Thời gian qua những vụ đổ bể, tai tiếng trong vi phạm quy hoạch hoặc “quy hoạch treo” đều có bàn tay của người đầu cơ địa ốc mà một số cán bộ có trách nhiệm trong lĩnh vực này lại thoái hóa, tiêu cực, trở thành chỗ dựa, nơi núp bóng, thậm chí trở thành công cụ của họ. Chính vì thế mà có những quy hoạch không thực hiện được hoặc phải thay đổi quy hoạch sau khi người đầu cơ đã thu được những món lợi khổng lồ. Có tình trạng đó là do còn quá nhiều kẽ hở pháp lý và thiếu biện pháp chế tài hữu hiệu trong quá trình quy hoạch, công bố và thực hiện quy hoạch. Nhất là do còn xem nhẹ tính thời gian và giá trị gia tăng của vùng quy hoạch nên có kẻ lợi dụng được.

Nếu như quy hoạch và triển khai thực hiện dứt điểm từng dự án, từng vùng quy hoạch, có quy định rõ thời gian, đồng thời tính toán đầu tư cho vùng quy hoạch theo nguyên tắc đổi đất lấy hạ tầng một cách phù hợp, cũng như đền bù cho người có đất bị trưng dụng một giá trị hợp lý... thì người đầu cơ khó có thể trục lợi bất hợp lý.

Để khắc phục tình trạng phải thay đổi hoặc bỏ quy hoạch hay quy hoạch treo cần phải có những ràng buộc về luật pháp và chế tài chặt chẽ hơn. Đồng thời phải củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác khảo sát, quy hoạch; đổi mới công tác quy hoạch và thẩm định quy hoạch theo hướng công khai, dân chủ và phải có cơ quan độc lập giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch. Trong quyết định phê duyệt quy hoạch, cần quy định cụ thể thời gian thực hiện từng hạng mục, không để kéo dài lê thê.

Cần có những ưu tiên nhất định để người có đất bị trưng dụng không quá thiệt thòi và phải được bồi thường hợp lý theo giá quy định của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tuyệt đối không cho phép thay đổi quy hoạch; ngay cả sau khi thực hiện xong quy hoạch cũng phải có thời gian nhất định hoặc có điều kiện đặc biệt cụ thể mới cho phép sang tên đổi chủ để tránh các trường hợp sang bán dự án, làm xáo trộn quy hoạch.

Thực hiện được điều này sẽ hạn chế được nạn đầu cơ trục lợi đất quy hoạch. Cũng cần phải thu hồi, trưng mua hoặc phạt thật nặng những trường hợp nhà đầu tư sang bán trái phép không thực hiện xây dựng hoặc xây dựng không đúng quy hoạch, chậm thời gian, phá vỡ không gian, cảnh quan.

Nếu làm tốt những điều trên sẽ khắc phục được những hạn chế trong khảo sát, quy hoạch, việc thực hiện quy hoạch sẽ được tiến hành nhanh chóng, hạn chế được đầu cơ đất quy hoạch để trục lợi, hạn chế được tình trạng cán bộ lợi dụng chức quyền để chiếm dụng, giành phần nhằm hưởng lợi bất chính.
Nguyễn Văn Thước(Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau)
(Theo SGGP)

Không nên đánh đồng mọi dự án chậm triển khai đều là dự án treo để thu hồi


Ý kiến trên là của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT Tp.HCM, tại buổi giám sát về cải cách hành chính của Sở TN&MT do Ban Pháp chế HĐND thực hiện, ngày 17/5.
Không nên đánh đồng mọi dự án chậm triển khai đều là dự án treo để thu hồi | ảnh 1
Tại buổi giám sát, có ý kiến cho rằng “các quận, huyện còn nhiều dự án treo nhưng khó bị thu hồi”. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, không phải hễ cứ hết 12 tháng mà dự án chưa triển khai thì bị thu hồi. “Không nên đánh đồng giữa dự án có đất do chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện với các dự án xí đất để đó không làm gì cả” - ông Kiệt phân tích.

Theo ông Kiệt, muốn cải cách thủ tục hành chính thì quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch. “Các quy định không được chồng chéo mâu thuẫn; mục tiêu, lộ trình cũng phải rõ ràng. Không phải ấn định thời gian giải quyết ngắn là đủ” - ông đề nghị.

