16 tháng 5, 2012

Đồng Nai: "Nốt trầm" trên thị trường BĐS


Mặc dù bắt đầu có sự sôi động trở lại, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) Đồng Nai vẫn không có nhiều giao dịch thành công.
Xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng đã làm sống lại hy vọng cho thị trường bất động sản (BĐS) vùng ven, trong đó có Đồng Nai. Gần một tháng nay, thị trường BĐS Đồng Nai bắt đầu sôi động trở lại nhưng lượng giao dịch không nhiều, khách hàng vẫn thăm dò là chính.

Tại TP. Biên Hòa, nơi tập trung đông dân cư và có áp lực tăng dân số cơ học lớn nhất cả nước, các dự án khu dân cư, khu đô thị cũng không mấy hấp dẫn người mua, bởi những người thực sự có tiền vẫn còn nghe ngóng thị trường, chưa đi đến quyết định đầu tư. Những người có nhu cầu nhà ở lại không đủ khả năng thanh toán cho những căn hộ hoặc những lô đất có giá trị từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng bởi đa phần là công nhân trong các KCN. Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng thì việc mua nhà từ 500 triệu đồng trở lên là điều không tưởng đối với nhóm này.

Qua khảo sát cho thấy, đa phần đối tượng có nhu cầu chỗ ở thực sự lại không kỳ vọng được sống trong các khu đô thị lớn hay khu dân cư được xây dựng bài bản và đồng bộ. Thêm vào đó, việc Bộ Xây dựng đề xuất cho xây chung cư có diện tích tối thiểu 25 m2 khiến gia đình nhiều công nhân trông chờ, hy vọng sẽ được sở hữu những căn hộ giá thấp và phương thức thanh toán trả chậm phù hợp với khả năng thanh toán của họ. Hiện giá căn hộ của Dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương do Becamex làm chủ đầu tư cũng chỉ từ 100 - 130 triệu đồng/căn. Các hộ gia đình công nhân hy vọng mức giá này cũng sẽ có ở Đồng Nai. Có thể vì lý do này mà thị trường BĐS Đồng Nai mất một lượng khách hàng tiềm năng.

Đồng Nai: "Nốt trầm" trên thị trường BĐS | ảnh 1
Thị trường BĐS Đồng Nai trầm lắng do người dân vẫn còn nghe ngóng, chưa quyết định xuống tiền

Lợi thế lớn của Đồng Nai là giao thông được coi là tâm điểm đầu tư của tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch cụ thể, rõ ràng. Điều đó thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào các dự án lớn, nhưng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư thứ cấp thì đó chưa hẳn là lợi thế. Bởi khi quy hoạch đã rất rõ ràng, yếu tố bất ngờ sẽ kém đi và kém hấp dẫn với giới đầu cơ BĐS. Như tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư có thể mua BĐS đón đầu quy hoạch, đôi khi chỉ là nghe tin đồn rồi đua nhau mua cho bằng được khiến giá đất tăng vù vù. Cũng có khi nhà đầu tư “trúng” quy hoạch nhưng nhiều lúc cũng chấp nhận “đắp chiếu để đấy”, còn Đồng Nai thì không hẳn thế.

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Công tác quy hoạch phải đi trước một bước và không thay đổi, chỉ có điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Công khai quy hoạch để cả nhà đầu tư và người dân cùng biết, người dân thoải mái lựa chọn nơi ở theo tính toán của mình, còn nhà đầu tư cũng hiểu trước khi quyết định đầu tư. Không thể mù mờ quy hoạch để dân bị “bẫy” và giá nhà đất Đồng Nai dao động quanh giá trị thực. Làm thế nào để nhà đầu tư có lợi và người dân có cơ hội lớn về chốn an cư là mục tiêu Đồng Nai cố gắng đạt được”.

Sẽ không mấy khó khăn khi điểm danh khách hàng tại các dự án ở Đồng Nai, có đầy đủ thành phần, khách hàng  từ Tp.HCM, Hà Nội đến dân bản địa, dân di cư. Giá BĐS Đồng Nai biến động theo thị trường Tp.HCM và các khu vực phụ cận như Bình Dương, Long An. Tại thời điểm này, nhiều khách hàng vẫn nghe ngóng là chính, số ít khách hàng chấp nhận xuống tiền nhưng không phải do thị trường mà do các chủ đầu tư linh động trong phương thức thanh toán.

