19 tháng 4, 2012

Nên mua hay thuê nhà ở?


Với những người lao động ở nước ta, chi phí thuê nhà có khi chiếm tới gần 20% thu nhập, việc trang trải cho cuộc sống đã rất chật vật nói chi đến chuyện tích cóp được tiền để mua nhà?
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản ngày 14/2/2012, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra thông điệp không khuyến khích sở hữu nhà cá nhân! “Các quốc gia có tỷ lệ nhà cho thuê tới 80 – 90%, nhà sở hữu cá nhân rất ít. Nước ta đất chật người đông, chúng ta không khuyến khích sở hữu cá nhân vì không đủ đất làm nhà ở cho dân”, phó Thủ tướng nói. Với giới kinh doanh, thông điệp đó có nghĩa là phát triển mạnh mẽ thị trường nhà cho thuê. Hẳn nhiên, trên thị trường, vẫn còn các cấp và các doanh nghiệp đang nỗ lực xây nhà cho người có thu nhập thấp; nhưng cũng có những doanh nghiệp, nhà đầu tư thực tế hơn, tham gia phát triển thị trường nhà cho thuê. KT&ĐS giới thiệu góc nhìn của KTS Nguyễn Thu Phong, phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Tp.HCM, tổng Giám đốc công ty Nhà Vui qua bài viết 2 kỳ về thị trường nhà cho thuê và cách thức tổ chức thị trường ấy.

Nên mua hay thuê nhà ở? | ảnh 1
Đã có lúc người ta hy vọng căn hộ mini sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho nhiều người có mức thu nhập không cao (ảnh minh hoạ). Ảnh: Thu Thuỷ

Là doanh nhân, tôi hiểu, số liệu thống kê phải lấy mẫu ở một mức độ nhất định mới có giá trị. Nhưng cũng vì là một doanh nhân, hàng ngày phải tiếp cận với các nhu cầu thường trực về chỗ ở của nhân viên trong công ty mình nên tôi muốn nêu thực tế từ công ty tôi như một ví dụ.

Ở công ty của tôi, một công ty thiết kế kiến trúc với đặc trưng là các lao động trí thức “cổ cồn trắng” đã hình thành một tỷ lệ khá ổn định nhiều năm nay trong cơ cấu lao động: Nhóm 1, chiếm 40 – 60% nhân viên, là người ngoại tỉnh, gia đình vẫn đang ở địa phương khác và họ về quê ăn tết đều đặn cùng gia đình. Nhóm 2, chiếm 15 – 30% là những người nhập cư mới, có thâm niên làm “cư dân Sài Gòn” dưới mười năm. Nhóm 3, chiếm tỷ lệ dưới 25%, là cư dân Sài Gòn trên 15 năm, tức là có quá trình ăn học phổ thông hoặc sinh trưởng tại đây. Còn lại là một tỷ lệ những xuất xứ đặc biệt khác.

Qua việc phân loại nhanh như trên, dễ dàng thấy các cấp bậc công việc, khả năng thu nhập và mô hình cư trú của họ khác nhau như thế nào. Nhóm 3 thường thành công hơn, có vị trí công việc từ trung bình trở lên, ít khi làm các công việc cấp thấp, và nếu họ tốt nghiệp đại học và có nghề thì họ sớm có vị trí lãnh đạo trong công ty. Lý giải điều này là họ có những thuận lợi nhất định về kinh tế vì gia đình đã ở lâu đời tại thành phố, quan hệ bạn bè công việc thuận tiện, cùng thành đạt, dễ kéo nhau cùng phát triển. Nhìn lại bạn bè dân thành phố quận số chính gốc các trường cấp 3 danh tiếng, tôi thấy hình như ai cũng yên ổn gia thất và nhà cửa tương đối nhờ công việc tốt hay gia đình đủ sức đầu tư từ cha mẹ.

