14 tháng 5, 2012

Thu hồi đất ở Văn Giang: Lợi ích người dân có bằng lợi ích nhà đầu tư?


Sau khi đăng loạt bài về vụ thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên), nhiều chuyên gia cho rằng không thể để người dân chịu thiệt. Theo đó, quyền lợi của người dân bị thu hồi đất phải được đảm bảo, những cam kết của doanh nghiệp phải được thực hiện.
>>Hưng Yên: Tổ chức cưỡng chế GPMB dự án đô thị Văn Giang
>>Vì sao người dân Văn Giang (Hưng Yên) quyết liệt giữ đất?

Dự án sinh lợi thì nhà đầu tư phải thương lượng với dân

Chúng ta để một khoảng thời gian rất dài mà cái gốc vấn đề là quyền sử dụng và quyền sở hữu không chịu sửa. Không giải quyết cái này thì không bao giờ chấm dứt được tình trạng cưỡng chế như ở Văn Giang. Thời bao cấp giữ cái này thì nó đúng nhưng bây giờ đã là thời buổi kinh tế thị trường rồi. Cái nào là thành quả của dân thì mình phải công nhận. Từ khi chúng ta gia nhập WTO, mở cửa và gia nhập nền kinh tế thị trường thì mọi cái đều có giá hết.

Dù có công nhận quyền sở hữu cho dân hay không thì vẫn có một nguyên tắc hết sức rạch ròi là dự án nào thuộc về công cộng thì Nhà nước mới đứng ra thu hồi đất. Có thể giá cả bồi thường hơi hẹp cho dân nhưng bà con cũng vui lòng ủng hộ, vì họ nghĩ góp chút đỉnh cho đất nước. Còn từ năm 2004 trở về trước, Nhà nước đứng ra thu hồi đất của dân rồi giao đất sạch cho nhà đầu tư làm các khu công nghiệp, khu chế xuất, thu thuế của nhà đầu tư là đúng. Tuy nhiên, hễ bất kể dự án nào mà nhà đầu tư khai thác có sinh lợi thì dứt khoát phải do chính nhà đầu tư đến thương lượng với dân, chứ không được dùng lực lượng cưỡng bức dân.

Thủ tướng cũng đã nói rồi, cấm sử dụng quân đội tham gia cưỡng chế thu hồi đất của dân. Do đó, cứ chính quyền nào mà làm vậy thì coi như chống lại lệnh cấp trên và phải bị xử lý nghiêm khắc.

Thu hồi đất ở Văn Giang: Lợi ích người dân có bằng lợi ích nhà đầu tư? | ảnh 1
Dọn dẹp hiện trường sau vụ cưỡng chế. Ảnh: Nguyễn Dân

Cái cơ bản là kết quả cuối cùng là chúng ta lo được gì cho nhân dân, lo được gì cho đời sống của họ. Chứ còn cưỡng chế lấy đất dân rồi quăng cho họ cục tiền thì đánh bài vài bữa cũng hết. Còn chuyện chuyển dịch lao động cho dân bị thu hồi đất lâu nay chính quyền nhiều nơi chỉ nói thôi chứ thực sự không có làm.
Ông Nguyễn Minh Nhi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Phải để người sử dụng đất có quyền cao hơn

Tôi nghĩ làm chính quyền ai cũng muốn có một khu đô thị quy mô và mục tiêu là mở ra văn minh cho đất nước. Tuy nhiên, tôi chỉ thắc mắc là tại sao chính quyền ở Văn Giang (Hưng Yên) lại chọn vùng đất đó mà không chọn vùng đất khác. Còn nếu chọn tại đó thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá với dân, không cần phải thông qua Nhà nước. Mà nếu nhà đầu tư đến thương lượng với dân thì chẳng xảy ra chuyện gì.

Theo tôi thì Luật Đất đai nên sửa thế nào cho thấy nông dân đang sử dụng đất có cái quyền cao hơn, để thể hiện tinh thần dân chủ nhiều hơn. Chứ lâu nay cái gì cũng của Nhà nước hết rồi bắt dân phải chịu thiệt. Tôi hy vọng sửa đổi Luật Đất đai kỳ này sẽ tốt. Mà hễ luật đã có thì cán bộ nhà nước phải theo luật. Khi đó thì không còn nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất như lâu nay nữa.
GS-TS Võ Tòng Xuân

Đảm bảo đời sống người dân: Đừng nói mà không làm

Theo chủ trương, khi chúng ta thu hồi đất của người dân để xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, thủy điện thì phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước. Nhưng thực tế, chúng ta lại không thực hiện được điều đó, thậm chí có nơi sau khi bị thu hồi đất cuộc sống của người dân lại còn trở nên khó khăn hơn trước.

Ngoài ra, do các chủ trương chính sách về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của chúng ta còn nhiều chồng chéo, chưa hài hòa được lợi ích giữa xã hội, doanh nghiệp và người dân. Do đó, dẫn đến những mâu thuẫn và dường như thiệt thòi phần nhiều vẫn nghiêng về phía người dân. Ví dụ, theo quy định, khi xây dựng khu đô thị thì doanh nghiệp phải thỏa thuận đền bù đất đai cho người dân theo giá thị trường. Nhưng thực tế, việc đền bù đó lại không sát hoặc thấp hơn nhiều so với giá thị trường, dẫn đến khiếu kiện. Bên cạnh đó, việc đối thoại với người dân trước khi thực hiện việc thu hồi đất cũng chưa được các cấp chính quyền, doanh nghiệp quan tâm, dẫn đến không tìm được tiếng nói chung.

Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần phải giao cho một bộ, ngành, đơn vị nào đó lập đoàn khảo sát, đánh giá toàn diện cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất. Từ đó, kiến nghị điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tế, bảo đảm sao cho cuộc sống của người nông dân sau khi mất đất phải bằng hoặc tốt hơn so với trước.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Không thể để lợi ích vào túi doanh nghiệp, còn dân chịu thiệt

Với những gì xảy ra khi thực hiện thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) cho thấy các chính sách đất đai còn nhiều bất cập nên người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Ví như khi thực hiện dự án, doanh nghiệp thường đưa ra cam kết là sau khi thu hồi đất sẽ tổ chức đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân. Nhưng thực tế nhiều khi họ lại giả vờ nhận rồi sau đó lờ đi không thực hiện cam kết nữa. Hoặc doanh nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho người dân nhưng ngành nghề đó lại không phù hợp với người dân khiến họ không sống nổi được với nghề.

