3 tháng 5, 2012

Đề nghị hủy hợp đồng vụ bán nhà nhiều “uẩn khúc” theo Nghị định 61/CP


(Dân trí) – Gia đình ông Nguyễn Huy Thông, trú tại quận Ba Đình kiến nghị Sở Xây dựng hủy bỏ hợp đồng trái quy định của pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông đang trình bày sự việc
với nhà báo Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Bạn đọc Báo Dân trí. 
 
Ngày 26/4, Báo Dân trí nhận được công văn số 810/QLPTN-TNBN của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phản hồi về vụ “Nhiều “uẩn khúc” trong việc bán nhà theo Nghị định 61/CP” mà Báo Dân trí ngày 25/4 đã phản ánh.
Tuy nhiên, văn bản trên của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã trả lời không đúng trọng tâm, né tránh những uẩn khúc rõ rành rành mà bài báo đã phản ánh.
Mấu chốt của vấn đề trong vụ việc này là Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm hợp đồng bán nhà cho bà Công Thị Tập nhưng lại để một người không liên quan gì đến hợp đồng là ông Nguyễn Hữu Đạo ký tên là trái pháp luật.
Vậy mà, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn cho rằng mình đã bán nhà đúng đối tượng, đúng quy định của Thành phố Hà Nội (?!).
Trước vụ việc có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, giả mạo chữ ký, xuất hiện rất nhiều yếu tố “bất thường” như trên, gia đình ông Nguyễn Huy Thông tha thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội thành lập đoàn thanh tra giải quyết dứt điểm vụ việc này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Công văn của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội
gửi Báo Dân trí (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Như Dân trí đã phản ánh,  ông Nguyễn Huy Thông, cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy có hộ khẩu thường trú tại số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà (số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà cũ), phường Đội Cấn, quận Ba Đình, có đơn tố cáo nhiều điểm bất thường trong việc bán nhà theo Nghị định 61/CP của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
 
Cụ thể: Trong hồ sơ bán ngôi nhà số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà nêu trên đã không có bất cứ ý kiến hay bút tích nào của vợ chồng ông Thông, mặc dù ông Thông là chủ hộ gia đình đang thuê căn nhà đó; Hiện nay ông Thông vẫn đang giữ bản chính hợp đồng thuê nhà số 2173 ngày 26/5/1994, nên không hề có việc hợp đồng thuê nhà trên bị mất mát, thất lạc.
 
Điều lạ kỳ khi Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm hợp đồng bán nhà cho bà Công Thị Tập nhưng lại để một người không liên quan gì đến hợp đồng là ông Nguyễn Hữu Đạo ký tên.
Ngoài ra, trong hợp đồng số 570 ngày 14/4/2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bán nhà cho người không liên quan gì đến ngôi nhà này. Bởi chữ ký người mua nhà lại có tên là Nguyễn Hữu Đạo, mà không phải là bà Công Thị Tập.
Vũ Văn Tiến

Nhiều “uẩn khúc” trong việc bán nhà theo Nghị định 61/CP


(Dân trí) – Một chuyện hi hữu xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khi đơn vị này bán nhà theo Nghị định 61/CP cho người không liên quan đến hợp đồng mua bán.
Vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông đang trình bày sự việc với PV Dân trí
 
Báo Dân trí nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Huy Thông, cùng vợ là bà Nguyễn Bích Thủy có hộ khẩu thường trú tại số 17, ngõ 94 phố Ngọc Hà (số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà cũ), phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh: Năm 2010, vợ chồng ông Thông làm hồ sơ xin mua nhà theo nghị định 61/CP của Chính phủ đã được các hộ ở liền kề, tổ dân phố, UBND phường Đội Cấn xác nhận vào hồ sơ mua nhà và chuyển lên Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình (phiếu tiếp nhận hành chính ngày 4/06/2010).
Tuy nhiên, một thông tin gây bất ngờ được đơn vị này trả lời gia đình ông Thông là ngôi nhà trên đã được bán theo Nghị định 61/CP cho bà Công Thị Tập, cùng trú tại địa chỉ trên.
Điều trớ trêu là không hiểu vì lý do gì khi toàn bộ giấy tờ gốc của ngôi nhà đang được vợ chồng ông Thông, bà Thủy cất giữ mà Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình lại giải quyết bán nhà cho bà Công Thị Tập, khi bà Tập không có giấy tờ gốc và không được sự thỏa thuận của các thành viên có tên trong hợp đồng mua nhà. 
Ông Nguyễn Huy Thông là chủ hộ
nhưng lại không được mua nhà theo Nghị định 61/CP
Ngày 24/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huy Thông bức xúc nói: Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình đã kết hợp với một số người không liên quan đến vụ việc để bán căn nhà tại số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà. Quá trình bán Xí nghiệp đã không thẩm tra, xem xét kỹ hồ sơ dẫn đến việc mua bán có khuất tất và không đúng với quy định của pháp luật.
Cụ thể: Trong hồ sơ bán ngôi nhà số 11, ngõ 30 phố Ngọc Hà nêu trên đã không có bất cứ ý kiến hay bút tích nào của vợ chồng ông Thông, mặc dù ông Thông là chủ hộ gia đình đang thuê căn nhà đó; Hiện nay ông Thông vẫn đang giữ bản chính hợp đồng thuê nhà số 2173 ngày 26/5/1994, nên không hề có việc hợp đồng thuê nhà trên bị mất mát, thất lạc.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm hợp đồng bán nhà cho bà Công Thị Tập nhưng lại để một người không liên quan gì đến hợp đồng là ông Nguyễn Hữu Đạo ký tên là trái pháp luật.
Ngoài ra, trong hợp đồng số 570 ngày 14/4/2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã bán nhà cho người không liên quan gì đến ngôi nhà này. Bởi chữ ký người mua nhà lại có tên là Nguyễn Hữu Đạo, mà không phải là bà Công Thị Tập.
Mặt khác, không hiểu căn cứ vào đâu mà Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà Ba Đình lại đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thu hồi hợp đồng thuê nhà của ông Thông, trong khi hợp đồng thuê nhà này vẫn còn nguyên giá trị trước pháp luật.
Trước những tình tiết tréo ngoe trên, ông Nguyễn Huy Thông đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc bán nhà nhiều "uẩn khúc" này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hà Nội: Những công trình sai phạm trắng trợn đang thách thức dư luận