Ngược lại, với nhóm 1 và 2 là cả quá trình “tranh đấu” tồn tại để nhập cư hoà nhập nơi thành phố lớn, kể cả một số bạn rất giỏi chuyên môn, nhưng sự hậu thuẫn gia đình hạn chế sẽ làm giảm sức cạnh tranh phấn đấu trong công việc và đường đời. Và dĩ nhiên các lao động nhập cư trình độ không cao sẽ phải đảm nhiệm các vị trí công việc thấp với thu nhập vừa đủ sống.

Hệ quả của việc phân nhóm này là một sự khác biệt rõ nét trong việc khả năng tiếp cận với khả năng sở hữu nhà ở, hay đơn giản là khả năng tiếp cận các không gian ở đạt tiêu chuẩn.

Cơ hội mua nhà ở không chia đều

Nên mua hay thuê nhà ở? | ảnh 2
Với đa số công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, việc tích cóp để có nhà riêng là việc không hề đơn giản nếu không muốn nói là cực kỳ khó. Ảnh: L.Q.Nhật

Nếu thừa nhận thực tế về sự phân nhóm hiển nhiên như trên, chúng ta cũng sẽ phải thừa nhận một thực tế là người thuộc nhóm 1 và nhóm 2 muốn sở hữu nhà ở, nếu lao động thông thường sẽ phải mất từ 15 – 30 năm, tức là 40 – 50 tuổi mới dám nghĩ đến mái nhà nhỏ xinh hoặc đôi khi cả đời người là không thể. Vì bản thân lao động của họ không thể có thu nhập đủ để mua nhà và sự hỗ trợ từ gia đình là không đáng kể. Còn ở nhóm 1, có điều kiện hơn nên sau 5 – 15 năm lao động, khi trưởng thành 30 – 40 tuổi là đủ để mua nhà ra riêng.

Nếu nhìn vào cơ cấu mua nhà lần đầu của các cặp vợ chồng trẻ, ta sẽ thấy từ mấy nguồn cơ bản: tiền để dành của hai vợ chồng (rất ít ỏi) – tiền cho của cha mẹ hai bên – tiền vay bạn bè, anh chị – tiền vay các tổ chức tín dụng (tiền này chỉ có thể vay khi có tiền đối ứng đủ 30% từ 3 nguồn trước).

Cơ cấu này rất khác biệt giữa nhóm 1, 2 và 3. Nhóm 3 dựa dẫm vào nguồn tiền quan trọng của gia đình cho của hồi môn để mua nhà, nhóm 1, 2 cha mẹ nghèo ở quê gần như không cho con được gì sau thời gian dài nuôi con ăn học là đã quá sức. Ví dụ cụ thể nhất là nhóm 3 dễ có được món tiền khởi sự đầu tiên là tiền mừng cưới của hai họ khá giả sau ngày thành hôn, họ có vốn, tích cóp và tiếp tục để dành cho căn nhà đầu tiên. Nhóm 1, 2 các nhân viên cấp thấp còn đang chật vật ở nhà thuê thì không dám cưới vợ, hoặc cưới bạn gái cùng cảnh ngộ, đòn bẩy tài chính từ gia đình cũng hạn chế vô cùng. Vì vậy sự cách biệt này tưởng chừng như không bù đắp nổi. Có một sự chuyển biến đầy khích lệ khi nhóm 2 hình thành từ những bạn trẻ tài năng lập nghiệp vươn lên trở thành cấp quản lý, khởi sự doanh nghiệp nhỏ, thu nhập tốt hơn, mạnh dạn đón cha mẹ ở quê vào hoặc cùng bạn đời ổn định cuộc sống tại thành phố lớn.

Vậy khi chúng ta nói về nhu cầu nhà ở của phân khúc tuổi 25 – 40 tuổi cho căn nhà đầu tiên với nhu cầu thị trường khoảng 10 – 15 triệu dân còn thiếu nhà ở tại các đô thị Việt Nam là chúng ta nói đến cả 3 nhóm đối tượng vừa phân tích trên. Và chúng ta thấy chỉ có 30% trong số họ có khả năng tiếp cận nhà ở bằng các nguồn vốn trên, 70% là không thể.

