21 tháng 5, 2012

Nhận biết sự động và tĩnh trong quy hoạch


Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đô thị lấy mật độ lưu thông trên các tuyến đường của một đô thị làm một trong những tiêu chí để phân biệt đô thị “động” hay đô thị “tĩnh”.
Một thành phố phát triển bền vững phải chú ý đến chất lượng sống của người dân, phải là nơi hội tụ đủ các yếu tố mà cư dân có thể sống, nghỉ ngơi và làm việc.
Nhận biết sự động và tĩnh trong quy hoạch | ảnh 1
Trong đó khu vực động là nơi của yếu tố làm việc, với nhịp sống sôi động, sự tấp nập trên các con phố, những cửa hàng buôn bán và ở đây giá trị của hai chữ “mặt tiền” được thể hiện rõ nhất. Còn khu vực tĩnh là nơi chủ yếu để nghỉ ngơi và sống với những hàng cây phủ bóng mát, những con đường yên tĩnh, nhịp sống nhẹ nhàng hơn và khái niệm mặt tiền ở đây không còn thể hiện đầy đủ giá trị so với ở thành phố động…

Như vậy ngay trong bản thân một đô thị bao giờ cũng cùng tồn tại 2 khái niệm động – tĩnh và do đó trong quy hoạch tổng thể thành phố, việc quy hoạch phân khu chức năng làm việc và để ở phải có sự tách biệt và phải khác nhau về cấu trúc hạ tầng. Tại khu vực thành phố “động”, đường sá phải được làm to hơn nhằm đáp ứng mật độ lưu thông cao hơn so với những khu “tĩnh”. Không ít người dân thành phố đã lấy khu dân cư Bàu Cát quận Tân Bình TPHCM làm bài học nhãn tiền về tầm nhìn cũng như thiếu rõ ràng về phân khu chức năng trong quy hoạch. Khu dân cư Bàu Cát được xem là một trong những khu dân cư mới, điển hình vào những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do trong đó có lý do là những người có chức trách trong quy hoạch khi đó chưa hình dung hết tốc độ cũng như quy mô phát triển ở khu vực này, xem đây sẽ chỉ là khu vực tĩnh nên những con đường được làm chỉ đủ đáp ứng cho mật độ dân số vừa phải. Chính vì thế sau khi nơi đây trở thành khu dân cư sầm uất thì những con đường trong khu dân cư Bàu Cát bỗng trở thành những “con đường làng” đã tạo ra nghịch lý, hạ tầng khu vực tĩnh phục vụ các hoạt động khu vực động, nên cảm giác chật chội, đông đúc thiếu trật tự là điều không tránh khỏi.

Ngay từ trước ngày giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, câu nói “ăn quận 5 nằm quận 3, làm quận 1” cũng đã chia thành phố thành những khu tĩnh và động. Đến nay mặc dù quận 3 đã trở thành một trong những quận trung tâm về kinh tế, dịch vụ… nghĩa là đã chuyển từ khái niệm tĩnh sang động nhưng phảng phất đâu đó trên những con đường Tú Xương, Trần Quốc Thảo… vẫn còn nét của sự tĩnh lặng.

Tại Tp.HCM hiện nay, mặc dù có rất nhiều khu dân cứ mới được mọc lên, tuy nhiên hai khái niệm “động” và “tĩnh” vẫn chưa được các nhà quy hoạch quan tâm đúng mức. Vì thế hiện nay khó ai có thể chỉ ra trong thành phố đâu là nơi để ở, đâu là nơi làm việc, đâu là nơi vui chơi giải trí. Ngay cả những con hẻm khi xưa thường được xem là nơi để ở thì nay cũng đã trở thành nơi kinh doanh, buôn bán... Không có sự phân biệt khái niệm động và tĩnh trong quy hoạch thành phố cũng đồng nghĩa với việc ngay cạnh một cơ quan làm việc, hay trong một khu vực làm việc vẫn có thể có chỗ để ở hoặc vui chơi giải trí và ngược lại…

Phân biệt rõ khu vực “tĩnh” và “động” trong một thành phố là điều mà bất cứ đô thị phát triển nào cũng phải quan tâm thực hiện, vì chỉ có như thế mới bảo đảm sức khỏe để tái sản xuất sức lao động cho cư dân đô thị.
(Theo SGGP)

Nhà giá rẻ sắp chìm xuồng?


Từng được coi là "ánh sáng cuối đường hầm" trong mùa đông bất động sản, thế nhưng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho thuê… hiện đang là "cục nợ" của nhiều doanh nghiệp đã trót "dấn thân".
Theo những doanh nghiệp đã tham gia xây dựng nhà thu nhập thấp, họ đang tiến thoái lưỡng nan là bởi cho đến nay, những hứa hẹn hỗ trợ về vốn, thuế hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy. Tự bơi một mình, nguy cơ bị chìm là khá hiển nhiên đối với họ.

Nhà giá rẻ sắp chìm xuồng? | ảnh 1
Ảnh minh họa

Rất thiếu, nhưng không ai làm

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho hay, hiện quỹ nhà ở cho thuê chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ hơn 6,3 %) trong tổng quỹ nhà ở. Trong đó, riêng Hà Nội chiếm 14%, TP.HCM chiếm 19%, các đô thị loại 1 chiếm 4-6% và các đô thị còn lại khoảng 4%.

Khẳng định nhu cầu nhà ở cho thuê cực lớn, bởi "còn nhiều hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là những hộ gia đình trẻ; công nhân lao động và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đang gặp khó khăn về nhà ở", Bộ Xây dựng đề xuất việc phát triển nhà ở cho thuê được thực hiện theo 2 hình thức: Nhà nước trực tiếp đầu tư vốn từ ngân sách hoặc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê theo cơ chế thị trường, không có sự ưu đãi của Nhà nước.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất quy định các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên thì ngoài yêu cầu khác, phải dành 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở...

Thế nhưng, báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tới nay, Hà Nội không có nhà đầu tư nào đăng ký xây dựng nhà ở cho thuê, thuê mua. Nguyên nhân chủ yếu là do loại hình nhà ở này không có nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn lo lắng vì kinh doanh nhà ở cho thuê tiềm ẩn nhiều rủi ro, quá trình thu hồi vốn kéo dài. Hiện nay, chưa có chế tài bảo hộ cho nhà đầu tư khi người thuê nhà không có khả năng chi trả hoặc cố tình chây ỳ, không thanh toán tiền thuê nhà.

Từ tình cảnh bí bét của mảng nhà cho thuê, giật mình nhìn lại mới thấy câu chuyện phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng chẳng khác là bao. Đầu tiên, cũng vẫn là những lời động viên, hứa hẹn "đang rất thiếu, phải tập trung làm, sẽ được nhận nhiều ưu đãi"...