Thời gian qua, Báo Dân trí đã có nhiều bài viết phanh phui các công trình xây dựng sai phép, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Điều đáng nói là, chính quyền sở tại thì “đủng đỉnh” trong việc xử lý.
Sai phạm trắng trợn
Hiện nay dư luận đang quan tâm đến 3 công trình vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng “nổi cộm” mà Dân trí đã phản ánh thời gian qua.
UBND quận Đống Đa cần làm sáng tỏ việc cấp Giấy phép xây dựng
cho công trình số 28 Đê La Thành có đúng quy định hay không?
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Đầu tiên phải kể đến công trình xây dựng cao tới 10 tầng nằm ở vị trí nhạy cảm của tuyến đường Đê La Thành (đoạn từ Ô Chợ Dừa đến đình Kim Liên), đoạn đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, luôn xảy ra tình trạng ùn tắc.
Điều đáng nói, xung quanh việc cấp phép của công trình này có nhiều điều khuất tất khi mà phường sở tại cho rằng nó có phép thì lãnh đạo phòng Quản lý Đô thị quận Đống Đa lại khẳng định chúng tôi chưa nhận được hồ sơ xin cấp phép của công trình này. 
Làm việc với UBND phường Thổ Quan, chúng tôi được ông Phạm Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND phường và ông Đào Trọng Cương, cán bộ quản lý trật tự xây dựng phường cung cấp giấy phép xây dựng số 091453/GPXD, do Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung ký, cấp cho công trình số 28 đường Đê La Thành. phường Thổ Quan), được xây dựng trên diện tích đất hơn 300m2
Theo đó, công trình là nhà ở kết hợp văn phòng cao 9 tầng (có tum). Số hiệu bản vẽ KT03 đến KT15 được Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa xác nhận, gồm các nội dung sau: Từ tầng hầm đến tầng 6 để ở, trong đó diện tích xây dựng tầng hầm 301,20m2 cao 2,50m. Diện tích xây dựng tầng 1 là 250,50m2, cao 4m. Từ tầng 2 đến tầng 5, diện tích xây dựng 250,50m2, cao 2,8m. Tầng 6, diện tích xây dựng 250m2, cao 2,8m. Từ tầng 7 đến tầng 9 làm văn phòng cho thuê, diện tích sàn 198,20m2, cao 3m. Như vậy, chiều cao tới đỉnh mái là 27m, tổng diện tích sàn xây dựng 2.398m2.
Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, không khó khăn lắm để nhận ra công trình này đã xây tới 10 tầng, 1 tum và đang “ung dung” hoàn thiện. So với giấy phép xây dựng do UBND phường Thổ Quan cung cấp cho chúng tôi,  công trình này đã vượt hơn 1 tầng. Không nằm khuất nẻo mà chỉ cách ngã tư Ô Chợ Dừa có vài chục mét, cũng không xa UBND phường Thổ Quan là mấy, vậy tại sao, những người có trách nhiệm ở phường lại không biết?
Công trình tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê, quận Tây Hồ vi phạm nghiêm trọng giấy phép xây dựng vẫn "ung dung" hoàn thiện
Công trình “nổi cộm” thứ hai phải kể đến đó là công trình tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê, quận Tây Hồ do ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên làm chủ đầu tư.
Theo Qui hoạch kiến trúc ven Hồ Tây, các công trình xây dựng chỉ được phép xây dựng không quá 12 mét. Theo như ông Ngô Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: Trong giấy phép xây dựng (tạm cấp) của gia đình ông Long, công trình này chỉ được xây 3 tầng với chiều cao là 10,8 mét. Vậy mà giờ đây ông Long đã xây dựng đến tầng thứ 7, chiều cao khoảng 20 mét (bao gồm 1 tầng hầm + 2 tầng lửng + 4 tầng trên) và vẫn để sắt chờ để xây dựng tiếp, tổng diện tích xây dựng đã vượt quá giấy phép rất nhiều.
Tòa nhà A5 được xây dựng khoảng năm 1975, theo công nghệ lắp ghép các mảng bê tông tấm lớn, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Việc xây dựng trái phép của ông Phạm Trọng Thanh là hết sức nguy hiểm.
Công trình sai phạm "nổi cộm" thứ ba phải kể đến là công trình cơi nới chuồng cọp của gia đình ông Phạm Trọng Thanh trú tại tầng 2 phòng 224 dãy nhà A5 khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình. Ông Phạm Trọng Thanh đã ngang nhiên đập phá tường, lao dầm thép, đua lồng treo lơ lửng hòng “biến” không gian chung thành của riêng nhà mình.
Hành vi cơi nới trái phép của ông Thanh đang gây nguy hiểm cho các hộ liền kề, khiến dư luận bức xúc. UBND phường Giảng Võ ra quyết định đình chỉ thi công, phá bỏ công trình... Nhưng công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức dư luận và coi thường pháp luật. Vì sao lại như vậy? Và ai đã đứng đằng sau để “che chắn” cho gia đình ông Thanh hoàn thiện công trình trái phép này (?!).
Trên quyết nhưng dưới… liệt
 
Một điểm chung dễ nhận thấy trong quá trình thu thập viết tin bài về các vụ việc sai phạm trên mà PV Dân trí ghi nhận được đó là: Tất cả những cán bộ có trách nhiệm ở các địa bàn để xảy ra sai phạm đều "hứa" sẽ "xử lý rất nghiêm minh, xử lý rất bài bản và có lộ trình, quy trình, đúng pháp luật".
Cụ thể, sáng ngày 16/3/2011, trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc cấp phép xây dựng tòa nhà 9 tầng tại số 28 đường Đê La Thành có nhiều dấu hiệu là giấy phép “giả”, giấy phép được cấp “chui”, ông Trần Đức Học, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: Để làm rõ việc này, UBND quận đã giao cho ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa làm rõ và báo cáo lãnh đạo quận.
Tuy nhiên, trong chiều ngày 16/3/2011, khi trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Việt Trung cho rằng: Để làm sáng tỏ vụ việc, mang tính chất khách quan, Chủ tịch UBND quận nên giao việc này cho một đơn vị chuyên môn khác xác minh sẽ cụ thể và đảm bảo khách quan hơn. Nếu trực tiếp ông Trung đi xác minh vấn đề này, sẽ làm mất tính khách quan của sự việc.
Bản thân ông Trung khi nhìn vào GPXD số 091453 dưới đây cũng không thể "biết" là có phải GPXD do UBND quận Đống Đa ban hành không nữa?!.
 
Và đến nay đã gần 2 năm trôi qua, vụ việc trên vẫn chưa được xử lý, những "uẩn khúc" của công trình sai phạm này vẫn nằm trong "bí mật".
Đối với công trình sai phép tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê, ngày 5/4/2012, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Quyết định số 685/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình tại số 12, ngõ 168 Thụy Khuê do ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên làm chủ đầu tư.
Quyết định nêu rõ: Công trình trên đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng tạm số 221/GPXDT ngày 14/6/2011 do UBND quận Tây Hồ cấp; Không chấp hành Quyết định thu hồi Giấy phép xây dựng số 274/QĐ-UBND ngày 22/2/2012 của UBND quận Tây Hồ; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 51/QĐ-CTTrXD ngày 22/7/2011 của Chánh Thanh tra Xây dựng quận Tây Hồ (chưa tự tháo dỡ toàn bộ phần công trình sai so với Giấy phép xây dựng tạm được cấp).
Quyết định trên của UBND quận Tây Hồ yêu cầu ông Trương Ngọc Long và bà Nguyễn Bích Liên có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của lực lượng thi hành Quyết định cưỡng chế và chi trả toàn bộ kinh phí thực hiện cưỡng chế.
“Giao cho Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê tổ chức thực hiện Quyết định; Thanh tra Xây dựng quận, Phòng Quản lý đô thị và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp UBND phường Thụy Khuê thi hành Quyết định cưỡng chế này trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ký”- Quyết định của Quận Tây Hồ nhấn mạnh.
 
