22 tháng 3, 2012

Giám đốc Công ty Du lịch làm giả "sổ đỏ" bán đất Ba Vì


Đặng Thuần Phong, Giám đốc Công ty Du lịch Suối Mơ thuộc xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) vừa bị Công an huyện Ba Vì khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 
Đặng Thuần Phong

Vì vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên ngày 5/11, Công an huyện Ba Vì đã báo cáo, đề xuất được chuyển vụ án lên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Vụ án bắt đầu từ đơn tố cáo của bà Bàng Ái Thơ, trú tại Yên Phụ (Tây Hồ) và của ông Phùng Văn Lực, trú tại xã Yên Bài (Ba Vì) gửi Công an huyện Ba Vì. Cả hai người này đều tố cáo Phong đã lừa dối họ để bán cùng một mảnh đất cho hai người nhằm chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định, năm 2005, Phong đã bán cho bà Bàng Ái Thơ toàn bộ diện tích 24.529m2 đất đồi Ban Phốc theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 00039 QSDĐ/YB cấp ngày 5/6/2003 đứng tên Vũ Đăng Khôi và 26.307m2 đất đồi Ban Phốc theo GCNQSDĐ số 00040 QSDĐ/YB cấp ngày 5/6/2003 đứng tên Nguyễn Ngọc Lan (đây là đất Phong đã mua lại)...
Để bà Thơ tin, đồng ý mua đất và thanh toán tiền, Phong đã lập các bộ hồ sơ giả việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó giả mạo chữ ký của bên mua, bên bán, những người có trách nhiệm ở xã, thôn, trong đó thể hiện việc ông Khôi và ông Lan là bên bán, còn bên mua là bà Bàng Ái Thơ. Đồng thời, Phong còn làm giả mạo nội dung các trích lục bản đồ thửa đất. Sau đó, anh ta đã vào UBND xã Yên Bài, lợi dụng sơ hở của cán bộ ở đây, lấy dấu, đóng trộm vào các bộ hồ sơ trên rồi đưa cho bà Thơ và nhận của bà Thơ tổng số tiền là 2,015 tỷ đồng và 15.500 USD.
Đến tháng 4/2010, do "sốt đất" tại Ba Vì nên giá đất tại xã Yên Bài lên cao, Phong lại tiếp tục làm hợp đồng bán toàn bộ diện tích 26.207m2 đất tại đồi Ban Phốc theo GCNQSDĐ số 00040 QSDĐ/YB đứng tên ông Nguyễn Ngọc Lan cho ông Phùng Văn Lực ở xã Yên Bài.
Trong quá trình thỏa thuận mua bán, để ông Lực tin, Phong đã đưa cho ông Lực xem GCNQSDĐ số 00040 QSDĐ/YB đứng tên Nguyễn Ngọc Lan và 1 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Ngọc Lan và Phong. Khi ông Lực đồng ý mua, Phong đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 4/4/2010 và ông Lực đã chuyển cho Phong số tiền 1 tỷ đồng. Sau đó, ông Lực phát hiện Phong đã bán mảnh đất nói trên cho bà Bàng Ái Thơ nên cả hai đã làm đơn tố cáo Phong ra cơ quan Công an.
Tại Cơ quan CSĐT, Phong đã khai nhận hành vi làm giả các bộ hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong quá trình giao dịch, mua bán đất với bà Thơ.
Đồng thời, anh ta thừa nhận đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1 tỷ đồng của ông Phùng Văn Lực và 35 triệu đồng của bà Thơ mà Phong đã nhận để làm GCNQSDĐ (thực tế Phong biết không thể làm được vì đây là đất lâm nghiệp).
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn phát hiện Phong đã "giao" cho bà Vũ Thị Lê Nga ở Quảng An (Tây Hồ) diện tích đất 1,125ha thuộc lô 12 - Tiểu khu Vân Yên (Yên Bài) thời hạn 44 năm để nhận của bà Nga số tiền 70 triệu đồng. Đây là đất thuộc diện tích đất do Vườn Quốc gia Ba Vì giao khoán cho Phong để phát triển du lịch kết hợp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Hành vi này của Phong có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan CSĐT đang tiếp tục xem xét, xử lý.
T.Hòa CAND

Tiến độ thi công dự án tại Hà Nội tính đến ngày 19/3/2012

Nhiều dự án tại Hà Nội đang lâm vào cảnh "đắp chiếu", thi công "rùa bò"...Đây là hệ lụy khi nhiều chủ đầu tư "đói vốn" trong lúc thị trường bất động sản đang trong tình trạng "chết đứng".
Mời độc giả cùng "dạo quanh" một vòng để cập nhật thêm về tiến độ thi công của một số công trình tại Hà Nội tính đến hết ngày 19/03/2012 .

Tòa nhà AZ Lâm Viên Complex - Số 107 Nguyễn Phong Sắc, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội, khởi công tháng 12/2009, dự kiến hoàn thành quý IV/2012. Chủ đầu tư là Công Ty CP BĐS AZ. Hiện tại dự án mới chỉ đổ rầm tầng hai mặc dù ngày bàn giao nhà đã cận kề. Thêm vào đó, trên công trường hầu như vắng bóng công nhân.




Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại chợ Mơ  khởi công tháng 12/2008 trên diện tích đất là 11.154m2, tại số 459C, Bạch Mai, Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Phát triển Thương mại Vinaconex làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến xây dựng 3 khối nhà cao từ 5 đến 25 tầng, và sẽ hoàn thành vào quý II/2012.

Dù đã xây gần xong phần thân nhưng dự án TTTM Chợ Mơ vẫn khó để hoàn thành đúng hẹn.




Dự án Hòa Bình Green City tại số 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Dự án do Công ty Cổ phần Nông sản Agrexim và Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư. Được khởi công vào quý II/2011, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào quý I /2014. Hiện tại dự án đang làm phần cọc nhồi.




Khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ (Golden Silk) tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội do Cty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công quý 1 năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, vào giữa năm 2011 với diễn biến khó khăn của thị trường bất động sản, công ty dự kiến sẽ giãn tiến độ dự án sang năm 2012. Hiện tại dự án vẫn là bãi đất trống, xung quanh quây tôn kín mít.


Dự án Golden Land do Công ty CP Thương Mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư, tọa lạc trên diện tích hơn 23.000 m2 tại 275 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dự án được khởi công vào 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2012.

Gần đây, chủ đầu tư dự án đưa ra chiêu khuyến mãi khủng khi khách hàng mua căn hộ sẽ được nhận ngay ô tô Toyota Vios 650 triệu, 550 triệu hoặc Kia Morning 450 triệu đồng tùy theo giá trị căn hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này mới đang thi công ở phần ngầm, hiện phần đất để thực hiện dự án vẫn còn đang ngổn ngang, chưa thấy khối nhà nào nhô lên mặt đất.




