26 tháng 3, 2012

Bộ Tài chính và Bộ TN&MT thống nhất bỏ khung giá đất


Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nhận xét: “Đến thời điểm hiện nay, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả”.
Bộ Tài chính và Bộ TN&MT thống nhất bỏ khung giá đất | ảnh 1
Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất.

Vị Cục trưởng này cũng cho biết, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất.

Chi phí tiền thuê đất quá thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lãng phí trong sử dụng đất. Vấn đề này cần giải quyết như thế nào thưa ông?

Theo số liệu của hệ thống thuế, thu từ thuê đất trong năm 2010 là 3.000 tỷ đồng, nếu chia số này cho khoảng 200.000 doanh nghiệp thuê đất, thì mỗi doanh nghiệp đóng bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.

Nếu tính theo diện tích trên một mét vuông thì bình quân, thì cả nước chỉ thu tiền thuê đất là 2.316 đồng/m2. Cá biệt nhiều doanh nghiệp chỉ đóng từ 800-1.000 đồng/m2.

Tình trạng này là do chính sách trong giai đoạn vừa qua “nghiêng” về ưu đãi đầu tư và ưu đãi sản xuất để thu hút đầu tư. Việc ưu đãi là tốt nhưng quá nhiều và kéo dài gây bất hợp lý và làm “méo mó” thị trường.

Đất thuê của Nhà nước thì rất rẻ nhưng đất mặt bằng thuê của tư nhân lại rất đắt. Bản thân chi phí sản phẩm phải chịu chi phí thuê đất cao hơn làm cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Đây là một hậu quả xấu và không đảm bảo tính thị trường. Chính phủ đã giải quyết bằng Nghị định 121/2011 với việc nâng tiền thuê đất. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc nâng tiền thuê đất lên cao gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho giãn việc tăng thu.

Khung giá đất hiện nay đã quá lạc hậu so với giá thị trường, Bộ Tài chính có đề xuất gì để tránh thất thu ngân sách do khoảng cách chênh lệch này?

Theo Luật Đất đai hiện hành, có 3 công cụ định giá đất. Chính phủ quyết định khung giá đất chung cho cả nước tương ứng với từng loại đất và vị trí đất. Căn cứ khung giá đất này, UBND cấp tỉnh quyết định bảng giá. Trong trường hợp bảng giá chưa sát, UBND quyết định giá cụ thể.

Việc Chính phủ quyết định khung giá rất có tác dụng trong giai đoạn đầu vì đây là căn cứ để đưa ra bảng giá. Khung giá đất vừa thể hiện quan hệ cung cầu, mục tiêu kinh tế chính trị.

Đến thời điểm hiện nay, khung giá đất đã tỏ ra mất hiệu quả. Khung giá xây dựng rất công phu và sửa rất khó, phức tạp.

Với thực tiễn thị trường và kinh nghiệm điều hành chính sách đất đai trong nhiều năm, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất bỏ khung giá đất. Sau khi bỏ khung giá, Chính phủ sẽ quy định phương pháp, nguyên tắc để UBND được xác định giá. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường có văn bản hướng dẫn, UBND căn cứ giá thực tế chuyển nhượng để quyết định bảng giá. Bảng giá đất này sẽ làm “kỹ” hơn bảng hiện nay.

Để sát thị trường hơn, trong trường hợp bảng giá không sát giá thị trường, UBND cấp tỉnh có thể quyết định một mức giá cụ thể bằng cách sử dụng tư vấn, sau đó, đưa ra hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

Việc giao đất không thông qua đấu giá cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu minh bạch trên thị trường, giải pháp nào có thể giải quyết được tình trạng này, thưa ông?

Đúng là trong các hình thức để giao đất, cho thuê đất chỉ có đấu giá là “thị trường” nhất. Tuy nhiên, đấu giá cũng không phải là giải pháp hoàn toàn thị trường, vì thị trường thể hiện cái phổ biến. Trong khi đó, cùng một ngôi nhà nhưng nhiều người thích thì giá lại bị đẩy cao lên. Tuy nhiên, đấu giá đất có tính minh bạch cao hơn hẳn giao đất chỉ định.