Và đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, công trình sai phạm trên vẫn "ung dung" hoàn thiện, còn Quyết định cưỡng chế của quận Tây Hồ mặc dù đã ban hành nhưng chỉ để trong "tủ", việc quyết định trên có "đi vào cuộc sống" hay không? Đó là vấn đề cử tri quận Tây Hồ đang mỏi mòn chờ đợi.
Liên quan đến sự việc xây "chuồng cọp" trái phép tại nhà A5, quận Ba Đình, do đã được nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, buộc ông Chủ tịch phường Giảng Võ, Nguyễn Xuân Điều đã phải làm báo cáo ngày 05/12/2011 gửi lãnh đạo UBND quận Ba Đình. Trong bản báo cáo nêu rõ UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính; đã ra quyết định đình chỉ thi công; đã buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị và đồng thời tiếp tục chỉ đạo xử lý… nhưng rồi vẫn không xử lý.
Đến ngày 27/2/2012, gần 3 tháng sau UBND phường Giảng Võ lại tiếp tục làm báo cáo gửi lãnh đạo quận và cho rằng công trình xây dựng trái phép của ông Phạm Trọng Thanh được tồn tại để “đảm bảo sự ổn định tình hình an ninh địa bàn phường (?!)”.
Tóm lại, các công trình sai phạm mà Dân trí đưa tin đã quá rõ ràng, UBND quận Đống Đa, UBND quận Tây Hồ, UBND phường Giảng Võ cũng đã quá biết, nơi thì yêu cầu cấp dưới vào cuộc xác minh, nơi thì đã ra quyết định đình chỉ và xử lý nghiêm trước đó. Vậy tại sao các cơ quan này không tiếp tục xử lý triệt để, thực hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, làm đúng pháp luật mà lại cho tồn tại các công trình xây dựng trái phép một cách trắng trợn này, khiến cho tình trạng khiếu kiện vượt cấp của một số cử tri bị ảnh hưởng của các công trình trên càng ngày càng phức tạp hơn (?!).
Báo Dân trí sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về các công trình sai phạm trên.
Vũ Văn  Tiến - Dân Trí

Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch Dự án Tây Đô, Hoài Đức


Địa điểm khu vực lập quy hoạch Khu đô thị thuộc ranh giới hành chính của các xã Sơn Đồng, Đắc Sở và Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch Dự án Tây Đô, Hoài Đức
Lãnh đạo CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm cho biết, Dự án Khu đô thị mới Tây Đô - Hoài Đức có một phần diện tích nằm trong vành đai xanh của TP. Hà Nội, song tỷ lệ chỉ ở mức thấp.

Hiện Công ty đang chờ Thành phố quy hoạch phân khu, khi đã có quy hoạch sẽ triển khai các bước đầu tư.

CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm là đại diện cho liên danh CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm và CTCP Phát triển nhà Tây Đô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu đô thị mới Tây Đô - Hoài Đức.

Địa điểm khu vực lập quy hoạch Khu đô thị thuộc ranh giới hành chính của các xã Sơn Đồng, Đắc Sở và Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Diện tích chiếm đất khoảng 87 héc-ta, trong đó, đất lập quy hoạch Khu đô thị mới tỷ lệ 1/500 là 84 héc-ta, còn lại đất mương theo quy hoạch chung (thực hiện theo dự án riêng - giao chủ đầu tư quản lý). Khu đô thị có quy mô dân số 19.850 người.
(Theo ĐTCK)

Hà Nội phê duyệt quy hoạch 1/500 hàng loạt dự án


Trong tuần vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch 1/500 cho hàng loạt dự án bất động sản lớn.
Hà Nội phê duyệt quy hoạch 1/500 hàng loạt dự án

Duyệt quy hoạch trục đường hiện đại phía Đông Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy tới khu đô thị mới Thượng Thanh, quận Long Biên, tỷ lệ 1/500.
 
Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4km với quy mô nghiên cứu quy hoạch lên tới gần 1,8 triệu m2 đất và quy mô dân số xấp xỉ 70.000 người. Quy hoạch bố trí tổ hợp các công trình nhà ở cao tầng và công trình có chức năng công cộng tại 4 góc ngã tư - nút giao giữa tuyến đường cầu Chui - Đông Trù (đường vành đai II) và tuyến đường 40m - với chiều cao từ 9-19 tầng là điểm nhấn chính trong khu vực nghiên cứu.

Ngoài ra, trên tuyến còn bố trí các cụm công trình từ 25-33 tầng, đón hướng nhìn từ đê Ngọc Thụy và khu vực dự án. Đặc biệt, đường chính đô thị quy hoạch rộng tới 68m; các đường liên khu vực rộng 40m và hệ thống đường nội bộ có mặt cắt ngang từ 11,5 đến 30m.

Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa có QĐ số 1584/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu tái định cư phục vụ xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội, tỷ lệ 1/500 trên địa bàn xã Cổ Nhuế và Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm.

Khu đất có diện tích khoảng 11,43ha, quy mô dân số điều chỉnh khoảng 4.400 - 5.800 người, bao gồm cả dân cư hiện có, trên cơ sở tính toán đáp ứng đủ nhu cầu về hạ tầng xã hội như: Trường học, nhà trẻ, mẫu giáo... Tuy nhiên vẫn giữ nguyên quy mô diện tích, ranh giới khu đất dự án, không làm ảnh hưởng đến các dự án đã được xác định và dự án lân cận, đồng thời khớp nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án với khu dân cư hiện có lân cận...

Điều chỉnh quy hoạch khu nhà ở 15ha tại Thanh Trì

Sáng 19/4, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì đã công bố quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh - tỷ lệ 1/500.

Khu chức năng hỗn hợp Đại Thanh, được giới hạn bởi phía bắc giáp đường 70 (đường Phan Trọng Tuệ), phía nam giáp sông Nhuệ, phía đông giáp nhánh sông Tô Lịch, với tổng diện tích đất khoảng 15,8ha, quy mô dân số 3.000 người.

Theo quy hoạch, công trình thấp tầng (có chiều cao khoảng 3 tầng) kết hợp với trường học, nhà trẻ, công trình dịch vụ… được tổ chức tại khu vực trung tâm, bố trí liên hoàn với hệ thống cây xanh, hồ nước liên kết với hai nhánh sông Tô Lịch và sông Nhuệ tạo thành các trục, tuyến không gian cảnh quan cây xanh và phù hợp với vành đai xanh, hành lang xanh lân cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch chung.

Tại các khu đất dọc tuyến đường Phan Trọng Tuệ có mặt cắt ngang đường rộng 50m bố trí khối công trình hỗn hợp (cao nhất 29 tầng) làm điểm nhấn cho trục đường và khu vực.
(Theo VnMedia)

Mở van tín dụng cho BĐS: Chỉ nói cho vui?


Dù đã có những giải pháp nới lỏng nguồn vốn ngân hàng đối với thị trường BĐS, nhưng như vậy sẽ là chưa đủ, tuyên bố cần kèm theo những hành động quyết liệt.

Các ngân hàng tham gia quyết liệt

NHNN đã cho phép các TCTD loại trừ ra khỏi nhóm dư nợ không khuyến khích các khoản dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, để ở kết hợp với cho thuê mà các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải tiền lương, tiền công; nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị...

Các TCTD cũng được loại trừ dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ từ tiền lương, tiền công của khách hàng ra khỏi tín dụng tiêu dùng. Tất cả những giải pháp này được xem là một sự hỗ trợ rất lớn cho thị trường bất động sản vốn đang khó khăn ở cả phía cung lẫn phía cầu, khi hỗ trợ cho cả chủ đầu tư, lẫn người mua nhà, các nhà đầu tư, đầu cơ...

