20 tháng 5, 2012

Đại gia bỏ tiền tỷ... lo hậu sự


Sống ở biệt thự, chết cũng muốn được yên nghỉ trong biệt thự hoặc đẳng cấp tương tự. Đó chính là lý do khiến nhiều đại gia đã không tiếc bỏ ra nhiều tỷ đồng để tìm cho được chỗ ưng ý nơi vĩnh hằng cho dòng họ và cả bản thân...
Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng hơn 50km về phía Tây, có vẻ như nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn – Hòa Bình) đã sở hữu một vị trí đắc địa dành cho người đã khuất khi tọa lạc trên 9 quả đồi và bao quanh bởi 9 con suối.
Bất cứ ai lần đầu tiên đặt chân đến đây đều có cảm giác khác hẳn với những nghĩa trang mà họ thường thấy ở Việt Nam bởi một không gian thoáng đãng, có hạ tầng đồng bộ như một khu đô thị, có đường trải nhựa, đèn cao áp…
 
Lạc Hồng Viên đang trở thành điểm đến của nhiều đại gia tính chuyện lo xa
Được khởi công xây dựng sớm nhất, đồi Kim của công viên nghĩa trang được phân lô theo dạng “biệt thự nhà vườn”, có xây tường bao. Từng ngôi mộ nằm trong khuôn viên có hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cổng ra vào, tường bao... như những biệt thự thu nhỏ.
Nằm giữa đồi Kim là phần mộ của một đại gia đồ cổ ở phố cổ Hà Nội. Khi yên nghỉ, ông được gia đình đưa lên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, phần mộ đặt giữa lô đất rộng 100 m2, bên cạnh là hàng cây cảnh, hoa thơm ngát. Khu mộ còn được xây dựng thêm chiếu nghỉ với đầy đủ bàn ghế. Các con ông còn đặt dịch vụ chăm sóc cây cảnh để có hoa tươi nở suốt bốn mùa.
 
Phần mộ của đại gia đồ cổ của Hà Nội cũng phải tốn thêm một khoản không nhỏ với dịch vụ chăm sóc hoa tươi nở suốt bốn mùa
Trong khi đó, một đại gia hiện đang là doanh nghiệp lớn cũng ở Hà Nội đã chi tới 5 tỷ đồng để mua lô đất 500 m2 dành cho cả dòng họ tại đây. Theo đó, chi phí xây dựng và chăm sóc trọn đời cho những phần mộ này lên đến hàng chục tỷ đồng.
Không chỉ kén chọn về đất, hướng, địa điểm, chủ đầu tư dự án này cho biết: Có một số đại gia sẵn sàng bỏ cả tỷ đồng để xây một phần mộ đơn cho người nhà họ ưng ý.
Tại đây, có phần mộ của một tổng giám đốc bị ung thư qua đời đã được đưa về nghĩa trang từ lâu nhưng chưa được xây dựng vì gia đình yêu cầu “quá cao”, hiện tại còn phải chờ nguyên liệu nhập khẩu về.
 