Hiện nay, các bộ, các ủy ban địa phương rất thích đấu giá đất. Tuy nhiên, một điều kiện tiên quyết để đấu giá được là phải có đất sạch. Phải giải phóng mặt bằng mới đấu được. Thực tế thiết lập chính sách cũng khuyến khích mở rộng đấu giá, hạn chế giao đất chỉ định, khuyến khích việc hình thành tổ chức phát triển quỹ đất.

Thủ tướng cũng đã cho thành lập loại hình doanh nghiệp là Tổng công ty Đền bù giải phóng mặt bằng ở Tp.HCM. Hy vọng sau này, các hình thức này sẽ phát triển mạnh. Hy vọng tỷ lệ bán qua đấu giá ngày một cao và chỉ định sẽ thấp hơn.
(Theo VnEconomy)

Ngắm nội thất dát vàng 24k tại Vietbuild 2012


Nội thất dát vàng 24k trị giá bạc tỷ là khiến nhiều người chỉ dám đứng ngắm nhìn. Đây là một trong những mặt hàng được giới thiệu tại Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2012 vừa khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam vào sáng nay (24/3).

Năm nay, Vietbuild tiếp tục lồng ghép triển lãm vật liệu xây dựng với bất động sản bởi hai lĩnh vực này vốn gắn bó mật thiết với nhau.

Ngay trong lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao Cúp vàng và Huy chương vàng VTOPBUILD cho 53 đơn vị có các sản phẩm đạt chất lượng cao ngành xây dựng, trao giải cho các doanh nghiệp có gian hàng quy mô, đẹp và ấn tượng.

Mặt hàng nhập khẩu được trưng bày khá nhiều tại triển lãm lần này, trong đó phải kể đến các loại nội thất cao cấp. Đồ nội thất nhập khẩu siêu cao cấp Ricco Lux đến từ Đài Loan gây khá nhiều sự chú ý bởi sự cầu kỳ khi được dát bằng vàng 24k, 18k, gắn ngọc và được chạm trổ tinh xảo, mang đầy phong cách cổ điển. Tuy vậy giá của những sản phẩm này cũng cực kỳ xa xỉ. 
Ảnh minh họa 
Bộ bàn ghế được dát vàng 24k
Ảnh minh họa 
Bề mặt được lót bằng chất liệu nỉ và nhung, bên trong là gỗ quý hang trăm năm tuổi được nhập khẩu từ Châu Phi. Gía của bộ bàn ghế này lên tới trên 1 tỷ đồng khiến nhiều khách hang chỉ dám đứng ngắm nhìn
Ảnh minh họa 
Chiếc giường này cũng được dát vàng 24k
Ảnh minh họa 

Những hoa văn trên thành ghế, góc bàn, góc tủ, chân ghế đều được dát vàngẢnh minh họa
Những sản phầm này chỉ hướng đến khách hang thượng lưu
Ảnh minh họa 
Chiếc bàn làm việc này có trị giá bằng vài cây vàng
Ảnh minh họa 
Theo vnmedia

Táo tợn làm giả biên bản Sở Xây dựng HN


Phần áp mái toà nhà 93 Lò Đúc
(VnMedia)- Mặc dù giữ chức Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, nhưng bà Nguyễn Thị Hải Yến lại không làm đúng chức năng khi tham mưu cho lãnh đạo Sở  ký thông báo kết luận không đúng sự thật tại dự án chung cư 93 Lò Đúc, Hà Nội và trái với cả những hồ sơ lưu trữ tại Sở về dự án này.
 

Ngày 20/1/2012, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành thông báo số 562 “kết luận và xử lý tố cáo về vi phạm trật tự xây dựng và quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư tại 93 Lò Đúc”. Trong đó, cho rằng Công ty Kinh Đô – chủ đầu tư tòa chung cư 93 Lò Đúc đã xây dựng cơi nới trên nóc nhà chung cư, thanh tra xây dựng quận cưỡng chế không triệt để, phần vi phạm không bị phá dỡ hết, hiện nay công ty Kinh Đô tiếp tục vi phạm phần xây dựng đã bị cưỡng chế từ năm 2007”.