Sự chứng minh này cũng chỉ ra rằng phát biểu của phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc phát triển thị trường nhà ở cho thuê là định hướng đúng đắn cần nghiêm túc theo đuổi các biện pháp để khả thi hoá ước nguyện nhà ở cư trú của người dân.

Và thực tế cũng đang diễn ra một quy luật cung cầu nhà ở hết sức đúng theo điều tiết thị trường.

Phân tích đối tượng người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề đi làm từ độ tuổi 20 – 23 tuổi cho đến 10 – 15 năm sau đó, khi lập gia đình và có con, họ cư trú trong những dạng như thế nào?

Thống kê từ thấp đến cao:
Thuê phòng trọ ở chung bạn bè (rẻ nhất): 3 – 5 m2/người
Thuê phòng trọ ở riêng, hoặc ở chung anh em 2 – 3 người: 7 – 10 m2/người
Thuê phòng trọ độc lập, tiện nghi khép kín 12 – 20 m2/người
Thuê căn hộ nhỏ độc lập: 20 – 25 m2/người
Thuê căn hộ lớn: 30 – 35 m2/người
Sở hữu nhà ngoại thành: 35 – 40 m2/ người
Sở hữu nhà trong hẻm nhỏ: 20 – 25 m2/người
Sở hữu căn hộ trung cấp hay nhà phố hẻm khu vực trung tâm: 30 – 40 m2/người.

Để có một tổ ấm đầu tiên đúng nghĩa tiêu chuẩn cho vợ chồng và con nhỏ, có người đã phải kinh qua tất cả những mùi vị thuê nhà, ở nhờ bà con, mua tích cóp từng thể loại nhà trên. Việc có nhanh chóng đạt được hay không tuỳ thuộc mỗi người. Và sự tiện nghi sẽ quy ra giá thành ở.

Tôi lấy phiếu điều tra 30 nhân viên trong văn phòng mình, có chín người, đạt tỷ lệ 30% đang ở nhà thuê, họ đang cư trú trong cấp độ từ 1 – 3 trong thang bảng trên. Họ phải trả từ 1 – 4 triệu đồng/ cho chi phí thuê nhà hàng tháng từ nhân viên lương tháng năm triệu đến trưởng nhóm 12 triệu/tháng. Như vậy tính nhẩm tiết kiệm nhất, cho cả phương án trưởng nhóm có thu nhập cả hai vợ chồng, thì họ tiêu pha hết 18 – 20% quỹ lương cho việc thuê nhà ở. Tỷ lệ này phải nói là rất cao và chật vật. Số tiền còn lại chỉ đủ để chi phí ăn uống, trang phục, xăng xe và ít ỏi cho giải trí cá nhân, y tế, học tập. Sự để dành tiền cho nhóm 1, 2 ở đây sẽ cực kỳ khó, đừng nói đến chuyện sự tích cóp 1 triệu đồng một tháng nếu có, thì sau bao lâu để có được căn nhà ở xã hội giá trung bình tạm tính 500 triệu đồng.

Bài toán bi quan này cần có những công cụ chính sách, pháp lý và kinh tế kỹ thuật hết sức chi tiết và đồng bộ mới giải quyết được mục tiêu nhân văn cao cả của xã hội chúng ta là người lao động có nhà ở (có nhà ở cho thuê giá hợp lý).