Dự án Golden Palace tọa lạc tại đường Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, do Công ty Cổ phần đầu tư Mai Linh và Công ty Cổ phần địa ốc MB (MBLand) hợp tác đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 3/2011 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013.








Nhóm Phóng Viên
Theo TTVN

Ai đứng sau “nghi án” bán khống chung cư 34 Cầu Diễn?

Nhiều khách hàng đã lên tiếng cho rằng mình bị lừa đảo khi tham gia góp vốn mua căn hộ tại dự án chung cư 30 tầng ở 34 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội).
 
Phối cảnh dự án chung cư Hưng Việt okstar- chung cư Quân Thư được rao trên mạng 
Dự án do Cty TNHH đầu tư và sản xuất dịch vụ thương mại quốc tế Quân Thư làm chủ đầu tư.

Điều tra của PLVN Online cho thấy việc bán “khống” các căn hộ tại dự án 34 Cầu Diễn có nhiều khuất tất, sai phạm. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn có liên đới.

Cụ thể, ngày 9/7/2010, công ty CP Tập đoàn xây dựng phát triển Đông Đô- BQP đã ký hợp đồng số 89/ HĐ- CTĐĐ, hợp tác với công ty CP đầu tư Okstar với nội dung: hợp tác đầu tư xây dựng công trình nhà ở cao tầng để bán tại 34 Cầu Diễn- Tư Liêm- Hà Nội.

Tại vị trí này, Công ty Đông Đô BQP có 1536m2 được UBND thành phố Hà Nội cho phép xây dựng nhà ở để bán. Công ty Okstar có 266,4m2 nhận chuyển nhượng từ công ty CP Hà Đô, xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên.

Bằng hợp đồng số 89, công ty Đông Đô BQP và công ty Okstar thỏa thuận hợp nhất hai diện tích trên để thành ô đất có tổng diện tích khoảng 1802,4m2.

Theo hợp đồng số 89 thì công ty Đông Đô- BQP là chủ sở hữu Dự án 34 Cầu Diễn, đồng ý để công ty Okstar được là “đồng chủ dự án”.

Công ty Đông Đô BQP đứng chủ pháp nhân và là đại diện phối hợp với cơ quan chức năng để làm các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án.

Ngày 26/10/2010, Sở Quy hoạch kiến trúc có văn bản số 3485/QHKT-P5 trả lời công ty Đông Đô về việc đầu tư xây tòa nhà chung cư cao tầng tại Cầu Diễn, trong đó đống ý với đề xuất hợp nhất hai ô đất của hai công ty Đông Đô BQP và và công ty Okstar. Sở Quy hoạch kiến trúc đề nghị công ty Đông Đô BQP báo cáo UBND thành phố để được chấp thuận địa điểm lập dự án đầu tư và cho phép điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.

Tới ngày 17/1/2011, UBND huyện Từ Liêm có văn bản số 97 gửi Sở kế hoạch và đầu tư có ý kiến về địa điểm, hiện trạng quản lý sử dụng khu đất của công ty Đông Đô BQP và và công ty Okstar. Trong văn bản này, UBND huyện Từ Liêm cho biết khu đất dự án mới có tường xây bao quanh, trên khu đất có 01 nhà 2 tầng cũ, 01 trạm điện và một số nhà lợp tôn.

Ngày 14/2/2011, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 1013/UBND-KHĐT chấp thuận đề xuất dự án xây dựng nhà chung cư tại Cầu Diễn của công ty Đông Đô- BQP, tổng diện tích dự án là 1802,4m2.

Như vậy, về mặt pháp lý, tới ngày 14/2/2011, dự án của công ty Đông Đô mới trong tình trạng “được UBND thành phố chấp thuận đề xuất”, công ty sẽ còn phải làm nhiều thủ tục khác theo quy định.

Thế nhưng, từ tháng 1/2011công ty Đông Đô- BQP, công ty Okstar đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty đầu tư thương mại và dịch vụ vận tải quốc tế thành lập Liên danh để tham gia dự án nói trên. Theo bản hợp đồng này, công ty Đông Đô- BQP hợp tác với công ty ĐTTM, dịch vụ vận tải quốc tế để triển khai xây dựng dự án, thực hiện các thủ tục xin phép UBND thành phố để điều chỉnh lại quy mô dự án.

Trong liên doanh này, công ty ĐTTM, dịch vụ vận tài quốc tế phải góp vốn 70% tổng mức đầu tư dự án và góp vốn bằng tiền mặt.

Đổi lại, công ty ĐTTM, dịch vụ vận tải quốc tế sẽ được hưởng 70% lợi nhuận từ dự án sau khi trừ các chi phí hợp lý và thuế.

Căn cứ hợp đồng liên doanh nói trên, công ty ĐTTM, dịch vụ vận tải quốc tế lại ký tiếp hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty Quân Thư để thành lập pháp nhân mới là CP đầu tư Hưng Việt.

Trong liên doanh này, công ty Quân Thư phải góp 85% tổng vốn đầu tư dự án. Đổi lại, công ty này được nhận sản phẩm dự án tương ứng với tỷ lệ góp vốn (85% diện tích của dự án).

Đế ngày 20/9/2011, công ty ĐTTM và dịch vụ vận tải quốc tế đã có quyết định số 51/BB-HĐTV chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong công ty Hưng Việt cho công ty Quân Thư cũng như chuyển giao toàn quyền đầu tư của công ty ĐTTM và dịch vụ vận tải quốc tế tại dự án 34 Cầu Diễn cho công ty Quân Thư.

Công ty Đông Đô- BQP cùng có hợp đồng liên danh số 21/2011 với công ty Quân Thư. Trong đó, mục đích hợp đồng là thành lập liên danh để tham gia thi công dự án.

Thực tế, với bản hợp đồng hợp tác ký với công ty ĐTTM và dịch vụ vận tải quốc tế, từ đầy năm 2011- khi dự án còn “nằm trên giấy”- công ty Quân Thư đã huy động vốn của rất nhiều khách hàng.

Theo các hợp đồng mà công ty Quân Thư ký với khách hàng thì mỗi người sẽ phải nộp 1,4 tỷ đồng với mục đích  vay để xây dựng tòa nhà chung cư 30 tầng tại tổ 34 thị trấn Cầu Diễn.