Sau khi nhận được thông báo này, Công ty Kinh Đô đã có công văn phản bác lại những kết luận của Sở Xây dựng, đồng thời khiếu nại bà Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng - vi phạm quy định Luật Khiếu nại tố cáo và giải quyết nội dung tố cáo không khách quan, trung thực.

Ngày 22/3, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ đã chủ trì cuộc đối thoại giữa Sở với doanh nghiệp; tham gia cuộc đói thoại này còn có Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Phan Văn Bảo.
 
 Ảnh minh họa
 Tầng áp mái của toà nhà 93 Lò Đúc, căn nguyên của những lình xình tại dự án này trong thời gian vừa qua.

Ông Lê Văn  Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô, cho biết tại cuộc làm việc này lãnh đạo Sở Xây dựng đã kết luận:

Thứ nhất, bà Nguyễn Thị Hải Yến (Phó Chánh thanh tra) đã vi phạm quy trình và quy định của Luật khiếu nại tố cáo, không ra các quyết định giải quyết đơn tố cáo, không thành lập tổ công tác xác minh tố cáo và phương pháp làm việc gây bức xúc cho doanh nghiệp

Thứ hai, nội dung tố cáo “công ty Kinh Đô xây dựng cơi nới trên nóc nhà chung cư, thanh tra xây dựng quận cưỡng chế không triệt để, phần vi phạm không bị phá dỡ hết, hiện nay công ty Kinh Đô tiếp tục vi phạm phần xây dựng đã bị cưỡng chế từ năm 2007” là không có cơ sở. Vì căn cứ hồ sơ đang quản lý tại Sở Xây dựng cho thấy không có biên bản hoặc quyết định phá dỡ, cưỡng chế nào đối với công trình xây dựng tòa nhà 93 Lò Đúc của công ty Kinh Đô.

Thứ ba, việc kiểm tra các quy định về phòng cháy, chữa cháy, Thanh tra Sở Xây dựng không tiến hành kiểm tra thực địa nhưng đã kết luận Công ty vi phạm về phòng cháy, chữa cháy là không đúng và không thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Về công tác PCCC tại tòa nhà 93 lò Đúc, công ty sẽ thực hiện theo định kỳ của cơ quan PCCC.  

Vì vậy, Sở Xây dựng sẽ đính chính lại các nội dung của thông báo 562.

Báo chí cũng bị… lừa!?

Trong thời gian vừa qua, thực sự đã có cuộc nội chiến ở các toà nhà chung cư, khi người dân liên tục có đơn phản đối chủ đầu tư vì thu phí quá cao. Trong những vụ lình xình đó, báo chí đã đóng vai trò rất tích cực để phản ánh, đồng thời làm cầu nối để người dân - chủ đầu tư và nhà quản lý cùng có tiếng nói chung, hợp lý, hợp tình. Vụ việc xảy ra tại 93 Lò Đúc cũng tương tự. Nhưng…

Khi Sở Xây dựng Hà Nội ra thông báo kết luận về sự việc xảy ra tại chung cư 93 Lò Đúc đã có rất nhiều báo đăng tin bài phản ánh. Có điều, chính báo chí đã bị “lừa” khi trích đăng nội dung thông báo không chuẩn xác của Sở Xây dựng. Đồng thời, trong những hồ sơ mà một số cá nhân ở tòa nhà này cung cấp cho báo chí, có một văn bản đang được phía chủ đầu tư cho là giả mạo.

Đó là biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng số 92 /BB-KT ngày 06/09/2006, trong đó đóng dấu treo có chữ Thanh tra Xây dựng. Theo đại diện Công ty Kinh Đô, doanh nghiệp cũng hoàn toàn bất ngờ với biên bản này.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc của Kinh Đô cho biết sau khi một số báo đăng bài và đều trích dẫn nội dung của biên bản số 92 để khẳng định việc xây dựng tòa nhà 93 Lò Đúc là “sai phạm có hệ thống”, phía công ty đã trực tiếp sang Sở Xây dựng Hà Nội để tìm hiểu thì được trả lời là không có biên bản này.