Ông Kiệt lấy thủ tục lập quy hoạch sử dụng đất làm dẫn chứng: “Theo phân cấp, quy hoạch sử dụng đất phải qua khâu phường, xã, đến quận, huyện, sau đó báo cáo Sở TN&MT rồi trình HĐND thông qua, mà một năm HĐND chỉ họp 1-2 lần. Quy trình và phân cấp như thế, không thể nhanh hơn được nên thực tế việc lập quy hoạch sử dụng đất thường bị đánh giá là chậm 1-2 năm”. Tuy nhiên, ông Kiệt cũng nhìn nhận có yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến cải cách hành chính của Sở. “Vừa qua, Sở đã điều chuyển một vài cán bộ có dấu hiệu làm khó doanh nghiệp” - ông cho hay.

Đại diện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP (thuộc Sở TN&MT) thông tin cơ quan này giải quyết đúng thời hạn 90% hồ sơ. Số hồ sơ bị chậm là do phải hỏi ý kiến các cơ quan. “Trong thời gian qua, các ngân hàng mua nhà ở rất nhiều, không biết vì mục đích gì. Theo luật, ngân hàng không được kinh doanh nhà đất, ngay cả việc mua nhà đất làm trụ sở cũng có một giới hạn. Nhưng khi văn phòng từ chối giải quyết thì các ngân hàng phản ứng nên phải hỏi ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định như chúng tôi” - vị này nói.
(Theo PLTP)

Hải Phòng: Cần thêm chính sách ưu đãi để xây nhà thu nhập thấp


Xây dựng nhà ở thu nhập thấp (TNT) là một chủ trương lớn và có nhiều quy định ưu đãi của Nhà nước, nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội, DN. Nhưng thực tế qua triển khai một số dự án, không ít doanh nghiệp ngại ngần với phân khúc này.
Hải Phòng: Cần thêm chính sách ưu đãi để xây nhà thu nhập thấp | ảnh 1
Chung cư Bắc Sơn

Dù khu chung cư TNT Bắc Sơn tại quận Kiến An, với gần 500 căn hộ cơ bản hoàn tất, nhiều hộ đã đến ở, nhưng nhìn lại quá trình thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng-chủ đầu tư vẫn cho rằng đây là một quyết định dũng cảm.

Ông cho biết “nghĩ lại thấy toát mồ hôi” mặc dù dự án của ông có khá nhiều thuận lợi, đã có mặt bằng sạch, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cùng  với kinh nghiệm trong việc triển khai phân khúc nhà này. Tuy nhiên, không phải doang nghiệp nào cũng có may mắn như vậy. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài các doanh nghiệp rất thiếu việc. Dù chỉ là những dự án nhỏ, lợi nhuận không đáng kể, doanh nghiệp cũng sẵn sàng làm với mong muốn duy trì và tạo việc làm cho người lao động. Thế nhưng, với cơ chế như hiện nay, rất khó để tham gia xây dựng nhà TNT.

Theo Quyết định 67 của Chính phủ, chủ đầu tư được áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Đầu tư phát triển. Nhưng đến nay, trên địa bàn cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, ngoài 1-2 dự án được vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn lại đều chưa thể tiếp cận nguồn vốn này. Ưu đãi mà các dự án được hưởng mới chỉ là miễn tiền sử dụng đất.

Đây là nguyên nhân căn bản khiến giá thành của nhà TNT không thấp hơn là mấy so với nhà thương mại. Một nghịch lý không thể lý giải, là việc các doanh nghiệp muốn vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đó, xây dựng nhà cho người TNT được miễn tiền đất nên không thể lấy đất làm tài sản thế chấp. Cùng với đó là những bất cập về khả năng tiêu dùng của xã hội. Chẳng hạn, với sản phẩm nhà TNT, trong khi  được người tiêu dùng đón nhận mạnh hơn ở Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, do nhu cầu xã hội quá lớn và có khoảng cách giữa sản phẩm này với các sản phẩm cao cấp thì tại Hải Phòng, giá nhà TNT vẫn cao so bình quân mức sống của một bộ phận người dân, người TNT vẫn khó tiếp cận với sản phẩm này.

Cùng với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp, đối tượng mua nhà cũng rất khó trong vấn đề này bởi chưa có quy định, cơ chế cụ thể trong việc vay vốn mua nhà TNT. Bên cạnh đó, quy định về đối tượng chỉ có những người có hộ khẩu nội thành mới được xét mua cũng là một vấn đề bất hợp lý đối với các thành phố lớn có cả huyện, xã như Hải Phòng.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, trong phát triển nhà ở xã hội phải lấy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là trung tâm. Việc Chính phủ ban hành chính sách mới về phát triển nhà ở xã hội tạo ra những chuyển động đối với phân khúc nhà này. Tuy nhiên, các quy định đối với phát triển nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp) thời gian qua chưa xác định rõ nhà ở cho đối tượng nào là trọng tâm để tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường.