Không chỉ là giải pháp, mà các gói tín dụng cũng chính thức được bung ra. Chẳng hạn, từ ngày 1/5/2012, BIDV chính thức triển khai gói tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng dành cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà tại các dự án do BIDV tài trợ với lãi suất 16%/năm, (chưa kể phần hỗ trợ của chủ dự án), thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà. Động thái này của BIDV được ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết là nhằm tăng tính thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhà thầu xây dựng, đơn vị cung cấp, sản xuất vật liệu xây dựng…

“Thông qua gói tín dụng này, khách hàng sẽ được BIDV giới thiệu, kết nối với chủ đầu tư uy tín để lựa chọn căn hộ, nhà ở với diện tích đa dạng, mức giá ưu đãi tập trung ở 2 địa bàn Hà Nội, TP. HCM; đồng thời được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn nhanh gọn. Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn mua nhà, BIDV sẽ kết hợp chủ các dự án để có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng mua nhà như lãi suất, tặng đồ nội thất, tặng bảo hiểm…”, ông Tùng nhấn mạnh.

Từ giữa tháng 4, SeABank cũng đã dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây sửa chữa nhà ở lãi suất giảm 3%/năm so với lãi vay thông thường trước đó, tương ứng lãi suất 17,10%/năm và miễn trả lãi 1 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay.

Trước đó, Ocean Bank đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay mua nhà để ở bằng tiền công, tiền lương, hoặc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp.

Mở van tín dụng cho BĐS: Chỉ nói cho vui? | ảnh 1
Do thị trường ảm đạm, lãi suất đã giảm vẫn là quá cao với các doanh nghiệp bất động sản

Lãi suất có tác động thực đến thị trường?

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Hiệp hội BĐS, thị trường này chưa có dấu hiệu khởi sắc thực sự. Ông này cho biết, rất nhiều doanh nghiệp BĐS phía Nam phàn nàn, lãi suất huy động hạ nhưng lãi suất cho vay chưa thực sự hạ, phần lớn vẫn khoảng 20 - 22%/năm, còn những khoản lãi suất ưu đãi các ngân hàng cũng đã nói rõ chỉ dành cho những đối tượng ưu tiên.

“Rõ ràng, với mức lãi suất cao như vậy, doanh nghiệp không dễ gì chấp nhận được”, vị lãnh đạo này nói.

Doanh nghiệp đã vậy, đối với khách hàng cá nhân cũng không khá hơn. Chị Hoàng Hồng Nhung ở Cầu Giấy cho biết, chị đã tham khảo một ngân hàng vừa công bố chương trình ưu đãi lãi suất trong tháng 4 vừa rồi. Theo ngân hàng này, khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở, xây sửa nhà, mua xe ôtô hoặc vay tiêu dùng... được cấp vốn với thời hạn vay tối đa 60 tháng; số tiền vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng; lãi suất ưu đãi ở ngân hàng là 18 - 18,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi trên chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ thay đổi lại ở mức khoảng 20 - 20,5%/năm và cứ 3 tháng  sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lãi suất trên thị trường.

“Chỉ những khách hàng được chấm điểm xếp hạng tín dụng cao mới có thể vay được vốn theo chương trình với lãi suất ưu đãi”, chị Nhung nhấn mạnh.

Một cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết, trên thực tế, rất nhiều khách hàng cả doanh nghiệp lẫn cá nhân đều quan tâm đến chương trình ưu đãi lãi suất cho BĐS. Mặc dù đã chắt lọc khá kỹ, nhưng phần lớn hồ sơ được cán bộ tín dụng trình lên đều bị gạt.

Giải pháp nào?

Theo GS, TS. Đặng Hùng Võ,  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, việc các ngân hàng công bố các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhưng thực tế rất khó vay là vì lợi ích ngân hàng là chính chứ chưa phải vì thị trường. Điều này cũng dễ hiểu bởi các ngân hàng vẫn lo ngại rủi ro, nợ xấu trong lĩnh vực này do bài học nhãn tiền “nổ bong bóng” BĐS như ở Mỹ...

Trong khi đó, huy động vốn ở Việt Nam thường ngắn hạn, nhiều lắm là được một năm, chỉ phù hợp cho vay thương mại trong khi tín dụng BĐS chủ yếu là trung và dài hạn. Đó cũng chính là yếu điểm trong tính chất huy động vốn của NHTM Việt Nam và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất thanh khoản của các NHTM.

Tuy nhiên, các chương trình cho vay BĐS với lãi suất ưu đãi của ngân hàng không thể nói chỉ mang tính hình thức bởi nó cũng có những tác động trước mắt là tăng độ tin cậy của người dân vào thị trường. Như vậy, các doanh nghiệp BĐS cũng có thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi từ dân nhưng trong tương lai, chúng ta còn phải chờ vào giải pháp của NHNN sẽ giảm trần lãi suất cho vay như thế nào?

Để thị trường BĐS thực sự khởi sắc, theo ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương, còn nhiều việc phải làm:

Thứ nhất, NHNN cần tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, ưu tiên cho vay các đối tượng BĐS đã được duyệt quy hoạch, không ưu tiên cho vay các dự án mới (chưa đền bù) để giảm nguồn cung tạm thời;

Thứ hai, Nhà nước cần đưa ra các chính sách mang tính chiến lược dài hạn. Ví dụ, nới lỏng chính sách mua và sở hữu nhà cho Việt kiều và người nước ngoài làm việc lâu dài ở Việt Nam; quyết liệt làm quy hoạch khu trung tâm để giảm ùn tắc giao thông và tạo cầu cho thị trường nhà chung cư; quy hoạch các trung tâm hội chợ triển lãm, du lịch để hút nhu cầu BĐS từ bên ngoài.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc tại Mỹ cho rằng, một trong những cơ chế mà Việt Nam nên tham khảo là mô hình các định chế Fannie Mae và Freddie Mac ở Mỹ, dù hai định chế này gặp khó khăn lớn trong cuộc khủng hoảng 2008, nhưng vẫn có những ưu điểm đáng tham khảo.

Hai cơ quan tài trợ lấy vốn trên thị trường vốn nhưng lại dùng tiền đó để mua lại những khoản tín dụng BĐS của các ngân hàng. Đó là hai công ty tư nhân bán cổ phiếu trên TTCK ở New York nhưng nguồn vốn chủ yếu là của Chính phủ.

Những người mua cổ phiếu rất tin tưởng ở công ty này và họ nhìn thấy tiềm năng vì đó là công ty của Chính phủ. Hai công ty đó không hẳn là do Chính phủ điều hành mà nằm dưới sự hướng dẫn của Chính phủ.

“Các ngân hàng bên Mỹ cũng như ở Việt Nam, cũng lấy ngắn nuôi dài nhưng họ chỉ có thể làm như vậy khi có những khoản nợ xấu bán cho Fannie Mae và Freddie Mac để có lại được nguồn vốn cho ngân hàng hoạt động. Đó là cách mà chúng ta có thể xem xét để có cơ chế khơi thông nguồn vốn”, TS Hiếu nói.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa có một cơ chế nào tương tự như vậy. Chính phủ Việt Nam bước khởi đầu nên chọn những công ty của Nhà nước và dùng công ty đó có thể phát hành trái phiếu trên TTCK để đem một nguồn vốn dài hạn có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Với cách này, các công ty sẽ có được nguồn tài trợ dài hạn, từ đó, có thể mua lại nợ tín dụng của các ngân hàng, các quỹ tiết kiệm nếu họ cho vay và cả những doanh nghiệp BĐS có thể vay được từ các quỹ này. Nhưng, vấn đề quan trọng là làm sao đẩy được nguồn vốn dài hạn vào nền kinh tế.