Do đó, tôi cho rằng khi thực hiện các dự án, chúng ta cần phải thận trọng, không thể để lợi ích rơi hết vào túi doanh nghiệp, còn thiệt thòi người dân phải hứng chịu. Đồng thời, phải giám sát xem các doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết với người dân khi thu hồi đất hay không. Nếu họ không thực hiện đúng thì cần phải có biện pháp, chế tài bắt buộc họ phải thực hiện.
PGS-TS Bùi Thị An, đại biểu QH TP Hà Nội
Trong ngày 9/5, Văn phòng Chủ tịch nước và đại diện Hội Nhà báo đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên về việc hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị hành hung. Hội Nhà báo đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ thông tin hai nhà báo này bị lực lượng cưỡng chế đánh gây thương tích, còng tay, áp giải, tạm giữ trong ngày 24/4. Theo Trưởng ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) Hà Kim Chi, đây là vụ việc mà “dư luận, báo giới trong và ngoài nước rất quan tâm".
(Theo PLTP)

Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Người dân mất sổ đỏ nghi ngờ ngân hàng


Khi các hộ dân ký vào thủ tục vay tiền, một số cán bộ ngân hàng cũng có mặt ở đó, vậy mà các hộ phải ký đến trên 20 chữ ký nhưng không được ai giải thích là ký làm gì...
>>Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Xã bán 63 lô đất, huyện không hay biết

Như Dân Việt đã thông tin, hàng chục người dân xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang lo lắng vì bị mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do con nợ Phạm Văn Thủy, 46 tuổi (cùng xã) lừa mượn, để giao dịch với ngân hàng và các chủ hiệu cầm đồ rồi bỏ trốn.

Anh Hoàng Phú Hạnh (46 tuổi, trú tại thôn 10), bàng hoàng kể: Khoảng tháng 12.2011, Thủy đến nhà nói thiếu tiền mua máy làm hương nên nhờ anh Hạnh cho mượn sổ đỏ. Tin tưởng Thủy là hàng xóm lại có công ty chuyên buôn bán, xẻ gỗ, anh Hạnh cho Thủy mượn sổ đỏ của lô đất diện tích trên 600m2 bằng một giấy viết tay cho mượn 1 năm, không có thỏa thuận gì về tài chính.

Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Người dân mất sổ đỏ nghi ngờ ngân hàng | ảnh 1
Đất nhà ông Phan Văn Vinh ở thôn 10 được ngân hàng cho vay gần 4 tỷ đồng.

Sau đó, Thủy nhờ anh Hạnh sang một hiệu cầm đồ tại quận Ngô Quyền làm thủ tục vay tiền. Tại đây, nghe theo lời của Thủy, anh Hạnh ký vào giấy chuyển nhượng đất công chứng với chủ hiệu cầm đồ tên Trịnh Xuân Thanh, mà lúc đó anh không biết đó là giấy gì.

Ký xong, toàn bộ số tiền 400 triệu đồng theo hợp đồng chuyển nhượng công chứng, Thủy cầm cả. “Khoảng 2 tháng sau, vợ chồng Thủy đi khỏi địa phương. Cùng thời gian này, chủ hiệu cầm đồ cho người đến đe dọa tôi. Xem lại giấy tờ, tôi mới biết coi như đất nhà mình đã bị Thủy bán cho Thanh”- anh Hạnh nói.

Tương tự, anh Hoàng Phú Doanh (46 tuổi), là anh em họ với Thủy cũng cho Thủy mượn sổ rồi ký giấy vay cho Thủy 60 triệu đồng.

Ngoài hình thức lừa bán đất như trên, hàng chục hộ khác trong xã bị Thủy lừa với hình thức mượn sổ đỏ, nhờ họ ký thế chấp tài sản với Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu để vay hàng tỷ đồng.

Một số người dân bày tỏ nghi ngờ về việc ngân hàng làm thủ tục cho vay. Ông Nguyễn Đắc Luận (54 tuổi), cùng nhiều hộ khác cho biết, khi làm thủ tục vay đều được Thủy gọi đến nhà Thủy vào khoảng 19 - 20 giờ để ký.

Trong khi ký, một số cán bộ Ngân hàng TCMP cũng có mặt ở đó vậy mà các hộ phải ký đến trên 20 chữ ký nhưng không được ai giải thích là ký làm gì. Nhiều gia đình có con đã ngoài 20 tuổi cùng hộ khẩu nhưng cũng không cần ký, thậm chí có trường hợp nhà ông Bùi Văn Hưng (thôn 8), vợ ông không ký cũng lấy được tiền vay từ ngân hàng này.

Điều đáng nói hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, đất ở của các hộ bị Thủy lừa thế chấp ngân hàng đều là đất trong ngõ, giá trị đất chỉ một vài trăm triệu, nhưng được Ngân hàng TCMP Dầu khí Toàn cầu duyệt cho vay đến gần 4 tỷ đồng, như nhà ông Phạm Văn Vinh, Nguyễn Đắc Luận.

Hiện hàng chục hộ dân (tập trung chủ yếu ở thôn 10, 11, 12) đã làm đơn gửi Công an xã Thiên Hương và Công an huyện Thủy Nguyên yêu cầu can thiệp. Ông Nguyễn Đình Dương – Trưởng Công an xã Thiên Hương xác nhận thông tin trên và cho biết, Công an xã đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ vụ việc để chuyển Công an huyện giải quyết.
(Theo Dân Việt)

Tp.HCM: Sẽ thu hồi nhiều dự án chậm triển khai


Sở Xây dựng Tp.HCM phát hiện trong hơn 50 dự án được kiểm tra có 16 dự án được phê duyệt từ năm 2006 – 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Tp.HCM: Sẽ thu hồi nhiều dự án chậm triển khai | ảnh 1
Dự án chung cư cao tầng phường Tân Thới Nhất.

Cụ thể, quận 7 có 3 dự án: Khu nhà ở Sài Gòn Castle; Khu dân cư Tân Thuận; Khu trung tâm thương mại – căn hộ chung cư phường Tân Kiểng. Quận 9 có 6 dự án: Khu nhà ở cho người làm việc tại khu công nghệ cao; Cao ốc Kim Nam; Chung cư Phú Hữu; Cao ốc Hải Âu; Cao ốc Hải Phú; Khu chung cư Mega… Quận 12 có 7 dự án: Chung cư cao tầng phường Tân Thới Nhất; Ký túc xá trường cao đẳng nghề Sài Gòn; Chung cư Kim Đại Dương…

Theo sở Xây dựng Tp.HCM, nguyên nhân những dự án này chậm triển khai chủ yếu là do: Chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện; Vướng thủ tục pháp lý về đền bù, giải phóng mặt bằng; Đang lập thủ tục quy hoạch…

Trong trường hợp chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện dự án, Sở Xây dựng sẽ kiến nghị thành phố thu hồi quyết định giao đất hoặc quyết định phê duyệt dự án.
(Theo TPO)

Trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà ở duy nhất


Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà ở, đất ở duy nhất chỉ áp dụng đối với nhà ở, đất ở đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.
Tại điểm 2, Mục III, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 8/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân hướng dẫn thu nhập miễn thuế như sau:

Trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nhà ở duy nhất | ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn DĐDN

"Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam".

Theo điểm 2.6, Điều 2 Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/1/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính quy định: "Việc miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất mà nhà ở, đất ở này đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng..."

Căn cứ các hướng dẫn trên việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với nhà ở, đất ở duy nhất chỉ áp dụng đối với nhà ở, đất ở đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng.

Trường hợp cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ có xác nhận của UBND xã, phường về nhà ở đất ở duy nhất thì không được miễn thuế theo quy định nêu trên.

