24 tháng 4, 2012

Đa số các doanh nghiệp BĐS chỉ có vốn "cò con"?


Thời gian vừa qua, đa số các công ty bất động sản đều kinh doanh theo kiểu "tay không bắt giặc" chứ không hề có một nguồn vốn ổn định nào.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết khi trao đổi với PV Infonet. Theo TS Thành, hiện có tới 80% các công ty kinh doanh bất động sản có vốn dưới 20 tỷ đồng. Như vậy, thời gian qua phần lớn các công ty bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”…

Những công ty bất động sản nào đã kinh doanh nhà đất cách đây chừng 7 năm thì hiện nay họ có tiềm lực tài chính khá mạnh, vì thời gian ấy, bất động sản sinh lời quá lớn 1 ăn 10. Còn những công ty nào mới tham gia thị trường hiện nay đa phần gặp khó khăn, thậm chí có nhiều công ty phá sản…
80% các công ty BĐS vốn cò con

Đa số các doanh  nghiệp BĐS chỉ có vốn "cò con"? | ảnh 1
Nhiều công ty bất động sản mới tham gia thị trường sẽ bị phá sản

Các DN bất động sản mới thành lập còn thiếu kinh nghiệm nên đầu tư dàn trải, thiếu tập trung làm thị trường mất cân đối và phát triển không ổn định. Nhiều DN tham gia thị trường chưa có ý thức giữ gìn thương hiệu, bảo đảm, chất lượng, uy tín của doanh nghiệp, không tuân thủ các quy định pháp luật...

Dưới góc độ chi phí sản xuất, giá bất động sản có thể giảm xuống 30-50% giá hiện thời (tùy vị trí và chủng loại) mà nhà sản xuất chưa cần phải đổi mới công nghệ vẫn có lãi. Giá nhà ở tăng quá cao so với nhu cầu của người dân do mất cân đối cung cầu, chi phí đầu vào tăng, giao dịch bất động sản không minh bạch.

Ông Thành cũng ví dụ, cách đây chưa lâu tôi vào thăm một người bạn, ông này vay ngân hàng đầu tư khá nhiều đất nền, biệt thự… Khi “bong bóng” bất động sản bị vỡ, ông ta treo biển “bán biệt thự”. Sau thời gian tôi quay lại thì ông bạn tôi đã gỡ bỏ biển treo “bán biệt thự”… Hỏi ra mới hay, ngân hàng đã phát mại số biệt thự đó…

Nếu như trước đây kiếm tiền rất dễ đối với nhiều người, chẳng hạn người ta đưa cho tôi 1 đồng thì sẽ sinh lời ra 1 đồng mốt. Nhưng hiện nay, nếu người ta đưa cho ai đó 1 đồng, sau đó sẽ mua dao lê đi đòi nợ… “Bong bóng” bất động sản vỡ chỉ là rất nhỏ và tượng trưng cho quả “bong bóng” tài chính to lớn đã vỡ, nó bao gồm nhiều mảng khác nhau: bất động sản, chứng khoán, tài chính…

Từ gần 1 năm nay, đã có rất nhiều ý kiến thảo luận xung quanh việc giải cứu thị trường bất động sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép nới tín dụng đối với một số lĩnh vực liên quan tới bất động sản. Thế nhưng, liều thuốc tăng lực này được cho là chưa đủ trong bối cảnh nhiều DN đã ngấp nghé bờ phá sản.
80% các công ty BĐS vốn cò con

TS Thành đưa ra một số giải pháp để phát triển thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp ưu tiên những dự án có vị trí tốt, thuận lợi giao thông, tập trung vào thị trường nhà ở bình dân. Phải sớm triển khai thành lập Trung tâm quản lý nhà sở hữu nhà nước để quản lý đầu tư, vận hành, khai thác quỹ nhà ở xã hội...