Tiến độ nộp tiền chia làm nhiều đợt trong đó đợt 1 khách hàng nộp 10% tương đương 140 triệu đồng, các đợt còn lại đóng theo cam kết. Đổi lại, khách hàng cho vay vốn sẽ được hưởng quyền ưu tiên mua căn hộ thuộc dự án. Giá mua bán tương ứng với tổng khoản vay dự kiến và lãi suất được hưởng bằng 0 hoặc hưởng lãi suất theo quy định hợp đồng 8% nếu khách hàng không thực hiện quyền ưu tiên mua dự án.

Trong hợp đồng, công ty Quân Thư cam kết khách hàng sẽ được mua căn hộ  với diện tích 80m2 với giá 17,5 triệu đồng/m2 đã bao gồm thuế VAT. Thời điểm dự kiến khởi công dự án quý II/2011 và hoàn thành quý II/2012.

Tuy nhiên, tới thời điểm tháng 3/2012 ( sắp hết quý 1 của năm 2012) những nhà đầu tư đã góp vốn cho công ty Quân Thư vẫn chưa nhìn thấy “bóng hình” tòa chung cư 30 tầng “trong mơ”, giá rẻ mà họ chờ đợi.

 Nhiều khách hàng đi tìm giám đốc công ty Quân Thư- ông Nguyễn Hữu Quân, thì ông Quân đã “bặt vô âm tín”.

Vụ việc công ty Quân Thư gom tiền của khách hàng cho một dự án còn “trên giấy” có “kịch bản” từa tựa như vụ liên doanh tại “Sàn bất động sản Việt Nam” của ông giám đốc trẻ Nguyễn Hồng Bàng- hiện đang ngồi tù- do huy động vốn cho 6 dự án của 3 công ty khác nhau đều “nằm trên giấy” ở xã Minh Khai- Từ Liêm- Hà Nội.

Những “người trong cuộc” và cơ quan chức năng sẽ nói gì về dự án tòa nhà chung cư 30 tầng này, PLVN Online đang tiếp tục cập nhật và sẽ sớm thông tin chi tiết tới bạn đọc.

Theo Anh Phương
PLVN

Hà Nội đồng ý triển khai 2 dự án tại quận Cầu Giấy

Dự án nằm tại 51 Trung Kính, Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, do công ty TNHH MTV Văn Phú – Trung Kính làm chủ đầu tư.
 
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa thống nhất về mặt chủ trương cho phép triển khai dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng kết hợp TTTM, văn phòng cho thuê và trường tiểu học tại 51 Trung Kính, Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Dự án do công ty TNHH MTV Văn Phú – Trung Kính làm chủ đầu tư.
 
Bên cạnh đó, cũng tại địa bàn quận Cầu Giấy, Thành ủy Hà Nội đồng ý cho phép xây dựng tòa nhà hỗn hợp Constrexim Complex. Tòa nhà sẽ được xây dựng trên lô A1-2, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu do Tổng Công ty cổ phần xây dựng và Thương mại Việt Nam (Contrexim) làm Chủ đầu tư.
 
Thường trực Thành ủy yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc quản lý nhà nước, giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng các cam kết về tiến độ và mục đích sử đụng đất của dự án, tránh tình trạng thi công kéo dài hoặc làm sai lệch mục tiêu dự án.
 
Theo T.H
DĐDN

Vinaconex có nguy cơ phải bồi thường cho người mua nhà hàng trăm tỉ đồng

Bàn giao căn hộ chậm đến nửa năm, không chịu bồi thường dù hợp đồng đã ghi rõ, Vinaconex đã bị nhiều khách hàng ở dự án Khu đô thị Đông Nam “tố” vi phạm hợp đồng và đòi bồi thường hàng trăm tỉ đồng.
 