Điểm mặt các đại gia BĐS Đồng Nai là những cái tên quen thuộc như: Đất Xanh, Tín Nghĩa, Sonadezi, Donacorp… và những dự án lớn như: Suối Son, Phước An, Đông Sài Gòn, Giang Điền, Biên Hòa Dragon City… Giá đất nền cũng tương đối dễ chịu, được chào bán từ 1,9 - 6,8 triệu đồng/m2 như đất nền Dự án Suối Son khoảng hơn 200 triệu đồng/nền, Biên Hòa Dragon City 2,6 triệu đồng/m2, Riverside Garden 6,8 triệu đồng/m2, Giang Điền 2,9 triệu đồng/m2.
(Theo ĐTCK)

Tp.HCM: Tỉ lệ hồ sơ nhà đất bị trả bổ sung tại Hóc Môn rất cao


Tỉ lệ hồ sơ nhà đất trả bổ sung tại huyện Hóc Môn còn cao, một số loại như làm thừa kế giấy tờ nhà và tài sản gắn liền trên đất tỉ lệ hồ sơ trả bổ sung lên đến hơn 37% trong năm 2011; tách hợp thửa đất, chuyển mục đích đất sang đất cây trồng… tỉ lệ trả bổ sung hồ sơ trên 20%.
Tp.HCM: Tỉ lệ hồ sơ nhà đất bị trả bổ sung tại Hóc Môn rất cao | ảnh 1
Sáng ngày 15/5, Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội – đại biểu HĐND Tp.HCM đã có buổi giám sát về kết quả thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Theo đó, tỉ lệ hồ sơ nhà đất trả bổ sung tại huyện Hóc Môn còn cao, một số loại như làm thừa kế giấy tờ nhà và tài sản gắn liền trên đất tỉ lệ hồ sơ trả bổ sung lên đến hơn 37% trong năm 2011; tách hợp thửa đất, chuyển mục đích đất sang đất cây trồng… tỉ lệ trả bổ sung hồ sơ trên 20%.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nguyên nhân do cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại các xã, thị trấn khi thực hiện quy trình một cửa liên thông không đồng đều, chất lượng thấp. Để khắc phục, UBND huyện đã yêu cầu thanh tra huyện lập tổ thanh tra chuyên đề để làm rõ nguyên nhân.

UBND huyện Hóc Môn kiến nghị UBND TP sớm xem xét không giao thẩm quyền cho lãnh đạo UBND huyện giải quyết cho tách thửa đối với một số trường hợp cha mẹ chia đất cho con hoặc các trường hợp đặc biệt khó khăn theo điều 4, Quyết định 19, bởi hiện nay huyện rất khó quản lý; UBND TP cần sớm xem xét thu hồi một số dự án “treo” nhiều năm, điển hình là dự án khu đô thị mới An Phú Hưng…
(Theo NLĐ)

Tp.HCM: Có phải địa ốc đang “nuôi” ngân hàng?


Vào cuối mùa đại hội cổ đông, kết quả hoạt động của các công ty kinh doanh bất động sản (BĐS) niêm yết trong năm 2011 cho thấy bao trùm một bóng đen lỗ lã, làm bao nhiêu “nuôi” hết ngân hàng - đương nhiên chỉ có ngân hàng có lãi.

Tp.HCM: Có phải địa ốc đang “nuôi” ngân hàng? | ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng đến 80% vốn để đầu tư địa ốc, nên chỉ dựng khung sắt rồi “bất động”. Ảnh: B.Quyên

Địa ốc lỗ

Cuối tháng 4 vừa qua, kết quả đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Công ty cổ phần Đầu tư - kinh doanh nhà (ITC) như nối thêm một khúc “nhạc buồn” trong lĩnh vực BĐS. Công ty lỗ 137,3 tỷ đồng. Vì lỗ nên không chia cổ tức và trích lập các quỹ. Cũng vì lỗ nên công ty không chi thù lao cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát. Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đưa ITC vào diện cảnh báo vì lỗ!