Bên cạnh đó, cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, với từng địa phương cần có thêm nhưng cơ chế chính sách bổ sung phù hợp. Chẳng hạn, đối với thành phố Hải Phòng, ông Thành cho rằng, ngoài những ưu đãi của Nhà nước, thành phố có thêm ưu đãi về thuế, áp dụng miễn thuế giá trị gia tăng trực tiếp cho người sử dụng, vì thuế giá trị gia tăng chiếm 10% giá trị sản phẩm. Theo đó, tạo cơ hội cho hàng vạn người trong đô thị được thụ hưởng nơi ở mới tốt hơn. Đồng thời thành phố có quy hoạch dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người TNT cải thiện đời sống.
(Theo Báo Hải Phòng)

Dự án Làng đại học ở Đà Nẵng: Quy hoạch "treo" đến bao giờ?


Việc dự án này bị "treo" quá lâu đang gây bức xúc và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Dự án Làng đại học Đà Nẵng được phê duyệt, công bố vào tháng 12/1997 quy mô lớn với 300ha đất, nằm ở địa phận vùng giáp ranh giữa phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Tp. Đà Nẵng) và xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Theo đó, có gần 420 hộ dân ở phường Hòa Quý và 1.000 hộ dân ở xã Điện Ngọc bị ảnh hưởng, di dời.

Thế nhưng đến nay đã 15 năm trôi qua, dự án vẫn còn “treo” kéo theo hàng loạt hệ lụy khác như đường giao thông nông thôn không được làm, nhà không được xây, không được chuyển nhượng mua bán, nạn xây nhà trái phép tràn lan trong vùng dự án… Trong đó nhiều hộ dân của các thôn Câu Hà, Tứ Hà và Ngọc Vinh của xã Điện Ngọc rất bức xúc vì quy hoạch “treo”, huyện cho phép xã cấp phép tạm thời xây dựng cho dân, nhưng lại kèm theo điều kiện là khi nào dự án triển khai thì người dân phải tự tháo gỡ và không được đền bù, hỗ trợ nên chẳng ai dám xây dựng, cơi nới nhà cửa.

Dự án Làng đại học ở Đà Nẵng: Quy hoạch "treo" đến bao giờ? | ảnh 1
Nạn xây nhà trái phép tràn lan vùng giáp ranh.

Bà Nguyễn Thị Ánh, trú thôn Câu Hà bức xúc: “Đã 15 năm sống tạm bợ, kể từ ngày Dự án Làng đại học công bố, cuộc sống của hàng ngàn người dân nằm trong vùng ảnh hưởng bị xáo trộn, cảnh sống tạm cứ thế kéo dài vì dự án chậm khả thi, không biết theo đà này, người dân phải chờ đợi đến bao giờ, rồi nỗi khổ cứ nhân lên. Đề nghị Nhà nước, chính quyền, ngành chức năng liên quan: một là sớm đưa dự án vào triển khai xây dựng, hai là công bố xóa quy hoạch để người dân nơi đây ổn định cuộc sống lâu dài, an cư lạc nghiệp”.

Còn ông Trần Văn Ta, trú thôn Ngọc Vinh thì bộc bạch: “Dự án treo khá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, không được cắt đất, tách hộ và những thủ tục hành chính khác, khổ nhất là nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, mà có sửa cũng chỉ tạm thời, cho nên mỗi mùa mưa bão đến sợ tốc mái, sập nhà…”.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, không biết căn cứ vào đâu mà người dân nghe tin dự án sắp triển khai và vùng Điện Ngọc nhập vào Tp. Đà Nẵng, dân đã ồ ạt vào đây mua đất xây nhà trái phép, làm cho tình hình phức tạp hơn, đã có trên 400 căn nhà xây dựng trái phép trong vùng dự án. Dù cố gắng lắm, chính quyền sở tại mới cưỡng chế, tháo gỡ giải tỏa được 19 căn nhà. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp thông báo về dự án có vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, song mỗi năm vốn ngân sách Trung ương cấp về chỉ 60 tỷ, nên đang thiếu vốn trầm trọng.