Theo TS Thành, nợ xấu bất động sản trong hệ thống chắc chắn có và ai cũng biết, nhưng lúc này DN và ngân hàng phải ngồi lại bàn với nhau. Cả hai phải tin nhau thì mới có hướng giải quyết các khó khăn về thanh khoản, về nợ. Bởi nếu doanh nghiệp có bị phá sản thì ngân hàng cũng bị tác động dây chuyền rất lớn…

Thế nên, trong rất nhiều gói giải pháp để thị trường không đổ vỡ, chính sách tài chính cho phép DN được tiếp tục giãn, hoãn tiền đất và khoanh nợ, giãn nợ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khoảng thời gian hoãn thuế chừng 6 tháng tới 1 năm lúc này chính là liều thuốc "an thần" quý giá giúp DN kịp nghỉ lấy lại sức để chống chọi với băng giá của thị trường.
(Theo Infonet)

"Phá giá" BĐS vào thời điểm này là khôn ngoan?


Trước thông tin "đại gia" Đoàn Nguyên Đức "phá giá" thị trường BĐS Tp.HCM, GS.Đặng Hùng Võ cho rằng: Nhà đầu tư nào khôn ngoan thì nên giảm giá vào thời điểm này.

“Bán 10 triệu đồng/m2, tôi mới phục!”

Vừa qua một làn sóng bán tháo bất động sản (BĐS) đã diễn ra ở cả Tp.HCM và Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp rao bán gấp căn hộ, chấp nhận chịu lỗ để đổi lấy tiền mặt, thoát khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp bán giá rẻ từ năm 2011, có doanh nghiệp đầu tư dự án, xây dựng lên với chi phí  240 tỷ, nay phải bán dở dang với mức giá hạ 150 – 200 tỷ đồng - Đó là câu chuyện bình thường trong kinh doanh, theo nhận định của các chuyên gia BĐS.

Tại ĐHCĐ thường niên 2012 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức đã gây “sốc” cho thị trường khi khẳng định rằng: vài tháng tới sẽ có căn hộ được bán với giá bằng 50% sản phẩm cùng vị trí tại quận 7, Tp.HCM.

"Phá giá" BĐS vào thời điểm này là khôn ngoan? | ảnh 1
Theo ý kiến của một số người trong giới BĐS, quyết định giảm giá tới 50% của vị Chủ tịch Tập đoàn HAGL sẽ ít nhiều có tác động, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, nhất là những dự án cao cấp liền kề dự án của HAGL.

Theo ý kiến của một số người, quyết định này của vị Chủ tịch Tập đoàn HAGL sẽ ít nhiều có tác động, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, nhất là những dự án cao cấp liền kề dự án của HAGL.

Bởi lẽ, nếu 2 dự án trong cùng một khu vực, chất lượng như nhau nhưng giá dự án của HAGL chỉ bằng 50% dự án kia thì đó là vấn đề đáng quan tâm. Đằng này, chất lượng lại khác nhau.

Ngoài ra, “trước khi xem xét việc giảm giá, cần phải xem xét trước đây họ bán giá bao nhiêu. Nếu trước đó, họ bán giá cao lên tới 50 triệu đồng/m2 thì giờ giảm giá 50% cũng là chuyện bình thường.

Còn những doanh nghiệp bán với giá rẻ từ lâu, khoảng 15 – 16 triệu đồng/m2 thì làm sao có thể giảm giá xuống thấp nữa!” – Ông Nguyễn Văn Đực, Phó GĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam.

Trong khi đó, theo một số tờ báo như ĐTTC đưa tin: trước mắt HAGL sẽ đưa 2 dự án, một gần cầu Kênh Tẻ (quận 7) - liền kề dự án Sunrise City của Novaland đang có giá bán khoảng 40 triệu đồng/m2 - và một tại quận Tân Phú với tổng số 1.800 căn hộ.

Giá bán dự án ở quận 7 khoảng 23 triệu đồng/m2, ở Tân Phú 12,5 triệu đồng/m2.

Theo ông Đực, “mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược và nhu cầu tài chính riêng. Quan trọng là anh bán ra ngoài thị trường với giá bao nhiêu. Nếu như trước đây họ bán với giá 20 – 30 triệu đồng/m2, giờ giảm xuống 50% còn 10 triệu đồng/m2, tôi mới phục”.