Chung cảnh ngộ, ngày 11/4, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã đưa cổ phiếu Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vào diện cảnh báo, lý do công ty mẹ năm 2011 lỗ 39,83 tỷ đồng. Không những bị lỗ, công ty cũng không thực hiện cam kết về việc chia cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu thưởng 5%. Theo QCG, lãi vay tăng quá cao, thị trường BĐS ảm đạm mà công ty lại dựa chủ yếu vào đây đã khiến hiệu quả kinh doanh sụt giảm, dẫn đến hàng tồn kho lên đến 2.685 tỷ đồng. Riêng năm 2011, chi phí lãi vay của QCG tăng hơn 100 tỷ đồng so với 2010! Sang quý 1 năm nay, lợi nhuận sau thuế của QCG chỉ 1,7 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lên đến 22,8 tỷ đồng!

Danh sách lỗ kéo dài thêm, khi ngày 20/4, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đưa cổ phiếu Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) vào diện cảnh báo vì công ty mẹ năm 2011 lỗ hơn 1,1 tỷ đồng. Hiện tại, hàng tồn kho của NTB trên 1.000 tỷ đồng, đã khất nợ cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt đến 3 lần. Trong năm 2011, mặc dù công ty lỗ nhưng tiền lãi vay phải trả gần 5 tỷ đồng, còn quý 1/2012 công ty lãi 500 triệu đồng nhưng tiền trả lãi suất hơn 1 tỷ đồng…

Ngân hàng béo bở

Rõ ràng từ báo cáo tài chính năm 2011 của các công ty kinh doanh BĐS cho thấy, gần như công ty nào cũng “nuôi” ngân hàng, đặc biệt khi lãi suất ngân hàng tăng cao.

Mới đây trong buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) cung cấp thông tin, trước đây lãi suất tại các ngân hàng thương mại cho vay cao nhất 25,5%/năm, phổ biến từ 18%-21%/năm. Điều này đã thể hiện rõ từ các báo cáo tài chính. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã vay nhiều khoản lãi suất cao như phát hành trái phiếu 150 tỷ đồng, hoàn trả vào năm 2014, mục đích sử dụng có BĐS, năm đầu tiên, công ty phải chịu lãi suất cao ngất ngưởng 25,5%/năm, các năm sau trả lãi suất bằng lãi tiết kiệm bình quân của 5 năm ngân hàng cộng với biên độ 7%/năm. Một món vay khác, công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi 195 tỷ đồng có kỳ hạn 2 năm. Trong đó có điều khoản, nếu công ty không đạt được lợi nhuận thuần sau thuế theo kế hoạch kinh doanh như đã cam kết thì các trái chủ được quyền yêu cầu công ty mua lại các trái phiếu này trước hạn theo giá gốc cộng lãi suất 22%/năm.

Câu chuyện địa ốc lỗ, chỉ có ngân hàng có lãi tiếp tục được minh chứng từ BIDV. Vừa qua, ngân hàng này rất tích cực khi bơm ra 6.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường BĐS. Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho biết: “Đây là chia sẻ rất mạnh của BIDV, hy sinh khoản lợi nhuận rất lớn để điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp”. Từ hành động của BIDV cho thấy, nếu so sánh với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thì ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi, chứ không bị lỗ. Trên thực tế, đến nay chưa có ngân hàng nào niêm yết trên sàn chứng khoán báo lỗ mà hầu như lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng!

Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, nhìn chung các doanh nghiệp chưa có thực lực về tài chính vì tỷ trọng vốn tự có quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư, nhiều dự án có tỷ lệ cho vay lên tới 70%-80%. Nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực BĐS từ năm 2008 – 2010, 189.000 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 24.000 tỷ đồng. Do vậy dù nhìn ở khía cạnh nào, lãi suất cao như trước đây hay thấp như hiện nay - trần cho vay 15%/năm thì địa ốc vẫn là mảnh đất béo bở của ngân hàng!
(Theo SGGP)

Bộ Xây dựng xin “khất” báo cáo Thủ tướng về FDI vào BĐS


Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2012 có xu hướng giảm so với những năm về trước.
Bộ Xây dựng xin “khất” báo cáo Thủ tướng về FDI vào BĐS | ảnh 1
Theo kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả, quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011- 2020 sẽ phải hoàn thành và gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2012.

Theo kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả, quản lý nhà nước và định hướng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản giai đoạn 2011 - 2020 sẽ phải hoàn thành và gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5/2012.

Tuy nhiên, tại công văn số 29/BXD-QLN vừa được ban hành, Bộ Xây dựng đã đề xuất gửi đề án hoàn chỉnh vào tháng 8/2012, do một số bộ, ngành và địa phương chưa gửi báo cáo về Bộ. Như các bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và 18 địa phương.