Ngoài ra, UBND Tp.Đà Nẵng đã có cuộc họp bàn về dự án này, dự án hiện chỉ mới triển khai trên địa phận Đà Nẵng với diện tích 110ha của Trường đại học Công nghệ thông tin - Truyền thông và Trường cao đẳng Công nghệ thông tin Việt - Hàn. Còn Đại học Đà Nẵng đang có kế hoạch sử dụng 50 triệu USD vốn ODA từ Nhật Bản để xây dựng Trường đại học Kinh tế và Trường đại học Sư phạm, nhưng xem ra còn quá chậm vì thiếu nguồn kinh phí.

Rõ ràng, Dự án Làng đại học Đà Nẵng đang “khát” nguồn vốn dẫn đến quy hoạch “treo” từ nhiều năm qua, kéo theo hàng loạt hệ lụy khốn đốn, phiền toái khác mà không biết bao giờ mới tháo gỡ được. Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam và Tp. Đà Nẵng sớm tìm ra nguồn vốn, kinh phí để đưa dự án vào triển khai xây dựng.
(Theo SKDS)

Đà Nẵng: Duyệt phương án bồi thường Khu du lịch sinh thái Nam Ô


UBND Đà Nẵng đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Đà Nẵng: Duyệt phương án bồi thường Khu du lịch sinh thái Nam Ô | ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo đó, đối với hộ giải tỏa đi hẳn, hộ có diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn 01 hạn mức công nhận (bao gồm cả đất ở và đất khuôn viên) thì mỗi hạn mức công nhận đất ở bị thu hồi sẽ được bố trí 01 lô đất tái định cư nhưng tối đa không quá 05 lô.

Hộ giải tỏa thu hồi đất ở có diện tích từ 60m2 đến dưới 140m2 sẽ được bố trí vào loại đường 5,5m theo diện hộ chính.

Hộ giải tỏa thu hồi đất ở có diện tích từ 140m2 đến dưới 180m2 sẽ được bố trí vào loại đường 7,5m theo diện hộ chính.

Hộ giải tỏa thu hồi đất ở có diện tích từ 180m2 đến 250m2 sẽ được bố trí vào loại đường 10,5m theo diện hộ chính.

Trường hợp hộ giải tỏa một phần có diện tích đất ở bị thu hồi từ 90m2 đến dưới 120m2 sẽ được bố trí vào đường 5,5m theo diện hộ phụ.

Hộ giải tỏa một phần thu hồi đất ở có diện tích từ 120m2 đến dưới 180m2 sẽ được bố trí vào đường 5,5m theo diện hộ chính.

Hộ giải tỏa một phần thu hồi đất ở có diện tích từ 180m2 đến dưới 250m2 sẽ được bố trí vào đường 7,5m theo diện hộ chính.

Hộ giải tỏa một phần thu hồi đất ở có diện tích từ 250m2 trở lên sẽ được bố trí vào đường 10,5m theo diện hộ chính.

Những trường hợp đặc biệt, UBND Đà Nẵng sẽ xem xét giải quyết bố trí đất tái định cư cho hộ giải tỏa vào đường 5,5m hoặc bố trí căn hộ chung cư.
(TheoĐàNẵng Portal/Cafeland)

Tp.HCM: Khách mua căn hộ vẫn chờ giá giảm thêm


Mặc dù nhiều căn hộ giá giảm đến vài trăm triệu đồng, nhưng đã qua hai tuần đầu tháng 5, thị trường chung cư Tp.HCM tiếp tục rơi vào cảnh ảm đạm.
Đang đàm phán bán căn hộ có thể ở ngay tại quận 7, gần cầu Phú Mỹ với giá dưới vốn 300 triệu đồng, anh Chuyền chia sẻ: "Tôi cần tiền gấp nên buộc lòng phải buông. Tiếc rằng thời điểm này chung cư rớt giá quá mạnh".

Lúc đầu anh rao bán 1,5 tỷ đồng nhưng kẻ đến người đi không ai quay lại, anh đành xuống nước chào giá 1,4 tỷ đồng. Gia chủ buồn bã cho hay: "Khách hàng xem nhà rất kỹ, đắn đo cân nhắc đủ thứ và vẫn xin giảm thêm ít đồng mới chồng tiền. Chả bù với ngày xưa tôi phải giành giật mua với giá cao".

Trường hợp của anh Chuyền không phải là cá biệt. Chị Phấn mất nửa tháng ròng mới bán xong căn nhà chung cư gần khu công nghiệp Tân Bình tiết lộ: "Năm 2009 căn hộ 80 m2 của tôi có giá 900 triệu đồng nhưng nay chỉ bán được hơn 800 triệu đồng mà khách còn chê đắt".