Ở góc độ thị trường, thì giải thể loại cư trú nhà ở như trên hoàn toàn không có trong bài toán kinh doanh của các nhà đầu tư bất động sản hiện nay. Chúng ta toàn thấy thị trường chỉ có căn hộ cao cấp, trung cấp, đất nền phân lô 80 – 100m2. Gần đây có chương trình nhà ở xã hội, chính phủ đang phát triển mạnh, nhưng tất cả vẫn chưa tiệm cận và phù hợp các loại nhà ở đang phổ biến kia. Vậy ai cung cấp những mô hình ở này thời điểm hiện nay? Câu trả lời là: thị trường tự phát và manh mún, không đúng quy chuẩn xây dựng. Các chủ nhà tự động chia phòng cho thuê, chia tầng tạo căn hộ nhỏ; các chủ đất ngoại thành phân lô hộ lẻ một cách manh mún, 40 – 50m2 một lô đất. Tất cả đều thiếu hạ tầng, thiếu tiện ích công cộng, không đảm bảo an ninh an toàn môi trường ở và mọi giao dịch đều tự điều tiết giữa chủ nhà và người thuê. Sự giúp ích của các mô hình ở tiêu chuẩn cư trú thấp hoàn toàn vắng bóng vai trò dẫn dắt của nhà nước và doanh nghiệp. Đó chính là lỗi của chúng ta, những nhà chuyên môn, nhà quản lý và nhà phát triển bất động sản không tôn trọng và lắng nghe nhu cầu thật của thị trường.
Ths.KTS Nguyễn Thu Phong
(Theo SGTT)

Kinh doanh khách sạn đang lao đao


Khó khăn, nhu cầu du lịch giảm mạnh, các khách sạn lớn nhỏ đều lao đao. Thậm chí, có ông chủ phải rao bán cả khách sạn.
Điển hình là trường hợp Vinaconex ITC đang rao bán khách sạn Holiday View tại Cát Bà, Hải Phòng với mức giá khởi điểm 70 tỷ đồng. Đây là khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, được đánh giá là một trong những khách sạn quy mô nhất trên đảo Cát Bà cho tới thời điểm này. Khách sạn hoạt động từ năm 2004 và thời gian thuê đất còn lại 20 năm. Theo chủ đầu tư, doanh thu của khách sạn đạt 18 tỷ đồng năm 2010 và năm 2011 là 18,97 tỷ đồng. Trong thời điểm du lịch giảm sút, để thu hồi vốn không phải là dễ.

Mới đây, khách sạn Deawoo Hà Nội đã rơi vào tay Hanel. Số tiền giao dịch chưa được công bố chính thức, tuy nhiên, việc bán một khách sạn có vị trí đẹp và được coi là biểu tượng của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã đặt ra không ít câu hỏi. Có giả thiết cho rằng, kinh doanh khách sạn thời điểm này đã không còn là một miếng bánh ngon.

Một khách sạn 5 sao khác tại vị trí vàng của Thủ đô Hà Nội là Hilton Opera cũng đã được bán cho BRG. Vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Việt đã khiến cho không ít dư luận xôn xao. Đến thời điểm này, kết quả kinh doanh sau khi mua lại khách sạn của chủ đầu tư vẫn chưa được công bố.

Kinh doanh khách sạn đang lao đao | ảnh 1
Nhiều khách sạn đang than trời vì lượng khách sụt giảm (ảnh minh họa)

Thực tế, kinh doanh khách sạn tại Việt Nam đang trong thời kỳ xuống đốc. Nếu như trước đây, tỷ lệ phủ kín phòng của các khách sạn lớn thường từ 80-90% thì nay cao nhất chỉ khoảng 50%. Để một khách sạn cao cấp hoạt động ổn định, chi phí rất tốn kém.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 561.877 lượt, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 3 tháng năm 2012 ước đạt 1.873.726 lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Một nghiên cứu của Savills Việt Nam cũng chỉ ra rằng, mặc dù thị trường khách sạn Hà Nội vẫn đang trong mùa cao điểm, nhưng công suất và giá thuê trung bình toàn thị trường giảm. Công suất trung bình giảm 5% và giá thuê giảm 7% so với quý IV/2011. Trong đó, khách sạn 3 sao có công suất thuê tốt nhất. Trong bối cảnh đó, Hà Nội lại sắp đón thêm 42 dự án khách sạn tương lai, trong đó 23 dự án sẽ cung cấp cho thị trường hơn 6.600 phòng.