“Sau khi kiểm tra hồ sơ lưu tại công ty và xác minh tại Sở Xây dựng, chúng tôi khẳng định là thực tế biên bản số 92 mà một số người dân cung cấp cho báo chí là biển bản giả mạo”- ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, có 5 cơ sở để khẳng định đây là văn bản bị làm giả:

Con dấu tròn "Thanh tra xây dựng" đóng trên góc trái trên cùng của Biên bản số 92/BB-KT là con dấu giả mạo không phải là của Thanh tra xây dựng Thành phố Hà Nội. Chữ "xây dựng" (dưới  chữ thanh tra) được tô vẽ bằng chữ viết tay, không phải là dòng chữ khắc trên con dấu đóng lên giấy.

Chữ ký trong Biên bản là giả mạo không phải là chữ lý của ông Lê Văn Hùng khi đó là Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (hiện nay là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô).

Biên bản không có con dấu của Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đóng lên chữ đã ký, không ghi họ và tên dưới chữ ký hoặc đóng dấu chức danh.

Và trên thực tế lãnh đạo Công ty Kinh Đô chưa bao giờ ký vào một Biên bản nào có nội dung như vậy trong suốt quá trình xây dựng công trình 93 Lò Đúc.

Theo ông Hùng, thời gian qua, một số phóng viên khi được cung cấp biên bản giả này đã không hề đến làm việc với công ty để có thông tin hai chiều mà chỉ căn cứ vào đó để viết bài, đăng báo với nội dung quy chụp công ty cố tình và chính quyền quận Hai Bà Trưng làm sai khi cấp sổ đỏ cho diện tích xây dựng vi phạm, thậm chí có người còn đòi “cắt ngọn” tòa nhà, đã gây hoang mang cho hàng ngàn người dân đang sinh sống tại tòa nhà.

“Chúng tôi đã có công văn gửi các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị phải làm rõ việc này bởi thời gian qua, một số người dân đã cố tình lợi dụng báo chí để gây rối”- ông Hùng khẳng định.



Nhật Lâm

Nhiều khách hàng đi đòi tiền chủ dự án


ảnh minh họa
(VnMedia)  - Tình trạng khách hàng khiếu nại đòi tiền do dự án chậm triển khai ngày càng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, việc đòi được tiền rất khó, tài chính của nhiều chủ dự án gần như chỉ còn là con số 0.
Đòi tiền góp vốn: Bắc thang lên hỏi ông giời
Nhiều tháng nay, chị Ngọc Quỳnh - một khách hàng mua dự án chung cư 30 tầng tại 34 Cầu Diễn mất ăn mất ngủ khi khoản tiền gần 3 tỷ đồng gom góp của bà con họ hàng bao nhiêu lâu nay giờ có nguy cơ bị mất trắng do dự án không triển khai hơn 1 năm nay.
Số là, năm 2011 chị đã góp tiền mua dự án này do công ty Quân Thư làm chủ đầu tư với lời hứa hẹn cuối năm 2012 giao nhà, tuy nhiên cho đến thời điểm này dự án vẫn án binh bất động. Quá lo lắng, chị đã nhiều lần tìm gặp chủ đầu tư dự án để xin rút vốn nhưng không được.
“Gia đình tôi đã tìm kiếm vị giám đốc của công ty này nhưng dường như vô vọng, đến công ty không gặp được, điện thoại không nghe máy. Giờ không biết chủ đầu tư ở đâu mà tìm. Tôi được biết, không chỉ riêng gì gia đình tôi mà rất nhiều khách hàng đã đầu tư vào dự án này đang muốn đòi tiền chủ đầu tư mà chưa được” chị Quỳnh bức xúc.
Tâm trạng của các khách hàng mua dự án Vân Canh do công ty CP AZ làm chủ đầu tư cũng nao núng không kém.
Bác Hạnh - người mua nhà cho biết, cuộc chiến đòi tiền chủ đầu tư dự án Vân Canh kéo dài gần 1 năm nay mà không có chuyển biến gì. Số tiền chúng tôi nộp cho chủ đầu tư giờ không biết ở đâu khi mà dự án 3 năm nay không có chuyển động gì cả.
“Ngày nào chúng tôi cũng cắt cử người đến công ty để trực chờ chủ đầu tư tuy nhiên kết quả vẫn chỉ là còn số 0. Giờ chắc chủ đầu tư cũng chẳng thể có tiền để trả lại cho hàng trăm khách hàng đã tham gia góp vốn” bác Hạnh nói
Sự việc hơn 100 khách hàng kéo đến đòi lại tiền đã góp vốn vào dự án nhà ở chung cư Binh đoàn 12 do Công ty cổ phần BĐS Thuận Thành thời gian gần đây tiếp tục làm cho ngọn lửa này bùng lên. Nhiều khách hàng từ khắp mọi tỉnh thành tham gia góp vốn vào dự án đã không ngần ngại vượt hàng trăm cây số, trực chiến 24/24 tại trụ sở công ty để đòi tiền nhưng không có kết quả.
Chị Yến Trinh (Nghệ An) - một người mua nhà dự án này cho biết: “Vợ chồng chị đã vay mượn khắp nơi mới đủ tiền góp vốn vào đây, những tưởng sẽ có nhà ở để thoát khỏi cảnh đi thuê, không ngờ lại rơi vào tình cảnh này. Bây giờ, bản thân chị không biết làm như thế nào” chị Trinh nói.