Tp.HCM: Khách mua căn hộ vẫn chờ giá giảm thêm | ảnh 1
Một dự án căn hộ được rao bán qua mạng với mức chiết khấu lên đến 10,5%. Ảnh chụp màn hình.

Thống kê của Công ty ACBR, trong tháng 4, doanh nghiệp bán 2 dự án căn hộ Lê Thành Twin Tower và An Bình được 25 sản phẩm. Dù hai dự án đã áp dụng nhiều gói kích cầu nhưng kết quả không khả quan. Mua căn hộ Lê Thành, khách đóng 50% giá trị hợp đồng được nhận nhà, số tiền còn lại chủ đầu tư cho vay trả góp trong 5 năm với lãi suất cố định 1% mỗi tháng. Trong khi đó dự án An Bình được chào mức chiết khấu 6,5%, trả chậm một năm không tính lãi và nhận nhà khi đóng 50% giá trị căn hộ.

Sau nửa tháng, tỷ lệ giao dịch thành công ở phân khúc căn hộ giá trung bình chưa đếm đủ một bàn tay và chỉ bằng 25% tháng trước.

Sức mua căn hộ giá trung bình, diện tích nhỏ tại sàn bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn cũng sụt giảm mạnh dù nhiều sản phẩm có tỷ lệ chiết khấu giá sỉ 10-12%. Tỷ lệ giao dịch thành công tháng 3 của sàn này là 4-5 sản phẩm một ngày đã tụt xuống còn một sản phẩm một ngày từ cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Tp.HCM: Khách mua căn hộ vẫn chờ giá giảm thêm | ảnh 2
Thị trường bất động sản Tp.HCM trầm lắng, diễn biến xấu hơn vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Ảnh: Vũ Lê

Lý giải tình trạng này, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn Đoàn Chí Thanh cho biết: "Có thể thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ tung căn hộ giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí đã tác động đến tâm lý khách hàng. Dù đi xem nhà nhưng mọi người vẫn chờ đợi hơn là quyết định mua".

Theo ông Thanh, giao dịch giảm mạnh và khách hàng cũng trở nên khó tính hơn. Giá chênh lệch số tầng 10-20 triệu đồng một căn hộ cũng bị người mua chê đắt. Nhân viên môi giới nhà đất phải vất vả chạy hết dự án này đến dự án khác để giới thiệu sản phẩm nhưng năng suất làm việc không cao. "Thậm chí khách hàng chọn nhà từ tầng thấp lên tầng cao để mua được giá rẻ trong khi thời địa ốc sốt hàng, căn hộ ở tầng càng cao càng dễ bán", ông nói.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc ACBR, Phạm Văn Hải nhận xét: "Người mua nhà vẫn kỳ vọng và tin rằng giá bất động sản còn có thể giảm thêm. Từ cuối năm ngoái đến nay có khá nhiều dự án đã giảm giá nên họ càng tiếp tục chờ đợi".

Tuy nhiên, theo ông Hải, các dự án căn hộ giá trung bình 12-15 triệu đồng mỗi m2 đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Thông thường mức chiết khấu cao chỉ áp dụng cho người mua sỉ (trả tiền một lần, mua số lượng lớn) hoặc căn hộ diện tích lớn, hàng tồn.

Chuyên gia này cho rằng, tình hình giao dịch ảm đạm của phân khúc căn hộ giá "mềm" sẽ khó cải thiện nếu kinh tế phục hồi chậm chạp. Bởi lẽ dù có nhu cầu về nhà ở nhưng khủng hoảng, khó khăn kéo dài đã khiến tâm lý phòng thủ đè nặng thị trường. "Căn hộ đang bị nhiễu loạn sau những vụ bán tháo và công bố giảm giá. Vì thế cần phải có thời gian để thị trường tự tiêu hóa các thông tin này. Chỉ khi nào hàng rào phòng thủ của khách hàng được dỡ bỏ thì giao dịch mới trở lại", ông nói.
(Theo VnExpress)

Sông Đà hạ giá thành căn hộ để thu hồi vốn


Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Sông Đà vừa cho biết, trong năm 2012, Công ty sẽ tiến hành bán bằng hoặc thấp hơn giá thành để thu hồi vốn một số dự án.
Sông Đà hạ giá thành căn hộ để thu hồi vốn | ảnh 1
Phối cảnh dự án

Đối với những dự án đã bỏ vốn đầu tư nhưng hiện tại chưa kinh doanh được, Công ty cho phép Tổng giám đốc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cho đối tác khác để thu hồi vốn; hoặc mời đối tác khác cùng tham gia hợp tác đầu tư hay rút vốn tại những dự án công ty đã hợp tác đầu tư với các đối tác khác.