Thế nhưng, theo Bộ Xây dựng, sau gần 3 năm triển khai ồ ạt xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp (nhà giá rẻ), tổng số căn hộ được làm ra chỉ đạt... 1% kế hoạch.

Là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nhà dành cho người thu nhập thấp, nhưng những gì Hà Nội làm được cũng còn rất khiêm tốn. Tới nay, thành phố này đã cho phép triển khai tổng cộng 11 dự án. Trong đó, 6 dự án đã bốc thăm ký hợp đồng bán.

Cụ thể, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và bàn giao khoảng 3.750 căn hộ. Năm dự án còn lại mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Dài cổ chờ… "bánh vẽ"?

Tại Hà Nội, ngay với các dự án nhà thu nhập thấp đã huy động được một phần vốn từ người dân, các chủ đầu tư cũng "kêu như vạc" vì mắc kẹt với... chính sách.

Sở Xây dựng Hà Nội chứng thực khó khăn của doanh nghiệp khi cho biết, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp được áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ ngân hàng…

Song, sau gần 3 năm triển khai, các chính sách này đều chưa được áp dụng, kể cả với dự án có nhà đã xây xong, đã bán?! Tại Hà Nội, mới chỉ có một dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá (Gia Lâm) được vay vốn từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển, nhưng tiến độ giải ngân cũng rất chậm.

Hệ quả tất yếu của việc doanh nghiệp buộc phải vay từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao là giá thành của nhà thu nhập thấp giảm rất ít so với nhà thương mại (chỉ giảm do được miễn tiền sử dụng đất).

Đã vậy, do chưa có quy định bắt buộc về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà ở cho người thu nhập thấp (ngoại trừ quy định căn hộ không rộng quá 70m2) nên giá bán nhà có sự chênh lệch giữa các dự án khác nhau, gây ra bức xúc trong dư luận.

Cũng do những khúc mắc trong chính sách, hợp đồng mua bán nhà thường chỉ ghi "giá tạm tính" cũng khiến người mua thắc mắc. Sở Xây dựng Hà Nội cũng cảnh báo, giá nhà và tiến độ đóng tiền mua căn hộ thời gian qua đã vượt quá khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu thực sự.

Đáng tiếc, hiện nay cũng chưa có chính sách tài chính hỗ trợ cho người mua nhà.

Theo dự kiến, từ nay tới năm 2015, Thủ đô sẽ cần xây dựng khoảng 1,1-1,5 triệu m2 sàn, tương ứng 15.500 căn hộ dành cho người thu nhập thấp.

Ngoài ra, sẽ xây dựng ký túc xá cho 500.000 sinh viên (đáp ứng khoảng 60% nhu cầu), cộng thêm gần 28.750 căn hộ nữa cho 230.000 công nhân.

Nhu cầu thì khổng lồ vậy, nhưng cứ với cung cách này, liệu có doanh nghiệp nào dám tiếp tục xông pha để với tay lấy cái bánh khó ăn - nhà thu nhập thấp?

Phải có sự điều chỉnh

Nhớ lại câu chuyện về hạ giá nhà, cuối năm 2011, Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng đề xuất giảm từ 30-40% giá thành căn hộ nhà thu nhập thấp bằng việc miễn toàn bộ các loại thuế và phí liên quan đến chi phí xây dựng và sử dụng cơ chế cung cấp tín dụng ưu đãi.

Cụ thể, VAFI đề xuất các loại thuế được miễn gồm thuế VAT (10%) cho người mua nhà; thuế chuyển quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp; lệ phí trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về tín dụng ưu đãi, VAFI đề xuất cung cấp nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất dưới 10%/năm cho các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện thực hiện các dự án xây nhà thu nhập thấp và cho người mua nhà.

VAFI tin tưởng rằng, với những ưu đãi kể trên, người dân chỉ cần bỏ ra số tiền ban đầu từ 200-400 triệu đồng là có thể mua căn hộ với giá từ 350-700 triệu đồng! Đây có thể nói là con số mơ ước của hàng triệu người thu nhập thấp đang phải từng ngày đi thuê nhà ở. Thế nhưng, kiến nghị đó tới nay cũng chưa có lời đáp.

Nhìn vào thực trạng phát triển nhà ở thu nhập thấp hiện nay, một số chuyên gia nói thẳng, quy trình phát triển nhà xã hội rõ ràng chưa phù hợp.

Ở đây, thay vì phó mặc doanh nghiệp tự "bơi" (dẫn đến việc mỗi người bơi một kiểu), Nhà nước cần giao đầu bài cho các doanh nghiệp với một mức giá cụ thể.

Từ đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tự cạnh tranh với nhau trước khi đưa ra giải pháp tổng thể phù hợp, nhất là về công nghệ, để hạ giá thành nhà, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân đang mong muốn được an cư.  
(Theo DNSG)

Chuyển đổi công năng nhà ở - Cần có quy định cụ thể


Quy hoạch phát triển Tp.HCM là phải làm gì để khắc phục tình trạng bất cập khi chuyển đổi nhà ở sang các hình thức sử dụng khác? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS-KTS Võ Kim Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển Tp.HCM.
Chuyển đổi công năng nhà ở - Cần có quy định cụ thể | ảnh 1

Nhu cầu chuyển nhà ở sang kinh doanh rất lớn

Thưa ông, về nguyên tắc nhà ở có thể dùng vào các mục đích khác như làm trường học, nhà hàng, trụ sở văn phòng…?

Mỗi công trình có yêu cầu về kỹ thuật xây dựng rất khác nhau. Nhà ở có tiêu chuẩn xây dựng riêng của nhà ở, trường học, nhà hàng, bệnh viện… có tiêu chuẩn riêng của trường học, nhà hàng, bệnh viện...

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các công trình này với hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật xung quanh cũng không giống nhau. Trường học phải được đặt ở nơi có giao thông thông thoáng, đường đi rộng rãi để việc đi lại của học sinh, giáo viên và phụ huynh được dễ dàng, đặc biệt giao thông thuận lợi còn là điều kiện để giúp cho công tác đảm bảo trật tự an toàn cháy nổ được thực thi tốt hơn.

Không phải ngẫu nhiên, cách nay nhiều năm Tp.HCM từng có chủ trương mở rộng hẻm để khi gặp sự cố về cháy nổ thì người dân thoát thân dễ hơn và ngành chức năng cũng dễ xử lý hơn. Nhu cầu sử dụng điện, nước của trường học, nhà hàng, bệnh viện… tất yếu nhiều hơn nhu cầu sử dụng điện, nước của nhà ở riêng lẻ vì thế hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện cho các đối tượng này cũng phải khác nhau.

Như vậy, nhà ở không thể dùng cho các mục đích khác, thưa ông?

Tuy có kết cấu khác nhau giữa các loại nhà (nhà ở, bệnh viện, trường học…) và mối quan hệ giữa các loại nhà với môi trường xung quanh có khác nhau nhưng nếu được điều chỉnh thì nhà ở có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau.