Khách hàng trắng tay
Có thể thấy, số lượng các vụ khách hàng khiếu kiện đòi tiền chủ đầu tư ngày càng nhiều. Không chỉ các chủ đầu tư nhỏ mà ngay cả những Tổng công ty, tập đoàn bất động sản lớn cũng đang phải đối mặt với tình trạng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là hệ lụy của thị trường BĐS phát triển không lành mạnh. Bởi, thời thị trường nhộn nhịp kẻ bán người mua, thì mối quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng quả là thân thiết, bởi ai cũng nhìn thấy món lợi từ việc bắt tay này. Khi thị trường BĐS ảm đạm, dòng tiền khan hiếm, khách hàng tự nhận thấy phần thua thiệt quá nhiều vì vậy tìm mọi cách để tiền lại tiền các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là hiện giờ chẳng có chủ đầu tư nào đủ tiềm lực tài chính để có thể giải quyết việc khách hàng xin rút tiền.

Theo Luật sư Phạm Thanh Bình - công ty Luật Hồng Hải, từ khoảng cuối năm 2011 đến nay, số lượng kiện tụng giữa các chủ đầu tư và khách hàng tăng mạnh. Phần lớn khách hàng đến các công ty luật là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhà đầu tư thứ cấp mà nguyên nhân chủ yếu là do giá bất động sản giảm sút, vì vậy nhiều khách hàng cũng muốn tranh thủ, tận dụng những khiếm khuyết trong hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư để đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc nhà đầu tư lấy lại được tiền là việc làm không dễ bởi các chủ đầu tư hiện nay dù lớn hay nhỏ cũng đều trong tình trạng cạn kiệt tiền mặt. Thực tế, nhiều khách hàng cho biết mặc dù đã tìm mọi cách để đòi tiền từ dọa đàm phán, rồi kiện ra tòa án nhưng vẫn "trắng tay".

Hà Nội: Nhà đầu tư "săn" BĐS từ các dự án cũ giá rẻ


Có lẽ việc các nhà đầu tư quay mặt lại với dự án được bán lúa non đang tạo ra cơ hội tốt cho những dự án đã hoàn thiện đầy đủ pháp lý và dự án hoàn thiện xong nhà.
Với lợi thế về giá đất và giá xây thô, những dự án bất động sản đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và xây xong nhà đang được nhiều người săn tìm.