Nếu cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có xác nhận của UBND xã, phường về nhà ở, đất ở duy nhất; đồng thời trong cùng ngày có mua nhà ở, đất ở khác theo hợp đồng công chứng thì vẫn được miễn thuế thu nhập các nhân đối với việc chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất.
(Theo Chinhphu.vn)

Khu tập thể Bộ Tài Chính: Nơm nớp nỗi lo úng ngập


Gần đây, Đường dây nóng Báo Hànộimới liên tiếp nhận được điện thoại của người dân tại ngõ 99 và 101 phố Vọng Hà, phản ánh tình trạng ngập úng, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Khu tập thể Bộ Tài Chính: Nơm nớp nỗi lo úng ngập | ảnh 1
Hầu hết các gia đình đều phải gia cố thêm cửa phụ để chắn nước.

Ngõ 99 và 101 phố Vọng Hà, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) thuộc khu tập thể của Bộ Tài chính được xây dựng từ đầu những năm 1980 và đến nay nhiều hạng mục công trình cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp. Năm 2009, UBND quận Hoàn Kiếm đã đầu tư, cải tạo toàn bộ hệ thống thoát nước thải của hai ngõ, đấu nối với cống thoát nước lớn trên phố Bạch Đằng, sau đó chảy ra sông Hồng.

Những tưởng, sau khi được cải tạo, tình trạng ngập úng sẽ chấm dứt, song thực tế lại không như kỳ vọng ban đầu. Một số người dân cho biết: Hệ thống cống thoát nước của ngõ 99 và 101 thường xuyên được thông, dọn vệ sinh, nhưng 75 hộ dân ở đây lúc nào cũng lo nơm nớp. Mỗi khi trời mưa, nước ở cống dồn lại rất nhanh, trào ngược lên mặt ngõ, tràn vào các nhà. Mặc dù nước thoát khá nhanh nhưng luôn để lại rác rưởi và vô số mầm bệnh.

Để đối phó, gia đình nào cũng phải gia công thêm một cửa phụ, khi trời mưa thì mang cửa phụ đó ra chắn, lấy đất sét bịt khe hở giữa nền nhà và cửa phụ để hạn chế nước tràn vào nhà. Song, biện pháp thủ công đó nhiều khi cũng không có tác dụng, nếu không có người "ứng trực" ở nhà, vì vậy đồ dùng gia đình bị hỏng, tường nhà ẩm mốc, hôi hám là chuyện thường tình, chưa kể nguy cơ chập điện rất dễ xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hệ thống cống thoát nước từ khu tập thể chảy ra sông Hồng vướng nhiều vật cản, thậm chí có gia đình còn xây dựng công trình đè lên hệ thống cống. Nếu cả hệ thống cống không được khơi thông thì khó "thoát" được cảnh hễ mưa là ngập ở ngõ 99 và 101 phố Vọng Hà.

Rõ ràng, hệ thống cống đã được đầu tư, nâng cấp, tại sao hiệu quả chưa cao? Thực tế này rất cần có lời giải thích thỏa đáng để tìm biện pháp khắc phục, mang lại lợi ích thiết thực hơn cho các hộ dân sinh sống tại đây. Đề nghị chính quyền phường sở tại xem xét, kiểm tra, sớm tìm biện pháp khắc phục tình trạng nêu trên.
(Theo HNM)

Hà Nội: Mở lỗi thoát đối với 22 dự án hạ tầng trọng điểm


Vừa qua, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu các sở, ngành tập trung giải quyết các vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai 22 dự án giao thông và hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố.
Hà Nội: Mở lỗi thoát đối với 22 dự án hạ tầng trọng điểm | ảnh 1
Đó là các dự án xây dựng đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đường Vành đai 1 các đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Hoàng Cầu - Voi Phục; đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; đường trên cao dọc Vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở theo hình thức hợp đồng BT; đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng; các nút giao thông và cầu vượt; Đường 5 kéo dài; nâng cấp Đường 70; dự án đường sắt đô thị số 3, dự án thoát nước giai đoạn 2; Nhà máy xử lý nước thải tập trung Yên Xá, Phú Đô; hai cơ sở hỏa táng; Công viên nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1; Nghĩa trang Minh Phú; mở rộng Nghĩa trang Thanh Tước và công viên vui chơi, giải trí, Trung tâm Thể dục thể thao Đống Đa.

Thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính ưu tiên bố trí vốn cho các dự án còn thiếu, đặc biệt là các dự án giao thông cấp bách như dự án xây dựng các cầu vượt. Đối với dự án đang triển khai nhưng bị chậm trễ do năng lực nhà thầu còn hạn chế như dự án Đường 5 kéo dài, yêu cầu chủ đầu tư kiên quyết thay thế nhà thầu để bảo đảm tiến độ dự án. Ngoài ra, Sở Xây dựng và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố cần đề xuất cơ chế phù hợp và chuẩn bị cơ số nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng. Những dự án chưa thể triển khai do người dân chưa đồng thuận thì tăng cường công tác tuyên truyền vận động như dự án nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Theo báo cáo của các đơn vị chủ đầu tư 22 dự án trên, vướng mắc của các dự án hiện nay chủ yếu tập trung ở các vấn đề tái định cư, quy hoạch, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiếu vốn.
(Theo HNM)

Vụ thu hồi đất ở Hoà Vang (Đà Nẵng): Không cấp đất TĐC là sai quy định


Sự việc, UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất ở của 91 hộ dân ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) nhưng không bố trí tái định cư đã lộ rõ sự bất nhất trong điều hành, chỉ đạo của chính quyền địa phương.
>>Hoà Vang (Đà Nẵng): Dưới bán đất, trên thu hồi, dân lãnh đủ
Qua tìm hiểu được biết năm 2009, sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND TP Đà Nẵng, khu đất của 91 hộ dân ở xã Hòa Châu được các đơn vị san lấp mặt bằng. Đến ngày 24/7/2010, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra quyết định giải quyết đền bù và bố trí tái định cư với các thửa đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Vụ thu hồi đất ở Hoà Vang (Đà Nẵng): Không cấp đất TĐC là sai quy định | ảnh 1
Quyết định ghi rõ: “Đối với các hộ đã xây dựng nhà ở, đang sử dụng ổn định, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại địa phương, chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định được bố trí đất tái định cư theo phương thức bố trí tái định cư do UBND TP phê duyệt áp dụng chung cho dự án. Các trường hợp đã xây dựng nhà nhưng thực tế không ở, mới xây dựng móng hoặc đất trống chỉ được xem xét giải quyết tái định cư trên nguyên tắc các hộ đã tự giác chấp hành tốt chủ trương bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định”.

Khi có quyết định này, người dân hoàn toàn đồng tình tự nguyện giao đất đúng tiến độ. Sau đó, dự án khu dân cư A nam cầu Cẩm Lệ (đất của 91 hộ dân) được chia làm hai giai đoạn giao hai đơn vị thực hiện việc bồi thường tái định cư. Theo đó, Ban quản lý các dự án tái định cư thực hiện giai đoạn 1 liên quan đến phần đất của 44 hộ. Ngày 14/7/2011, ông Văn Hữu Chiến, lúc đó là phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã ký quyết định phê duyệt giải quyết kiến nghị đối với các hộ dân thuộc diện giải tỏa dự án giai đoạn 1.