Tp.HCM là thành phố đang phát triển, các phân khu chức năng chưa rõ ràng, thậm chí luôn thay đổi nên việc cấm không cho thay đổi mục đích sử dụng là không khả thi. Nhất là khi nguồn thu nhập của một bộ không nhỏ người dân còn phụ thuộc vào việc chuyển đổi này. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở mặt tiền các trục đường lớn của thành phố đều dùng mặt tiền nhà của mình để kinh doanh hoặc cho thuê một phần diện tích, thậm chí cho thuê hết cả nhà để tìm kiếm thêm thu nhập. Nhiều nhà trong hẻm cũng bắt đầu cho thuê để kinh doanh. Trong bối cảnh như vậy, cấm không những không khả thi mà còn có thể gây ra những xáo trộn lớn về mặt xã hội.

Chuyển đổi công năng nhà ở - Cần có quy định cụ thể | ảnh 2
Có ý kiến cho rằng Trường Ngoại ngữ Dương Minh nằm tại ngã tư Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu làm cho giao thông tại đây thêm phức tạp. Ảnh: DIỄM THY

Chuẩn hóa việc chuyển đổi công năng

Nói như ông có nghĩa: nếu có nhu cầu, người dân có thể chuyển đổi công năng nhà ở sang sử dụng với các mục đích khác?

Trước nhu cầu có thực và thậm chí rất lớn này của người dân, Nhà nước nên có quy định rõ ràng về việc chuyển đổi công năng từ nhà ở sang các mục đích sử dụng khác để người dân có thể tham khảo trước khi quyết định chuyển đổi công năng sử dụng nhà của mình. Quy định như vậy cũng là một cách giúp Nhà nước quản lý đô thị tốt hơn, hạn chế được những tiêu cực (nếu có) trong việc xin chuyển đổi công năng nhà ở.

Theo ông, quy định này sẽ được xây dựng theo hướng nào?

Nên có sự sắp xếp các loại nhà thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm hoàn toàn không bị cấm chuyển đổi công năng. Nhóm này có thể gồm các căn nhà mặt tiền phố… và khi thực hiện chuyển đổi công năng sang kinh doanh, chủ nhà hoặc chủ đơn vị kinh doanh chỉ cần có phương án tổ chức giao thông tốt, phương án xử lý nước thải, rác thải phù hợp với quy mô hoạt động của mình. Tất nhiên, phương án đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường của họ phải được cơ quan có chức năng xem xét, phê duyệt. Nhóm 2 là nhóm phải xin phép khi thực hiện chuyển đổi công năng. Ngành chức năng sẽ phải xem xét cụ thể từng trường hợp trước khi chấp thuận hay không chấp thuận cho chuyển đổi công năng. Và nhóm 3 là nhóm hoàn toàn không được chuyển đổi công năng.

Vậy việc phân nhóm nêu trên liệu có khả năng tạo ra cơ chế “xin-cho” đối với người dân khi họ muốn nhà của mình thuộc nhóm 1, nhóm 2 thay vì nhóm 3?

Nếu ngành chức năng chuẩn hóa ngay từ đầu nhà như thế nào thuộc nhóm 1 và nhà như thế nào thuộc nhóm 2 và 3 rồi công bố công khai cho người dân biết thì sẽ hạn chế được tình trạng xin- cho.

Tp.HCM kiểm tra việc sử dụng công năng một số công trình

Thực hiện chỉ đạo của UBND Tp.HCM, Sở Xây dựng vừa thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tình hình sử dụng công năng một số công trình ở khu vực trung tâm thành phố.

Nhiệm vụ này xuất phát từ nhiều nguồn tin cho rằng một số cao ốc ở khu vực trung tâm như tòa nhà Capital, Vincom, Kumho… không dành hết diện tích nhà xe để… để xe mà dùng một phần diện tích này làm nhà kho hoặc sử dụng vào mục đích khác. Nhiều xe đến giao dịch ở các tòa nhà này đã phải lưu đậu trên vỉa hè hoặc lòng đường, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông.

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, 3 đoàn kiểm tra đang triển khai công tác của mình song khảo sát bước đầu cho thấy, trong nhiều trường hợp do các chủ xe không chịu đưa xe vào lưu đậu ở bãi đậu xe của các tòa nhà vì phí lưu đậu ở đó cao hơn phí lưu đậu ngoài đường. Trong khi giá lưu đậu xe trên đường chỉ khoảng 5.000 đồng/ô tô thì trong các bãi đậu xe ngầm của các cao ốc, các khách sạn có thể lên tới 50.000 - 100.000 đồng/ô tô. Không có xe vào lưu đậu nên chủ các tòa nhà buộc phải dùng một phần diện tích bãi đậu xe còn trống sang làm việc khác. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại và các sở ngành liên quan sẽ xem xét đề xuất Tp.HCM hướng giải quyết.
(Theo SGGP)

Doanh nghiệp BĐS "xoay vốn" trong cơn bĩ cực


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận xét, việc NHNN cho phép các NHTM cơ cấu lại nợ cũ để doanh nghiệp BĐS có nhu cầu tiếp tục được vay mới đã mở ra khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Thông tin này được giới kinh doanh BĐS chờ đợi, nhưng đến nay, hy vọng được các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp BĐS vay đã giống như quả bóng xì hơi.

Lý do, giải pháp cứu doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) là vậy, song NHNN lại yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay chứng khoán và BĐS ở mức không quá 16% tổng dư nợ. Việc cho vay với 2 lĩnh vực này vẫn không được khuyến khích, trừ khoản cho vay để hoàn thiện các công trình, dự án phát triển nhà ở dở dang sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012.

Theo đại diện một DN BĐS, đặt BĐS ra ngoài vòng ưu đãi như vậy, chủ đầu tư khó có cửa vay thêm bởi hầu như các dự án dở dang cũng đều đã ít nhiều “dính” đến nợ ngân hàng. May mắn lắm, các chủ dự án BĐS cũng chỉ có thể tiếp cận, đàm phán được với ngân hàng trong việc tái cơ cấu lại các khoản nợ cũ. Sau thời gian dài phải gánh lãi suất cao từ khoản vốn đã vay của ngân hàng thời điểm thị trường BĐS rớt giá.

Doanh nghiệp BĐS "xoay vốn" trong cơn bĩ cực | ảnh 1
Một dự án căn hộ gặp khó khăn vì ngân hàng ngưng rót vốn giữa chừng. Ảnh: Đức Anh.

Thậm chí với những DN BĐS đã đưa cổ phiếu lên sàn, thì hội đồng quản trị và đại diện DN còn phải đối mặt với sức ép từ cổ đông, từ Sở Giao dịch chứng khoán do cổ phiếu mất giá hoặc rớt xuống dưới giá gốc. Từ đầu năm 2012 tới nay, các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh đã phải đồng loạt bằng cách này cách khác co cụm, thoái vốn khỏi dự án căn hộ, cao ốc để cắt lỗ.