Giới đầu tư tháo chạy dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý

Đầu tư bất động sản luôn là mục tiêu của nhiều người dân thành thị bởi ai ai cũng nghĩ đầu tư bất động sản không có chuyện thua lỗ mà chỉ thắng. Vì vậy, từ những người nhiều tiền đến người ít vốn đều lựa chọn cho mình phân khúc riêng để đầu tư.
Hà Nội: Nhà đầu tư "săn" BĐS từ các dự án cũ | ảnh 1
Tuy nhiên, kể từ thị trường trầm lắng, giá bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã có thời gian bình tĩnh để rút ra những bài học cho riêng mình.

Xuất phát từ thực tế, trong đợt giảm giá mạnh của thị trường lần này thì những dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý và chưa giải phóng xong mặt bằng lao dốc quá nhanh. Đơn cử, dự án Thanh Hà - Cienco 5(Hà Đông) giá giảm 40-45 triệu đồng/m2 xuống còn 20-25 triệu đồng/m2, dự án Kim Chung Di Trạch giá giảm 50-55 xuống còn 25-30 triệu đồng/m2, dự án An Thịnh 6 giá bán từ 28 triệu đồng/m2 hiện chỉ còn xấp xỉ 20 triệu đồng/m2…

Điều đáng nói, mặc dù giá giảm mạnh như vậy nhưng vẫn không thể bán được bởi giới đầu tư đã tháo chạy, còn những người có nhu cầu mua nhà để ở không dòm ngó bởi nếu đổ tiền vào đây thì không biết bao giờ mới có thể nhận được nhà.

Chị Bích Liên - giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hà Nội cho biết, tại quận Hà Đông, giá đất tại các dự án đã có sự chênh lệch khá rõ ràng, Trong khi các khu đô thị mới như Văn Khê, Văn Phú, Xa La giá nhà đất chỉ giảm mức chung bình 7-10 triệu đồng/m2, thì những dự án hoang như Thanh Hà, giá giảm 20 triệu đồng/m2.

"Hiện tại, thị trường nếu có giao dịch thì chỉ tập trung những dự án đã hoàn thiện và bàn giao nhà. Còn những dự án chưa giải phóng mặt bằng hay vẫn chỉ là bãi đất trống thì gần như chết đứng từ gần 1 năm nay" chị Liên cho biết.

Theo phân tích của các đơn vị phân phối bất động sản thì thì thời gian gần đây các nhà đầu tư và người mua nhà đã gần như quay mặt với những dự án kiểu này.

Nguyên nhân là do trước đây khi thị trường vào cơn sốt đất nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra cả chục đến trăm tỷ đồng để mua hàng chục lô đất thậm chí cả vài block nhà tại những dự án chưa hề giải phóng xong mặt bằng. Nhưng cả năm nay những dự án kiểu này vẫn chỉ là một bãi đất hoang. Trong khi tiền thì ngày càng cạn kiệt, giá đất giảm mạnh khiến nhiều người không đủ sức đeo đuổi dự án.

Đó là chưa kể đến việc thời gian vừa qua trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều các vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và chủ các dự án xung quanh vấn đề pháp lý và tiến độ thực hiện dự án không đúng cam kết đã khiến cho người mua nhà thực sự mất niềm tin.

Vì vậy, thị trường bất động sản đã có sự chuyển dịch về xu hướng đầu tư an tòan do nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản trước sự hạn hẹp về tín dụng trong đó việc hạn chế cho vay với những dự án mới, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Cơ hội cho những dự án cũ

Có lẽ việc các nhà đầu tư quay mặt lại với dự án được bán lúa non đang tạo ra cơ hội tốt cho những dự án đã hoàn thiện đầy đủ pháp lý và dự án hoàn thiện xong nhà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vài tuần nay kể từ khi ngân hàng hạ lãi suất huy động và cho vay, thị trường bất động sản có phần nhộn nhịp và những tín hiệu tích cực chỉ xảy ra tại những dự án cũ.