Công ty đang sở hữu 9 dự án BĐS, chủ yếu là các dự án tại Hà Nội như Khu dịch vụ thương mại và nhà ở 25 Tân Mai, tòa nhà hỗn hợp Sông Đà – Hà Đông, khu nhà thấp tầng Nam An Khánh... và một số dự án ở các tỉnh khác.

Hiện, một số dự án vẫn trong giai đoạn đầu tư, GPMB như: Cải tạo tập thể X1 – 26 Liễu Giai, dự án KĐT mới Sông Đà – Hòa Bình, dự án KĐT sinh thái tại Hòa Bình, dự án KĐT Thịnh Đán – Sông Đà tại Thái Nguyên...
(Theo DĐDN)

Khi Ngân hàng chỉ cứu doanh nghiệp quen


Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố mở van tín dụng cho đầu tư bất động sản (BĐS) cả tháng nay, nhưng thị trường vẫn chưa có dấu hiệu sôi động trở lại. Cả dân đầu tư cá nhân lẫn DN kinh doanh BĐS trong tình trạng “chết lâm sàng”, tiếp tục bán tháo...
Khi Ngân hàng chỉ cứu doanh nghiệp quen | ảnh 1
Dự án Hesco (Văn Quán, Hà Đông) bị dân đầu cơ bán tháo vì tiến độ dự án.

Không dám vay, chỉ bán tháo

Trên các trang mạng rao vặt nhà đất, chỉ cần gõ từ: “bán phá giá căn hộ” hiện ra hàng nghìn kết quả. Anh D (Hà Đông) ôm 2 căn hộ tầng 16 và 23 tòa nhà Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) với giá 38 triệu đồng/m2 cách đây gần một năm, nay anh D rao bán chỉ với giá 30,7 triệu đồng/m2.

Anh D cho biết: “Tôi mới chỉ đóng 30% giá trị hợp đồng và không có tiền đóng tiếp từ đầu năm đến nay. Muốn vay vốn ngân hàng cũng không được.

Tôi rao bán nhiều lần trên mạng, nhờ sàn giao dịch với giá 35 triệu/m2 với diện tích cả 2 căn: 90m2 thì cũng lỗ gần 500 triệu đồng nhưng không bán được, nay quyết định bán lỗ gần 1,5 tỷ, nhưng chưa biết có bán được không”.

Chị M. H cũng đang rao bán 3 căn hộ tại dự án Hesco (Văn Quán) với giá 16,5 triệu/m2, thấp hơn phía chủ đầu tư 3 triệu đồng/m2.

Chị H cho biết: “Tôi bán một phần do kẹt tiền, lãi suất cao không chịu nổi, phần nữa do tiến độ triển khai dự án mới trong giai đoạn khoan cọc nhồi. Nếu cố gắng theo tiếp dự án thì khoản lỗ của tôi sẽ càng lớn”.

Trong khi đó, các dự án mới chào bán dùng đủ mọi cách khuyến mãi như: dự án Golden Palace (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) của Cty CP Đầu tư Mai Linh hỗ trợ giảm trừ gói nội thất trung bình từ 180-320 triệu đồng/căn hộ.

Việc giảm trừ này sẽ kéo giá bán căn hộ giảm 2-3 triệu đồng/m2 xuống 27-29 triệu đồng/m2 nhưng số lượng căn hộ giao dịch thành công vẫn rất ít.

Tại một dự án chung cư cao cấp trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), chủ đầu tư đã chào bán rầm rộ đến lần thứ 3, khuyến mãi tặng ô tô, nhẫn kim cương... đồng thời giảm giá còn 32 - 33 triệu đồng/m2 nhưng mới chỉ bán được 100 căn, trên tổng số gần 800 căn hộ.

Ông Nguyễn Bá Dũng - Trưởng văn phòng công chứng Hồ Gươm ghi nhận: “Chưa thời kỳ nào công chứng nhà đất lại kém như năm nay.

Từ đầu năm, lượng hồ sơ giao dịch công chứng giảm từ 50 -70% so với năm 2011, chỉ 200 – 300 hồ sơ. Còn nhà dự án đóng theo tiến độ chỉ chiếm 5% hồ sơ đến công chứng”.