Thông báo từ ông Trương Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Vạn Phát Hưng cho biết, đến tháng cuối quý 1 vừa qua, DN này đã hoàn thành việc cơ cấu khoản vay nợ trung hạn 150 tỷ đồng thành nợ dài hạn. Tổng cộng, khoản vốn vay tín dụng trung và dài hạn của DN này cũng đã lên tới 402 tỷ đồng.

Tương tự, các dự án của BĐS Khang Điền cũng đã tới 423 tỷ đồng vốn ngân hàng, trong đó phần không nhỏ trong số này phải chịu mức lãi suất 21 - 25% và phải đáo hạn trong năm nay. Sử dụng vốn vay nhiều thuộc về BĐS Hoàng Anh Gia Lai với tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tới 11.626 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.

Chỉ với vài dự án, nợ vay ngắn hạn của Savico cũng đã trên 235 tỷ và khoản nợ vay dài hạn cũng là 194 tỷ đồng. Tuy nhiên, với các khoản đã cho vay, việc giảm lãi suất của ngân hàng cho DN BĐS xem ra vẫn hết sức khó khăn, nhỏ giọt. Theo thông tin từ NHNN, hiện lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh là 14 - 18%/năm; với lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất cho vay vẫn ở mức 16,5 -20%/năm. Vay nợ mới đã khó, gánh lãi suất lại càng khó.

Theo ông Nguyễn Bá Đài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Intresco, DN này đã thực hiện xong các thủ tục thoái toàn bộ phần vốn góp với tỷ lệ 15,69% vốn điều lệ; tương đương với số tiền 26,35 tỷ đồng đã góp vào một DN khác để liên kết làm dự án tại Bình Dương.  

Tự tin rằng năm ngoái đã đạt doanh thu 1.039 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 103 tỷ đồng nên năm nay Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín vẫn kỳ vọng vào mức doanh thu 1.620 tỷ đồng và khoản lợi nhuận trước thuế là 110 tỷ đồng. BĐS Quốc Cường Gia Lai với mục tiêu doanh thu 885 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ, tăng hơn 3,8 lần do với năm ngoái. Nhỏ hơn, song BĐS Đất Xanh cũng đã nhắm tới con số doanh thu đạt 300 tỷ đồng với khoản lợi nhuận trước thuế là 70 tỷ trong năm nay…

Nhưng thiếu vốn để tiếp tục triển khai dự án cùng lúc với việc vừa phải chịu áp lực trả lãi suất cao, vừa lo đến hạn trả vốn vay trong năm nay, các chủ đầu tư dự án BĐS đã đồng loạt tìm cách tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu. Đã được sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ, song địa ốc Sài Gòn Thương Tín cũng đã quyết định phát hành thêm cổ phần (CP) để tăng vốn điều lệ thêm 40%.

Cụ thể, số lượng CP sẽ phát hành thêm là 57,2 triệu với số tiền thu về là 572 tỉ đồng. Các DN khác như BĐS Vạn Phát Hưng cũng đã có phương án phát hành thêm 13,85 triệu CP. Đồng thời, phát hành thêm khoảng 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi có thời hạn từ 1 - 3 năm nhằm bổ sung nguồn vốn.

“Thuyền lớn sóng lớn”, với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dù đã giảm mạnh tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS, nhưng trong năm nay, DN này vẫn cần khoảng 2.581 tỉ đồng cho việc trả 800 tỉ đồng nợ gốc; 1.738 tỉ đồng trả lãi và 3.712 tỉ đồng đầu tư cho các lĩnh vực khác ngoài BĐS. Gom được khoản vốn khổng lồ như vậy vấn đề không dễ, nên hiện đại gia này vẫn đang còn phải loay hoay thu xếp vốn. Thiếu vốn, nên ngay với khoản nợ thuế hơn ngàn tỷ đồng, DN này cũng phải dây dưa kéo dài cũng là điều dễ hiểu
(Theo CAND)

Căn hộ có thời hạn: Thiệt thòi thuộc về người mua?


Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) bắt đầu chú ý hình thức bán nhà có thời hạn, mặc dù thoạt nhìn có vẻ giá rất hấp dẫn, nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì mức giá này chẳng hề rẻ chút nào.

Mua mà hóa ra thuê

Chiêu thức mới toanh trong kinh doanh nhà đất được các chủ đầu tư bất động sản trên địa bàn Tp.HCM thời gian gần đây áp dụng đó là hợp đồng mua bán nhà có thời hạn từ 6 đến 12 năm. Thoạt đầu, người có nhu cầu nhà ở cảm thấy choáng ngợp với mức giá được nhà đầu tư chào bán cực kỳ hấp dẫn.

Cụ thể, dự án do một Tập đoàn có tên tuổi đầu tư nằm trên đường B1 và B2, phường 4, Tân Bình, Tp.HCM với diện tích 30m2, giá chỉ dao động từ khoảng hơn 150 đến hơn 290 triệu đồng tùy vào thời hạn sử dụng. Nếu người mua có nhu cầu diện tích khoảng 65m2, giá cũng chỉ dao động từ hơn 400 triệu đến hơn 700 triệu đồng.

Căn hộ có thời hạn: Thiệt thòi thuộc về người mua? | ảnh 1
Nền móng khá đơn giản của dự án căn hộ lắp ghép mà một chủ đầu tư
tại Tp.HCM vừa chào bán.

Bên cạnh mức niêm yết giá được xem là “bèo” như trên, điều làm người mua không khỏi chú ý đó là thời hạn sử dụng căn hộ sau khi mua quá ngắn, chỉ từ 6 đến 12 năm. Có mặt tại buổi chào bán dự án này mới đây, chị Hoài Thu (quận Phú Nhuận) tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi không ngờ thời gian sở hữu căn hộ lại quá ngắn như vậy, 6 năm hay 12 năm chỉ trôi qua trong nháy mắt. Mặc dù đang có nhu cầu về nhà ở và cũng vừa đủ túi tiền, nhưng tôi cũng phải suy nghĩ lại là có nên mua hay không”.

Đồng tình với chị Thu, anh Khởi (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Chúng tôi là những người có thu nhập trung bình thấp, tích góp lắm mới có đủ tiền mua căn hộ với mức giá này. Tuy nhiên, ở không được bao lâu thì căn hộ sẽ không còn thuộc sở hữu của mình nữa. Sau khi hết thời hạn, nếu giá nhà đất lên vùn vụt thì tiền đâu chúng tôi mua tiếp hay gia hạn hợp đồng!”.