Theo quyết định này, các hộ dân được TP Đà Nẵng bố trí đất tái định cư và yêu cầu các hộ đến làm thủ tục nộp tiền, nhận đất. Tiếp đó, đơn vị thứ hai là Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng 3 thực hiện dự án giai đoạn 2 liên quan đến 47 hộ dân còn lại. Điều hết sức bất ngờ là cùng loại đất, nhưng ngày 20/9/2011, UBND TP Đà Nẵng lại ra quyết định không đồng ý bố trí tái định cư cho 47 hộ này. Không đồng ý với quyết định trên, 47 hộ dân của giai đoạn 2 đã làm đơn khiếu nại.

Và trong lúc 47 hộ dân thuộc giai đoạn 2 chờ đợi phản hồi từ chính quyền TP thì ngày 26/11/2011 chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có công văn chỉ đạo dừng làm thủ tục bố trí đất tái định cư đối với 44 hộ dân ở giai đoạn 1 (vốn đã được bố trí tái định cư trước đó). Theo ông Trần Văn Trường - chủ tịch UBND huyện Hòa Vang,  lý do TP Đà Nẵng dừng lại việc bố trí đất tái định cư là do phần đất 91 hộ trên nằm ngoài quy hoạch của TP. Việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho 91 hộ dân của UBND huyện Hòa Vang trước đây là không đúng thẩm quyền.

Chiều 12/5, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Công ty luật TNHH Hoa Tiêu (Đà Nẵng) - cho rằng ngoài việc cấp đất tái định cư, theo nghị định 69 năm 2009 của Chính phủ thì Nhà nước phải bồi thường 100% theo giá trị đất ở cho người dân.

Luật sư Tâm lý giải: “Trường hợp UBND TP Đà Nẵng cho rằng diện tích đất của 91 hộ trên không nằm trong quy hoạch của TP để không chấp nhận cấp đất tái định cư là không hợp lý. Bởi tất cả diện tích đất của người dân là diện tích đất ở, có sổ đỏ hợp pháp do UBND huyện Hòa Vang cấp. Nếu UBND TP Đà Nẵng nêu lý lo việc UBND huyện Hòa Vang phê duyệt và cấp sổ đỏ sai thì phải ra quyết định đề nghị huyện Hòa Vang ra quyết định thu hồi sổ đỏ. Tuy nhiên, đến nay tất cả 91 hộ dân đều có sổ đỏ trong tay và UBND huyện chưa ra một quyết định thu hồi nào thì việc TP Đà Nẵng không đền bù đất tái định cư cho dân là sai quy định của pháp luật”.
(Theo TTO)

Hà Nội: Sẽ tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị


Nhằm cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để định trưng cầu ý kiến tham gia đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Hà Nội: Sẽ tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị | ảnh 1
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có các Quyết định số 5606/QĐ-UBND ngày 1/12/2011 và số 6176/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 ban hành danh mục quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 và danh mục quy hoạch lập năm 2012; Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 3/1/2012 về việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức đăng tải chi tiết toàn bộ nội dung các Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị của các quận, huyện tại địa chỉ http://qhkthn.gov.vn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, để lấy ý kiến tham gia góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan trong phạm vi ranh giới nghiên cứu lập các quy hoạch phân khu đô thị.

Ngoài ra, các nội dung tham gia góp ý có thể gửi trực tiếp tới Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, 31B phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) hoặc Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, địa chỉ nhà B6 Khu đô thị mới Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy).
(Theo HNM)

Doanh nghiệp BĐS được giãn thời gian nộp tiền thuế đất


Những doanh nghiệp BĐS có khó khăn về tài chính sẽ được gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 13/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.
Doanh nghiệp BĐS được giãn thời gian nộp tiền thuế đất | ảnh 1
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2012 mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ xác định đúng mục tiêu và triển khai tổ chức thực hiện chủ động, tích cực, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp.

Cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, nền kinh tế đã đạt được kết quả tích cực bước đầu. Lạm phát kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo...

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, nền kinh tế tuy có tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Chính phủ đồng ý gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thời hạn gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã chấp thuận việc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại quyết định số 2093/QĐ- TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định 121/2010/NĐ-CP.
(Theo VnMedia)