Cụm chung cư cao cấp No5 thuộc Dự án Đông Nam. 
Cụm chung cư cao cấp No5 – thuộc Dự án Đông Nam Trần Duy Hưng  (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) là tổ hợp nhà kiểu mẫu của chủ đầu tư Vinaconex với gần 800 căn hộ. Theo hợp đồng mua bán căn hộ tại đây thì đến ngày 30/6/2011, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách hàng. Thế nhưng, đến tháng 12/2011 chủ đầu tư mới bắt đầu rục rịch bàn giao, đến hết tháng 2/2012 chủ đầu tư vẫn chưa thể bàn giao toàn bộ nhà cho khách hàng.
Vừa qua, Petrotimes nhận đơn thư phản ánh của gia đình anh Ngô Xuân Hiếu – một khách hàng mua căn hộ tại tòa nhà 29T1 – No5 Cụm chung cư cao cấp Đông Nam. Theo phản ánh khoảng tháng 4/2011, gia đình ông Nguyễn Hoài Nam đã chuyển nhượng căn hộ 701- 29T1 cho gia đình anh và đã được chủ đầu tư xác nhận việc chuyển nhượng này.
Theo đó, chủ đầu tư là Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex bán cho anh Ngô Xuân Hiếu một căn hộ với giá 3.649.000.000 đồng và theo hợp đồng thì bên chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ cho gia đình anh Hiếu vào tháng 6/2011.
Thế nhưng, trên thực tế, đến tháng 12/2011 mới được nhận bàn giao nhà. Trong khoảng thời gian từ khi ký hợp đồng mua nhà và đến trước ngày 30/6/2011, gia đình anh Hiếu phải nộp tiền mua căn hộ 2 đợt theo đúng hợp đồng quy đình.
Theo cam kết của hợp đồng mua bán nhà mua căn hộ tại Cụm chung cư cao cấp No5, gia đình anh sẽ được bàn giao nhà vào ngày 30/6/2011. Thế nhưng sau 5 tháng sau ngày bàn giao theo hợp đồng, anh Hiếu không nhận được nhà và cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào của chủ đầu tư thông báo về việc chậm trễ này.
Hợp đồng ghi rõ việc Vinaconex phải bồi thường do chậm bàn giao nhà.
Đến cuối tháng 12/2011, anh Hiếu mới nhận thông báo đến trụ sở chủ đầu tư thanh toán số tiền mua nhà còn lại để làm hồ sơ bàn giao nhà. Trước đó, anh Hiếu đã thanh toán với bên chủ đầu tư số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.
Theo anh Hiếu, tại cụm chung cư này có khoảng gần 800 căn hộ và tất cả khách hàng mua căn hộ nơi đây đều bị chậm bàn giao và thời gian chậm bàn giao ít nhất cũng phải 5 tháng. Thế nhưng, chủ đầu tư phớt lờ quy định trong hợp đồng về việc bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao.
Trong hợp đồng mua bán căn hộ giữa Vinaconex và khách hàng ghi rõ: Trong trường hợp bên bán không thể bàn giao căn hộ vào ngày bàn giao do lỗi của bên bán, bên bán có trách nhiệm thông báo cho bên mua và bên bán sẽ phải thanh toán cho bên mua tiền lãi theo mức lãi suất áp dụng trên số tiền bên mua đã thanh toán… (Điều 10.2.4)
Có thể hiểu là: Bàn giao nhà chậm, chủ đầu tư phải tính lãi suất số tiền mà khách đã giao bằng với lãi suất của ngân hàng. Trước khi nhận bàn giao nhà, gia đình anh đã giao nộp cho chủ đầu tư số tiền 2.553.600.000 đồng, với thời gian chậm giao nhà là 5,5 tháng.
Theo điều 10.2.4 của hợp đồng mua bán nhà thì chủ đầu tư phải chi trả lãi suất do bàn giao căn hộ chậm. Số tiền lãi do chậm bàn giao mà Vinaconex phải thanh toán cho bên nhận chuyển nhượng tính từ ngày bàn giao nhà là 30/6/2011 đến hết tháng 12/2011. Chỉ cần một phép tính đơn giản theo lãi suất của ngân hàng là 1,125% thì chủ đầu tư phải hoàn trả cho gia đình anh Hiếu số tiền hơn 157 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo một số khách hàng phản ánh thì tại cụm chung cư này tất cả các khách hàng đều bị bàn giao chậm. Nếu chỉ cần phép tính cộng từ gia đình anh hiếu với gần 800 căn hộ ở đâu thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại cho khách hàng có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Không phải đến bây giờ, người dân sống tại các tòa nhà chung cư mới kêu khổ – nỗi khổ ở những căn hộ cao cấp là chuyện muôn thuở. Bởi lẽ, rất nhiều sự cố đã xảy ra tại những căn hộ được gắn mác cao cấp này mà chủ đầu tư ngó lơ, mặc cho khách hàng tự giải quyết. Người dân đang phải bỏ hàng tỉ đồng để một “căn hộ cao tầng” thay vì “căn hộ cao cấp”.
Mặc dù chưa bàn giao hết số căn hộ, nhưng chủ đầu tư xây dựng cụm chung cư cao cấp N05- Vinaconex thuộc dự án Khu đô thị Đông Nam liên tục bị khách hàng “tố” vì đã vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ. Bên cạnh đó, theo rất nhiều khách hành mua căn hộ tại cụm chung cư cao cấp này cũng phản ánh việc chủ đầu tư phớt lờ quyền lợi của người dân.
Theo đó, trong hợp đồng mua bán căn hộ có quy định rõ ràng trong việc nộp tiền nhà theo tiến độ công trình. Và khi khách hàng nộp tiền chậm hơn so với quy định của hợp đồng thì bị chủ đầu tư tính lãi suất theo quy định của ngân hàng.
Việc tính lãi suất số tiền nộp chậm theo hợp đồng đều được khách hàng chấp nhận nhưng điều khiến khách hàng phản ứng đó là việc khi người dân vi phạm bị tính lãi còn khi chủ đâu tư vi phạm thì lại phớt lờ đi và viện lí do này, lí do kia.
Chủ đầu tư (trong trường hợp này là Vinaconex) có vẻ như vẫn đòi “nắm đằng chuôi” cho dù hợp đồng đã ghi những điều khoản không thể chối cãi.
Theo T.Minh – H.Thắng
Petrotimes

Long đong những dự án ngoại

Hàng loạt dự án bất động sản trăm triệu USD vẫn nằm đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép. Lý do thiếu vốn được nhiều chủ đầu tư vin vào.
 
Khu Đô thị Đa Phước (Đà Nẵng) vẫn chỉ hoành tráng trên... bản vẽ. 
Tuy nhiên, thậm chí nếu có vốn một số chủ đầu tư cũng không dám rót tiền triển khai một khi họ nhận ra mình đã đánh giá sai thị trường.

Ở cùng một địa điểm là Khu Đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội) nhưng 2 dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài là Mulberry Lane và Booyoung lại có 2 số phận hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong khi Khu Căn hộ Mulberry Lane do công ty liên doanh CapitaLand - Hoàng Thành làm chủ đầu tư đang bước vào giai đoạn hoàn thiện thì tiến độ xây dựng Khu Chung cư Quốc tế Booyoung vẫn chậm như rùa, chưa biết đến khi nào mới xong. Dự án Booyoung được khởi công từ năm 2007, tức sớm hơn Mulberry Lane 2 năm. Với tốc độ hiện nay, Booyoung chắc chắn sẽ “đi trước” nhưng “về sau” rất xa.

Điều đáng nói là Booyoung chỉ là một trong số hàng chục dự án ngoại đang có số phận rất long đong.

Đâu đâu cũng chậm

Tình trạng bất động của những dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng rất phổ biến ở các thị trường nhỏ hơn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điển hình tại Hải Phòng là 2 dự án một thời nổi đình nổi đám: Khu Đô thị Our City và Khu Thương mại Quốc tế Đông Thăng. Our City được cấp phép cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hiệp Phong Việt Nam (Hồng Kông) từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2008 mới được khởi công. Khởi công xong, Dự án lại nằm đắp chiếu và cho đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. Khu Thương mại Đông Thăng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi được khởi công vào năm 2008 với vốn đầu tư 26 triệu USD, khu đất xây dựng dự án này vẫn để cỏ mọc um tùm, buộc chính quyền Thành phố Hải Phòng mới đây phải quyết định rút giấy phép đầu tư.

Số phận của những dự án ngoại tại Đà Nẵng cũng hẩm hiu không kém. Công ty Daewon (Hàn Quốc) có 2 dự án lớn tại đây là Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước và Khu Chung cư Cantavil với vốn đầu tư lần lượt 250 triệu USD và 80 triệu USD. Sau lễ khởi công vào năm 2008, Công ty đã tiến hành san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng. Nhưng gần đây, cả 2 dự án hầu như án binh bất động. Một dự án khác là Jade Center (do một công ty Hàn Quốc làm chủ đầu tư) cũng chưa được triển khai dù đã được cấp phép cách đây vài năm.

Thậm chí, ở 2 thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM cũng không hiếm những dự án được khởi công hoành tráng cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn im lìm như Khu Phức hợp Times Square ở Hà Nội (vốn đầu tư 50 triệu USD) hay Trung tâm tài chính Việt Nam ở TP.HCM (930 triệu USD).

Có phải chỉ do đói vốn?