“Giảm giá BĐS của HAGL là hợp lý”

Chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giao dịch BĐS trầm lắng, việc giảm giá là quy luật tất yếu của thị trường.

“Trước đây, thị trường BĐS đầu cơ nhiều, đợt này thì không có đầu cơ nữa, các nhà đầu tư phải bán cho người có nhu cầu thật. Mà muốn bán cho người có nhu cầu thật thì phải giảm giá. Tôi cho rằng: Nhà đầu tư nào khôn thì thời điểm này phải giảm giá” – Ông Võ cho biết.

Theo GS. Đặng Hùng Võ: Nhà đầu tư nào khôn thì thời điểm này phải giảm giá. Việc HAGL tuyên bố bán giá căn hộ tại quận 7, Tp.HCM thấp hơn giá thị trường tới 50% cũng là điều hợp lý.

"Phá giá" BĐS vào thời điểm này là khôn ngoan? | ảnh 2
Theo GS.Võ, việc giảm giá BĐS tại Tp.HCM của ông Đoàn Nguyên Đức cũng là một tín hiệu tốt cho thị trường khi “lâu ngày không có giao dịch thì phải đưa ra một mức giảm nhất định để tăng lượng giao dịch”. Trong đó, giao dịch chủ yếu là giao dịch của những người muốn mua nhà để ở.

Mặc dù vậy, hiện nay, nhiều người dân vẫn chưa mặn mà lắm với những sản phẩm giảm giá do lo lắng về chất lượng và tính pháp lý của công trình. Liên quan tới vấn đề này, ông Đoàn Nguyên Đức đã thẳng thắn khẳng định với báo Giáo Dục Việt Nam: Mọi thứ đều đảm bảo và đầy đủ. “Đây không phải là lần đầu tiên, chúng tôi bán giảm giá” và trên thực tế “đã có hàng nghìn người mua nhà của tôi”.

Theo lời giải thích của ông Đức thì: HAGL có nhiều lợi thế để giảm giá, đó là quỹ đất dồi dào và giá rẻ, kinh doanh đa ngành, phát triển dự án quy trình khép kín, có ưu thế về vật liệu xây dựng.

“Nếu đúng sự thực là như vậy thì việc giảm giá của HAGL cũng là hợp lý” - Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội nhận xét.  

Doanh nghiệp nào làm BĐS cũng có nhu cầu về vốn. “Nếu họ cần vốn, bán giảm giá để hút khách hàng trên thị trường, theo quan điểm của cá nhân tôi thì không có gì sai và đáng trách cả!”. Ông Tùng tâm sự thêm: “Cũng có nhiều lúc, công ty tôi phải đẩy hàng đi, thu tiền về, đảo vốn nhanh hơn, hiệu quả hơn – Đó cũng là tín hiệu tốt của thị trường”.

Là đơn vị thi công và đầu tư chung cư mini, theo ông Tùng, hoàn toàn có thể làm nhà được với mức giá tốt, đặc biệt là nếu mua được đất giá rẻ ngay từ đầu. Tại Hà Nội, chung cư mini của công ty ông Tùng có thể chào hàng với mức giá thấp 800 triệu đồng/căn, thì Tp.HCM cũng có thể bán ra với mức giá rẻ nhiều hơn thế!

Với ý kiến của ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng: Công ty ông bán giảm giá vì mong muốn những người nghèo ở Tp.HCM vẫn có quyền mua nhà ở. Nhưng đứng trên quan điểm cá nhân thì một số doanh nghiệp BĐS khác lại cho rằng: “Nếu anh vì người nghèo, anh có thể bán 11, 12 hay 13 triệu đồng/m2 như công ty Lê Thành đã từng bán không?!”.