“Làm theo hình thức này không những khơi thông được nguồn vốn cho BĐS mà còn giảm thiểu rủi ro về hệ thống, về thanh khoản, giúp đỡ rất nhiều cho nền kinh tế”, TS Hiếu nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo của Hiệp hội BĐS cho biết, về lâu dài, cách vực dậy thị trường BĐS vẫn là phải khơi thông được nguồn vốn, nên Hiệp hội cũng đang đề nghị lập quỹ đầu tư, quỹ tín thác. Tuy nhiên, cũng rất cần có chính sách về thuế, đầu tư, phát triển đô thị gắn với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mới khơi động được sự phục hồi của thị trường BĐS.
(Theo ĐTCK)

Mua BĐS ngoại: Gặp bi kịch nếu không hiểu pháp luật sở tại


Việc mua tài sản tại nước ngoài trên thực tế không hề đơn giản. Ngay cả mua được rồi, việc thu lợi nhuận, hay chuyển nhượng lại sẽ hết sức khó khăn.
Sự kiện doanh nhân người Việt Phạm Đình Nguyên mua thành công cả một thị trấn Mỹ đã thổi bùng mong muốn đầu tư, sở hữu bất động sản Mỹ của nhiều người Việt. Thế nhưng, việc mua tài sản tại nước ngoài trên thực tế không hề đơn giản. Ngay cả mua được rồi, việc thu lợi nhuận, hay chuyển nhượng lại sẽ hết sức khó khăn.

Nhà Mỹ có giá… 1 USD

Theo ông Adward Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Coldwell Banker Việt Nam, những ngôi nhà tại Mỹ được bán với giá 500 hay 1.000 USD đăng tải trên báo chí Việt Nam thời gian gần đây rất phổ biến tại Mỹ. Vì ở Mỹ, có nhiều thị trấn, chính quyền muốn tăng dân số nên đã bán nhà với giá rất rẻ để thu hút dân cư đến sinh sống. Nhưng mua được những ngôi nhà này, khách hàng nhất thiết phải là những công dân Mỹ hoặc những người định cư hợp pháp tại Mỹ.
Mua BĐS ngoại: Gặp bi kịch nếu không hiểu pháp luật sở tại | ảnh 1
Cũng theo ông Chi, trên thực tế, có nhiều hợp đồng mua bán nhà tại Mỹ rẻ đến nỗi có thể khiến người Việt choáng váng. Cụ thể, tại Mỹ, hàng năm, có rất nhiều quảng cáo bán nhà chỉ với giá… 1 USD. Tuy nhiên, việc bán như cho những tài sản này của chủ nhà chỉ là một hình thức tống khứ của nợ. Vì những ngôi nhà ấy thường quá cũ, chủ nhà không được ở, cũng không được quyền đập bỏ, trong khi chi phí tu sửa lại quá lớn.

Theo luật pháp Mỹ, những ngôi nhà có tuổi đời từ 99 năm trở lên, nếu xuống cấp, chủ nhà không được ở, cũng không được phép tháo dỡ. Nếu tu sửa, thì phải giữ nguyên kiến trúc của ngôi nhà cổ. Số tiền tu sửa có thể lên đến 200.000 - 300.000 USD, thậm chí, có khi chi phí lên đến cả triệu USD, nên nhiều chủ nhà muốn bán khung nhà cũ cho người có nhu cầu để sử dụng miếng đất xây nhà mới.

Như vậy, ngay cả giá nhà rất rẻ, rẻ đến độ hầu hết người Việt đều có đủ tiền mua được nhà ở Mỹ, nhưng việc mua để ở hay mua để đầu tư rõ ràng không khả thi và không hiệu quả. Đấy là chưa kể đến sự phức tạp liên quan đến thủ tục pháp lý khi người Việt muốn đầu tư mua nhà tại nước ngoài.

Theo ông Chi, một cá nhân muốn mua tài sản nước ngoài cũng phải làm thủ tục y như doanh nghiệp xin đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là phải xin giấy phép đầu tư ra ngước ngoài.  Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cá nhân vẫn mua được nhà tại nước ngoài một cách không chính thống bằng việc nhờ người trong gia đình tại nước ngoài đứng tên. Nhưng, việc này cũng rủi ro vì vấp phải quy định hạn chế ngoại hối của Nhà nước.

Gặp bi kịch nếu không hiểu pháp luật sở tại

Mặc dù thủ tục đầu tư mua bất động sản, tài sản nước ngoài rất phức tạp, nhưng theo ông Adward Chi, vẫn có những làn sóng người Việt mang tiền đầu tư ra nước ngoài.

Cụ thể, theo thống kê của Coldwell Banker Singapore, trong năm 2010, tỷ lệ người Việt mua nhà ở Singapor chiếm đến 3,2% các giao dịch bất động sản của đảo quốc này. Làn sóng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Mỹ của người Việt cũng có, dù chưa có những con số thống kê chính thức.

Theo ông Adward Chi, muốn đầu tư mua tài sản nước ngoài có hiệu quả, nhà đầu tư cần phải nắm chắc luật pháp của nước sở tại, nếu không sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Nếu thấy nhà đất ở Mỹ rẻ mà lao vào mua, không những khó kiếm lợi mà còn gặp rất nhiều rủi ro.

Cụ thể, trong trường hợp ngôi nhà không tạo ra lợi nhuận thì sẽ không có chuyện phát sinh. Nhưng nếu ngôi nhà họ mua tạo ra lợi nhuận từ việc cho thuê hoặc bán lại, việc báo thuế, nộp thuế sẽ rất phức tạp, nếu nhà đầu tư không phải công dân Mỹ, không có thẻ an sinh xã hội, cũng không có mã số thuế cá nhân tại Mỹ.

Trong trường hợp này, nếu không muốn gặp rắc rối trong việc tính thuế, theo ông Chi, nhà đầu tư chỉ còn cách mua nhà rồi để đấy hoặc chấp nhận bán hòa gốc để rút vốn. Tuy nhiên, việc bán nhà với giá hòa vốn vẫn khiến nhà đầu tư bị thiệt hại, bởi những thủ tục mua bán, đăng ký nhà đất tại Mỹ vô cùng tốn kém.
(Theo ĐTCK)

Doanh nghiệp BĐS co cụm để tồn tại


Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang tìm cách co cụm lại để tồn tại thay vì đặt mục tiêu phát triển như trước đây. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh và viễn cảnh thị trường không mấy sáng sủa hiện nay.
Nhìn vào báo cáo thường niên của các doanh nghiệp địa ốc có thể thấy hầu hết không đạt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm vừa qua, và kế hoạch kinh doanh đặt ra cho năm nay đều giảm, kể cả việc giảm bớt số lượng các dự án để chờ thời điểm tốt hơn.

Doanh nghiệp BĐS co cụm để tồn tại | ảnh 1
Ảnh minh họa

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) vừa trình bày với cổ đông định hướng mục tiêu thực hiện kế hoạch trong năm 2012, theo đó sẽ thiên về việc củng cố và xem nhẹ mục tiêu phát triển trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Sacomreal ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh trong năm vừa qua, với lợi nhuận trước thuế khoảng 103 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 34,5% kế hoạch. Trong số các nguyên nhân tác động có lý do chính sách siết chặt tín dụng dẫn đến nguồn vốn để phát triển dự án bị hạn chế, khiến công ty này chủ trương kéo giãn tiến độ và dừng triển khai một số dự án. Điều đó đã ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng.