Ông Dũng cho biết thêm, nhà dự án công chứng chuyển nhượng đều dưới mức giá mà chủ đầu tư đưa ra, do các nhà đầu tư thứ phát bán tháo, trả nợ ngân hàng.

“Tại văn phòng công chứng chúng tôi có những dự án ở Hà Đông, chủ đầu tư bán 25 triệu đồng/m2 thì dân đầu cơ sẵn sàng chuyển nhượng 18 triệu/m2”, ông Dũng nói.

Ngân hàng chỉ cứu DN quen

Theo một giám đốc Cty địa ốc ở Hà Nội, động thái hạ lãi suất của ngân hàng chỉ cứu những DN bất động sản có quan hệ tốt với ngân hàng đang phải vay với lãi suất trên 25%, nay được đáo hạn lãi suất dưới 20%, nhưng chủ đầu tư chưa thể tiếp cận được vốn vay mới của ngân hàng.

“Còn với những DN muốn vay mới thì DN và ngân hàng phải là sân sau của nhau. Dù được thế chấp bằng tài sản trong tương lai, nhưng DN phải chuẩn bị hàng loạt các hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng mới đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Mà tìm được khách hàng đủ số lượng mà phía ngân hàng yêu cầu trong thời buổi thanh khoản kém thế này cũng là thách thức với chủ đầu tư”, vị này nói.

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Cty Địa ốc Đất Xanh miền Bắc phân tích: “Thị trường BĐS đang loại các DN yếu thế ra khỏi cuộc chơi. Có nhiều DN có tiềm lực mong DN địa ốc khác "chết" để mua lại dự án với giá rẻ.

Ngân hàng dù có chính sách với chủ đầu tư hay khách hàng nhưng độ trễ của chính sách cũng từ 3 – 6 tháng, nên thị trường vẫn đang trong tình trạng thanh khoản kém”.

Không mấy lạc quan về thị trường, dù ngân hàng đã tuyên bố mở van tín dụng, ông Đỗ Quốc Thái - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng và thương mại An Thái cho rằng:

“Ngay như ngân hàng BIDV tung ra gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm cho BĐS vay, nhưng bản thân khách hàng hiện nay chỉ đáp ứng được 30% tài chính.

Mức lãi suất như vậy khách hàng nào dám vay mua nhà? Với địa ốc thì chỉ có DN đang vay ngân hàng, có dự án sắp hoàn thành mới đủ điều kiện vay tiếp, còn DN mới không có cửa, bởi ngân hàng hiểu hơn ai hết tình trạng của thị trường BĐS khó khăn hiện nay”.
(Theo TPO)

Bình Dương: Đem tài sản của cả trăm hộ dân đi thế chấp


Công ty Kinh doanh Xây dựng Dịch vụ Tư vấn Phú Quang đã vận động lấy đất đổi nền và gom tiền làm dự án khu dân cư, sau đó đem thế chấp hết tài sản của dân.
139 hộ ở Bình Dương, Tp.HCM, Đồng Nai... đã góp tiền, đất để tham gia Dự án Khu dân cư Phú Quang (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) do Công ty Kinh doanh Xây dựng Dịch vụ Tư vấn Phú Quang (837B, tỉnh lộ 43, KP 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Tp.HCM) làm chủ dự án.

Sau gần chín năm dự án vẫn trên giấy, mới đây các hộ dân phát hiện tài sản của mình đã bị giám đốc công ty này đem thế chấp.

Dự án chín năm vẫn là đồng cỏ, ao vịt

Ông Vũ Trí Hưng, một người dân mua nhiều nền tại dự án này, cho biết: Đầu tháng 3/2003, khi chưa có quy hoạch khu đô thị mới, ông Phạm Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Phú Quang đã vận động hàng trăm hộ dân ký “hợp đồng hợp tác đầu tư” Dự án Khu dân cư Phú Quang. Người dân đầu tư tiền thi công hạ tầng sẽ được công ty giao nền nhà kèm giấy đỏ. 139 hộ dân đã giao cho công ty 50%-70% số tiền phải đóng, tổng cộng khoảng trên 30 tỉ đồng.

Cuối năm 2004, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Công ty Phú Quang. Theo đó tỉnh thu hồi gần 88.000 m2 của các hộ dân, trừ hành lang bảo vệ sông suối, còn 84.000 m2 giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho công ty để xây dựng khu dân cư đô thị mới Phú Quang. Công ty có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi chuyển nhượng QSDĐ và trước tháng 11/2005.