“Vào thời điểm này, anh bán vì anh, chứ không phải vì ai hết!” – Lãnh đạo một công ty BĐS tại Tp.HCM nhấn mạnh.
(Theo GDVN)

Hà Nội: Thiệt hại của người dân cần được đền bù thỏa đáng


Hiện nay, dự án “Tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở” do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Thăng Long (Cty Thăng Long) thi công khiến nhiều ngôi nhà của người dân tại khu tập thể Viện nghiên cứu cơ khí và Bệnh viện 19-8 thôn Phú Mỹ (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) bị lún, nứt nghiêm trọng…

Khoan neo vào nhà dân

Theo phản ánh của các hộ dân, đầu năm 2010, Cty Thăng Long khởi công xây dựng “Dự án đầu tư Tổ hợp công trình dịch vụ công cộng, văn phòng và nhà ở”, trong quá trình thi công dự án đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nghiêm trọng hơn chủ đầu tư còn tiến hành khoan neo sang phần đất của một số hộ dân liền kề khiến cho nhiều ngôi nhà bị lún, nứt, ảnh hưởng đến ván đề tâm linh cụa họ.
Hà Nội: Thiệt hại của người dân cần được đền bù thỏa đáng | ảnh 1
Bức xúc, các hộ dân đã gửi đơn kiến nghị lên Cty Thăng Long, UBND xã Mỹ Đình, UBND huyện Từ Liêm yêu cầu Cty Thăng Long dừng việc khoan neo sang đất của người dân, đồng thời phải bồi thường nhằm khắc phục hậu quả. Mặc dù, UBND xã Mỹ Đình và huyện Từ Liêm đã tổ chức một số cuộc họp giữa đại diện của Cty Thăng Long với các hộ dân yêu cầu Cty Thăng Long dừng khoan neo sang đất của một số người dân, đồng thời thỏa thuận về đền bù thiệt hại, thế nhưng Cty Thăng Long vẫn không tiến hành thỏa thuận mà tiếp tục thi công.

 “Khu dân cư đã gửi đơn lên UBND xã Mỹ Đình, yêu cầu Cty Thăng Long thi công không làm ảnh hưởng đến người dân, nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ nguyện vọng của dân. Không những thế, khi UBND xã Mỹ Đình mời công ty đến đối thoại với dân, họ không có tinh thần hợp tác, không ký vào bản cam kết, bỏ ngoài tai những ý kiến của người dân về hiện tượng nứt nhà và tiếp tục cho khoan neo”- ông Hoàng Văn Gợt (nhà số 1, ngõ 2, Tập thể Viện nghiên cứu cơ khí) bức xúc.

Ngày 15/12/2010, UBND huyện Từ Liêm đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện UBND huyện Từ Liêm, xã Mỹ Đình, đại diện Cty Thăng Long và các hộ dân. Tại cuộc họp, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Từ Liêm đã kết luận:“Cty Thăng Long phải tạm dừng thi công khoan neo tại vị trí các hộ dân liền kề; phối hợp với UBND xã Mỹ Đình  khảo sát hiện trạng các hộ dân có hiện tượng lún, nứt từ ngày 18/12/2010 đến 25/12/2010; tự lập dự toán, đánh giá mức thiệt hại và thỏa thuận đền bù cho dân”. Thế nhưng đến nay, Cty Thăng Long vẫn chưa thực hiện; Còn chính quyền cũng chỉ dừng lại ở các cuộc họp!

Chính quyền cần vào cuộc tích cực

Sống phấp phỏng trong những ngôi nhà bị lún nứt suốt từ năm 2010 đến nay, sau nhiều lần gửi đơn đến chính quyền địa phương và chủ đầu tư, nhiều cuộc họp đã được tổ chức tại UBND xã Mỹ Đình, song cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các bên liên quan sớm thực hiện đền bù và giảm thiểu ảnh hưởng. Đã vậy, ngày 31/5/2011, Cty Thăng Long có Công văn số 56 về việc “Hỗ trợ kinh phí công tác khoan neo” với mức đền bù cho mỗi mũi khoan neo là 2 triệu đồng, điều này các hộ dân vô cùng bức xúc.