Chỉ riêng việc xây một mộ phần, có những đại gia chịu chi lên tới cả tỷ đồng
Ước tính, riêng chi phí cho việc xây mộ phần có diện tích khoảng 4m2 này có thể lên đến hàng tỷ đồng. Việc cầu kỳ chọn đá xây mộ của đại gia này được lý giải là muốn có một ngôi mộ đẹp và vĩnh cửu theo thời gian.
Thậm chí, theo bật mí của chủ đầu tư, họ đang xem xét việc sẽ thiết kế những “biệt thự” dành cho người đã khuất mà chỉ cần nhìn vào sẽ phần nào đoán được nghề nghiệp hoặc sở thích, tính cách của người đã khuất.
Chẳng hạn như: nếu đó từng là một nhạc sỹ thì khi bước vào khuôn viên của gia chủ này nhạc sẽ nổi lên hay ở đó sẽ được tạc một cây đàn; còn nếu là nhà văn thì bên mộ sẽ được tạc một quyển sách hay cây bút…; nếu là người mất trẻ thì cách thiết kế nơi yên nghỉ cũng khác người già…
Một cán bộ kinh doanh cho biết, mặc dù có rất nhiều loại diện tích từ vài m2 cho đến vài trăm m2, nhưngcó một thực tế là những lô đất rộng chừng 100 m2 trở lên có giá ít nhất 1 tỷ đồng thì đã được bán hết đầu tiên. Thậm chí, lượng khách hàng mua từ 300-500m2 có giá 3-5 tỷ đồng cũng không ít.
Họ không chỉ là những chủ doanh nghiệp giàu có, những lãnh đạo tập đoàn lớn mà còn có rất nhiều khách hàng là lãnh đạo các bộ, ngành, trung ương đã hoặc đang đương chức. Nghe nói, cứ đến cuối tuần, chủ đầu tư thường rất bận rộn để tiếp nhiều vị chức sắc này…
Không chỉ riêng Lạc Hồng Viên, tại công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) cũng xuất hiện nhiều khu mộ đại gia có giá hàng tỷ đồng tuy nhiên việc thiết kế do gia đình tự sáng tạo.
 
Lăng mộ có giá 10 tỷ đồng tại nghĩa trang Vĩnh Hằng
Chủ nhân của khu nghĩa trang này tiết lộ, có nhiều nhà giàu đã bỏ tiền vào đây để xây dựng những phần mộ cho người cõi âm không khác gì cho người sống. Họ quan niệm sống sao thác vậy. Có những khu mộ có đầy đủ vật dụng như một biệt thự dành cho người sống như cây cảnh, bể cá, bể bơi, sân, vườn, lối đi trải sỏi.
Trong công viên Vĩnh Hằng, ấn tượng nhất là ngôi mộ “Tiên cảnh ngàn du” với diện tích toàn khu mộ rộng 200m2. Đây được coi là ngôi mộ đắt nhất ở Công viên Vĩnh Hằng, giá 10 tỷ đồng, đã được gia tộc họ Đ ở Hà Nội đặt mua.
Theo Dân Trí

Khám phá căn hộ xa xỉ 3.100 tỷ đồng


Tòa tổ hợp chung cư Hyde Park ở London (Anh) - một trong những khu chung cư có giá đắt tiền nhất thế giới là nơi sống của những người nhiều tiền từ khắp thế giới. Cùng khám phá bên trong mỗi căn hộ được thiết kế, bài trí nội thất như thế nào.

Bất động sản xuống dốc, đại gia hết "chân dài" bủa vây

Khi thị trường bất động sản sôi động, để có được dự án, không ít công ty cử "chân dài" xinh đẹp sẵn sàng đeo bám các giám đốc, chủ doanh nghiệp.
Mất ăn, mất ngủ vì các “chân dài”
Ngồi trong quán cà phê trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), anh H., trưởng ban quản lý một dự án lớn ở Hà Nội kể lại “thời hoàng kim” của thị trường bất động sản.

Anh không kể về những đợt “nóng sốt” đẩy giá giá nhà đất cao ngất ngưởng, cũng không kể về những chiếc xế hộp xịn của các ông tổng giám đốc có công ty liên quan đến chữ “Land”, anh kể về những cô “chân dài”.

Trước kia, để có được dự án ngoài việc trả hoa hồng rồi chịu một số khoản “phí” khác cho chủ đầu tư, việc dùng những cô “chân dài” đeo bám các đại gia được cho là chiêu hiệu quả nhất.

Hiệu quả bởi lẽ các cô gái xinh thường dễ tiếp cận với các đại gia hơn và nếu ăn nói khéo léo một chút thì các đại gia cũng khó từ chối lời đề nghị về 1 số suất dự án cho người đẹp.

Anh H. kể, hồi năm 2009, khi dự án của anh đình đám trên báo chí không chỉ vì quy mô mà còn vì vị trí của nó khá thuận lợi, ngày nào anh cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ các người đẹp.