Bình Dương: Đem tài sản của cả trăm hộ dân đi thế chấp | ảnh 1
Các hộ dân bên khu đất dự án sau gần chín năm chỉ là đồng cỏ, chòi vịt. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bình Dương: Đem tài sản của cả trăm hộ dân đi thế chấp | ảnh 2
Giấy nộp tiền mua nền của nhiều hộ dân. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

34 hộ đã được Phú Quang bồi thường cho biết chỉ thực sự bồi thường một nửa diện tích theo giá đất nông nghiệp, tổng cộng khoảng 9 tỉ đồng, còn lại là hoán đổi nền nhà.

Đầu năm 2006, thấy phía Phú Quang không giao nền, nhiều hộ dân khiếu nại. Tháng 7/2006, ông Hải thông báo: Hiện đã nhận được thông báo vốn vay từ tập đoàn nước ngoài tài trợ 300 tỉ đồng và hứa sẽ thực hiện dứt điểm công tác đền bù, san lấp mặt bằng trong năm 2006. Tuy nhiên, sau đó mọi việc vẫn không có tiến triển.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi dự án do Công ty Phú Quang chậm triển khai. Kể từ đây, các hộ dân không biết đất và tiền của họ được chủ đầu tư sử dụng như thế nào, họ tìm cách gặp ông Hải nhưng đều thất bại.

Gần chín năm qua, người dân bị thu hồi đất không có đất ở, dự án chỉ là cánh đồng cỏ, lau sậy cao ngút.

Đem chủ trương của tỉnh, tài sản của dân đi thế chấp

Dù UBND tỉnh Bình Dương có quyết định thu hồi dự án nhưng ngày 4/1/2008, Công ty Phú Quang vẫn đem toàn bộ giá trị QSDĐ và tài sản hình thành trên đất của dự án này để thế chấp cho Công ty Tài chính Dầu khí nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại hợp đồng tín dụng được ký cùng ngày giữa Công ty Phú Quang và Công ty Tài chính Dầu khí. Bên thế chấp cam đoan những tài sản nói trên thuộc toàn quyền sở hữu của mình và không có tranh chấp.

Chưa hết, dù dự án đã bị thu hồi nhưng đầu năm 2008, Công ty Phú Quang vẫn tiếp tục “dụ” hàng chục hộ dân góp vốn xây dựng dự án để lấy nền nhà.

Nhận thấy Công ty Phú Quang có khuất tất, phía Công ty Tài chính Dầu khí đã khởi kiện ra tòa. Ngày 5/8/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM đã tuyên Công ty Phú Quang phải trả cho Công ty Tài chính Dầu khí số tiền vay và lãi suất ngân hàng, tổng cộng là gần 57 tỉ đồng, tiến hành phát mãi ngay tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ngày 14/7/2010, Cục Thi hành án (THA) dân sự Tp.HCM thông báo sẽ tiến hành phát mãi QSDĐ để thu hồi nợ cho Công ty Tài chính Dầu khí và đề nghị các hộ dân đã góp vốn liên hệ với Cục THA để giải quyết. Lúc này các hộ dân mới biết tài sản và đất góp cho Công ty Phú Quang đã bị đem thế chấp.

Ngày 13/5 vừa qua, hơn 100 hộ dân đã cùng làm đơn kiến nghị và ủy quyền cho ông Vũ Trí Hưng (một trong số nạn nhân) gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Dương.

PV đã tìm đến địa chỉ công ty và địa chỉ nhà của tổng giám đốc Công ty Phú Quang để làm rõ hơn sự việc nhưng không tìm thấy. Các hộ dân đổ xô đi kiếm ông Hải cũng đành bất lực.

Đề nghị ngăn chặn xuất cảnh tổng giám đốc Công ty Phú Quang

Ngày 2/5, Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức, Tp.HCM đã có văn bản gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, đề nghị cơ quan này ngăn chặn xuất cảnh đối với ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Công ty Phú Quang, cho đến khi THA xong hoặc có bảo lãnh bằng tiền hay biện pháp bảo đảm khác để thực hiện THA theo quy định của pháp luật.

Sáng 15/5, cơ quan THA Thủ Đức đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản bao gồm QSDĐ và căn nhà năm tầng của Công ty Phú Quang và ông Hải tại phường Tam Bình, quận Thủ Đức, để trả nợ cho một ngân hàng thương mại khác mà ông Hải đã đem thế chấp để vay vốn.
(Theo PLTP)