Mua bán nhà đất: Qua công chứng vẫn có thể bị lừa


Trong mua bán nhà đất, khi có sự chứng kiến của công chứng viên là người dân tin tưởng vào giao dịch đó. Sau khi Chuyên đề ANTG đăng bài "Sổ đỏ cầm tay trong mua bán nhà đất: Cẩn thận kẻo như "đười ươi giữ ống"", chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của độc giả. Trong đó, phần đông tin rằng, khi mua nhà, mua đất, cứ có công chứng là họ yên tâm sẽ không bị lừa; giấy tờ nhà đất cứ qua công chứng là chắc chắn không phải giấy tờ giả.
Hoàng Văn Sự, CCV đầu tiên tại Hà Nội bị phạt tù giam vì đã thiếu trách nhiệm trong khi hành nghề gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn bị mắc lừa. Nhiều sổ đỏ giả vẫn qua mặt được công chứng một cách ngon trớn.Vậy thì, tại sao lại xảy ra những sự cố đó và liệu công chứng viên (CCV) có phải chịu trách nhiệm hay không?
Khi công nghệ làm giả giấy tờ đạt trình độ tinh vi như hiện nay, CCV nhiều khi cũng… bó tay
Đó là chia sẻ thật lòng của một CCV kỳ cựu đã từng làm việc trong Văn phòng Công chứng nhà nước nhiều năm. Dù, kinh nghiệm làm nghề đã cho ông khá nhiều kinh nghiệm để phân biệt giấy tờ giả - thật. Nào là sờ xem nếu có phần in nổi thì mới là giấy tờ thật. Nào là nhìn xem con dấu, chữ ký, họa tiết, hoa văn trên sổ đỏ có sắc nét không. Nào là chao nghiêng trước ánh sáng xem có nổi dấu chìm lên hay không. Nào là quan sát kỹ chữ ký xem có dấu vết của lực tỳ ấn mạnh khi ký hay không. Ngần ấy phương pháp, nhưng tất cả cũng là cảm quan thôi, nên CCV cũng không dám nói mạnh rằng sẽ nhìn ra được chính xác giấy tờ đâu là giả, đâu là thật.
Thượng tá Phan Cao Thu - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội - khẳng định: "Chỉ có các giám định khoa học của Kỹ thuật Hình sự mới đưa ra được câu trả lời chính xác".
Chả thế mà một CCV tại TP HCM đã chia sẻ với báo chí một câu chuyện thật như đùa. Rằng, trong một khóa tập huấn kỹ năng nhận biết dấu vân tay và giấy tờ giả do Sở Tư pháp TP HCM tổ chức mới đây, khi các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an đưa ra một số mẫu giấy tờ giả thì hầu hết các CCV đều không nhận ra và điều ấy đồng nghĩa với việc, nếu có yêu cầu công chứng thì tất nhiên, họ sẽ công chứng.
Kỹ năng nhận biết đối với loại giấy tờ giả hoàn toàn đã khó khăn như vậy nhưng đối với các loại giấy tờ vừa thật vừa giả, tức là nội dung giả được in trên phôi thật thì việc nhận biết còn khó hơn nhiều. Nhiều CCV tại Hà Nội đều có chung một câu trả lời, nếu sổ đỏ giả được in trên phôi thật thì chỉ có cách duy nhất là khi công chứng phải biết hình dấu của cơ quan cấp và mẫu  chữ ký của người có thẩm quyền để so sánh. Song, đó là cách khó bởi vì có rất nhiều mẫu chữ ký tùy thuộc vào từng thời điểm, từng  địa phương làm sao CCV biết hết được để mà đối chiếu, so sánh.
Trong vụ án lừa đảo bằng sổ đỏ giả - phôi thật do Nguyễn Thị Bằng An ở Cầu Giấy, Hà Nội mới bị phát hiện vào tháng 3 vừa qua, trong số hàng chục sổ đỏ mà An thuê chế tạo, An đã bán trót lọt cho nhiều người mua, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Trong quá trình điều tra, một số người dân đã tới Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội tố cáo, khi mua nhà của An, họ đã giao dịch qua một Văn phòng công chứng tại Hà Nội, nhưng CCV cũng không phát hiện ra sổ đỏ đó là giả mạo.
Mấy năm trước, Hà Nội cũng đã từng xôn xao trước cái chết bất ngờ của CCV Trần Minh Hải, Trưởng Văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín. Ông Hải, trước khi chết đã công chứng hàng trăm bộ hồ sơ nhà đất với giấy tờ giả mạo mà không biết. Ông Hoàng Đình L. nhà ở phố Bạch Mai, tại thời điểm đó đã trần tình trên báo chí về việc mình bị lừa, mất 2,5 tỉ đồng vì tin vào…công chứng.
Số là cuối năm 2009, ông L. thỏa thuận mua một mảnh đất rộng hơn 300m2 của Trần Ngọc C.  Hồ sơ của ngôi nhà do C. đưa ra gồm 1 sổ đỏ mang tên Nguyễn Thành Trung và một hợp đồng ủy quyền với nội dung ông Trung đã ủy quyền cho C. chuyển nhượng ngôi nhà trên. Bản hợp đồng ủy quyền này có đóng dấu VPCC Thăng Long.
Nhận thấy thủ tục mua bán như vậy là đầy đủ, ông L. đã đồng ý cùng C. tới VPCC  Việt Tín để làm hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà trên. Mọi việc diễn ra suôn sẻ với sự chứng kiến của CCV. Sau đó, ông L. nhận được "sổ đỏ" gốc và thanh toán cho C. đủ số tiền 2,5 tỉ đồng theo thỏa thuận.
Nhưng khi đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì  Văn phòng Đăng ký nhà đất yêu cầu ông L phải xuất trình cả hợp đồng ủy quyền bản gốc giữa chủ nhà là ông Nguyễn Thành Trung với Trần Ngọc C mới đủ thủ tục. Liên lạc với C. không được, ông L. quay lại VPCC Việt Tín để xin photo bản hợp đồng ủy quyền trên. Tuy nhiên, Bản hợp đồng ủy quyền số 1438/2009/HĐUQ lưu giữ tại đây cũng chỉ là bản photo. Do vậy, ông Long phải tìm đến VPCC Thăng Long để xin cung cấp bản gốc.
Tại VPCC Thăng Long, ông Long sững sờ khi được trả lời VPCC này không thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền nào như bản photo hợp đồng ủy quyền mà anh Long đưa ra. Con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của VPCC Thăng Long trên hợp đồng ủy quyền là giả mạo. Vậy mà, tại VPCC Việt Tín của CCV Trần Minh Hải, CCV đã không hề hay biết.
Tương tự, tại TP HCM, một vụ kiện dân sự đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi đây là lần đầu tiên một CCV bị kiện đòi bồi thường 860 triệu đồng. Người khởi kiện cho biết, ông mua một mảnh đất tại quận 9 và ra công chứng tại một VPCC. Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên thì ông mới biết, mảnh đất này đã bị Tòa án ra quyết định ngăn chặn giao dịch vì đang có tranh chấp. Cho rằng mình bị lừa bởi sự tắc trách của CCV, ông đã khởi kiện ra Tòa án đòi CCV phải bồi thường số tiền mà ông đã bị mất trong giao dịch này.
Văn phòng Công chứng Việt Tín, nơi CCV Trần Minh Hải đã công chứng hàng loạt các hồ sơ nhà đất giả mạo trước khi chết.