 “Hỗ trợ kinh phí khoan neo với mức đền bù cho mỗi mũi khoan 2 triệu đồng, không hiểu dựa vào đâu mà Cty Thăng Long lại đơn phương đưa ra mức hỗ trợ như thế?”, ông Lê Trung não (số 2 dãy B3, TT Bệnh viện 198) cho biết. Ông Não cho biết thêm:“Nhà tôi bị nút, lún nghiêm trọng, nếu tính chi phí để xây dựng lại phải mất hàng tỷ đồng, mức đền bù như vậy là chưa thỏa đáng, thiết nghĩ cần phải có một đơn vị giám định độc lập để đánh gái nguyên nhân thiệt hại, tính toán giá trị và đề xuất bồi thường. Chưa kể đến vấn đề tâm linh ở đây”.

Trước kiến nghị của người dân, UBND huyện Từ Liêm cũng chỉ có biện pháp chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Cty Thăng Long khẩn trương thỏa thuận và bồi thường thiệt hại việc khoan neo của dự án cho các hộ dân theo đúng quy định của pháp luật xong trước ngày 15/8/2011. UBND xã Mỹ Đình đôn đốc, giám sát chủ đầu tư dự án thực hiện việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại do khoan neo đối với các hộ dân liên quan đến dự án.

Ngày 29/2/2012, đại diện UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, đại diện Cty Thăng Long và các hộ dân đã cùng ký biên bản cam kết trong đó có nội dung:“Cty Thăng Long  mời đơn vị có tư cách pháp nhân thẩm định trong thời gian 30 ngày kể từ này hôm nay để đánh giá chính xác mức thiệt hại, để đền bù cho các hộ dân”. Nhưng đến nay Cty Thăng Long vẫn chưa có động thái nào đối với quyền lợi của các hộ dân. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người dân, trước hết UBND xã Mỹ Đình, UBND huyện Từ Liêm cần vào cuộc tích cực hơn nữa, tránh dự hoài nghi của người dân vào sự bao che, dung túng nào đó.
(Theo PLVN)

Cải tạo chung cư cũ: Đâu là lời giải?


Đáp ứng được lợi ích của Nhà nước và người dân thì khó bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì vậy một giải pháp đưa ra phải bảo đảm nguyên tắc hài hòa được lợi ích các bên mới mong giải được bài toán cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ.
Cải tạo chung cư cũ: Đâu là lời giải? | ảnh 1
Hà Nội hiện có hơn 90% chung cư cũ đã hư hỏng, xuống cấp, trong đó có gần 25% lô, tòa chung cư ở tình trạng nguy hiểm. Trong khi số chung cư cũ được cải tạo, xây dựng mới từ năm 2007 tới nay mới chỉ là 1%. Các nhà quản lý và các chuyên gia đã chỉ rất nhiều nguyên nhân khiến tiến trình cải tạo không mấy tiến triển trong nhiều năm qua. Tuy nhiên theo chúng tôi, chỉ có một nguyên nhân chính và cốt lõi là do “xung đột lợi ích” của các đối tượng tham gia không được giải quyết.

Về phía Nhà nước, các nhà quản lý và kiến trúc muốn các khu tập thể cũ được cải tạo trên nguyên tắc kiểm soát hạn chế phát triển dân số với ngưỡng tối đa bằng số dân hiện có, không xây dựng cao tầng đối với vùng ảnh hưởng đến các không gian bảo tồn. KTS. Lã Kim Ngân - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, các khu cải tạo được phép nâng tầng là các khu tập thể không ảnh hưởng tới vùng bảo tồn, nằm trên các trục đường hướng tâm. Vì vậy, thành phố khuyến khích khôi phục mật độ xây dựng thuần của thiết kế nguyên gốc, trên cơ sở giữ nguyên số lượng các căn hộ nguyên gốc nhưng tăng diện tích bình quân, nhằm cải thiện điều kiện sống dân cư trong thời kỳ mới.