Với mức giá khá mềm, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả những căn hộ tái định cư được UBND Tp.HCM dự định mua lại từ những dự án tồn đọng trước đây. “Với hàng loạt chiêu thức kinh doanh không ngờ tới của chủ đầu tư trong thời kỳ bất động sản đóng băng, việc đưa ra mức giá bán quá rẻ chưa chắc là điều đáng mừng cho người mua”, một chuyên gia môi giới có nhiều năm trong nghề nhận định.

Mấy ngày gần đây, giới đầu tư nhà đất trên địa bàn Tp.HCM bàn tán sôi nổi về chiêu thức mua bán nhà có thời hạn. Nhiều người tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi: Ai sẽ hưởng lợi từ những hợp đồng mua bán kiểu này?

Căn hộ có thời hạn: Thiệt thòi thuộc về người mua? | ảnh 2
Trong khi đó, nhiều dự án thuộc phân khúc trung bình – thấp khác vẫn đắp chiếu
vì không có người mua.

Lợi vẫn thuộc về người bán

Nhiều người trong nghề, thăng trầm với bất động sản nhiều năm trở lại đây đều cho rằng, đối với những dự án trung bình – thấp, với mức giá từ 12 – 16 triệu đồng/m2 vẫn tồn kho la liệt, người mua không thèm để mắt tới, cộng thêm tâm lý chờ giá xuống tiếp.

Nếu làm một phép tính đơn giản, những dự án căn hộ được xem là giá thấp nhưng sở hữu có thời hạn như trên cũng có giá từ 6 – 12 triệu đồng/m2 tùy vào thời gian sử dụng 6 hay 12 năm. Như vậy, cũng cùng mức giá 12 triệu đồng/m2 người mua vẫn có thể dễ dàng sở hữu một căn hộ vĩnh viễn.

Trong khi đó, đối với những dự án mà hợp đồng mua bán có thời hạn, để giảm đến mức tối đa chi phí đầu tư, nhiều chủ đầu tư chỉ thuê đất có thời hạn từ 20 – 30 năm. Thậm chí một số dự án chỉ xây nhà lắp ghép bằng dầm thép chứ không xây bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu.

Đơn cử, dự án 2 lốc chung cư trên đường B1 và B2, phường 4, Tân Bình, Tp.HCM, chủ đầu tư thuê lại miếng đất từ một đơn vị quân đội với thời gian 20 năm. Hai lốc chung cư 5 tầng này cũng được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép, thời gian từ khi khởi công đến khi hoàn thiện dự kiến chưa đầy 5 tháng.

Theo giới quan sát, việc thuê đất và xây dựng bằng phương pháp lắp ghép sẽ giảm đáng kể chi phí cho chủ đầu tư như chi phí lập dự án, chi phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí đền bù giải tỏa… “Với mức giá chào bán từ 6 – 12 triệu đồng/m2 – tương đương mức giá thị trường tại cùng thời điểm – nhà đầu tư dễ dàng thu hồi vốn ngay tức thời”, một chuyên gia nhận định.

Hơn nữa, sau khi hết thời hạn hợp đồng mua bán, tức từ năm thứ 6 trở đi (hoặc năm thứ 12 trở đi) nhà đầu tư có quyền thu hồi dự án và chào bán cho người khác với mức giá thị trường tại thời điểm đó. Đây là một lợi thế rất lớn cho chủ đầu tư đối với hình thức mua bán này. Và tất nhiên, thiệt thòi vẫn thuộc về người mua.
(Theo Tổ quốc)

Đà Nẵng: Đề xuất xây 6 dự án theo hình thức PPP


Vừa qua, Đà Nẵng đã đưa ra danh mục 6 dự án về cơ sở hạ tầng đề xuất Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) hỗ trợ nghiên cứu theo hình thức mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Đà Nẵng: Đề xuất xây 6 dự án theo hình thức PPP | ảnh 1
Theo đó, 6 dự án được UBND TP.Đà Nẵng đề xuất với IFC, bao gồm:

Cụ thể là dự án xây dựng Nút giao thông khác mức tại nút Ngã ba Huế quy mô đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại 3 khu vực là khu nhà hàng tiệc cưới Bắc Đài tưởng niệm, Công viên 29-3, Khu vực nút giao thông đường Đống Đa- Trần Cao Vân - Ông Ích Khiêm.

Dự án phát triển mạng lưới xe bus TP.Đà Nẵng quy mô hơn 22 triệu EUR, mục đích giảm thiểu khí thải, giảm áp lực đối với nhu cầu sử dụng đất và không gian đường bộ, giảm ách tắc giao thông, thiệt hại kinh tế, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.

Dự án xử lý bùn trên địa bàn TP.Đà Nẵng với quy mô vốn 60,8 tỷ đồng, công suất dự kiến 500m3/ngày với sản phẩm chủ yếu là phân vi sinh, nhằm mục đích đáp ứng 100% nhu cầu xử lý bùn thải trên địa bàn thành phố đồng thời giảm chi phí xử lý nước thải từ phân bùn bể phốt và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường.

Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu quy mô vốn 400 triệu USD, xây dựng cầu tàu container 30.000 DWT dài 250m, sâu 9m, xây dựng cầu tàu hàng hóa 10.000 DWT, dài 320m, sâu 7,5m nhằm vận chuyển hàng hóa ra quốc tế cho tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dự án mở rộng hệ thống kết nối không dây của thành phố với quy mô vốn 42 tỷ đồng nhằm mở rộng hệ thống Public Wifi tại các khu vực tập trung đông dân cư trong nội đô thành phố ngoài các khu vực đã triển khai là hai bên bờ sông Hàn, khu vực ven biển, các khu công cộng.
(Theo Tiền Phong)

Khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài


Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với đơn vị tư vấn P&T (Hồng Kông), Công ty TNHH Motor NA Việt Nam và Sở QHKT khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến.

Giá cổ phiếu BĐS lại "lao dốc"


Bất chấp ngành bất động sản đang chìm ngập trong khó khăn, giá nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn tăng mạnh trong đợt sóng vừa qua. Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây khi thị trường chứng khoán đảo chiều thì giá nhiều cổ phiếu bất động sản đã lao dốc không phanh.

Nhiều mã chứng khoán bất động sản bị cảnh báo


Kết quả từ Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM cho thấy, phiên giao dịch ngày 17/5/2012 có khá nhiều mã cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, vật liệu xây dựng bị đưa vào diện cổ phiếu bị cảnh báo hoặc kiểm soát.