Các chủ đầu tư đã đưa ra không ít lý do để giải thích cho sự chậm trễ của những dự án ngoại. Chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Halong Star tại Quảng Ninh, chẳng hạn, đã viện dẫn khó khăn của đối tác nước ngoài là Limitless World, khiến cho Dự án bị ngưng trệ mấy năm liền. Halong Star là khu đô thị 125 ha với 3 khách sạn hạng sang, khu biệt thự, nhà vườn, nhà phố và căn hộ. Dự án này được cấp phép cho liên doanh giữa Công ty Cổ phần Việt Mỹ Hạ Long và Limitless World, thuộc Tập đoàn Dubai World (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Vốn đầu tư đăng ký ban đầu chỉ có 220 triệu USD (khi Dự án được cấp phép năm 2007) và sau đó điều chỉnh lên 550 triệu USD. Nhưng sau lễ khởi công năm 2008, Limitless World không có vốn để rót tiếp do Dubai World phải cơ cấu lại các khoản nợ lên đến hàng chục tỉ USD. Mới đây, Dự án đã được tỉnh Quảng Ninh cho phép lùi thời hạn hoàn thành đến năm 2015, tức muộn hơn 2 năm so với dự kiến ban đầu.

Đói vốn là nguyên nhân phổ biến cho tình trạng bất động của các dự án có vốn đầu tư đăng ký rất lớn nhưng không triển khai được, buộc chính quyền địa phương phải rút giấy phép đầu tư. Trong đó có thể kể đến dự án Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (vốn đầu tư 1,68 tỉ USD), Bãi Biển Rồng tại Quảng Nam (4 tỉ USD), Khu Công viên phần mềm Thủ Thiêm (1,2 tỉ USD) tại TP.HCM, Khu Du lịch Wonder Park (1,3 tỉ USD) và Khu Đô thị AJ Vietstar (200 triệu USD) tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài lý do thiếu vốn, cũng không loại trừ khả năng chủ đầu tư chi tiền để kiếm được dự án, sau đó tìm cách bán lại. Và khi không tìm được đối tác mua lại, dự án tất nhiên sẽ chết yểu.

Giải thích về những dự án bị chậm tiến độ, một lý do thường được chủ đầu tư đưa ra là phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thị trường hoặc gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như dự án Times Square (đường Phạm Hùng, Hà Nội) của VinaCapital. Theo báo cáo cuối năm 2011 của Vinaland, thuộc VinaCapital, Dự án được triển khai chậm (nhận giấy phép vào tháng 5.2008) là do khó khăn trong việc xin các loại giấy phép cũng như thay đổi thiết kế tổng thể. Chủ đầu tư Booyoung cũng nói rằng, nguyên nhân chậm tiến độ là do điều chỉnh thiết kế Dự án từ 5,3 ha ban đầu xuống còn 4,3 ha vì phải dành một phần đất để xây dựng trường học.

Tuy nhiên, thậm chí nếu có vốn, một số chủ đầu tư cũng không dám rót tiền triển khai một khi họ nhận ra mình đã đánh giá sai thị trường. Có một thời, các nhà đầu tư nước ngoài rất háo hức với Đà Nẵng, coi đây là thị trường tiềm năng. Nhưng thực tế chứng minh rằng họ đã lạc quan quá mức khi nhiều dự án tại đây có tốc độ bán hàng rất chậm. Dự án căn hộ Azura, chẳng hạn, có vị trí rất đẹp bên sông Hàn, nhưng đến cuối năm ngoái mới bán được 30% trong tổng số 225 căn hộ (dự kiến giao nhà trong quý này)

Theo Ngọc Sơn
NCĐT

Rao bán biệt thự kiểu “vịt trời” dự án Tây Nam Linh Đàm

Dự án KĐT mới Tây Nam, Linh Đàm vừa hoàn thành hạ tầng, chủ đầu tư chưa quyết định giá, chưa giao dịch với ai nhưng suất mua biệt thự được rao bán tràn lan trên mạng.
 

Dự án Tây Nam Linh Đàm mới hoàn tất thi công hạ tầng (ảnh chụp chiều 18-3)
Một số đối tượng môi giới còn in tờ rơi, rao bán biệt thự ảo tới tận nhà dân.

Chênh lệch 3,7 tỷ đồng/biệt thự

Thời gian gần đây, một số hộ dân khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) liên tục nhận được tờ rơi rao bán biệt thự tại dự án Khu đô thị mới Tây Nam - Linh Đàm. Ngoài những lời “có cánh” tả về dự án, tờ rơi nói rõ chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD) “đang tiến hành xây thô và mở bán đợt đầu các lô biệt thự, diện tích từ 220 - 320m2, tại khu TT3”. Tương tự, trên mạng Internet, nhiều đối tượng cũng đang rao bán biệt thự tại dự án trên với bảng giá rất cụ thể tới từng lô, thửa, từ 41-48,5 triệu đồng/m2 (giá gốc) và tiền chênh hàng chục triệu đồng/mét vuông.

Lần theo đầu mối trên tờ rơi và những lời quảng cáo trên mạng Internet, trong vai khách hàng có nhu cầu, nhóm phóng viên Báo ANTĐ được người môi giới hướng dẫn tới Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Ngân Land, địa chỉ 218 Hoàng Ngân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để được tư vấn chi tiết hơn về việc mua bán đất biệt thự tại dự án Tây Nam - Linh Đàm.

Tiếp khách hàng tại địa chỉ trên, nhân viên sàn giao dịch phát cho chúng tôi bản đồ quy hoạch chia lô (khu TT3) và bắt đầu thao thao bất tuyệt về dự án. Người này nêu rõ, “giá gốc của chủ đầu tư quy định là 38,5 triệu đồng/m2 và giá bán tới khách hàng là 50 triệu đồng/m2 (sàn “ăn” chênh lệch tới 11,5 triệu đồng/m2). Như vậy, nếu chấp nhận mua, khách hàng sẽ phải gánh số tiền chênh lệch cực lớn, từ 2,5 - 3,7 tỷ đồng/biệt thự. “Anh chị nên quyết định sớm kẻo hết. Lô TT3 chỉ có 48 căn, bọn em đã bán được rất nhiều, chỉ còn lại một vài ô thôi” - nhân viên sàn “dọa” chúng tôi. Khi thấy chúng tôi còn băn khoăn, người này bồi tiếp: “Các dãy A, B ký hợp đồng hết rồi vì đây là suất ngoại giao mà...”.

Khi được hỏi về thủ tục mua bán, nhân viên sàn khẳng định như đinh đóng cột: “Người mua sẽ ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD). Anh chị nộp ngay 2 tỷ đồng khi ký hợp đồng. Tiền chênh lệch bọn em sẽ thu sau khi hợp đồng được ký kết. Anh chị có thể ký hợp đồng bất cứ lúc nào có nhu cầu”. Tuy vậy, khi chúng tôi muốn xem hợp đồng mẫu, nhân viên sàn nhất định không cho xem.