Lợi nhuận của Sacomreal tiếp tục giảm trong ba tháng đầu năm nay khi chỉ đạt khoảng 4 tỉ đồng, giảm 23% so với quí 1 năm ngoái với lời giải thích là do tình hình thị trường bất động sản chưa có chuyển biến tích cực khiến hoạt động kinh doanh tiếp tục giảm.

Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần dịch vụ xây dựng địa ốc Đất Xanh cũng chẳng khá hơn khi doanh thu chỉ đạt phân nửa chỉ tiêu và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 34 tỉ đồng, giảm hơn phân nửa so với năm 2010 và chỉ bằng 42% kế hoạch lợi nhận năm 2011.

Giải thích về sự sụt giảm kinh doanh, công ty này cho rằng sự suy giảm của thị trường địa ốc trong năm qua bị tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có chính sách thắt chặt tín dụng. Thiếu vốn, nhiều dự án bị chậm tiến độ, người mua cũng gặp khó khăn, và buộc các chủ đầu tư phải giảm giá bán, đưa ra các chính sách mua nhà trả chậm để kích thích thị trường. Tuy nhiên, tình hình không cải thiện được bao nhiêu.

Tương tự, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2012 xoay quanh các dự án hiện nay, trong đó có dự án căn hộ 6B trên đường Nguyễn Tri Phương, Bình Chánh, Tp.HCM.

Dự án gồm hai khối chung cư cao 30 tầng đã xây dựng phần thô và hoàn thiện đến tầng thứ sáu; tuy nhiên công ty này cho biết đang phải ngừng thi công vì người mua không nộp tiền theo tiến độ của dự án, một phần khác là do ngân hàng hạn chế cho vay bất động sản. Hiện công ty này đang trình UBND Tp.HCM kế hoạch hạ giá bán căn hộ để bán cho thành phố làm quỹ nhà tái định cư.

Ngoài ra, công ty này cũng đang thương thảo bán lại 50% diện tích dự án cao ốc Sài Gòn Plaza trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, Tp.HCM theo hình thức góp vốn nhằm giảm bớt áp lực vốn vay khi xây dựng tòa nhà này.

Tình hình kinh doanh sụt giảm khiến nhiều công ty không chia cổ tức theo kế hoạch, trong số đó thì các công ty như Vạn Phát Hưng, Hoàng Quân và Đất Xanh quyết định không chia cổ tức với lý do để tập trung vốn cho kinh doanh và đầu tư trong thời gian tới.
(Theo TBKTSG)

Vì sao hoạt động đầu tư xây nhà thu nhập thấp khó thành công?


Nhu cầu mua nhà thu nhập thấp (TNT) rất lớn, đặc biệt với mức thu nhập từ lương hiện nay của đại bộ phận công chức, người lao động.
Vì sao hoạt động đầu tư xây nhà thu nhập thấp khó thành công? | ảnh 1
Dự án Blue House tại quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) do CTCP Đức Mạnh liên doanh với Cienco 579 làm chủ đầu tư. Ảnh: Bình An

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tế, cả DN và người dân đều kém mặn mà với phân khúc đặc biệt này. Trao đổi với ông Nguyễn Lương Giáp – Phó TGĐ CTCP đầu tư và xây dựng 579 (Cienco 579), DN  liên doanh với CTCP Đức Mạnh đang triển khai Dự án xây dựng nhà ở xã hội Blue House  tại TP.Đà Nẵng, thì để gặt hái thành công trong các dự án nhà TNT không đơn giản.

Đầu năm 2012, Đà Nẵng đã gây sự chú ý của cả nước khi CTCP đầu tư tài chính và BĐS Vicoland, DN đầu tiên tuyên bố dừng “cuộc chơi” với nhà TNT vì nếu tiếp tục triển khai, Cty sẽ lỗ nặng và không có vốn để triển khai dự án. Vậy theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất với các dự án nhà TNT hiện nay?

- Theo tôi, có 2 trở ngại lớn nhất khiến nhà TNT không thành công, dù đây là chủ trương rất tốt. Trên thực tế, dự án nhà TNT Ngô Thì Nhậm ở Hà Nội tạo được cơn sốt ban đầu do nhận thức của người dân chưa rõ ràng. Khi người dân có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn các điều kiện, quy định với nhà TNT thì rõ ràng họ đã tỏ ra e ngại hơn, ví dụ như các quy định nhà TNT chỉ được ở, không được giao dịch; sau 10 năm mới được bán..., đó là chưa nói đến vị trí các dự án nhà TNT thường ở xa, kết nối hạ tầng không thuận lợi, không tiện việc đi lại, sinh hoạt...

Với các DN, trở ngại lớn nhất là nguồn vốn. Trước đây, thực hiện chương trình này Chính phủ muốn tạo điều kiện cho DN được vay với lãi suất thấp với mục tiêu là làm sao để giá thành thấp tới mức tối đa, để người dân có thể mua được nhà. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện thì các DN rất khó tiếp cận nguồn vốn đó. Cho đến thời điểm này, nguồn vốn vay hầu như bằng không; chỉ có một vài DN nhỏ là tiếp cận được. Như vậy, kế hoạch trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước có thể xem như phá sản.

Trong khi các DN lại không đủ tiền để làm ngay dự án hàng trăm tỉ đồng, mà phải phụ thuộc vào nhiều nguồn: Vào NH, vào các quỹ đầu tư; nhiều nguồn khác, thậm chí huy động tiền từ người mua để làm dự án. Nhưng trên thực tế, bản thân người mua  cũng không được vay, hỗ trợ từ NH để chi trả; việc xem xét đối tượng được mua cũng rất ngặt nghèo, nên nhiều trường hợp có hộ gia đình đúng đối tượng mua nhà TNT rồi nhưng lại nghèo quá không có tiền trả. DN có thể hỗ trợ người dân trả dần trong 3 - 5 năm chứ không thể hỗ trợ trả trong 10 - 15 năm được; nguồn vốn hạn hẹp của DN không cho phép như vậy. Do đó, với DN huy động tài chính để đầu tư khó, người mua cũng khó vì không có tiền... Đây chính là những yếu tố hạn chế trong nhà TNT.    

Theo quy định, với các dự án nhà TNT, chủ đầu tư chỉ được hưởng lợi nhuận biên 10%, phải chăng đây là mức lợi nhuận quá thấp khiến DN không mặn mà và đâu là yếu tố quyết định sự thành công của nhà TNT, thưa ông?

- Với đặc thù của các chương trình nhà ở xã hội thì chủ đầu tư được giao đất;  chi phí đầu tư xây dựng trên đất đó và được cộng lợi nhuận biên tối đa 10% và tất cả các phần này đã được các ban ngành thẩm định. Giá bán do chính quyền địa phương quy định và đối tượng bán được thực hiện theo Thông tư 16 của Bộ Xây dựng về các đối tượng được mua nhà. Với lợi nhuận biên thấp như vậy, nếu chủ đầu tư kéo dài thì chắc chắn sẽ rủi ro. Nếu không đẩy nhanh tiến độ, đưa các giải pháp công nghệ và rút ngắn thời gian thi công, tận dụng các chất liệu tại địa phương... thì giá thành khó có thể hạ, mà đây lại là lời giải quan trọng lúc này.