Còn khi thấy nghe phong thanh có thông tin anh sẽ đi khảo sát công trường thì ngay lập tức sẽ có vài chục “chân dài” lởn vởn, trực chờ để bủa vây.

“Có lần, xe vừa dừng, tôi mở cửa và gặp ngay 1 cô gái rất xinh đẹp, mặc váy ngắn, giới thiệu là đến từ một sàn giao dịch bất động sản, muốn được “xin” một vài dự án với giá gốc để bán. Rồi ngay lập tức, có vài ba cô nữa không biết từ đâu đến, vây quanh tôi giới thiệu từ công ty này, công ty nọ muốn đến để mua dự án”, anh H. nhớ lại.

Không chỉ tìm gặp ở công trường, nhiều cô còn sẵn sàng tìm hiểu địa chỉ nhà riêng để tìm gặp.

“Nhiều hôm tôi vừa về nhà, thấy ở đầu ngõ có mấy cô gái rất xinh đứng đợi. Cứ nghĩ các cô gái này là bạn của mấy cậu bé hàng xóm. Ai ngờ, vừa thấy xe tôi, các cô liền tiến lại gần xin nói chuyện. Tôi từ chối đủ kiểu, nào là việc này không nói chuyện ở nhà được, rồi tôi không phải là người quyết định việc này, nhưng các cô vẫn không buông tha”, anh H. vừa cười vừa nói.

“Chiêu” của các chân dài này cũng khá hiệu nghiệm. Có cô thì kêu than công ty gặp khó khăn vì không kiếm được dự án bán, sắp phải phá sản. Có cô thì năn nỉ “anh giúp em với, tháng này em mà không kiếm được dự án nào thì các sếp đuổi việc em mất”. Thậm chí, có cô còn đưa cả hoàn cảnh riêng của mình để thuyết phục như: bố mẹ ốm nặng, cần tiền để chữa bệnh,….

Nhưng có lẽ, “chiêu” khiến các đại gia hoảng nhất là đeo bám về tận nhà. Đó là vì, các cô ăn mặc hở hang, trong khi hàng xóm thấy ồn ào vây xung quanh, dễ nghĩ là có vấn đề mờ ám.

Rồi ở nhà, còn có vợ. “Lúc đầu, vợ tôi chưa hiểu, tưởng tôi làm gì đó rồi hứa cho mấy cô này dự án, nên tra hỏi “dữ” lắm. Thậm chí còn nghi ngờ “không có lửa làm sao có khói”. Rồi cho cả thám tử đi theo dõi”, anh H. chia sẻ.

Chính vì thế, nếu bị đeo đuổi về đến nhà thì còn cách là bỏ trốn hoặc nhanh chóng phóng xe vào nhà. Chứ dừng lại mà nói lời từ chối thì nhiều chuyện rắc rối lắm.

“Tôi sợ cả những cuộc gọi điện thoại lúc nửa đêm. Vì sợ ban ngày tôi bận, nên tối có nhiều thời gian để nói chuyện. Nếu không tắt điện thoại, thì hầu như đêm nào tôi cũng không được ngủ ngon”, anh H. cho biết.

“Chân dài” thành đại gia

Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Giờ đây khi thị trường bất động sản trầm lắng, không có khách mua, dường như các “chân dài” cũng chuyển nghề.

Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc trên đường Hoàng Cầu (Hà Nội) cho biết, từ hơn nửa năm nay, gần như điện thoại của anh có rất ít các số lạ gọi vào. Khi xuống dự án, ngoài công nhân và nhân viên của công ty, không còn thấy bóng dáng của “chân dài” nào nữa.

“Trước đây, việc kiếm được một dự án cũng đồng nghĩa với kiếm được hàng trăm triệu đồng tiền chênh. Vì vậy, nhiều cô “chân dài” sẵn sàng bỏ hàng tháng trời để săn được 1 suất giá gốc. Có những cô “săn” khéo, mỗi tháng kiếm được ba, bốn suất, thế là có cả tỷ đồng tiền lãi”, vị giám đốc này nói.