Tỏ ra chưa mấy tin tưởng, khi chúng tôi nhiều lần đề nghị được xem các văn bản pháp lý khẳng định việc HUD ủy quyền cho sàn giao dịch Hoàng Ngân Land được bán các căn biệt thự tại dự án Tây Nam - Linh Đàm, nhân viên này đều đánh trống lảng hoặc từ chối không cho xem. “Tới giai đoạn nào, bọn em sẽ cho anh chị xem giấy tờ tới đó. Ở thời điểm này, chỉ có bản đồ quy hoạch ô thửa thôi...” - nhân viên này lấp lửng. Sau nhiều phút thuyết phục, nhân viên sàn vẫn trả lời mơ hồ: “Nếu anh chị muốn rõ ràng hơn về mặt pháp lý thì phải chờ dự án khởi công chứ ngay bây giờ thì không được...”, sau đó dụ dỗ: “Nếu anh chị e ngại sau này chúng em không có hàng để giao, có thể đặt cọc trước cho bên em 1 tỷ đồng, có thưởng phạt đàng hoàng...”.

Người dân cần cảnh giác

Khách hàng cần thận trọng khi đọc những tờ rơi quảng cáo về dự án này

Trao đổi với chúng tôi về các đối tượng rao bán biệt thự tại dự án Tây Nam - Linh Đàm, chiều 18-3, ông Nguyễn Thắng, Chánh Văn phòng Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), chủ đầu tư dự án khẳng định, tới thời điểm này, HUD và các công ty con chưa có bất cứ giao dịch với tổ chức, cá nhân nào tại lô TT3. Dự án hiện đang trong quá trình thi công hạ tầng. Tới nay, HUD chưa chia lô, chia thửa gì. HUD có chủ trương chuyển một phần dự án cho các đơn vị thành viên nhưng chưa thông qua giá bán sản phẩm ra ngoài. Ông Nguyễn Thắng nói: “Tới thời điểm được phép bán theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ bán sản phẩm qua các sàn giao dịch. Việc có công ty bên ngoài nào tự nhận có biệt thự ở dự án này để bán ở thời điểm này là điều không thể. Cụ thể, chúng tôi không có bất cứ giao dịch nào với Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hoàng Ngân. Sự thực là chúng tôi chưa nghe tới lần nào. Việc họ có được bản vẽ của dự án có thể từ những nguồn khác. Điều đó không có nghĩa họ có được cam kết nào đó với HUD”. Chánh Văn phòng HUD cũng cho biết, vì HUD chưa có chủ trương bán ra ngoài, giá bán chưa phê duyệt nên không thể có giá gốc 38,5 triệu đồng/m2 như ai đó rêu rao.

Ông Nguyễn Thắng khuyến cáo: “Người dân có nhu cầu chỉ nên giao dịch tại các sàn giao dịch bất động sản có đủ tư cách pháp nhân, được chủ đầu tư ủy quyền giao dịch. Quy trình bán phải đúng quy định pháp luật và hoàn toàn công khai. Người dân cần hết sức cảnh giác, nếu có nhu cầu, có thể hỏi trực tiếp thông tin từ HUD hay các đơn vị thành viên liên quan...”.

Để không bị “tiền mất, tật mang” khi đi tìm hiểu, giao dịch mua bất động sản, người dân cần thận trọng, không nên tin vào nội dung quảng cáo tờ rơi của không ít tổ chức, cá nhân thuê người “vứt” vào từng ngõ ngách và nhà dân, mà nên đến những địa chỉ có uy tín để tìm hiểu, giao dịch và điều quan trọng là người mua phải tận mắt thấy các văn bản, giấy tờ có căn cứ pháp lý liên quan đến dự án…

Theo Lê Trang - Ngọc Khánh 
CAND

Chờ đến bao giờ ?

Đó là câu hỏi mà hàng ngàn người dân có đất ở vượt hạn mức tại TP.HCM đặt ra cho các cơ quan chức năng.
Bởi, tình trạng ách tắc trong việc thu tiền sử dụng đất (SDĐ) tính đến thời điểm này đã kéo dài gần 3 năm, khiến hàng ngàn hồ sơ bị dồn ứ, còn giao dịch đất nền, nhà phố hầu như tê liệt.
Hàng loạt người dân có nhu cầu đóng thuế đất để giao dịch hay nhiều bậc cha mẹ muốn hợp thức hóa nhà để bán lấy tiền cho con đi học đều bất thành. Nhiều hợp đồng giao dịch đổ bể, người trong cuộc phải bồi thường hàng trăm triệu đồng mà cũng “chẳng biết kêu ai”. Thậm chí, Chi cục Thuế Q.Thủ Đức còn chứng kiến trường hợp đau lòng khi một ông cụ ngày nào cũng đến chờ đóng thuế, vì “chẳng may mất đi vì tuổi già sức yếu mà chưa kịp hợp thức hóa nhà đất để chia tài sản cho con, lỡ sau này con cái xảy ra tranh chấp thì đau lòng lắm”…
Trong khi người dân như “ngồi trên đống lửa”, thì UBND TP.HCM lại vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về những vướng mắc xung quanh việc thu tiền SDĐ trong khi TP hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tự giải quyết. Bởi, Thông tư 93 của Bộ Tài chính (về hướng dẫn thu tiền SDĐ sát giá thị trường) đã giao từng tỉnh thành căn cứ vào tình hình cụ thể để quy định hệ số điều chỉnh so với bảng giá đất để áp dụng đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình. Do đó, TP không cần thiết phải có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hệ số K bằng 2 lần bảng giá đất đối với đất ở của dân nữa, vì như vậy sẽ làm kéo dài thời gian chờ đợi của người dân một cách không cần thiết.
Chưa kể, việc TP.HCM tự ý bóc tách trường hợp cấp giấy chủ quyền được áp dụng hệ số K và trường hợp chuyển mục đích SDĐ phải thẩm định sát giá thị trường là không tuân thủ nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thông tư của Bộ Tài chính yêu cầu áp dụng hệ số K cho cả 2 trường hợp này. Khi tự bóc tách như vậy, TP đã vô tình thu hẹp các đối tượng được áp dụng hệ số K theo quy định của Bộ Tài chính, gây ảnh hưởng quyền lợi người dân. Quan trọng nhất, chính việc tách ra nhiều trường hợp và chăm chăm đòi thẩm định sát giá thị trường đang là nguyên nhân trực tiếp gây ách tắc hoạt động hợp thức hóa nhà đất của dân. TP lấy lý do lo ngại đầu cơ đất để yêu cầu mọi trường hợp chuyển mục đích SDĐ phải đóng tiền sát giá thị trường là không hợp lý. Bởi TP vẫn chưa làm rõ thế nào là đầu cơ đất nông nghiệp, nên nếu quy định chung chung sẽ đánh đồng người dân có nhu cầu chính đáng với “đầu nậu” đất đai, gây thiệt hại quyền lợi người dân.
Có thể thấy, để xảy ra tình trạng ách tắc như trên, trách nhiệm của các cơ quan chức năng TP.HCM là rất lớn. Thứ nhất, việc ban hành Quyết định (QĐ) 64 về hướng dẫn thu tiền SDĐ của TP đã chậm trễ đến 4 tháng so với thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thứ hai, QĐ 64 vừa ban hành đã bộc lộ hàng loạt bất cập, khiến hoạt động hợp thức hóa nhà đất của người dân tiếp tục bị đình trệ đến tận thời điểm này. Thứ ba, dù từ tháng 11.2011, các quận huyện đã kiến nghị sửa đổi QĐ 64 song đến nay chưa thấy UBND TP ban hành QĐ gỡ rối. Như vậy, việc TP cần làm ngay là tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy định hệ số K áp dụng cả với trường hợp hợp thức hóa nhà đất lẫn chuyển mục đích SDĐ, thay vì kéo dài sự chờ đợi của người dân một cách không cần thiết khi đẩy trách nhiệm lên Chính phủ.
Theo Phương Thanh
Thanh niên