Trong khi đó, khó khăn nhất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đó là giải phóng mặt bằng, tái định cư, vì liên quan đến quyền lợi của cả nhà đầu tư và người dân. Nếu bảo đảm các chỉ tiêu quy hoạch theo quy định thì các chủ đầu tư khó bảo đảm yêu cầu về tái định cư cũng như khả năng cân đối tài chính. Trong khi đó người dân thì luôn đòi hỏi căn hộ mới phải rộng, đẹp hơn nhà cũ, được tái định cư tại chỗ. Còn đối với các nhà đầu tư thì vấn đề cốt lõi vẫn là lợi nhuận. Chẳng hạn theo quy định hiện hành, các khu chung cư sẽ không được xây cao quá chín tầng, trong khi lại phải trả lại diện tích gấp từ 1,5 đến 1,7 lần cho tái định cư thì doanh nghiệp hầu như không có lợi nhuận, thậm chí lỗ.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng thừa nhận việc cải tạo chung cư ở Hà Nội hiện rất nan giải. Chỉ với một khu tập thể Nguyễn Công Trứ, TP phải bổ sung đến hai nghìn tỷ đồng, bằng số tiền xây mới cả một khu đô thị bên ngoài trung tâm. Vì vậy ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần phải xem xét lại quan điểm và phương pháp xây lại chung cư cũ. Về phía ngành xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, nếu chung cư cũ mà đổ, sập, người dân chịu thiệt, Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, Nhà nước sẽ là chủ đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ chứ không phải DN phải đứng ra như hiện nay.

Tuy nhiên theo ông Hà Nam, một người đã từng sống nhiều năm tại khu tập thể Vĩnh Hồ, đồng thời ông cũng là một kiến trúc sư kiêm giám đốc Công ty Kiến trúc - Nội Thất Nam Anh thì bài toán này vẫn có thể gải được nếu Nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư hoặc bảo lãnh đầu tư.

Về cách thức chung, theo ông Nam, chúng ta có thể kết hợp giải pháp kiến trúc và tài chính để áp dụng cho từng trường hợp cụ thể một cách linh hoạt để bảo đảm hài hòa lợi ích của cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Ông Nam phân tích, các khu chung cư cũ thường cao từ bốn đến năm tầng. Như vậy, nếu được xây chín tầng thì nhà đầu tư sẽ có được từ bốn đến năm tầng dôi ra để sinh lời. Nhưng với yêu cầu phải tăng diện tích tái định cư lên 1,5 đến 1,7 lần thì sẽ ảnh hưởng đến diện tích dôi ra, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của chủ đầu tư thì phải giải quyết thế nào ? Trong trường hợp này, ông Nam đề xuất áp dụng giải pháp kiến trúc, cho phép xây căn hộ có gác xép, tầng lửng, kiểu nhà penthouse. Như vậy, nếu căn hộ cũ rộng 40 m2, chúng ta sẽ xây căn hộ 40 m2 trên nền cũ nhưng thêm phần gác xép 20m2 nữa để có căn hộ 60m2 đáp ứng đúng chủ trương tăng diện tích ở cho người dân, mà không làm tăng thêm dân số.

Tuy nhiên điều này sẽ làm tăng chi phí xây dựng và làm giảm sút lợi nhuận của các chủ đầu tư. “Đây chính là lúc phát huy vai trò của Nhà nước”, ông Nam nói. Trong bối cảnh Nhà nước không có đủ tiền để cải tạo tất cả các khu chung cư thì việc kêu gọi các nhà đầu tư, xã hội hóa công việc này là hết sức cần thiết. Vì vậy để bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, Nhà nước nên bỏ ra một phần tiền để góp vốn, giảm gánh nặng với nhà đầu tư. Còn lại, Nhà nước góp thêm sức bằng các chính sách ưu đãi về thuế, cho vay, hoặc chỉ định thầu cho làm những dự án khác để bù đắp lợi nhuận.