Điều đáng nói, trong số các địa phương chưa gửi báo cáo danh mục địa phương có vốn đầu tư nước ngoài, có cả Hà Nội và Tp.HCM.

Trước đó, ngày 18/1/2012, Bộ Xây dựng đã có công văn số 95/BXD-QLN gửi 350 doanh nghiệp yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có 54/350 doanh nghiệp thực hiện.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2012 có xu hướng giảm so với những năm về trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2008 - 2010, trên 34% tổng vốn FDI vào Việt Nam là vào bất động sản thì năm 2011 giảm còn 5,8%. Hai tháng đầu  năm 2012, chỉ có một dự án bất động sản đăng ký với số vốn 100 nghìn USD, đứng cuối cùng trong các ngành thu hút FDI…

Cũng liên quan tới thu hút FDI vào bất động sản, UBND Hải Phòng vừa ra chỉ thị yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng rà soát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội  và công bố định hướng khuyến khích kinh tế FDI phát triển theo quy hoạch, hoàn thành trong quý 2/2012.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI. Đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát  theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dư án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…, rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai.
(Theo VnEconomy)

Bộ Xây dựng tìm nhà đầu tư mua lại khu đất trụ sở cũ


Ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng trụ sở Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ chủ trương cho phép Bộ Xây dựng thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch đấu thầu chọn nhà đầu tư mua lại khu đất trụ sở Bộ tại 37 Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Số tiền thu được sẽ dành để xây trụ sở mới ở khu Tây Hồ Tây.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng trụ sở Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ chủ trương cho phép Bộ Xây dựng thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo đó, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mua lại khu đất trụ sở cũ và xây dựng trụ sở mới.

"Bộ Xây dựng đã đề xuất cho phép xây nhà ở thấp tầng, mục đích vẫn tăng giá trị sử dụng đất song hạn chế được mật độ dân cư trong khu vực này. Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng", ông Nam nói.
Bộ Xây dựng tìm nhà đầu tư mua lại khu đất trụ sở cũ | ảnh 1
Theo tính toán của Bộ này, mật độ xây dựng nhà thấp tầng tại đây theo quy hoạch là không quá 45%, không xây nhà cao tầng vì sẽ tăng dân cư trong khu vực. Diện tích đất còn lại sẽ là các công trình công cộng.

"Chính phủ đang thắt chặt đầu tư công nên quan điểm của Ban quản lý dự án là hạn chế tối đa kinh phí nhà nước, tự chủ tài chính xây dựng trụ sở mới. Chúng tôi sẽ phấn đấu bán khu đất cũ giá càng cao càng tốt và không để các nhà đầu tư xây sai quy hoạch bằng các biện pháp quản lý chặt chẽ", ông Nam nói.

Trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng hiện nằm trên khu đất rộng hơn 13.000 m2, gồm ba khu nhà làm việc chính với tổng diện tích sử dụng hơn 11.500 m2.

Trái với kế hoạch bán trụ sở cũ của các bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải để lấy tiền xây trụ sở mới, Bộ Khoa học Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Nội vụ... đã xây trụ sở mới theo quy hoạch tại khu Cầu Giấy, Mỹ Đình, nhưng vẫn sử dụng nơi cũ làm việc hoặc không có kế hoạch bán.

Ngay khi chuyển về phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) cuối năm 2011, Bộ Khoa học Công nghệ đã sửa chữa trụ sở cũ tại phố Trần Hưng Đạo để tiếp tục sử dụng. Chánh văn phòng Phạm Công Tạc cho biết, trụ sở cũ hiện là nơi làm việc của một số cục, vụ, viện nên bộ không có dự định chuyển đổi mục đích.

Nằm trong trung tâm chính trị Ba Đình, trụ sở Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp sẽ không bán hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng dù đã có chủ trương di dời. Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Minh Nhạn khẳng định, trụ sở Bộ nằm trong khu chính trị Ba Đình nên chắc chắn sẽ không bán đấu giá cho doanh nghiệp mà sẽ chuyển giao cho Chính phủ để bố trí cho cơ quan khác.

"Chúng tôi đã được Chính phủ cho chủ trương di dời song hiện chưa biết về đâu. Bộ đang chờ Chính phủ bố trí", ông Nhạn nói.