Những khoản tiền lãi khổng lồ đã biến những “chân dài” một thời thành đại gia. Theo lời giới thiệu của vị giám đốc doanh nghiệp địa ốc, chúng tôi tìm gặp lại một cô “chân dài” của thời những năm thị trường sốt nóng giai đoạn 2006 – 2007.

Tuy đã có gia đình và trở thành nữ giám đốc của một sàn giao dịch bất động sản trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), nhưng chị M. vẫn rất xinh đẹp.

Không ngại chia sẻ những câu chuyện về thời còn đi săn dự án, chị M. kể: “Hồi đấy tôi làm nhân viên cho một công ty bất động sản, lương được tính theo số lượng dự án kiếm được. Ở công ty, tôi lúc nào cũng là người kiếm được nhiều dự án nhất. Nhiều nam nhân viên thời đấy còn mơ ước thành các “chân dài”.

Theo chị M., ngoại hình có thể giúp cho công việc rất thuận lợi. Vì một cô gái xinh xắn, ăn nói khéo léo bao giờ cũng dễ “lọt tai” hơn. Thời kỳ đỉnh cao, có tháng chị M. kiếm được hàng chục dự án và chỉ tính riêng khoản tiền chênh chị kiếm được cũng đã lên tới vài tỷ đồng.

“Sau 2 năm thì tôi mở được 1 sàn bất động sản riêng. Giờ làm ăn khó khăn hơn trước rất nhiều. Vì dự án giờ thì nhiều, nhưng người mua thì ít. Mặc dù vậy, sàn giao dịch của tôi vẫn phải cố “cầm hơi” chờ thị trường tốt lên”, chị M. cho biết.
Theo Châu Anh
VTC
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

“Tôi quyết xây nhà”