Trách nhiệm của CCV đến đâu?
Tại Hà Nội, tính đến thời điểm này, đã có một CCV bị phạt 42 tháng tù giam vì hành vi thiếu trách nhiệm trong hoạt động công chứng. Đó là nguyên CCV Hoàng Văn Sự thuộc Phòng Công chứng số 5. Theo bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội trong phiên xử sơ thẩm thì ông Sự đã bỏ qua một số nguyên tắc quan trọng đã được quy định tại Luật Công chứng khi tiến hành công chứng một số hợp đồng ủy quyền giao dịch nhà đất, dẫn đến hậu quả một số người dân bị bọn tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Cụ thể,  CCV Hoàng Văn Sự đã ký nhiều hợp đồng ủy quyền của các chủ sở hữu cho Nguyễn Thu Hợp, Vũ Thị Minh Hòa đều có cùng một nội dung: "Bên nhận ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền dùng toàn bộ tài sản đem chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật, để làm thủ tục vay vốn của ngân hàng và các cơ quan tổ chức tín dụng".
Trong khi đó, những người có tài sản ủy quyền cho Hợp với ý thức mong muốn được vay tiền của ngân hàng và họ đã thỏa thuận với Hợp, Hòa là ủy quyền cho 2 đối tượng này được sử dụng tài sản của họ để vay vốn ngân hàng, tức là chỉ ủy quyền "thế chấp". Chính vì vậy khi đọc nội dung ủy quyền trên, chủ tài sản đã bị nhầm lẫn không phân biệt được việc "chuyển nhượng" và  "thế chấp".
Thế nhưng, CCV Hoàng Văn Sự đã không giải thích rõ ràng về nội dung ủy quyền, không hướng dẫn cho họ biết về thủ tục ký công chứng ủy quyền, không phân tích chỉ rõ sự bất lợi khi họ ký ủy quyền "chuyển nhượng" mà chỉ đưa ra các bản hợp đồng đã được soạn thảo trước đó. Thậm chí, có trường hợp phiếu yêu cầu công chứng ghi "ủy quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng" nhưng nội dung hợp đồng lại bao gồm "chuyển nhượng, thế chấp hoặc thế chấp cho bên thứ ba theo quy định của pháp luật để vay vốn ngân hàng".
Còn nữa, trong quá trình thực hiện công chứng, ông Hoàng Văn Sự đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Công chứng dẫn đến việc đối tượng thuê đóng giả người để ký hợp đồng ủy quyền nhưng ông Sự đã không phát hiện ra. 
Những sai phạm của CCV Hoàng Văn Sự đã dẫn đến hậu quả khi có các bản hợp đồng ủy quyền có nội dung "chuyển nhượng" có công chứng trong tay, Hợp đã chuyển nhượng tài sản của các chủ sở hữu để chiếm đoạt một lượng tiền rất lớn.
Nhưng cho đến nay, tại Hà Nội, trường hợp CCV do làm sai các nguyên tắc nghề nghiệp mà phải ra tòa và phải chịu án phạt tù thì ông Hoàng Văn Sự mới chỉ là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Còn tất cả các trường hợp CCV công chứng nhầm… giấy tờ giả thì chưa có ai phải chịu trách nhiệm gì, kể cả dân sự lẫn hình sự.
Ông Nguyễn Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội - lý giải điều này bằng  các quy định tại khoản 2 điều 8 Luật Công chứng. Rằng, người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng. Bởi vậy, trong mọi trường hợp hồ sơ công chứng có giấy tờ giả thì người phải chịu trách nhiệm không phải là CCV. Theo điều 2 Luật Công chứng thì công chứng là việc CCV chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Có nghĩa là, khi mua bán nhà đất qua công chứng, chỉ nhằm xác nhận giao dịch mua bán đó là có thật mà thôi!
Công chứng viên chống lại vấn nạn giấy tờ giả bằng… máy soi
PV: Một người dân tại TP HCM đã khởi kiện một CCV ra tòa vì cho rằng, CCV này do tắc trách nên đã ký công chứng vào một hợp đồng mua bán đất trong khi mảnh đất này đang thuộc diện cấm giao dịch vì có tranh chấp. Tại Hà Nội, đã xảy ra những vụ kiện dạng này chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Cao: Tôi khẳng định, tại Hà Nội, nếu CCV làm đúng trách nhiệm thì sẽ không thể xảy ra trường hợp tương tự như trên. Hà Nội hiện có 70 VPCC thì 68 văn phòng đã triển khai hệ thống mạng thông tin rồi, 2 văn phòng còn lại chưa kịp triển khai vì vừa mới thành lập. Trong hệ thống mạng này, sẽ có đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của nhà, đất trên địa bàn Hà Nội, bao gồm:
Thứ nhất là hệ thống ngăn chặn, tức là các địa chỉ nhà đất thuộc diện cấm giao dịch.
Thứ hai là hệ thống cảnh báo, tức là các địa chỉ nhà, đất đang có tranh chấp.
Thứ ba là các địa chỉ nhà, đất đã giao dịch, mua bán.
Với hệ thống mạng này, khi CCV cần kiểm tra thông tin trong hồ sơ công chứng chỉ cần truy cập vào là biết rõ căn nhà hoặc mảnh đất đó có thuộc diện cấm giao dịch hay không, có đang trong tình trạng tranh chấp quyền sở hữu hay không và đã bị mua đi bán lại bao nhiêu lần.
PV: Nhưng đã từng xảy ra nhiều trường hợp, mảnh đất, ngôi nhà là có thực, chủ sở hữu không bán, song lại có một kẻ nào đó đã làm giả giấy tờ của mảnh đất, ngôi nhà để đem bán và người mua bị mắc lừa. Trong những trường hợp như thế thì hệ thống thông tin như ông nói, có vẻ như không có tác dụng phát hiện.
Ông Nguyễn Thanh Cao: Phải nói rằng với công nghệ làm giả tinh vi như hiện nay thì việc phát hiện giấy tờ giả không hề đơn giản. Những trường hợp đó thì các VPCC tại Hà Nội sẽ phát hiện bằng máy soi. Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, mời các chuyên gia kỹ thuật hình sự bên ngành công an sang hướng dẫn kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho các CCV. Mới đây, nhiều VPCC tại Hà Nội đã trang bị hệ thống máy soi để phát hiện giấy tờ giả trong hồ sơ công chứng. Sắp tới, Hà Nội còn triển khai tiếp mạng liên thông giữa các VPCC với Sở Tài nguyên Môi trường. Với hàng loạt biện pháp như thế, cùng với việc nâng cao trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho các CCV, hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn được những hành vi lừa đảo trong giao dịch, mua bán nhà đất hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông.


Theo CAND


Giả làm “đại gia Sài Gòn” để lừa cò đất


Nguyễn Quang Truyền giả làm “đại gia Sài Gòn” nói rằng cần tìm nhà, đất cho “bồ nhí” (do Út Hà và Thùy Nhung đóng vai), thực chất là để lừa đảo hàng loạt đối tượng làm nghề môi giới mua bán nhà, đất (cò đất) tại nhiều tỉnh ĐBSCL.


Đối tượng Nguyễn Quang Truyền và hai đối tượng còn lại trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp.
Đối tượng Nguyễn Quang Truyền và hai đối tượng còn lại trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp.

Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chánh Văn phòng cơ quan CSĐT (PC44) Công an TP Cần Thơ cho biết, sáng 11/5, PC44 đã bắt khẩn cấp 2 đối tượng: Phạm Ngọc Thùy Nhung (34 tuổi, ngụ phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang), Phạm Thị Út Hà (34 tuổi, ngụ thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu).
Hai ngày trước đó, Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Nguyễn Quang Truyền (47 tuổi, ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Hậu Giang) cùng hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Truyền là kẻ giả làm “đại gia Sài Gòn” nói rằng cần tìm nhà, đất cho “bồ nhí” (do Út Hà và Thùy Nhung đóng vai), thực chất là để lừa đảo hàng loạt đối tượng làm nghề môi giới mua bán nhà, đất (cò đất) tại nhiều tỉnh ĐBSCL.
Trước khi bắt Thùy Nhung, Út Hà và truy nã Truyền, cơ quan điều tra cũng đã bắt khẩn cấp các đối tượng Tăng Hữu Tường (30 tuổi, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Cần Thơ), Lê Văn Thanh (em rể của Truyền, 32 tuổi, ngụ ấp Tân Phú B2, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), Đặng Văn Út Bé (29 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) và Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi, ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, Cần Thơ).
Trung tá Nguyễn Thanh Xuân cho biết thêm, trước mỗi lúc ra tay lừa đảo, căn theo kịch bản và sự phân công của Tường, các đối tượng trong băng nhóm lần lượt vào vai diễn khá hoàn hảo, khiến cho các nạn nhân (chủ yếu là các “cò” đất - PV) bị đưa vào bẫy mà không hay.
Cơ quan điều tra cho biết băng nhóm do Tăng Hữu Tường cầm đầu đã thực hiện trót lọt nhiều vụ tại một số tỉnh miền Tây, trong đó có 5 vụ tại Cần Thơ, chiếm đoạt của các “cò” với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Theo CAND