Trao đổi với VnExpress mới đây, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc di dời các bộ ngành nên giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng hoặc giao cho Ban chỉ đạo Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản lên quy hoạch và kế hoạch. Còn tiền xây trụ sở phải trích từ ngân sách Chính phủ.

"Nếu giao cho từng bộ, ngành tự xử lý trụ sở cũ - mới, sẽ sinh ra lộn xộn trong quy hoạch. Trụ sở các bộ là tài sản công chứ không phải của riêng bộ. Các bộ có lúc tách hoặc sáp nhập song trụ sở vẫn là của nhà nước", ông Liêm nói.

Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) là hình thức đầu tư ký giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT.
(Theo VnExpress)

Cơ hội đầu tư tuyệt vời với BĐS nghỉ dưỡng


Khái niệm ‘ngôi nhà thứ hai’ (second home) hoặc ‘nhà nghỉ dưỡng’ đang dần rõ nét hơn trên thị trường BĐS nước ta. Cách đây vài năm, thị trường này thường chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nay rất nhiều nhà đầu tư trong nước đã bắt đầu quan tâm đến BĐS nghỉ dưỡng, một kênh đầu tư dài hạn trong tương lai.
Không giống như các dự án ở đô thị, các căn hộ và biệt thự của dự án BĐS du lịch là một phần dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và tập trung phần lớn tại vùng núi và ven biển. Gần đây, một số nhà đầu tư vừa chào bán ra thị trường các căn hộ và biệt thự được xây dựng trong các khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ biển miền Trung.

Nha Trang – thiên đường nghỉ dưỡng tuyệt vời

Có 2 lý do để nhà đầu tư quyết định mua một sản phẩm BĐS: để ở và đầu tư. Xét ở góc độ để ở và nghỉ dưỡng, Nha Trang có không gian thanh bình, khí hậu ấm áp, không chịu bão như Đà Nẵng hay giá rét như ở phía Bắc. Theo đánh giá của tổ chức ECFA (Nhật Bản) thì Nha Trang là một thành phố sạch, nhiều hải đảo ven bờ, có nhiều dải san hô bao quanh đảo, khí hậu ôn hòa rất tốt cho sức khỏe.

Xét ở góc độ đầu tư, có 5 yếu tố chính: quy hoạch, môi trường đầu tư, hạ tầng cơ bản, hạ tầng xã hội và tốc độ tăng giá của các dự án. Sự đi sau của Nha Trang tạo ra cơ hội rất lớn cho thị trường này phát triển một cách bài bản và tốt hơn các thị trường đi trước khác. Xét về giá, giá BĐS ở Nha Trang ít khi giảm, quỹ đất ở đây không nhiều như một số khu vực khác nên ít chịu áp lực giảm giá.

Ngoài ra, Nha Trang đã tạo được một thế mạnh du lịch sinh thái cùng với nhiều KDL, khách sạn cao cấp như: Champa Island Resort &Spa, Vinpearl Land, Hòn Tằm,… Nha Trang ngày càng được giới đầu tư quan tâm bởi sự hình thành và phát triển của nhiều KĐT sinh thái như: KĐT An Viên, KĐT Mỹ Gia, KĐT Venesia…

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên cùng biệt thự Giáng Hương

Tọa lạc tại đường Phong Châu, trục đường chính trong quy hoạch mở rộng và phát triển đô thị phía Tây của Nha Trang, biệt thự sinh thái Giáng Hương là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đang có nhu cầu nghỉ dưỡng, tận hưởng những giá trị đích thực của cuộc sống.

Dự án có vị trí rất đắc địa, chỉ cách bờ biển Nha Trang 5km, bao quanh là các công trình công cộng như trung tâm hành chính tỉnh, công viên trung tâm, ga Nha Trang, sân bay Nha Trang,…
Cơ hội đầu tư tuyệt vời với BĐS nghỉ dưỡng | ảnh 1
Sự khác biệt trong ý tưởng đầu tư dự án là thiết kế tôn trọng địa hình tự nhiên, các căn biệt thự nằm trải dọc hai bên triền đồi và được bao bọc bởi hai dãy núi Giáng Hương, tạo ra địa thế “vượng trạch bảo điền” với lưng tựa núi và mặt hướng biển, rất tốt cho việc xây dựng nhà.