Đi phân tích sâu hơn, ông Nam gợi ý, số tầng dôi ra của dự án sẽ được chính Nhà nước mua lại từ chủ đầu tư để phục vụ các mục đích cần thiết như làm trường học, nhà để xe, văn phòng của các cơ quan Nhà nước, hay chỉ đơn giản là vườn hoa, sân chơi, các khu chức năng cho cộng đồng…, hiện đang rất thiếu. Số này cũng có thể dùng làm trung tâm thương mại, thay thế các chợ “cóc”, thậm chí làm khách sạn, nhà nghỉ nếu ở các vị trí đẹp.

Ông Nam cho rằng, chính việc chuyển đổi công năng của tòa nhà sẽ giúp chủ đầu tư thu hút thêm được vốn từ các nhà đầu tư khác, mở thêm cho chủ đầu tư liên kết với những đơn vị khác để cùng làm, cùng chia lợi nhuận, trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính và chuyên môn. Khi đó, Nhà nước sẽ đứng ra bảo lãnh, làm trung gian điều phối, bảo đảm lợi ích cho các bên tham gia. Trong trường hợp Nhà nước làm chủ đầu tư thì có thể phát hành thêm trái phiếu công trình để tạo đủ vốn thực hiện dự án. Phần diện tích dôi ra của các dự án sẽ được tính toán trên từng vị trí, khu vực cụ thể để chuyển đổi công năng sao cho việc thu hồi lợi ích được hiệu quả nhất. Từ đó, Nhà nước sẽ có tiền thanh toán trái phiếu đã phát hành…

Một giải pháp khác cũng được KTS Nam lưu ý, đó là nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới để giảm giá thành xây dựng và bảo đảm môi trường. Ông Nam thêm, cách triển khai thực hiện sao cho hiệu quả thì chúng ta nên chọn những chung cư đơn lẻ hoặc có vị trí thuận tiện để làm thí điểm trước, vì thu hút được nhiều vốn, nhiều nàh đầu tư. Đối với các khu lớn như Thành Công, Giảng Võ, Thanh Xuân thì cần lên quy hoạch chi tiết, kèm với tổ chức cuộc thi về quy hoạch, kiến trúc và kèm phương án thu hút đầu tư.

Cùng quan điểm này, trong bình luận gần đây về Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, KTS Ngô Trung Hải đánh giá cao bản quy hoạch tham vọng này, song vẫn muốn thấy được những ý tưởng cụ thể, thiết thực hơn để giải quyết tình trạng xây dựng 'xôi đỗ' hiện nay. Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra bất cập nảy sinh chính là do quy hoạch đất đai thì 'từ trên xuống' trong khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là 'từ dưới lên'. KTS Nguyễn Quang cũng cho rằng, có vậy (quy hoạch từ dưới lên-PV) mới phát huy tối đa được các nguồn lực vốn không nhiều mà Hà Nội đang có. Quy hoạch như vậy cũng thể hiện được quan điểm lấy người dân chứ không phải lấy cơ quan quản lý làm trung tâm.
(Theo Nhân dân)

Dự án Splendora: Bất đồng trong liên doanh liên quan đến việc giãn tiến độ


Thị trường BĐS nghỉ đông, cùng với tình hình tài chính khó khăn, Vinaconex muốn giãn tiến độ Dự án Splendora, tuy nhiên, phía liên doanh là Posco thì nhất quyết không đồng ý.
Thị trường bất động sản ngủ đông, trong khi giá chào bán sản phẩm của dự án Splendora quá cao khiến tính thanh khoản chung cư, biệt thự của dự án này trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều giảm mạnh.

Cộng với tình hình tài chính khó khăn, phía Việt Nam trong liên doanh Bắc An Khánh là Tổng công ty Vinaconex muốn giãn tiến độ dự án. Tuy nhiên, phía nước ngoài là liên doanh Posco (Hàn Quốc) thì nhất quyết không đồng ý.
Dự án Splendora: Bất đồng trong liên doanh liên quan đến việc giãn tiến độ | ảnh 1
Ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, HĐQT Công ty đã đề nghị lãnh đạo liên doanh An Khánh xem xét giãn tiến độ dự án để chờ thời điểm kinh tế Việt Nam và thị trường bất động sản bớt khó khăn. Tuy nhiên, Posco là doanh nghiệp đã niêm yết tại Hàn Quốc nên họ không muốn ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, do đó không đồng ý giãn tiến độ. Dự án, do vậy vẫn đang được triển khai trong khi khả năng hấp thụ sản phẩm của thị trường ở mức rất thấp.