Chị Nguyệt Nga - Giám đốc công ty BĐS Phát Lộc cho biết, hiện giá bất động sản đang ở mức thấp vì vậy nhiều khách hàng quyết định tham gia thị trường vào lúc này. Tuy nhiên, có một điều khác biệt hơn so với trước kia là đó là khách hàng không quan tâm đến những dự án vẫn còn đang ở giai đoạn “lúa non” cho dù giá rẻ đến mấy. Họ  chỉ tìm hiểu những sản phẩm bất động sản đã hoàn thành thủ tục pháp lý hoặc chí ít cũng giải phóng xong mặt bằn bởi nó có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, tiền sử dụng đất và các nghĩa vụ về thuế chủ đầu tư đã hoàn thành xong với mức giá cũ (không bị áp theo nghị định 69-PV). Ngoài ra, giá xây thô thời điêm trước rẻ hơn rất nhiều so với mức giá hiện tại.

Theo phân tích chị Nga, để mua được dự án tại các khu đô thị quận Hà Đông trước đây khách hàng phải chi trả khoảng 7-8 tỷ đồng/căn nhà diện tích 80-90m2. Tuy nhiên, hiện tại chỉ với 4-5 tỷ đồng khách hàng có thể mua được nhà xây thô. Đây là mức giá hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn và người có nhu cầu ở thực sự không có áp lực về tài chính.
(Theo VnMedia)