Dự án được quy hoạch tổng thể với đầy đủ tiện ích như trường học, khu mua sắm, sân thể thao,… giúp cư dân có được một môi trường sống thoải mái và tiện nghi nhất.

Chủ đầu tư dự án biệt thự sinh thái biển Giáng Hương là Cty TNHH Tư vấn & Đầu tư Trung Tín. Dự án có hồ sơ pháp lý hoàn chỉnh, với quy mô tổng cộng 15ha (6,44ha đất ở và 8,56ha dành cho cây xanh và công trình công cộng) bao gồm 103 lô biệt thự (DT từ 550 – 675m2) và 38 lô liền kế sân vườn (DT 160m2).
Giá bán chỉ từ 3.3 – 4.1 triệu/m2, hình thức bán là đất nền biệt thự.
Liên hệ Phòng kinh doanh: 65C Yersin, Nha Trang, Khánh Hòa.
ĐT : 058246.7777 – 0935.868.577 - Hotline:094.945.6677
Website: trungtinreal.com.vn

Tòa nhà 4F Trung Kính: Thang máy có cũng như không


84 lá đơn đã được gửi tới các cơ quan chức năng, nhưng sự việc vẫn đâu đóng đấy. Gần 1 năm nay, cư dân của tòa nhà 4F Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội phải chấp nhận leo lên tầng thứ 17 trong tình trạng thang máy phập phù.

Ở nhà cao tầng phải leo thang bộ

Tòa nhà 4F Trung Kính: Thang máy có cũng như không | ảnh 1
Tòa nhà 4F Trung Kính, Cầu Giấy

“Có lẽ chỉ có những ai đã từng sống trong chung cư cao tầng mới thấu hiểu hết bức xúc của cảnh phải leo cầu thang bộ. Càng bức xúc hơn khi hàng tháng tiền đóng cho khoản phí dịch vụ vẫn phải nộp đều, nhưng đến khi có sự cố thì phản ánh đến bã bọt mép vẫn không thấy có nhân viên bảo trì tới sửa” - ông Vũ Thắng, chủ căn hộ số 401 trần tình với phóng viên sự cố mà theo ông là đã kéo dài cả năm nay tại tòa nhà 4F.

Vốn là 2 đơn nguyên A và B, tòa nhà tái định cư 4F dành cho người dân bị thu hồi đất khi thành phố thực hiện triển khai một số dự án. Ông Thắng chuyển về đây và không nghĩ rằng sẽ có ngày phải đối mặt với những phiền toái này. Khi mới tới, tòa nhà dù không tiện nghi nhưng cũng đủ để người dân hài lòng.

Thế nhưng quãng thời gian ấy không dài. Ông Thắng cho biết: “Khoảng 1 năm trở lại đây thang máy chính của cả khu nhà bỗng dưng trở chứng. Đầu tiên là tầng 1 bị “tắc tịt”. Đơn vị quản lý tòa nhà đã dán thông báo đề nghị bà con bắt đầu sử dụng thang từ tầng 2. Ngờ đâu sự cố chưa dừng lại mà có chiều hướng “leo thang” tiếp”.

Chị Trần Thị Dung - chủ căn hộ số 402 ngán ngẩm: “Em sức đàn bà con gái, bảo leo 1 tầng thì còn chịu được, nhưng với cái đà này, dễ tới đây em sẽ phải leo bộ suốt lên tới tận nhà mình. Anh tính, đi làm về mệt bã người, một tay cắp đứa con nhỏ, một tay xách túi đồ đi chợ mà ngày nào cũng leo lên leo xuống tới 4 lần như thế thì ai mà chịu nổi”.

Sở dĩ, chị Dung “tiên lượng” được “triển vọng” của mình là vì cách đây 4 tháng, tổ quản lý tòa nhà tiếp tục thông báo một “tin buồn” thứ 2, đó là thang máy lại trục trặc, đề nghị bà con leo bộ lên tầng 2 để bắt đầu sử dụng thang. Chị Dung thở dài: “Mọi người lại bảo nhau, thôi thì cố, chắc vài ba hôm tổ quản lý sẽ sửa. Nhưng hy vọng ấy nhanh chóng tắt ngóm vì cách đây hơn 2 tuần, một thông báo miệng nữa được đưa ra: “Thang đang gặp sự cố, đề nghị bà con bắt đầu sử dụng thang từ tầng thứ 3”. Như vậy có nghĩa là, muốn lên được đến nhà của mình, người dân nhà 4F buộc phải leo thang bộ qua 3 tầng để bắt đầu được sử dụng những “tiện nghi” của một tòa nhà cao tầng mang lại.