Việc cho thuê lại nhà của nhà nước là do khó khăn về kinh tế


Vừa qua, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã ký văn bản phúc đáp Báo Dân trí về vụ “Kiếm tiền tỷ từ việc cho thuê lại nhà của nhà nước”.
>>Kiếm tiền tỷ từ việc cho thuê lại nhà của nhà nước

Việc cho thuê lại nhà của nhà nước là do khó khăn về kinh tế | ảnh 1
Công văn của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội gửi Báo Điện tử Dân trí (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Thuê được đất vàng của nhà nước

Công văn số 959/CTQL&PTN-QL ngày 15/5/2012 của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội gửi Báo Dân trí nêu rõ: Ngày 3/5/2012, Báo Điện tử Dân trí có đăng bài “Kiếm tiền tỷ từ việc cho thuê lại nhà của nhà nước” của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động có hợp đồng thuê nhà của Nhà nước tại 80 Hàng Gai.

Ngày 4/5/2012, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm đã phối hợp cùng UBND, Công an phường Hàng Gai và đại diện của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động kiểm tra diện tích thuê nhà tại 80 Hàng Gai.

Qua kiểm tra xác minh, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội báo cáo và trả lời như sau:

Thực hiện Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 3/10/2008 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành giá thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước cho các đơn vị, tổ chức thuê làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã thực hiện ký hợp đồng thuê nhà đất số 218 ngày 12/8/2009 cho Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động, có diện tích thuê 218,29m2 nhà và 239,46m2 đất, đã được Sở Xây dựng Hà Nội đăng kiểm ngày 15/9/2009.

Tại buổi kiểm tra hiện trạng sử dụng diện tích thuê của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động cho thấy: Diện tích sàn xây dựng tầng 1 mặt phố 86,42m2 chính và 74,13m2  diện tích tầng 1 tự tạo phía trong hiện Công ty Sản xuất & Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ đang sử dụng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Diện tích này do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam điều chỉnh sử dụng.

Diện tích sàn xây dựng tầng 1 phía trong rộng 99,99m2; 2 tầng mặt phố rộng 31,88m2 và diện tích tự tạo 126,17m2 tầng 1+2, hiện Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động đang sử dụng để làm việc.
Việc cho thuê lại nhà của nhà nước là do khó khăn về kinh tế | ảnh 2
Việc cho thuê lại nhà của nhà nước là do khó khăn về kinh tế | ảnh 3
Phiếu thu và giấy ủy nhiệm chi liên quan đến việc cho thuê nhà 80 Hàng Gai (Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Cho thuê lại vì khó khăn về tài chính

Trong buổi làm việc trên, ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động giải trình:

Khi mới lên lắm quyền Tổng Giám đốc, Công ty khó khăn về tài chính, nên ngày 24/1/2011, Công ty tổ chức họp cán bộ chủ chốt và thống nhất chủ trương tìm kiếm đối tác để liên kết kinh doanh tại 80 Hàng Gai. Vì vậy, ngày 11/2/2011, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 08/11 với Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Đại Dương nhằm mục đích khai thác địa điểm tại 80 Hàng Gai.

Sau khi nghiên cứu các quy định trong hợp đồng thuê nhà số 218 ngày 12/8/2009 với Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho thấy Công ty không được phép cho thuê lại hay liên doanh liên kết với các đơn vị khác. Do vậy, ngày 15/3/2011, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động đã có công văn đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Đại Dương thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền góp vốn liên doanh…

Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – thương mại và xuất khẩu lao động cam kết sử dụng đúng mục đích hợp đồng thuê nhà, không cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào thuê lại diện tích tại 80 Hàng Gai, nếu sai phạm Công ty sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
(Theo Dân trí)

Ban hành hướng dẫn mới về chuyển đổi hình thức đầu tư dự án


Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 3263/BKHĐT-PC hướng dẫn về việc lựa chọn dự án phải chuyển đổi hình thức đầu tư, sau khi không còn được nhận vốn từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ. Đây là một nỗ lực quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đầu tư công.
Ban hành hướng dẫn mới về chuyển đổi hình thức đầu tư dự án | ảnh 1
Theo đó, dự án được lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư là dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, nhưng không đủ nguồn vốn bố trí tiếp và thuộc lĩnh vực đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và PPP đã được quy định tại Nghị định số 24/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT và Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP ban hành kèm theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg).

Chỉ những dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư; các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất; các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới được phép chuyển đổi sang các hình thức BOT, BTO, hay BT. Chỉ chuyển đổi theo hình thức hợp đồng BOT hoặc PPP đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn đầu tư. Với hình thức BT, phải đảm bảo các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác hoặc để tạo nguồn vốn thanh toán.

Nếu lựa chọn chuyển đổi dự án sang hình thức BOT hoặc PPP, các bộ, ngành, địa phương có thể rút toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư vào công trình hoặc tiếp tục giữ lại vốn đã đầu tư để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án. Nếu phần vốn Nhà nước đã đầu tư vượt quá tỷ lệ quy định hiện hành, các bộ, ngành, địa phương có thể rút một phần vốn đã đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận... Thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư và thực hiện dự án cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể tại văn bản này.
(Theo SGGP)

Đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản nhà nước


Chính phủ xác định, đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản nhà nước, còn nhà là loại tài sản giữ vị trí quan trọng và chiếm vị trí thứ hai trong tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước.
Tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý và sử dụng khoảng 1.512,8 triệu m2 với tổng giá trị trên 597 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,50% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước là con số tại báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội.

Đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản nhà nước | ảnh 1
Chính phủ nhìn nhận, tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Phân tích chi tiết, khối cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng 269,61 triệu m2, chiếm 17,82%. Khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 1.229,37 triệu m2, chiếm 81,26%. Khối các tổ chức quản lý, sử dụng 13,83 triệu m2, chiếm 0,92%.

Chính phủ xác định, đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản nhà nước, còn nhà là loại tài sản giữ vị trí quan trọng và chiếm vị trí thứ hai trong tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước. Khác với đất đai, tài sản là nhà chủ yếu được ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, mua sắm qua các thời kỳ.

Theo báo cáo, tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng trên 110,83 triệu m2 với tổng nguyên giá theo sổ kế toán trên 150 nghìn tỷ đồng chiếm 18,97% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước, tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán 90 nghìn tỷ đồng (bằng 60% tổng nguyên giá).

Báo cáo chú thích rằng, giá trị quyền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, giá đất thực tế trên thị trường thường cao hơn khá nhiều.

Ở phần tổng quan tình hình quản lý sử dụng tài sản nhà nước, bản báo cáo đã cho biết một số thông tin về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại nhà, đất trên địa bàn Tp.HCM, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai áp dụng trên phạm vi cả nước.

Theo chính sách này, toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được bố trí, sắp xếp lại theo nguyên tắc: cơ quan, đơn vị được chủ động sắp xếp lại nhà, đất được giao theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; số nhà, đất dôi dư được phép bán, chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng; nếu bố trí, sử dụng sai mục đích mà không thực hiện sắp xếp lại thì thu hồi.

Đến nay Tp.HCM cơ bản hoàn thành việc sắp xếp với trên 12 nghìn cơ sở được sắp xếp lại. Trong đó bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 1.589 cơ sở, chuyển mục đích 237 cơ sở, do sử dụng không có hiệu quả thu hồi 380 cơ sở.