Dự án Splendora hiện đang triển khai san nền giai đoạn 2. Các hạng mục giai đoạn 1 gồm khu nhà biệt thự, liền kề và 4 tòa cao ổc đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, cuối năm nay, các khách hàng đầu tiên của dự án sẽ nhận bàn giao nhà.

Sức ép về tài chính khiến nhiều kế hoạch tại dự án này phải thay đổi. Theo quy định, liên doanh An Khánh JVC giữa Vinaconex và Posco chỉ được chia lợi nhuận khi kết thúc dự án (năm 2022), Vinaconex đã yêu cầu đẩy thời gian kết thúc dự án lên năm 2018. Một loạt hạng mục đang được hai bên chào bán cho nhà đầu tư thứ phát để có lợi nhuận ngay. Năm 2013, giai đoạn 1 của dự án sẽ kết thúc, hai bên đã đàm phán sẽ hạch toán để chia lợi nhuận ngay mà không để đến cuối dự án mới thực hiện.

Đầu năm 2011, liên doanh này đã hợp tác với Pricewaterhouse Cooper (PwC) về tư vấn thu hút đầu tư thứ cấp cho dự án Splendora. PwC sẽ thực hiện các dịch vụ lựa chọn, đánh gia, và tư vấn những nhà đầu tư tiềm năng, có uy tín, chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu của Công ty An Khánh JVC. PwC sẽ đại diện cho Công ty An Khánh đánh giá năng lực của các nhà đầu tư, tiến hành phân tích, lựa chọn, đàm phán và đưa ra những tư vấn để chọn ra nhà đầu tư tốt nhất cho việc đảm nhận các hạng mục tiện ích công cộng của dự án Splendora. Các hạng mục thu hút đầu tư thứ cấp trong giai đoạn 1 của dự án bao gồm dịch vụ, thương mại, hệ thống trường học các cấp (nhà trẻ, phổ thông cơ sở, trường quốc tế).

Chủ đầu tư dự án cho biết thêm, không chỉ các hạng mục tiện ích công cộng, liên doanh này còn tìm kiếm cả các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện dự án nhà cao tầng. Với việc thu hút đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư sẽ có điều kiện tập trung chuyên sâu hơn cho các hạng mục tự đảm nhận của dự án.

Được quảng cáo là dự án có đẳng cấp quốc tế, song chỉ có nhà liền kề và biệt thự tại Splendora được thị trường đón nhận hào hứng. Nhà chung cư tại dự án này không bán được do mức giá đưa ra chào rất cao 38 - 40 triệu đồng/m2. Việc bán hàng khó khăn khiến liên doanh An Khánh phải sử dụng chiêu “bán bia, kèm lạc”, khách hàng mua căn hộ tùy diện tích được mua kèm một căn liền kề hoặc biệt thự với giá thấp hơn so với giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/m2. Năm 2011, cách bán hàng trên còn phát huy tác dụng, đến thời điểm này, các nhà đầu tư thứ cấp cũng chào thua vì giảm giá cũng khó bán được hàng.

Câu chuyện của dự án Splendora cho thấy khó khăn trên thị trường bất động sản không chừa riêng ai. Sản phẩm làm ra không bán được, trong khi bài toán về vốn để triển khai tiếp không đơn giản. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần hạng A cho biết, năm 2011, ngân hàng này tăng trưởng tín dụng có 4,2%, năm 2012 được cấp hạn mức tăng trưởng 17% song khó có thể biết sẽ sử dụng bao nhiêu room. “Hiện trong túi ngân hàng có tiền, doanh nghiệp vẫn khó vay bởi việc kinh doanh không có triển vọng, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều thận trọng trong việc cung và tiếp nhận vốn”, ông này nói.
(Theo ĐTCK)