Đánh võng trên thang máy

Bà Lê Bích Thủy, chủ căn hộ số 702 tố khổ: “Nào chỉ có việc người dân phải leo bộ qua 3 tầng nhà, chúng tôi những hộ ở trên cao còn bực mình hơn. Thang máy ở đây vô cùng “tậm tịt”. Từ đầu năm tới nay tổ chúng tôi đã gửi tổng cộng 84 lá đơn lên các cơ quan chức năng rồi. Thế nhưng mọi việc vẫn đâu đóng đấy. Thang hỏng vẫn hoàn hỏng mà chẳng thấy các vị ấy động tĩnh gì”.

Sự bức xúc của bà Thủy cũng khá dễ hiểu bởi với bà đi thang máy hay thang bộ đều là một cực hình. Nhà bà Thủy ở tầng 7, vốn có tuổi lại bị đau chân, hàng ngày muốn xuống tầng 1 hoặc lên các tầng khác cao hơn bà Thủy buộc phải đi bộ lên tầng 8 rồi ấn nút các tầng cần đến. Khi đó thang máy mới hoạt động chứ đứng tại tầng của bà mà bấm có đợi đến tết cũng chả bao giờ cửa thang chịu mở. Giải pháp thứ 2 là bà Thủy đi bộ từ tầng 7 xuống tầng 5, từ đó vào thang máy đi tiếp xuống tầng 3. Sau đó là đi thang bộ xuống đất. Tóm lại là phải đi theo kiểu “Đông Tây y kết hợp”. Không chỉ có tầng nhà tôi là thế đâu, tòa nhà này có 17 tầng thì theo tôi biết có tới 5-6 tầng bị chung tình trạng thang bị “chập mạch” như vậy. Không biết đến bao giờ thì họ mới khắc phục cho bà con - bà Thủy buồn bã nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một cán bộ quản lý tòa nhà cho biết, việc thang hỏng như người dân phản ánh là có, nhưng một phần cũng là do ý thức sử dụng của người dân không bảo quản giữ gìn. Thang được thiết kế để chở người và có tải trọng quy định, nhưng rất nhiều lần cán bộ bảo vệ phải ngăn cản không cho người dân dùng thang để chở đồ nặng. Thậm chí đôi lúc chúng tôi vấp phải sự phản ứng khá căng thẳng của người dân - vị cán bộ này nói. Thêm một lý do khác là chi phí sửa chữa thang máy rất tốn kém, trong khi đó theo quy định quản lý nhà tái định cư thì đơn vị quản lý (ở đây là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị) chỉ được phép lập biên bản kiểm tra báo cáo tình trạng hư hại và gửi đề xuất lên Tổng công ty để báo cáo thành phố. Chỉ khi nào Sở Tài chính thẩm định hư hại và cấp kinh phí thì những hư hỏng ấy mới được khắc phục. Hàng tháng chúng tôi đều có báo cáo về tình trạng ở đây, còn khi nào được sửa thì cá nhân tôi không thể trả lời được.
(Theo ANTĐ)

Hải Phòng: Phân lô bán nền trên đất dành cho làng nghề


Khu đất xây dựng phòng trưng bày sản phẩm làng nghề đúc đồng xã Mỹ Đồng, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã bị phân lô bán nền xây biệt thự.
Do làng nghề đúc đồng nằm khuất sâu trong khu dân cư, năm 2003, UBND huyện Thủy Nguyên đã dành cho xã Mỹ Đồng hơn 12.000 m2 đất bám mặt đường để xây dựng khu văn phòng giao dịch trưng bày sản phẩm và nhà ở. Tuy nhiên, một thời gian dài sau đó khu đất này bị bỏ không. Đến ngày 2/11/2005, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Mỹ Đồng lại tổ chức cuộc họp xét duyệt cấp đất cho 63 hộ dân làm nhà ở tại khu trưng bày sản phẩm làng nghề.

Tiếp đó, ngày 23/11/2005, xã Mỹ Đồng tổ chức cuộc họp bàn về việc xác định giá tiền sử dụng đất, có sự tham gia của đại diện phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), đại diện chi cục thuế huyện.