Tổng số tiền thu được trên 22 nghìn tỷ đồng chủ yếu được đầu tư trở lại cho các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước còn chậm, chủ yếu mới tập trung thực hiện tại Hà Nội và Tp.HCM song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc sắp xếp lại trụ sở của cơ quan Trung ương tại Hà Nội, các trường học, bệnh viện, cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn chưa được thực hiện tập trung, quyết liệt theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất rất phức tạp, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan còn lỏng lẻo.

Phần giải pháp thực hiện có hiệu quả luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Chính phủ đã xác định việc đẩy mạnh công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước nhằm sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn quỹ nhà, đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch sử dụng đất, chỉnh trang đô thị.
(Theo VnEconomy)

Ngân hàng hết "thủng đáy" thì BĐS mới được "nhờ"?


Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm.
Vào đầu tháng 5/2012, NHNN đã quyết định tiến thêm một bước, tuy chỉ là biện pháp sau tối ưu, là đặt thêm trần lãi suất cho vay 15% cho bốn khu vực ưu tiên (xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp) nhằm giảm mặt bằng lãi suất chung cũng như biên độ lãi suất đang quá cao của một số ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó vay được ở mức mới này. Một phần vì vài ngân hàng vẫn “đi đêm” huy động trên mức trần 12% (khoảng 14-15%), do đó khó cho vay lại ở mức thấp. Phần khác, nhiều ngân hàng lớn vẫn đòi thêm phí cao.

Ngân hàng hết "thủng đáy" thì BĐS mới được "nhờ"? | ảnh 1
Ảnh minh họa

Cần nhắc lại là trong một thời gian dài trước khi áp đặt trần lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn chỉ phải trả lãi 12% cho vốn huy động của đa số dân cư, nhưng lại được cho vay với lãi suất thỏa thuận, có lúc lên trên 20% - mức lợi biên lãi suất (Net Interest Margin - NIM) quá cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, vài ngân hàng lớn còn được hưởng lợi ích lớn hơn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất khá cao trong thời gian dài do vấn đề thanh khoản.

Gốc vấn đề ở đâu?

Vấn đề chính đã được biết rõ là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu liên quan đến thị trường bất động sản, vốn đã bị đóng băng kể từ năm 2009. Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm. Bên cạnh đó, điều kiện cho vay chặt chẽ cũng hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu tình trạng xấu của thị trường bất động sản còn kéo dài đến năm 2014-2015 như nhiều quan sát viên tiên đoán, các vấn đề ngân hàng còn khó gỡ trong lâu dài. Tuy nhiên, theo thông tin của NHNN, các khoản nợ xấu hiện có giá trị khoảng 4,3 tỉ đô la Mỹ và chỉ tập trung ở chín ngân hàng vốn đã được xác định và giám sát chặt chẽ bởi NHNN.

Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thực hiện với tổng chi phí ước lượng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ (dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng để giải quyết nợ xấu và thanh khoản), tương đương 3,6% GDP. Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu các giải pháp để giải quyết những khoản nợ xấu, trong đó có khả năng vay vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hoặc thậm chí là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Vừa qua, việc sáp nhập ba ngân hàng phía Nam hay chuẩn bị sáp nhập vài ngân hàng nhỏ khác chỉ là biện pháp “chữa cháy” tạm thời trong năm 2012. Về lâu dài, phải có các phân tích và cải cách sâu rộng hơn nếu muốn chữa tận gốc vấn đề của hệ thống ngân hàng, trước khi giải cứu bằng biện pháp tái cấp vốn. Nếu chưa định rõ các nguyên nhân gốc cần cứu chữa cho các ngân hàng, số tiền tái cấp vốn dù là 4 tỉ đô la Mỹ (theo ước tính của NHNN để giải quyết nợ xấu ngân hàng) hay 12-13 tỉ đô la (ước tính của Fitch Rating’s) cũng chỉ như đổ tiền vào một hệ thống “thủng đáy”, vài năm sau các vấn đề hệ thống và nhu cầu tái cấp vốn sẽ lại xuất hiện.

Các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết

1. Vấn đề mất cân đối giữa chi tiêu và để dành trong nền kinh tế đã gây ra lạm phát quá cao suốt năm năm qua (2007-2011). Ưu tiên chính sách trước hết vẫn phải là giảm lạm phát, nhưng không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao nữa, mà là cắt giảm các khoản chi tiêu công khổng lồ vẫn đang tiếp tục chảy vào các doanh nghiệp nhà nước ưu đãi, các dự án lớn mà hiệu quả thấp, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất kém hiệu quả kinh tế.

Riêng trong năm qua, cho tới tháng 4/2012, đã có trên 14.000 dự án mới được khởi công. Như vậy đầu tư công vẫn dàn trải và chính sách tài khóa vẫn chưa được thắt chặt như các lời tuyên bố của giới hữu trách ngân sách.

2. Tình trạng đình đốn sản xuất từ quí 4/2011 đến nay đang kéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và gây khốn đốn cho nhiều doanh gia có tâm huyết với sản xuất vì thiếu tiếp cận tín dụng.

3. Đặc biệt là các biện pháp hành chính của NHNN nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” đang được lầm tưởng là có tác động tốt cho toàn nền kinh tế hay dân cư, chẳng hạn như tỷ giá tạm ổn định, lãi suất có xu hướng giảm... Thực ra, nếu phân tích kỹ thì các dấu hiệu trên chỉ mang tính tạm thời, thiếu bền vững.

4. Dù lãi suất đang đi đúng hướng, nhưng việc tiếp cận tín dụng cũng còn giới hạn. Việc duy trì các trần lãi suất cũng như việc phân loại ngân hàng để phân bổ hạn mức tín dụng vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi trong giới quan sát kinh tế về hiệu quả thật sự, lâu dài của các biện pháp cải cách của NHNN. Hy vọng NHNN có thể loại bỏ các trần lãi suất vào quí 3-2012 như giải pháp tối ưu, vì chỉ thị trường mới giúp tìm ra và giải quyết tận gốc vấn đề “thủng đáy” của các ngân hàng. n

Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm.
(Theo TBKTSG)

Tranh chấp tại chung cư: Do khó phân định sở hữu chung - riêng


Việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân sống tại các khu chung cư được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân căn bản nhất có lẽ chính là việc nhiều nhà đầu tư đang cố tình hiểu sai, không thực hiện và làm đúng theo quy định của pháp luật.
Việc phân định phạm vi sở hữu các không gian chung - riêng trong các tòa chung cư đã diễn ra trong thời gian dài nhưng vẫn thiếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng...