Chủ dự án căn hộ triệu đô: Chúng tôi không buôn dự án


TP - Thị trường bất động sản đang lúc khó khăn, xu hướng giảm giá mạnh lan rộng. Ấy vậy mà, Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại quyết định chào bán căn hộ triệu đô.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trao đổi với PVTiền Phong quanh câu chuyện có phần “bất thường” này.
Tân Hoàng Minh tung ra những căn hộ triệu đô
            Ảnh: Hồng Vĩnh
Tân Hoàng Minh tung ra những căn hộ triệu đô. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tân Hoàng Minh khai trương dự án vào thời điểm này nhiều người ví rằng doanh nghiệp đang lao đầu vào đá hay thích “đùa với lửa”, ông nghĩ sao?
Cả chục năm nay, các doanh nghiệp đều đầu tư ồ ạt theo phong trào. Ai cũng xây nhà rất giống nhau để bán mà không hề tính đến phân khúc, đến nhu cầu khách hàng.
Do đầu tư theo phong trào nên đã sớm làm thị trường bão hòa. Dự án của chúng tôi hoàn toàn không có tình trạng này. Chúng tôi có lựa chọn riêng, tính toán kỹ lưỡng và thận trọng.
Chúng tôi đã chọn vị trí đất và tuỳ vị trí để quyết định đặt loại nhà nào. Khi chúng tôi làm sản phẩm thực sự cao cấp thì đã nhắm đến đối tượng khách hàng là những người thực sự thành đạt và không chỉ có nhiều tiền mà còn kỹ lưỡng với đồng tiền mình bỏ ra.
Doanh nghiệp đã tính toán ra sao về dự án này?
Chúng tôi đã có sự tính toán rất kỹ. Trong đầu tư thì rõ ràng mình phải tính toán làm sao hợp lý. D’.Palais De Louis là một tác phẩm lớn tích hợp của rất nhiều sản phẩm tinh túy, trong đó ví dụ như kiến trúc cảnh quan, kiến trúc nội thất, nguyên vật liệu, vật tư…tất cả đều có chất lượng cao.
Trong khi nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách giảm giá thì Tân Hoàng Minh lại đưa ra giá cao ngất ngưởng.Liệu đây có phải là chiêu marketing dự án qua giá không?
Đúng là chúng tôi không đi cùng đường với nhiều nhà đầu tư ngay từ đầu, không đầu tư theo phong trào mà lựa chọn một khe rất hẹp của thị trường.
Và vì vậy chúng tôi phải đầu tư kỹ lưỡng và tỷ mỷ hơn rất nhiều lần so với các dự án khác.Phải rất kén chọn công phu từ kiến trúc, nguyên vật liệu, chất lượng thi công và dịch vụ đi kèm sau khi bàn giao phải thực sự tốt.
Hiện nay, thị trường mới chủ yếu bán nhà chứ chưa cung cấp được dịch vụ đẳng cấp.
Chúng tôi là người đi tiên phong trong thị trường cao cấp. Cần nói thêm là chất lượng của chúng tôi như vậy nhưng giá cũng chỉ hơn 140 triệu đồng/m2 trong khi giá căn hộ tạm gọi cao cấp trong một số dự án cũng đã lên tới 4000-5000 USD/m2 (tương đương từ hơn 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2) rồi. Tôi muốn nói rằng, chúng tôi không “marketing” qua giá bán.
Các cụ xưa có câu trăm nghe không bằng một thấy, phải đến xem nhà mẫu thì mới cảm nhận được giá trị đích thực và tâm sức chúng tôi bỏ ra.
Thêm vào đó, chưa có khu căn hộ nào ở Việt Nam sử dụng tiện ích, dịch vụ của khách sạn 5 sao và đây là điểm khác biệt lớn của chúng tôi.
Một số ý kiến cho rằng các ông đang quá mạo hiểm. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng tôi chuẩn bị cho dự án này đã 7 năm nay rồi và chúng tôi không đầu tư theo phong trào. Từ khi có đất, chúng tôi đã phải chuẩn bị phương án rất kỹ lưỡng.
Đây không đơn thuần là cái nhà bình thường mà là tác phẩm nghệ thuật. Các đơn vị tham gia với chúng tôi đã bỏ hàng năm trời nghiên cứu lại chi tiết thiết kế kiến trúc từ thời kỳ Phục Hưng để có thể vẽ được các chi tiết nội thất.
Bên cạnh đó chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo về phương án tài chính. Đây là dự án đầu tiên và chúng tôi còn làm 12 dự án đẳng cấp khác tại Hà Nội. Chúng tôi là người phát triển dự án, không phải buôn dự án, không đầu cơ lướt sóng.
Người có tiền để mua căn hộ này chắc chắn cũng là những người rất khắt khe. Ông có tin chắc mình thuyết phục khách hàng?
Đã đầu tư thì không có gì dễ dàng cả. Nhưng chúng tôi muốn đi con đường của riêng mình mặc dù biết rằng rất khó.
Căn hộ chúng tôi bán không phải dành cho nhà đầu tư mua đi bán lại lướt sóng kiếm lời mà chúng tôi dành cho những người thực sự có nhu cầu sử dụng, những người đam mê vẻ đẹp nghệ thuật và kiến trúc, những người biết tận hưởng cuộc sống.
Cảm ơn ông.
Tienphong.vn

Môi giới nhà đất ngày một giảm


Trước sức lao dốc quá mạnh của thị trường, phần lớn “cò đất” đã phải bỏ nghề hoặc ẩn dật chờ thời. Trong khi đó, nhiều người mua nhà lại tìm đến với các trang thông tin điện tử...


Nhiều văn phòng môi giới dọc đường Lê Văn Lương kéo dài vắng khách.
Nhiều văn phòng môi giới dọc đường Lê Văn Lương kéo dài vắng khách.