Hải Phòng: Phân lô bán nền trên đất dành cho làng nghề | ảnh 1
Khu đất trưng bày sản phẩm làng nghề Mỹ Đồng đã thành nhà cao tầng - Ảnh: P.H.S

Cụ thể, căn cứ theo qui định của UBND thành phố, cuộc họp thống nhất áp giá đất tuyến 1 (bám mặt đường 352) là 150 triệu đồng/lô diện tích 100m2, tuyến 2 là 90 triệu đồng/lô và tuyến 3 là 60 triệu đồng/lô. Đại diện phòng TN-MT, chi cục thuế, đại diện UBND huyện cùng ký và đóng dấu xác nhận vào biểu thu tiền cấp quyền sử dụng đất vào mục đích làm nhà ở cho các hộ công dân xã Mỹ Đồng.

Ngày 26/11/2005, UBND xã Mỹ Đồng có tờ trình gửi UBND huyện Thủy Nguyên xin được giao đất cho 63 hộ dân làm nhà ở đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo qui định. Theo đó, toàn bộ hơn 12.000m2 đất đã biến thành khu dân cư trong đó 6.300m2 dành cho 63 hộ dân làm nhà, số diện tích còn lại là đường giao thông, rãnh thoát nước và khu cây xanh.

Theo phản ánh của người dân, đây là hình thức UBND xã hợp thức hóa sai phạm bởi trên thực tế, việc bốc thăm giá cao và chia lô cho từng hộ đã thực hiện xong từ trước đó. Số tiền các hộ dân phải nộp cao gấp 2-3 lần so với biểu thu tiền đã công bố.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên xác nhận việc giao đất có một số sai phạm. Cụ thể, tại thời điểm đó, địa phương không còn được giao đất mà phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo ông Lanh, việc xã tự tổ chức bốc thăm dù thu được giá cao hơn nhưng không đúng quy định. Trong quá trình thực hiện giao đất, một số cán bộ xã đã được chia đất tại đây.

Ông Lại Đức Long, Trưởng Phòng TN-MT huyện Thủy Nguyên đánh giá việc giao đất làm khu trưng bày sản phẩm kết hợp đất ở là “có sự mập mờ giữa hai loại đất kinh doanh dịch vụ với đất ở”.

Ông Long giải thích, đất kinh doanh dịch vụ là loại đất giao có thời hạn. Còn đất ở là loại đất được giao lâu dài. Đã là đất dịch vụ thì không thể sử dụng khác mục đích. Số tiền thu chênh lệch xã gọi là khoản vận động xây dựng hạ tầng địa phương, nhưng việc đặt ra mức bắt buộc như vậy cũng không đúng bởi vận động thì không thể đặt ra mức "cứng" như vậy.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên (nguyên Chánh thanh tra huyện) cho biết, việc đấu thầu giao đất giá cao hơn là tự cán bộ xã thực hiện, không phải chủ trương của huyện. Theo ông Hoàng, Huyện ủy Thủy Nguyên đã thành lập một tổ công tác để tiến hành xác minh, làm rõ những sai phạm trong việc giao đất tại xã Mỹ Đồng.

(Theo Thanhnien)

Quận Phú Nhuận (Tp.HCM): Giá thuê căn hộ cao cấp vẫn ở mức cao


Hiện nay, mặc dù giá thuê nhà, căn hộ đang có xu hướng giảm tại nhiều khu vực nhưng tại Q.Phú Nhuận giá thuê căn hộ chung cư vẫn ở mức khá cao.


Quận Phú Nhuận (Tp.HCM): Giá thuê căn hộ cao cấp vẫn ở mức cao | ảnh 1
Tại thời điểm nan để thuê một căn hộ 93m2 tại chung cư Botanic, người thuê phải chi từ 13,5 đến 21 triệu đồng/tháng. Căn hộ tại chung cư PN - Techcons cũng ở mức 16,5 - 21 triệu đồng/tháng cho loại căn hộ trên 90m2.

Loại căn hộ diện tích trên 100m2 ở chung cư Victoria Court trên đường Huỳnh Văn Bánh, P17, QPN có giá lên tới 30 triệu đồng/căn/tháng. Mức giá trên thậm chí còn cao hơn giá thuê tại một số chung cư cao cấp khu vực Q1.
(Theo CATPHCM)