Đất nước các ông còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, đáng lẽ mọi người ra sức làm việc để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm cho dân giầu nước mạnh lên, thế mà ngược lại, đi đâu cũng thấy nhiều người dân chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi".
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
Nghe bạn tôi bảo thế, tôi rất ngạc nhiên:
- Trời ơi, ông bà có nhà 3 tầng, hai cô con gái thì đã ra ở riêng, chỉ còn hai ông bà, cần quái gì phải xây thêm nhà nữa.
- Không phải xây nhà để ở, mà để làm việc.
- Điên! Trên dưới bẩy mươi tuổi rồi, sức yếu rồi, Nhà nước cho nghỉ hưu rồi mà còn định xây nhà để làm việc, không sợ miệng thế gian bảo là hâm hấp sao!?
- Tôi không làm việc mà là để cho những người khác làm việc. Vì một hôm trò chuyện với mấy tay khách du lịch nước ngoài, họ bảo: Đất nước các ông còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, đáng lẽ mọi người ra sức làm việc để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước làm cho dân giầu nước mạnh lên, thế mà ngược lại, đi đâu cũng thấy nhiều người dân chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi". Tôi bảo họ nói sai rồi.  Họ cãi: "Thì đấy, nói có sách mách có chứng, Từ điển tiếng Việt định nghĩa nghỉ là tạm ngừng công việc hoặc một hoạt động nào đó. Ví dụ: "Nghỉ cho đỡ mệt". Cũng có nghĩa là ngủ, ví dụ: "Khuya rồi mời cụ đi nghỉ". Chúng tôi thấy ở Hà Nội so với những năm trước tôi đến, số lượng nhà nghỉ vào thời điểm bây giờ tăng đột biến. Trước, chỉ thấy vài tuyến phố tập trung nhiều nhà nghỉ như phố Nguyễn Văn Cừ thuộc quận Long Biên; Hoàng Quốc Việt  ở quận Cầu Giấy; đường Láng Thượng ở quận Đống Đa; đường Giải Phóng ở quận Hoàng Mai...  Nay, có đến một ngàn sáu trăm "Nhà nghỉ" lấp lánh ánh đèn. Lượng khách lui tới các nhà nghỉ này luôn nườm nượp. Chẳng phải chỉ ở Hà Nội, các tỉnh thành khác cũng vậy. Tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa v.v.., số nhà nghỉ tăng vọt. Nhà nghỉ nhiều thế để phục vụ ai? Chúng tôi tìm hiểu và thấy có một số ông bà già, tuổi cao sức yếu mà sau khi tập dưỡng sinh buổi sáng xong là rủ nhau vào nhà nghỉ, thế đã đành, nhưng các quan chức cũng vào nhà nghỉ mà có vị đâu có nghỉ một, hai tiếng buổi trưa, tận đến ba, bốn giờ chiều mới trả phòng ra về. Thanh niên, sức dài vai rộng, là nguồn lực xây dựng đất nước, vậy mà nườm nượp rủ nhau vào nhà nghỉ. Kinh ngạc hơn nữa, có những đôi con trai con gái học sinh phổ thông học xong buổi trưa, đáng lẽ về nhà cũng lại rủ nhau vào nhà nghỉ".
Tức! nghe người nước ngoài nhận xét thế, tức lắm. Chẳng hóa ra dân ta cần cù chịu khó lại bị họ hiểu lầm là lười, làm việc thì ít mà nghỉ thì nhiều. Tự ái, tôi liền nẩy ra ý định phải xây nhà có nhiều phòng, các phòng được thiết kế như các buồng ở nhà nghỉ, đều có giường đệm trắng muột thơm tho, ti vi màn hình phẳng, nội thất buồng tắm không kém khách sạn ba sao... để cho thuê.  Nhà đó sẽ xây chen vào những nhà nghỉ san sát ở các phố nói trên, nhưng tôi không treo biển: "Nhà nghỉ" như họ, mà treo  biển: "Nhà làm việc", đồng thời vận động các nhà nghỉ cũng nên thay biển "Nhà nghỉ" thành "Nhà làm việc" cho ngưởi nước ngoài mở mắt ra, thấy dân ta làm việc quên trời quên đất, quên cả thân mình, có những ông già bà cả tuổi cao, đã nghỉ hưu vẫn chăm chỉ vào "Nhà làm việc", có các công chức 8 giờ hành chính đã ngồi làm việc, có quyền nghỉ trưa nhưng đến giờ nghỉ trưa vẫn vào "Nhà làm việc", các thanh niên tuổi bẻ gẫy sừng trâu, hăng hái lao động, buổi trưa cũng không nghỉ mà vẫn tranh thủ vào "Nhà làm việc". Hơn thế nữa, các cháu học sịnh đi học, tuổi còn nhỏ, chương trình học nặng thế tưởng hết hơi rồi, thế mà xong buổi học, cũng không chịu về nhà ngay mà tiếp tục vào "Nhà làm việc". Nhất định phải thế cho những người nước ngoài phục mình mới được.Tôi làm như vậy, ông bảo có được không?              
Nguyễn Đoàn - Dân Trí

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Hy vọng nhà đất trở về giá trị thực


Trong thời gian qua, mặc dù đã giảm giá tới 50%, ngân hàng nới lỏng tín dụng nhưng thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm. Nhiều người dân có nhu cầu thực vẫn chưa tiếp cận được vì vẫn còn quá cao, nhà đầu tư thì thận trọng dò xét.