Môi giới địa ốc VIP đi bán trà đá

Trước đây, có những thương vụ môi giới thành công, anh Quỳnh kiếm được 300-400 triệu đồng là chuyện thường.
Từng kiếm được hằng trăm triệu đồng sau mỗi vụ môi giới thành công nhưng anh Ngọc Quỳnh đành bấm bụng chuyển sang nghề bán trà đá vì địa ốc hết thời, khách hàng không có. Sau 3 năm làm môi giới tự do, anh cùng một nhóm bạn thuê được địa điểm bán trà đá ở khu vực Mỹ Đình để sống qua ngày địa ốc ảm đạm. Lãi một gấp 5 lần song theo anh Hải, mức hời "chẳng thấm vào đâu so với thời địa ốc hưng thịnh".
Anh Quỳnh chia sẻ, trước anh và nhóm bạn tự thuê một văn phòng môi giới trên đường Lê Văn Lương; song địa ốc ế ẩm, khách hàng không có mà vẫn phải trả tiền điện nước và thuê nhân viên nên anh đành chuyển nghề. "Trước đây, có những thương vụ môi giới thành công, kiếm được 300-400 triệu đồng là chuyện thường. Còn nay, mở trà đá lợi nhuận cũng chẳng thấm vào đâu, chủ yếu làm cho vui cũng là địa điểm để anh em bạn bè tụ tập", anh Quỳnh tâm sự.
Thị trường bất động sản ảm đạm, hàng loạt văn phòng môi giới buộc phải đóng cửa, số khác may mắn hơn hoạt động cầm chừng. Là nhân viên môi giới tự do, anh Trần Huy "kiếm bao nhiêu ăn ngần đó". Nhớ lại hồi tháng 3 năm ngoái, khi địa ốc vẫn còn đang "sống khỏe", thương vụ lớn nhất anh kiếm được lên tới 20.000 USD nhờ môi giới hợp đồng văn phòng cho một công ty của Nhật. "Hợp đồng ký một năm thì 'ăn' được một tháng tiền nhà. Chỉ cần vài vụ như thế thì có thể sống khỏe cả năm", anh Huy tâm sự.
Nhiều nhân viên môi giới chuyển tạm nghề chờ địa ốc hồi phục. Ảnh minh họa: Hoàng Lan.
Theo anh Huy, thông thường, mức lương của môi giới làm trong các công ty bất động sản gồm lương cứng và hoa hồng. Lương cứng cố định khoảng 3-6 triệu đồng, còn phí hoa hồng dao động 1%-1,5% giá trị hợp đồng. Sau khi đóng góp một nửa vào công ty, môi giới sẽ được hưởng nửa hoa hồng còn lại. "Tuy nhiên, nhiều trường hợp môi giới lách, hoạt động ngầm, chân trong chân ngoài không đóng về cho công ty. Giả sử mỗi căn hộ bán được 2-3 tỷ đồng, 'cò' đất bỏ túi ít nhất 20-30 triệu", anh Huy chia sẻ.
Sống lâu năm trong nghề, và bén duyên với cả vàng và đất, anh Huy từng kiếm bộn tiền nhờ hai kênh đầu tư này. Tháng 3 năm ngoái, khi địa ốc sôi động, anh vừa môi giới vừa lướt sóng cũng kiếm hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng. Còn thời điểm tháng 8, khi vàng lên cơn sốt anh lại bỏ đất đi buôn vàng. Nhưng nay cả hai kênh này đều trầm lắng, quan hệ rộng, lại sẵn có vốn, anh chuyển sang nghề môi giới ôtô.
"Tuy nhiên, thị trường ôtô từ sau Tết rơi vào cảnh ế ẩm vì thuế trước bạ, phí lưu hành, phí trông giữ xe tăng khiến thị trường ôtô ế ẩm nên cũng chẳng thấm vào đâu", anh tâm sự.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân ngành bất động sản, Thu Trang được nhận làm nhân viên kinh doanh của một công ty địa ốc ở khu vực Cầu Giấy. Với thâm niên hơn 3 năm trong nghề, khéo léo lại có duyên ăn nói, Trang nhanh chóng thành đạt, đổi đời từ xe Wave sang Vespa và cuối cùng tậu hẳn được ôtô. Ngoài ra, cô còn gửi tiền về quê, sửa sang nhà cửa và mua sắm đầy đủ cho bố mẹ ở quê. Trong khi cuối năm ngoái, giao dịch vẫn ở trạng thái "túc tắc" thì nay gần như ngừng hẳn. Giao dịch không có, cô đành chuyển nghề mở đại lý bán vé máy bay.
Tuy nhiên, theo Trang, được đào tạo chính quy về bất động sản nên cô không có ý đổi hẳn nghề mà chỉ chờ thời địa ốc khấm khá sẽ quay lại. "Theo đánh giá, đến đầu năm sau địa ốc sẽ hồi phục và tôi nhất định sẽ còn quay trở lại thị trường", cô thẳng thắn.
Từ hồi quý hai năm ngoái đến nay, thị trường địa ốc rơi vào cảnh ảm đạm. Hầu hết các dự án từ cao cấp đến bình dân đều giảm giá chênh. Tiêu biểu như liền kề Văn Khê thời điểm năm ngoái, mặt đường to bán tới 120 triệu đồng mỗi m2 thì nay giảm còn 80-90 triệu đồng. An Hưng cũng giảm giá chênh tới 30-40 triệu đồng mỗi m2. Vân Canh trước được hét với giá 65 triệu nay cũng giảm giá còn 54-55 triệu đồng. Dự án Minh Giang Đầm Và một thời đình đám cũng giảm 5-8 triệu đồng mỗi m2...
Anh Trần Văn Hà, một môi giới tại sàn bất động sản An Hưng chia sẻ, do địa ốc khó khăn, nhiều nhân viên môi giới buộc phải chuyển nghề. Các khu vực đình đám với nhiều văn phòng môi giới như Lê Văn Lương, Trung Hòa- Nhân, đường 70 ... có tới 70% văn phòng đóng cửa.
Cũng theo anh Hà, trước đây, làm môi giới địa ốc chỉ cần lang thang ở quán trà đá biết nhà này, nhà kia cần bán cũng hái ra tiền. Nhưng nay, thời ăn xổi không còn nữa, một môi giới phải chật vật mưu sính. Khi địa ốc ảm đạm, những người làm lâu năm có kinh nghiệm sẽ "tay trái, tay phải", vừa làm môi giới vừa kiêm nghiệm nghề phụ. Số khác mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm thì chuyển hẳn sang nghề khác như ngân hàng, hành chính hoặc văn phòng, thậm chí làm xe ôm, lái taxi, mở quán ăn vỉa hè. "Địa ốc phát triển quá nóng, nay ảm đạm cũng là thời điểm thích hợp để môi giới xem lại mình, nhằm thanh lọc thị trường tốt hơn", anh Hà thẳng thắn.
(Theo VNE)