Căn hộ nhỏ, giá rẻ được lòng khách

Với diện tích dưới 50 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, những dự án căn hộ nhắm đến đối tượng khách hàng có ngân sách eo hẹp vẫn có đất diễn.
Đặt chân vào lĩnh vực bất động sản Thủ đô khá muộn, khi các “đại gia” trong làng địa ốc Hà Nội đã kịp “quy hoạch” cho mình những dự án hoành tráng, ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu phải chọn cho mình hướng đi khác. Đó là nhắm đến phân khúc nhà chung cư bình dân, với diện tích nhỏ, giá rẻ, tổng giá trị căn hộ dưới 1 tỷ đồng.





Căn hộ các toà nhà CT4 tại Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) dự kiến sẽ bàn giao dịp 30/4 tới. Ảnh: Đức Thanh 
Đến thời điểm này, theo ông Thản, hướng đã chọn của ông hoàn toàn đúng đắn, bởi hầu hết dự án đều đắt khách. Các toà nhà CT4, CT5, CT6 tại Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu đầu tư dự kiến sẽ khánh thành và bàn giao cho khách hàng vào ngày 30/4 tới là minh chứng cho thành công đó.
Theo ông Thản, Công ty ít bị tác động bởi khó khăn hiện tại của thị trường, vì ông nhắm vào phân khúc thị trường mà các đối thủ hầu như không quan tâm. Khi các công ty kinh doanh địa ốc say sưa với các dự án căn hộ cao cấp, thì ông Thản lại chủ trương xây dựng các căn hộ nhỏ, chỉ có diện tích từ 31 đến 45 m2. Mức giá bán theo hợp đồng cho khách hàng vào thời điểm năm 2010 chỉ là 13 triệu đồng/m2, nên đã đánh trúng nhu cầu của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và có nhu cầu ở thực. Nhờ vậy, toàn bộ các căn hộ đã được Công ty bán hết khi dự án hoàn thành phần móng, tạo điều kiện để Công ty tập trung toàn lực thi công và hoàn thiện căn hộ.
Một dự án đầu tư chung cư khác cũng khá thành công theo mô hình này được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là Dự án Tân Việt Tower (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Với diện tích 70 – 90 m2, giá căn hộ ở mức 14 triệu đồng/m2, tiến độ thanh toán theo 9 đợt trong vòng 2 năm, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều gia đình trẻ sinh sống tại Hà Nội, nên chỉ trong một thời gian ngắn, chủ đầu tư đã bán được hơn 80% số căn hộ.
Theo ông Nguyễn Hữu Luyện, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Việt – chủ đầu tư dự án, giữa bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thành công trong đợt bán hàng vừa qua của Tân Việt thực sự cho thấy, điểm mấu chốt là phải biết lắng nghe ý kiến khách hàng và đáp ứng nhu cầu nhà ở thực sự của họ.
Chung cư diện tích nhỏ, giá rẻ đang là hướng vượt khó của nhiều công ty kinh doanh bất động sản vào thời điểm này. Tiếc rằng, những dự án dạng này tại Hà Nội hiện không nhiều.
Tại khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…, trào lưu xây dựng chung cư bình dân phát triển mạnh hơn. Trong quý II/2012, hàng loạt dự án dạng này, như Khu căn hộ Quang Thái (Tân Phú, TP.HCM, diện tích 63 - 85 m2, giá bán 13,3 triệu đồng/m2); Dự án Long Phụng (Bình Tân, TP.HCM, giá 11,5 triệu đồng/m2) sẽ lần lượt được mở bán.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, thanh khoản của phân khúc căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ đang dần được cải thiện. Nhu cầu nhà ở giá rẻ tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn luôn ở mức cao và các chủ đầu tư cũng đã bắt đầu chú trọng phân khúc này bằng việc tăng cường các chương trình khuyến mãi và ưu đãi giảm giá.
Theo ông Marc, khi người dân cảm thấy được tác động từ những thay đổi tích cực về chính sách và lãi suất giảm, cung - cầu gặp nhau, thì “chúng ta có thể mong đợi một sự sôi động hơn ở phân khúc này trong năm nay”!
Theo Hà Quang
Đầu tư

BĐS thời hạ giá: Cơ hội rất tốt cho người mua

Thời bất động sản hạ giá, nguồn cung (từ những người cần bán) nhiều hơn lực cầu (từ phía người có khả năng mua), người bán than thở nhưng người mua lại đang đứng trước cơ hội mua được sản phẩm ưng ý với giá tốt.
Khi nào cũng vậy, thị trường nào cũng vậy, nguy cơ luôn đi kèm với cơ hội, nguy cơ đối với người này có thể là cơ hội đối với người khác. Thời bất động sản hạ giá, nguồn cung (từ những người cần bán) nhiều hơn lực cầu (từ phía người có khả năng mua), người bán than thở nhưng người mua lại đang đứng trước cơ hội mua được sản phẩm ưng ý với giá tốt.

Phía cung: chưa hết loay hoay

BĐS thời hạ giá: Cơ hội rất tốt cho người mua | ảnh 1
Nguồn cung trên thị trường vẫn được bổ sung từ những khu căn hộ đang xây dựng - Ảnh: T.Tùng

Chuyện “loay hoay” bên phía cung các sản phẩm bất động sản và các ngành muốn cho thị trường khởi sắc chắc còn kéo dài, ít ra cũng hết năm nay. Khi chuyện “vốn đâu” vẫn đang ám ảnh hầu hết các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thì những cách gỡ rối liên quan đến nguồn vốn luôn được quan tâm.

Tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói “không đồng ý” với đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam vì cho rằng thêm một ngân hàng chuyên cho vay để mua nhà ở là không cần thiết, nước ta hiện có tới 37 ngân hàng thương mại và ngân hàng nào cũng hoạt động trong lĩnh vực này.

Đó là chưa kể trong đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng của Bộ Xây dựng cũng chưa có luận cứ nào cho thấy ngân hàng này có khả năng đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cần thiết để có thể hoạt động lành mạnh lâu dài.

Thống đốc cũng cho biết, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua nhà để ở, tức phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực của người dân, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á để xây dựng mô hình tổ chức tín dụng có những sản phẩm cho vay mua nhà.

Sản phẩm này sẽ có nét tương đồng với cách thức mà các nước phát triển đã thực hiện nhưng sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hơn.

Về phía doanh nghiệp, trong sự vận động để tồn tại, mong muốn được chuyển đổi công năng dự án với dự tính sản phẩm mới phù hợp hơn với thị trường, nhanh chóng bán được và quay nhanh vòng vốn, cũng có thể gặp nhiều rắc rối.

Nó có thể vấp phải sự phản đối từ bên trong - của cổ đông, khách hàng (nếu đang từ dự án căn hộ và đã bán được một phần cho người mua chuyển thành dự án khác, như thành bệnh viện chẳng hạn).

Cũng có thể sự phản đối đến từ bên ngoài, nếu đó là sự chuyển đổi từ một dự án khác thành dự án chung cư, vì sẽ phá vỡ quy hoạch, làm cho dân số tăng lên, trong khi cơ sở hạ tầng xã hội chưa đáp ứng kịp, ngược với chủ trương của thành phố là giãn dân ra khu vực vùng ven để giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng ở khu trung tâm.

Có ý kiến còn gay gắt hơn, cho rằng việc cho phép chuyển những dự án từ văn phòng, khách sạn thành những căn hộ cao giá - vốn đang dư thừa, bán không ai mua, chưa biết khi chuyển đổi xong có bán được không – là một hành động gây hại cho doanh nghiệp nhỏ. Vì khi dòng vốn đổ vào các doanh nghiệp có dự án lớn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhỏ hơn càng gặp khó khăn khi huy động vốn.

Phía cầu: nhiều lựa chọn

Khỏi phải nói đến sự “lên giá” của người mua nhà trong thời gian gần đây, khi được đối xử như những thượng đế thực sự, vì “quyền lực” đang ở tay họ. Bên cạnh việc mua những căn hộ đang được các chủ đầu tư rao giá hấp dẫn kèm khuyến mãi tặng tiền, vàng, lãi suất ngân hàng, thì gần đây phía người mua có thêm một xu thế mới.
Cụ thể, những người làm môi giới bất động sản đã và đang nhận được nhiều “đơn đặt hàng” từ những người cần mua những căn nhà thế chấp ngân hàng và chủ tài sản mất khả năng thanh toán nợ.

Nguồn cung các sản phẩm này trước nay cũng có nhưng không nhiều và không… rẻ như giai đoạn hiện tại – giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Có một thực tế trong cho vay thế chấp ở Việt Nam, đó là đại đa số tài sản thế chấp cho các khoản vay ở ngân hàng là bất động sản. Vậy nên khi các con nợ ngân hàng - chủ của những tài sản thế chấp - mất khả năng chi trả, ngân hàng cũng khó mà thu hồi nợ được, để phải kiện ra tòa và phát mãi tài sản thì thủ tục rất rắc rối, chờ đợi lâu.

Cái vòng luẩn quẩn, khi kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, chủ bất động sản phải quyết định bán tài sản thì cũng là lúc thị trường bất động sản lao dốc, người bán thì nhiều mà người mua thì ít, trong khi nợ ngân hàng đang “thúc” sau lưng.

Vậy là cả ba phía, người bán, người mua và ngân hàng đều có nhu cầu giao dịch. Người bán thực sự muốn bán tài sản của mình để xử lý khoản nợ. Ngân hàng muốn giao dịch mua bán được tiến hành để nhanh chóng biến “cục nợ” thành tiền mặt, chứ chẳng muốn ôm một khối tài sản trong tình hình thanh khoản khó khăn như thế này.

Khi thị trường bất động sản xuống giá, riêng việc định giá lại các khoản nợ cũng làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên. Hiện nay, số nợ có thế chấp bằng bất động sản mà các ngân hàng không thể thu hồi vốn là không hề nhỏ.

Mọi thứ chỉ còn phụ thuộc vào người mua và nếu tài sản định giá ở mức hấp dẫn được người mua, giao dịch sẽ xảy ra. Vậy nên, thời gian qua, các nhà môi giới bất động sản nhanh nhạy đã lên danh sách cho khách hàng của mình những món hàng như vậy.

Khâu thủ tục để tiến hành mua bán những bất động sản loại này dĩ nhiên phải phức tạp hơn bình thường. Thường thì tất cả phải ký vào một thỏa thuận ba bên, người mua sẽ chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa của ngân hàng.

Sau đó, ngân hàng phát hành cho người mua một thư đảm bảo, tiếp đến là làm thủ tục công chứng sang tên, rồi tiền mới được chuyển từ tài khoản phong tỏa đến bộ phận giải quyết các khoản nợ ngân hàng...

Thủ tục tuy phức tạp hơn nhưng cái lợi cũng rõ ràng hơn, đó là có thể sở hữu được những căn nhà ưng ý với giá “rẻ bất ngờ”, nên khá nhiều người có nhu cầu thực lẫn người mua đầu tư hào hứng tìm hàng.

Nhà đang là tài sản thế chấp ở ngân hàng giúp thị trường có thêm nguồn cung hàng giá rẻ và chính hoạt động săn lùng loại hàng này từ phía người mua đang tạo chút sôi động và tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản đang èo uột.

Khi giá bất động sản ngày càng hạ xuống một ngưỡng nhất định, sẽ có những người có ý định mua nhà cho rằng đã đến thời điểm để mua những tài sản giá rẻ, vị trí đẹp, hoặc mua và kiếm tiền nhờ vào chính tài sản ấy, như cho thuê để ở, kinh doanh...

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận xét, đây là thời điểm mà nhiều năm mới có một lần. Giá nhà càng thấp thì những người thực sự có nhu cầu nhà ở càng dễ tiếp cận bất động sản với giá trị thực để tìm được cho mình một sản phẩm ưng ý.
(Theo DNSG)