Trong kinh tế, càng “cắt lỗ”, thị trường càng rớt thê thảm. Nhà đầu tư bất động sản đang trong tình trạng “hoảng loạn” bởi họ càng cố gắng bán tháo, thị trường càng im lặng một cách đáng sợ.
Những toan tính nhằm “khuấy động” giá bất động sản lên một lần nữa hầu như không còn nữa, bất chấp các chính sách nới lỏng tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
"Sale off" 50% vẫn không có người mua
Giá đất ở phía Bắc đã giảm từ 45 đến 50% so với thời điểm cuối năm 2011 nhưng vẫn không có người hỏi thăm. Khi hỏi về tình hình thị trường bất động sản lân cận Hà Nội, các nhà đầu tư lắc đầu ngán ngẫm.
Bước sang tháng 5/2012, thị trường bất động sản vẫn chưa thấy có chuyển biến gì mới, kể cả về giá và lượng giao dịch. So với mức giá lúc cao điểm, nhiều dự án đã giảm 40 - 50% nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thật ra, việc giảm giá trong thời gian vừa qua là động tác “cắt lỗ” để trả nợ gốc đến hạn và lãi vay đang tồn đọng ở ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp đang nợ lãi vay hàng trăm tỉ, khiến các ngân hàng đang cho vay gặp khó khăn. Một số ngân hàng đang có nợ xấu bất động sản rất cao nhưng có cách nào khác để thu hồi trừ khi giải phóng hàng “tồn kho nhà, đất” với giá trị lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng?
Nhiều người không khỏi thắc mắc khi lãi suất hạ nhiệt, ngân hàng nới lỏng tín dụng nhưng đất nền vẫn tiếp tục rớt giá? Lời giải thích dễ hiểu nhất là giá đất vẫn còn quá cao so với thu nhập của người có nhu cầu thực sự, nếu có tiền, nhà đầu tư lại rất thận trọng khi quay lại với thị trường này.
Thông tin mới đây, giá đất khu vực quanh cầu Nhật Tân nối với nhà ga T2 Nội Bài thuộc Đông Anh (Hà Nội) đang xuống khá sâu. Đất nền giảm khoảng 50% so với thời điểm cách đây một năm nhưng giao dịch rất ảm đạm.
Chúng ta còn nhớ, cách đây chừng một năm, thị trường đất Đông Anh rất sôi động và nóng lên hàng ngày. Nhà nhà, người đi buôn đất, họ vay tiền ngân hàng đầu tư vào khu vực này để trục lợi.
Giá đội lên rất nhiều, có nơi trên tuyến đường trục Nhật Tân - Nhà Ga T2 (giáp ngay chân cầu Nhật Tân) được giao dịch ở mức phổ biến từ 70 - 80 triệu đồng/m2, thậm chí có những nền đất lên đến 90 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, đến hôm nay, giá đất tại khu vực này chỉ còn 20 đến 30 triệu đồng/m2. Những nơi khác, đất được chào bán la liệt với mức giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí, thậm chí có những lô với giá rao 15 triệu đồng/m2! Có thể nói rằng Hà Đông được coi như là “rốn” giảm giá của thị trường bất động sản ở phía Bắc.
Tại thị trường phía Nam, dư luận xôn xao khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tuyên bố sẽ chào bán căn hộ dự án Thanh Bình (tại quận 7 TP.HCM) vào tháng 6/2012 với mức “sale off” khoảng - 50% so với mức giá trung bình các dự án cùng loại tại khu vực.
Ông Đoàn Nguyễn Đức (Chủ tịch HĐQT HAGL) cho rằng, năm 2009 ông giảm giá bán 30%, năm 2011 giảm 20% và năm 2012 giảm 50%. Với mức giảm này, giá căn hộ dự án Thanh Bình sẽ ở mức trên 20 triệu đồng/m2.
Thế nhưng phản ứng của thị trường bất động sản trước thông tín này vẫn ở trạng thái dò xét, thận trọng và nghe ngóng. Tương tự như vậy, Công ty CP Xây dựng số 5, đơn vị phát triển nhiều dự án căn hộ có vị trí đắc địa tại TP.HCM đã khuyến mãi rầm rộ nhằm kích cầu nhưng chung cư Mỹ Đức của doanh nghiệp này vẫn tồn đọng 200 căn hộ chưa bán được.