Một chuyên gia trong ngành khách sạn thừa nhận, nhiều khách sạn hiện nay đang làm ăn thua lỗ bởi giá cả leo thang, trong khi lượng khách đến Việt Nam lại giảm mạnh. Trong đó, đối tượng khách chính là các doanh nhân và chính khách đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có tên trong các sự kiện quốc tế ở Hà Nội, nhiều khách sạn lớn đã phải có cuộc cạnh tranh quyết liệt để có được nguồn thu này. Một nguồn thu khác của khách sạn là cho thuê phòng tổ chức sự kiện và mặt bằng bán lẻ ở tầng trệt.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, những khách sạn mới mở ở khu vực ngoài trung tâm, nếu không có một lượng khách truyền thống thì khó có thể thu hồi vốn được. Nhiều khách du lịch nước ngoài đang có xu hướng nghỉ ở khách sạn 3 sao và các khu lưu trú của người dân trong khu vực phố cổ. Đồng thời, số lượng căn hộ dịch vụ đang tăng cũng là đối thủ của ngành khách sạn.

Ông Vũ Minh Tiến, một chủ khách sạn tại Đà Nẵng cũng thừa nhận, kinh doanh khách sạn đang rất khó khăn trong thời điểm này. Bản thân khách sạn của ông công suất cho thuê đạt 100% chỉ có vài tháng cao điểm. Hiện, doanh nghiệp này cũng liên kết với các công ty lữ hành với giá ưu đãi để có thêm khách và liên tục quảng bá, marketing. Mặc dù vậy, doanh thu vẫn chưa bù đủ chi. Theo ông Tiến, nếu tiếp tục khách sạn đạt công suất thuê kém, ông có thể phải chuyển nhượng khách sạn.

Theo lý giải của ông Tiến, doanh thu của khách sạn giảm sút do hãng hàng không Jestar Pacific đã đóng đường bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng khiến khách vắng dần. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, chí phí sinh hoạt tăng cao nên người dân không còn nhiều điều kiện để đi du lịch. Ông Tiến kỳ vọng vào lễ hội pháo hoa và kỳ nghỉ lễ dài 30/4-1/5 sắp tới sẽ giúp khách sạn thu được một nguồn tiền lớn để bù đắp.

Trong thời điểm vắng khách, nhiều khách sạn cũng tính tới việc xây sửa và quy hoạch lại. Điển hình như Horison đang sửa lại phần sảnh của tòa nhà. Sofitel Plaza Hanoi cũng chuẩn bị ra mắt sau thời gian nâng cấp đổi mới tòa nhà 20 tầng. Toàn bộ hệ thống tòa nhà 317 phòng Sofitel Plaza Hanoi cũng được nâng cấp mở rộng, bao gồm việc tân trang phòng Plaza Ballroom, các phòng nghỉ, các trung tâm thương vụ, cũng như thay đổi hoàn toàn nội thất và diện mạo của nhà hàng Trung Hoa và quầy bar trên tầng thượng.

Một số khách sạn khách sạn đưa ra nhiều khuyến mại cho khách thuê phòng. Hiệp hội du lịch Tp.HCM và một số công ty du lịch sẽ triển khai chương trình du lịch trọn gói khuyến mãi lớn nhằm kích cầu du lịch trong nước, nhờ Vietnam Airlines và dịch vụ du lịch mặt đất ưu đãi giảm giá vé. Chương trình kích cầu này hy vọng sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, góp phần ổn định giá, thu hút khách nội địa.
(Theo VEF)