Tuy nhiên, giá thành chỉ là một yếu tố, cái quan trọng là chất lượng của công trình và thời gian tiến độ công trình. Mà tiến độ công trình là tiền bạc.

Ông đánh giá thế nào về giá nhà TNT hiện nay, tại sao có sự chênh lệch giá rất lớn giữa nhà TNT ở Hà Nội và Đà Nẵng hay các địa phương khác, với mức chênh lệch thậm chí gấp 2 - 3 lần?

- Đúng là hiện nay giá bán nhà TNT đang có mức chênh lệch lớn giữa các địa phương. Ví dụ như dự án Blue House của chúng tôi, dù có chất lượng tốt, vị trí thuận lợi ở trung tâm thành phố, nhưng giá bán cũng chỉ được trung bình 5,6 triệu đồng/m2, trong khi nếu dự án có vị trí như vậy mà đặt ở Hà Nội, chắc chắn không có giá ấy. Nên nhớ giá đất không cấu thành giá bán, với các chương trình nhà ở xã hội này đều được Nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất. Các yếu tố tạo nên sự khác nhau về giá thành ở các địa phương chủ yếu do chi phí đầu tư; do giá thuê nhân công; các yếu tố về vật liệu và các chi phí khác... Ví dụ ở Đà Nẵng 1 khối sắt là 70.000 đồng, nhưng ở Hà Nội có khi là 150.000đ/khối...

- Xin cảm ơn ông!
(Theo LĐO)

Xây căn hộ diện tích 25m2: Cách làm manh mún


Nhận định trên là của ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về ý tưởng cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích 25 m2 của Bộ Xây dựng.

Ông Liêm nói:

Cho phép xây dựng căn hộ chung cư có diện tích 25 m2 là cách làm manh mún, không đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị. Một đô thị phát triển phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có cả tiêu chuẩn nhà ở của người dân. Các khu đô thị, dự án chung cư đã được phê duyệt đều nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển bền vững về diện tích, mật độ dân cư, nếu cho phép xây căn hộ nhỏ sẽ phá vỡ quy hoạch.
Xây căn hộ diện tích 25m2: Cách làm manh mún | ảnh 1
Không phải vô cớ mà điều 40 của Luật Nhà ở quy định, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại dạng chung cư phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45 m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11 m2, vì đó là giới hạn diện tích tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi người. Tỷ lệ này sẽ còn tăng lên cao nữa chứ không chỉ dừng lại ở đây.

Thời điểm những năm 60 thế kỷ trước, tiêu chuẩn chung cư cũ quy định tỷ lệ 6 m2/người. Chính vì vậy, người ta mới xây dựng những căn hộ 24 m2 để đáp ứng nhu cầu ở được cho gia đình 4 người. Tuy nhiên, nhiều chung cư cũ hiện nay đã thành các khu ổ chuột do tình trạng quá tải. Hơn nữa, không hiểu Bộ Xây dựng xuất phát từ căn cứ nào để quy định bắt buộc tỷ lệ từ 15 - 20% lượng căn hộ diện tích nhỏ trong các khu đô thị, chung cư, bởi có dự án dù làm nhà nhỏ vẫn ế, vì người dân ở khu vực đó không có nhu cầu căn hộ nhỏ.
(Theo ĐTCK)

Doanh nghiệp BĐS "giữ giá" chờ thị trường phục hồi


Kỳ vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi nay mai nhờ chính sách nới tín dụng và lượng khách hàng rục rịch rút tiền ở các kênh khác mua nhà, các doanh nghiệp BĐS đang có xu hướng cố thủ giữ giá để chờ thời.
Hàng trăm DN BĐS hiện đang bên bờ phá sản khi nợ tới 200.000 tỉ đồng vì thị trường giao dịch đóng băng, sản phẩm đắp chiếu do người tiêu dùng quay lưng. Lý do cơ bản xuất phát từ tiến trình đầu tư nóng tích tụ trong giai đoạn 2008-2010. Có ý kiến, phá sản là hậu quả mà nhiều DN BĐS cần hứng chịu bởi sự tham lam và đầu tư theo kiểu “nghe hơi nồi chõ”.

Người giàu cũng khóc

Điệp khúc hết tiền – phá sản đang liên tục được nhắc đến trong giới DN nói chung cũng như DN BĐS nói riêng từ đầu năm đến nay. Ngay cả những sàn giao dịch BĐS đang nhúc nhắc có “kẻ ra người vào” với lác đác giao dịch cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Anh Tâm – giám đốc tài chính một sàn giao dịch BĐS có chức năng chủ đầu tư tại khu vực Hoàng Ngân (Hà Nội) thừa nhận: một tuần trở lại đây đã bắt đầu có giao dịch trở lại với tần suất thấp.
Doanh nghiệp BĐS "giữ giá" chờ thị trường phục hồi | ảnh 1
Phần nhiều vẫn là người đi mua nhà, căn hộ bình dân đã hoàn thiện để ở nhưng khi biết giá thì đa số đều bảo sẽ quay lại sau hoặc lắc đầu cười (!) vì giá cao ngoài mường tượng. Trường hợp như sàn TP của anh Tâm không phải là thiểu số. So sánh về lượng đơn vị môi giới tư vấn BĐS trên đoạn Lê Văn Lương kéo dài – Khuất Duy Tiến đã hao hụt quá nửa, những sàn BĐS còn sức trụ lại lúc này hầu như đều có chức năng đầu tư, tức là có điều kiện “trường vốn” cũng than khổ. Lý do là lượng khách tới hỏi mua sản phẩm đã tăng trở lại, nhưng số giao dịch khớp được lại chỉ tăng lẹt đẹt ở mức 2 tuần/1 giao dịch loại nhỏ.

Không chỉ vậy, ngay cả những ông lớn trong làng địa ốc cũng gặp trở ngại trong việc điều tiết, tìm nguồn vốn để tự nuôi. Trái với suy nghĩ của dư luận áp đặt cho các đại gia là “thiếu gì tiền”, nhiều tên tuổi trong giới kinh doanh BĐS đã tiêu dần vào lượng vốn dự trữ duy trì cho cả năm khi mới chưa hết quý II/2012. Trông chờ vào cửa ngân hàng cũng chẳng sáng sủa bởi NH luôn biết cách đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính bằng các ràng buộc như thế chấp sổ đỏ bên cạnh hợp đồng mua bán cũng như không chấp nhận DN cũng như cá nhân mua nhà thế chấp các sản phẩm sẽ hoàn thành trong tương lai để vay tiền. Khó khăn không dừng lại ở đó, ngay cả các đơn vị sản xuất VLXD và khách hàng cũng liên tục gây sức ép ngược với chủ đầu tư chỉ vì vấn đề…tiền đâu?!

Theo một chủ dự án BĐS lên đến hàng trăm héc-ta tại quận Hà Đông, do thị trường BĐS đóng băng và tình hình tài chính của DN suy yếu, nên cả năm qua, DN này gần như ngừng thi công các dự án. Trong khi đó, với nhiều dự án lân cận, vì thiếu vốn, không thể triển khai đúng tiến độ, DN liên tục bị khách hàng khiếu nại, đòi rút vốn khiến DN càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc CTCP Sông Đà Thăng Long chua xót: Thời kỳ thị trường tăng trưởng nóng, các DN kinh doanh VLXD và đơn vị thi công có thể cho chủ đầu tư nợ tiền thi công hay tiền VLXD. Nhưng thời gian qua, DN địa ốc bị các đối tác quay lưng, ở trong thế kẹt. Vì nhiều DN kinh doanh VLXD nếu chưa thấy tiền trong tài khoản hoặc tiền chưa trao tay, họ sẽ chưa xuất hàng..