Cách đây vài ngày, tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Yến, một nhân viên môi giới có văn phòng trên đường Lê Văn Lương kéo dài, từng khá thông thổ nhiều dự án khu vực phía Tây Hà Nội mới hay tin chị đã chuyển sang làm nhân viên bán xe ô tô cho một đại lý tại Long Biên. Chị Yến cho hay, không chỉ văn phòng của chị mà nhiều văn phòng môi giới khu vực phía Tây đã phải tạm đóng cửa, nhân viên đa phần đã chuyển sang công việc khác.
“Cả tháng không có giao dịch, trong khi đó tiền thuê nhà hàng chục triệu mỗi tháng, cộng với tiền thuê nhân viên, chi phí văn phòng kéo dài dẫn đến nhiều người không trụ nổi”-chị Yến cho biết.
Không chỉ khu vực đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng mà cả các khu vực trước đây các văn phòng môi giới từng hết sức sôi động như Vân Canh, Mỹ Đình, Trung Hoà Nhân Chính nay cũng khá thưa vắng.
Nhiều văn phòng vẫn còn hạn thuê nhà nhưng vẫn đóng cửa im ỉm. Nhiều công ty trước đây có hàng chục nhân viên, văn phòng rộng hàng trăm m2 mặt đường hoành tráng thì nay đã rút vào hoạt động “bí mật”, cắt giảm tối đa chi phí.
Trong khi “cò đất” tại các văn phòng môi giới đua nhau giải nghệ thì nhiều người mua nhà lại có xu hướng chuyển sang giao dịch, tìm kiểm thông tin qua các trang thông tin điện tử. Chỉ cần đăng tin lên muaban.net hay một trang nào đó thì chỉ ít phút sau bạn sẽ nhận được điện thoại của một trang tin điện tử chào mời đăng quảng cáo bán nhà với nhiều mức giá khá hấp dẫn cho đến khi bán được mới thôi.
Anh Nguyễn Văn Lâm, bộ phận nghiên cứu của Công ty Cổ phần Tấc Vàng cho biết, thị trường khó khăn nên chỉ những văn phòng môi giới thực sự có uy tín, chuyên nghiệp mới tồn tại. Môi giới là bộ phận rất quan trọng của thị trường và đây là dịp để xốc lại chất lượng, sự nghiêm túc với nghề.
Nhu cầu giao dịch, tìm kiếm thông tin bất động sản qua internet tăng mạnh thời gian gần đây phần vì môi giới kiểu này vừa tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho các bên, lại dễ kiểm tra giá bán, địa chỉ. Nhiều trang thông tin điện tử như tacvang.com.vn, sanbatdongsanhanoi.info, batdongsan.com.vn, nhadat24h... thậm chí là nhiều tờ báo điện tử lớn cũng đua nhau tung ra các chiêu khuyến mại đăng tin mua bán nhà đất. Người mua và người bán dễ dàng gặp nhau để trao đổi trực tiếp mà không phải qua môi giới.
Còn nhớ, khi thị trường sôi động những năm trước đây, không ít người mua bán đã buộc phải phó mặc số phận cho “cò” khi mà thông tin dự án thì hết sức mù mờ lại thêm thủ tục chuyển nhượng không mấy thông thoáng, việc áp dụng pháp luật nhiều nơi còn vênh nhau. Tình trạng “cò” bắt tay nhau làm giá diễn ra khá phổ biến.
Cung không đáp ứng được cầu, cộng với không ít chủ đầu tư chủ động bắt tay với “cò” mặc sức thao túng thị trường, thu “chênh”, ép nộp tiền “thủ tục” vô tội vạ góp phần làm tăng cơn sốt ảo.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, nếu so với thời điểm đầu năm 2009 thì số lượng hồ sơ đăng ký xin cấp chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản hiện nay chỉ bằng khoảng 10%. “Trước đây mỗi tuần chúng tôi nhận được cả trăm hồ sơ thì nay chỉ khoảng chục hồ sơ xin cấp chứng chỉ”-ông Hiền nói.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay Hà Nội đã cấp được trên 13.000 chứng chỉ hành nghề môi giới và định giá bất động sản cho các cá nhân và chỉ mới chiếm khoảng 60% so với số lượng đào tạo mà các trung tâm báo cáo. Mặc dù thủ tục thành lập sàn giao dịch bất động sản đã khá thoáng nhưng số lượng gần như không tăng so với năm 2011, dao động vẫn ở mức 460 sàn giao dịch và nhu cầu nộp hồ sơ xin cấp mới tụt giảm hẳn trong 4 tháng đầu năm 2012.
Thị trường ảm đạm dẫn đến tiền “chênh” tại các dự án gần như không có, chủ đầu tư trực tiếp chào bán hàng đến người tiêu dùng đã góp tay chất thêm khó khăn lên “cò đất”. Ông Nguyễn Trọng Hiền cho rằng, “cò đất” theo kiểu tự do truyền thống như trước đây chuyên mua bán nhà đất dự án gần như đã hết đất sống trong khu vực các quận nội thành. Hiện tỷ lệ giao dịch qua sàn đã tăng lên nhiều.
Theo Cafef

Nhiều uẩn khúc trong vụ "siêu lừa" chuyên sử dụng sổ đỏ giả


Theo kết luận điều tra, Nguyễn Thị Hải Minh đã đặt làm 5 sổ đỏ giả đem đi thế chấp, lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ. Mặc dù tòa án đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hải Minh tù chung thân, nhưng vụ án vẫn còn nhiều uẩn khúc cần được làm rõ.
Nguyễn Thị Hải Minh tại cơ quan Công an
Bán đất giả lấy tiền thật
Báo Dân trí nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Thấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại và sản xuất Vạn Thành (Công ty Vạn Thành), có văn phòng giao dịch tại số 274 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh ông là nạn nhân của vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Hải Minh, trú tại số 59, tổ 13B, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng chủ mưu. Quá trình xét xử vụ án này, nhiều tình tiết quan trọng chưa được tòa án xem xét đến, do vậy quyền và lợi ích hợp pháp của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, theo cáo trạng số 154/CT/VKS-P1 ngày 19/4/2011 của VKSND TP. Hà Nội nêu rõ: Nguyễn Thị Hải Minh, là người có trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật (Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 1992), nhưng do tham lam, hám lợi muốn chiếm đoạt tiền của người khác nên Nguyễn Thị Hải Minh đã dùng thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) giả và tạo dựng nhiều sự việc không có thật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Hữu Dũng 1.657.000.000 đồng, Nguyễn Đình Thấn 2.050.000.000 đồng, các bà Trương Thị Giàng 4.300.000.000 đồng, Trịnh Thị Thục Uyển 51.140.000 đồng.
 
Đơn tố cáo của ông Nguyễn Đình Thấn gửi Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 Ngoài ra, trong thời gian làm Giám đốc Công ty Vạn Thành, Minh đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt gần 3,9 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2007, khi được bổ nhiệm làm giám đốc, Minh đã lấy 2 ô tô Innova và xe tải 1,25 tấn của công ty mang đi bán lấy 540 triệu đồng. 

Tiếp đó, Minh cũng chiếm đoạt trên 500 triệu đồng là tiền bán hàng cho các đơn vị và cá nhân khi không nộp về công ty. Tháng 5/2009, khi biết các hành vi lừa đảo của mình sắp bị phát giác, Minh tự ý bỏ việc.
 
Ngày 26/10/2011 Hội đồng xét xử của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên phạt Nguyễn Thị Hải Minh tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thời hạn tù tính từ 7/4/2010.
Ông Nguyễn Đình Thấn trình bày sự việc tại tòa soạn Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Nhiều uẩn khúc cần làm sáng tỏ
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Thấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thành cho biết: Trong thời gian Nguyễn Thị Hải Minh làm giám đốc và được ông Nguyễn Đình Thấn giao phụ trách kinh doanh sơn tại Công ty Vạn Thành. Từ năm 2007 – 2009, Minh đã bán sơn, thu tiền của khách hàng và các đại lý tại Hải Phòng, Hải Dương, sau đó Minh sử dụng cá nhân không nộp trả Công ty Vạn Thành. Qua điều tra Cơ quan công an làm rõ số tiền Minh còn nợ Công ty tổng cộng là 379.905.349 đồng. Tuy nhiên số tiền trên chưa được cơ quan chức năng thu hồi về cho Công ty Vạn Thành.
Ngoài ra, việc Nguyễn Thị Hải Minh tự ý mang xe Innova BKS 30F- 5399 của Công ty Vạn Thành bán cho ông Lê Khánh Tâm (trú tại số 12, tổ 11, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) với giá 400.000 đồng. Sau đó, ông Lê Khánh Tâm tiếp tục bán chiếc ô tô này cho một đối tượng khác mua lại, nhưng Cơ quan Công an chưa xác minh được việc này là điều bất thường cần được làm rõ (?).
Theo Dân trí