Kiếm lời nhờ nhà đất bán tháo


Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm mua đất bán tháo thời điểm trước giờ đã có lời. Mặc dù khoản lợi nhuận không nhiều nhưng theo tính toán nhiều người còn có lợi hơn gửi tiết kiệm.
Nhanh kiếm lời nhờ đất bán tháo | ảnh 1
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, có thể nói năm 2011 là năm tồi tệ nhất của thị trường bất động sản. Tình trạng thiếu vốn khiến doanh nghiệp lao đao, các nhà đầu tư lỗ nặng bởi giá đất giảm 30-40% chưa kể cộng với khoản lãi bị mất đi nếu gửi tiền tiết kiệm ngân hàng. Thị trường mất tính thanh khoản khiến nhiều người lâm vỡ nợ buộc phải bán tống bán tháo bất động sản để trả nợ.

Làn sóng bán tháo bất động sản xảy ra trên diện rộng, tại hầu khắp các khu đất dự án, các khu đô thị mới trung bình mỗi dự án có khoảng 10-20 căn được bán với mức giá thấp hơn giá thị trường thời điểm đó khoảng 5-6 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau khi ngân hàng nhà nước đưa ra hàng loạt quyết sách mới nhằm cởi trói cho thị trường, nhiều người có tiền tích lũy đang suy tính lựa chọn kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh tiền đồng mất giá, lãi suất tiền gửi đang ngày càng có xu hướng giảm dần.

Nhiều người dân có nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bất động sản đã ra quyết định đầu tư thời điểm này bởi họ cho rằng giữ tiền trong những loại hình bảo toàn giá trị, hứa hẹn nhiều khả năng sinh lời hơn.

Theo phán ảnh của một số văn phòng nhà đất quanh trục đường Lê Văn Lương, thời điểm thị trường giảm mạnh nhất đầu quý I, trong đó nhiều lô đất do chủ nhà chịu áp lực về tài chính vì vậy buộc phải bán tháo. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay những lô đất như vậy gần như không còn, giá chào bán tăng 2-3 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhiều người có ý định chào bán nhà trước đó giờ đổi ý không muốn bán nữa tiếp tục chờ đợi lúc thị trường tốt hơn.

Anh Nguyễn Đức Chính - Giám đốc công ty Đại An cho biết, những căn nhà khu đô thị Văn Phú thời điểm thị trường giảm mạnh giá bán khoảng 4 tỷ đồng/căn đường 11m, tuy nhiên hiện tại giá tăng lên 4,2 tỷ đồng/căn. Những lô đường to giá khoảng 4,5-4,8 tỷ đồng/m2. Như vậy, nếu mua được những lô bán tháo giờ người mua cũng đã có lợi vài trăm triệu đồng.

Chị Phương Hạnh  - người mua nhà cho biết, cuối năm 2011 chị mua được căn hộ chung cư khu đô thị Văn Khê với diện tích trên 100 m2 với giá 16 triệu đồng/m2 rẻ hơn thị trường 3 triệu đồng/m2. 'Chỉ trong vòng 3 tháng, căn hộ  tôi đã sinh lời 300 triệu đồng trong khi số tiền gần 2 tỷ đồng đem gửi ngân hàng tiền lãi chỉ được khoảng 22-25 triệu đồng/tháng" - chị Hạnh nói

Khảo sát tại một số khu vực quận Hà Đông, tại khu đô thị Mỗ Lao giá đất liền kề khoảng 70-80 triệu đồng/m2, khu đô thị Văn Quán giá nhà 100-110 triệu đồng/m2, khu Văn Khê giá 50-60 triệu đồng/m2…

Tại trục đường 32, giá liền kề Kim Chung - Di Trạch khoảng trên 30 triệu đồng/m2, khu đô thị Bắc 32 giá 40-45 triệu đồng/m2, khu Tân Tây Đô giá chào bán liền kề khoảng 35-40 triệu đồng/m2, khu đô thị Vân Canh giá liền kề trên 40 triệu đồng/m2, biệt thự 35-38 triệu đồng/m2, khu đô thị Xuân Phương giá bán 38-40 triệu đồng/m2.
(Theo VnMedia)