Cực chẳng đã, nhiều cái tên khá nổi trong làng địa ốc đã cắn răng vay tiền ngân hàng với lãi suất cao hơn từ 4-5% để duy trì hoạt động DN chờ ngày thị trường khỏi bệnh. Song song với đó, nhiều DN BĐS buộc phải tìm cách mở rộng lĩnh vực kinh doanh để cân đối tài chính. Câu chuyện những giám đốc sàn BĐS đi buôn chăn đệm hồi cuối năm vừa rồi hay buôn nội thất và giao dịch ngay tại sàn đã chẳng còn lạ với người trong giới. “Khó thì phải cố hết cách thôi. Đơn vị mình đã vay ngân hàng gần 10 tỷ với lãi suất gần 16%/năm để duy trì tiếp các dự án còn dang dở và hoàn thành đúng hẹn trong tháng 12/2012. Nếu không có nguồn thu khác để trả lãi ngân hàng và chờ thời điểm phục hồi của thị trường BĐS thì chỉ có chuyển nghề và chấp nhận nợ lương nhân viên không biết tới bao giờ. Qua chia sẻ của chị N – giám đốc sàn NDL (Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội), rõ ràng nếu thị trường không sớm khởi sắc trở lại muộn nhất vào đầu quý IV, hàng loạt DN BĐS còn lại sau đợt cuối năm 2011 sẽ bị “thanh toán” nốt vì phá sản tuyệt đối.

Phá sản là …đúng?!

Cách đây không lâu, ngành thuế đã công bố danh sách hàng loạt DN BĐS nợ tiền thuế sử dụng đất lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điều này cho thấy tình hình tài chính của các DN BĐS thực sự rất khó khăn. Ngay cả việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới rộng tín dụng với BĐS, nếu tiếp cận được nguồn vốn mới, DN BĐS cũng chưa thể thoát được khó khăn. Vì hiện thị trường không có thanh khoản, nhà giá cao và giá thấp đều không bán được. Mà không có thanh khoản thì dù vay được tiền với lãi suất thấp, DN vẫn “chết”.

Theo ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT ConstreximHod cho rằng, thị trường khó khăn kéo dài cả năm trời, sẽ chẳng có DN nào thoát khỏi vòng xoáy đó. Thực tế, trong hàng chục nghìn DN bị khai tử trong năm qua, có không ít DN BĐS vì quá khó khăn cũng đã âm thầm khai tử.

Xét về nguyên nhân, chẳng thể bỏ qua việc đầu tư nóng theo trào lưu từ 2008 trở lại đây với mặt bằng DN BĐS chủ yếu là vừa và nhỏ. Tiền chủ yếu đi vay ngân hàng, người đầu cơ thì gom vàng, đô la, cổ phiếu để dồn lực mua “lấy được” một vài sản phẩm địa ốc để đó với tâm lý “chờ vài tháng là lãi tiền tỷ như chơi”.

Sau 2010, ác mộng bắt đầu xảy đến với những người đầu tư kiểu “tay không bắt giặc” (cả về vốn lẫn kinh nghiệm, hiểu biết thực tế thị trường) khi mãi lực đổ dốc, hàng tồn chất đống ở mọi phân khúc kèm theo tín dụng BĐS không ngừng thắt lại. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc hàng trăm DN BĐS đổ vỡ hệ thống tài chính và chuẩn bị phá sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều cần thiết cho thị trường BĐS nước nhà (!). Bởi “đòn đau nhớ đời”, có thất bại mới cảnh tỉnh được những DN BĐS đang manh nha ý định làm giàu bằng cách liên kết theo nhóm nhỏ để tự tâng giá bằng những chiêu bài kích cầu ảo. Không chỉ vậy, liệu có quá khi nói “thấy chết không cứu” như nhiều người nói?

Một chuyên gia ngành kinh tế xây dựng cho biết: Những gì mà giới kinh doanh địa ốc gặt hái được bằng đầu cơ, đầu tư lướt sóng trong vài năm qua vượt xa những thiệt hại mà họ đang than vãn. Đây là hệ quả tất yếu và đã được dự đoán trước của quá trình chạy đua đầu tư khi thị trường nhà đất ở thời kỳ hoàng kim (2008-2010). Thiệt hại của lớp DN chuyên đi “hớt bọt” và đầu cơ thổi giá trong khi chuyên môn, hiểu biết về thị trường của nhiều giám đốc sàn chỉ tới tầm… kỹ sư nông lâm là rất rõ ràng: thị trường méo mó, giá cả luôn ngoài tầm người mua thực, DN làm ăn chân chính thì bị cạnh tranh thiếu lành mạnh, bị ảnh hưởng xấu bởi những thứ cấp chỉ biết trục lợi từ khách hàng, và nhất là người dân lao động vẫn chỉ biết ấp ủ giấc mơ an cư mà chưa biết khi nào mới thoát cảnh đi thuê trọ bấp bênh tại các đô thị lớn. Vậy tại sao phải ra tay cứu DN BĐS lúc này?

Ở góc nhìn của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Minh – một cán bộ về hưu ngành Tài nguyên – Môi trường thẳng thừng chỉ rõ nguyên nhân tại sao nên để cuộc thanh lọc DN diễn ra thêm một lần nữa với quy mô lớn hơn hồi cuối 2011. Theo ông, DN BĐS vẫn kêu khó nhưng mặt bằng giá gần như không suy chuyển. Bản thân gia đình ông cũng mới hỏi một số căn hộ đã hoàn thiện tại khu vực Xa La, Hà Đông để mua nhà cưới vợ cho con nhưng giá đều được “hét” ở mức 21 triệu đồng/m2.

Liệu có phải đây là sự “cố đấm ăn xôi” của DN BĐS đang nuôi tư tưởng ngóng thị trường BĐS sẽ phục hồi nay mai nhờ chính sách nới tín dụng và lượng khách hàng rục rịch rút tiền ở các kênh khác mua nhà?

Thêm vào đó, thông tin mới đây về việc Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức tuyên bố vẫn có lãi khi bán căn hộ với giá chỉ bằng 50% giá bán của các sản phẩm ở cùng vị trí càng hâm nóng dư luận cho rằng không ít DN BĐS vẫn không chịu lùi giá để phục vụ lợi ích của mình dù khó khăn đã hiện hữu. Và trường hợp của HAGL đã minh chứng cho biên độ lợi nhuận của DN là vượt xa những cú giảm giá kích cầu mà họ vẫn thông tin trên các phương tiện truyền thông…

“Gạn đục khơi trong” hay “thanh lọc” đều cần thiết trong một môi trường BĐS còn thiếu và yếu về mọi yếu tố như hiện nay. Người tiêu dùng đã thông minh và hiểu biết hơn về BĐS, DN nếu chờ “nước đến chân mới nhảy” sẽ quá muộn bởi hơn lúc nào, người tiêu dùng đang mong chờ một cuộc đại phẫu càng sớm càng tốt để đưa mức giá sản phẩm về đúng giá trị, hay chính xác hơn là tiệm cận với khả năng tài chính của mình.
(Theo Infonet)