Theo thống kê của tập đoàn kinh doanh bất động sản Mỹ (CBRE), số lượng còn tồn đọng đến cuối năm 2011 tại TP.HCM vào khoảng 18.000 căn hộ.
“Thiên đường mua sắm” bất động sản tại Đà Nẵng sau lễ hội pháo hoa (29-30/4) vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Đất nền tại các khu vực vùng ven như dự án Gold Hill (quận Liên Chiểu), khu đô thị FPT City (quận Ngũ Hành Sơn) “rớt” xuống 300 triệu đồng/1lô (đường 5,5 m), 500 triệu đồng/1 lô (đường 7,5 m), 800 triệu/1 lô (đường 10,5 m),…nhưng vẫn nằm chờ vô thời hạn.
Riêng tại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), cách đây 1 năm, nếu người có nhu cầu mua 1 lô đường 7,5 m tại khu E1, người ta sẽ “hét” giá trên 1,2 tỉ đồng. Thế nhưng bây giờ, cũng vị trí ấy, chỉ còn khoảng 600 triệu đồng/1lô. So đầu năm 2011, giá đất nền tại các khu dân cư ở Đà Nẵng đã thật sự giảm 50%.
Điều đáng chú ý là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại ven biển Đà Nẵng sau thời gian phát triển rầm rộ, đẩy nguồn cung lên cao, giờ đây đã trở nên vắng bóng. Nhu cầu đầu tư các loại biệt thự nghỉ dưỡng ven biển hiện nay rất hạn chế. Theo CBRE, thị trường Đà Nẵng hiện nay có khoảng 500 căn biệt thự nghỉ dưỡng ven biển nhưng không có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài do cuộc khủng hoảng tài chính chưa phục hồi.
Chưa đến lúc “bỏ tiền” vào bất động sản?
Vay ngân hàng, vay nóng (lãi tính theo ngày của tín dụng đen) để mua đất là “căn bệnh” khá hiểm nghèo bộc lộ vào cuối năm 2010. Chính vì thế, những vụ vỡ nợ tín dụng đen, nợ xấu dâng cao tại các ngân hàng ngày càng nhiều. Có những vụ vỡ ra, công khai nhưng vẫn còn rất nhiều vu việc bị “ém nhẹm”, bùng nhùng với “khối u” nợ nần tại các ngân hàng và chủ nợ tín dụng đen.
Để xác định đâu là “đáy” của thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia hiện nay vẫn chưa khẳng định được thời điểm? Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện nay là sự trả giá cần thiết cho doanh nghiệp và kẻ đầu cơ.
Thị trường bất động sản thường dựa vào 2 nhân tố cốt lõi, đó là quy luật cung cầu và giá trị thật của nó, tức là căn cứ vào thu nhập của người dân. Mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản tại Việt Nam mâu thuẫn giữa giá cả và thu nhập của đại đa số người dân.
Nói một cách khác, giá địa ốc ở “trên trời” nhưng thu nhập của người dân đang ở “dưới đất”. Nếu so sánh giá trị thực của bất động sản với thu nhập của người dân, hiện giá bất động sản trung bình ở các nước châu Âu là 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần,... riêng ở Việt Nam giá bất động sản gấp khoảng 25 lần thu nhập!
Cho dù các ngân hàng có “bơm tiền" với lãi suất cực rẻ, người có nhu cầu thật vẫn không thể nào mua được nhà đất trừ khi giá bất động sản xuống giá đến mức hợp lý. Vì rằng, có vay mượn, người dân vẫn phải trả trong một thời hạn nhất định.
Không có một cơ chế cho không ai bao giờ trừ phúc lợi của một quốc gia. Chính vì thế, thu nhập trung bình là căn cứ cơ bản nhất để giá bất động sản có thể đứng vững và được chấp nhận ở thị trường Việt Nam.
Điều này, phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ và các công cụ điều tiết kinh tế như thuế, lãi suất,…Người dân có quyền hy vọng, giá bất động sản sẽ trở về với giá trị thật, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người đầu tư và công chúng.
Văn Khoa