Tranh chấp tại chung cư: Do khó phân định sở hữu chung - riêng | ảnh 1
Tòa nhà Golden Westlake (Ảnh: Vnexpress)

Tòa nhà chung cư cao cấp Golden Westlake đã vận hành được gần 6 năm cũng là thời gian xảy ra những tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư. Việc tuyên bố quyền sở hữu riêng đối với khu vực lối đi lại tại hai tòa nhà, tại tầng hầm để xe chính là nguyên nhân gây tranh cãi trong thời gian dài. Đặc biệt, người dân đã phản ứng mạnh mẽ khi chủ đầu tư nâng mức phí trông giữ xe cao hơn quy định của UBND thành phố Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Tổ Phó tổ dân phố 151, cụm 6, phường Thụy Khuê cho biết: "Tại khu chung cư chung sư cao cấp vào bậc nhất của Hà Nội hiện nay như Golden Westlake, nhưng chúng tôi không có lấy 1 m2 làm chỗ sinh hoạt chung cho cộng đồng."

Giải quyết và trả lời về sự việc này, lãnh đạo sở Xây dựng Hà Nội cho rằng sự việc nảy sinh mâu thuẫn do quá trình ký kết hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và người dân, thông thường thì chủ đầu tư thuê luật sư soạn thảo những điều khoản hết sức chặt chẽ và đẩy thiệt hại về phía người dân."

Theo ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế, sở Xây dựng Hà Nội: "Khi người dân phải đóng phí cao họ nghĩ rằng chủ đầu tư hưởng lợi, trong khi người dân đã phải trả tiền nhà, và phải có diện tích sinh hoạt chung. Để giải quyết vấn đề này theo tôi cần sự minh bạch trong việc quản lý và khai thác tòa nhà."

Khi chúng tôi làm việc với văn phòng luật sư Hoàng Hải và Cộng sự, hiện đang là đại diện bảo vệ quyền lợi cho cư dân tại khu chung cư Golden Westlake, luật sư Hoàng Hải khẳng định chủ đầu tư tòa nhà đang có dấu hiệu vi phạm luật Nhà ở và các quy định của pháp luật: "Việc chủ đầu tư tự ý tuyên bố tầng hầm là thuộc sở hữu riêng của họ, chúng tôi thấy không có căn cứ pháp lý. Bởi theo luật Nhà ở và Nghị định hướng dẫn thi hành luật đều không có khái niệm nào nói rằng tầng hầm để xe là thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư, mà chỉ nói: Một là nó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung cư và hai là nó thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư."

Cũng theo phản ánh của người dân, hai lối vào hai tòa nhà phía Đông và phía Tây của khu chung cư theo như bản vẽ phương án thiết kế tòa nhà được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội xác nhận ngày 26/10/2005, nhưng hiện nay chủ đầu tư tòa nhà Golden Westlake đã xây bịt hai lối vào này, sảnh phía Đông của tòa nhà đã làm văn phòng cho thuê, và sảnh phía Tây đang trong quá trình hoàn thiện để chuyển đổi công năng sử dụng. Hiện tại ngoài lối đi chung ở sảnh chính, người dân muốn về nhà mình sẽ phải đi qua hành lang của khu đổ rác.

Ông Nguyễn Trường Luyện, Tổ dân phố 151, cụm 6, phường Thụy Khuê cho biết: "Những diện tích chung đã bị xâm phạm, không đảm bảo vấn đề đi lại, thoát hiểm không xứng tầm của một chung cư cao cấp."

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hải và Cộng sự: "Trong thiết kế của tòa nhà Golden Westlake, có 3 lối đi bao gồm lối đi ở giữa và hai lối đi ở hai đầu hồi gắn liền với thang máy của hai tòa nhà Đông - Tây. Do vậy, chức năng của nó là dùng làm lối đi chung, mà lối đi chung thì theo quy định của luật Nhà cũng thuộc sở hữu chung, chủ đầu tư không được phép chuyển đổi công năng của nó và chuyển thành sở hữu riêng của họ."

Ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng quản lý kinh tế, sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: "Việc chuyển đổi công năng phải theo quy định của pháp luật, chứ không phải anh thích chuyển đổi là được. Tuy nhiên, nếu diện tích đó từ trước đến nay đã là văn phòng cho thuê mà chủ đầu tư mở ra làm đường cho dân đi thì chủ đầu tư bịt lại là quyền của chủ đầu tư. Nếu là lối đi chung mà chủ đầu tư bịt lại là sai luật."

Hệ thống luật được ban hành và văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có hiệu lực từ nhiều năm nay. Việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân sống tại các khu chung cư được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân căn bản nhất có lẽ chính là việc nhiều nhà đầu tư đang cố tình hiểu sai, không thực hiện và làm đúng theo quy định của pháp luật. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và có những biện pháp xử lý nghiêm để không còn những sự việc tương tự diễn ra.      
(Theo VTV)

Nan giải việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ


Tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, hiện có hơn 100 nghìn hộ dân đang sống ở các khu chung cư được xây dựng từ trước năm 1991, trong đó có hơn 200 khối nhà chung cư bị xuống cấp nghiêm trọng.
Việc xây dựng lại và cải tạo các khu chung cư xuống cấp này mặc dù được triển khai từ nhiều năm nay nhưng kết quả không được như mong đợi.

Hà Nội hiện có 982 nhà chung cư cũ 4-5 tầng do thành phố quản lý, ngoài ra còn có 173 nhà chung cư, nhà tập thể khác do Công ty TNHH một thành viên Ðầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) quản lý. Trong đó có 11 công trình nhà chung cư nguy hiểm cấp D, cần tổ chức di dời, cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở. Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng, chỉ cần có động đất khoảng cấp 6, hàng loạt chung cư cũ của Hà Nội xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước sẽ bị nguy hiểm. Hầu hết các khu tập thể (KTT), chung cư đó đã 40-50 năm tuổi, đều đến giai đoạn xuống cấp, cần phải phá đi xây mới để bảo đảm an toàn.

Song, cho đến nay, Hà Nội mới cải tạo 11 chung cư, phần lớn vẫn đang trong giai đoạn thi công, tương đương... 1% số lượng các công trình cần xây dựng, cải tạo lại.
Nan giải việc xây dựng, cải tạo chung cư cũ | ảnh 1
Trong khi đó, tại Tp.Hồ Chí Minh, đến nay mới cải tạo được 54 lô chung cư. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh hiện có 1.022 chung cư, trong đó có 570 chung cư được xây dựng trước năm 1975. Phần lớn các chung cư này đều hết hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng và tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như quận 10, quận 3, quận 5. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Danh cho biết: Giai đoạn 2011-2015, Tp.Hồ Chí Minh sẽ cải tạo khoảng 156 chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xây dựng lại và cải tạo các chung cư xuống cấp trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc. Khó khăn hiện nay là chưa có nhiều nguồn vốn với lãi suất thấp, ổn định để hỗ trợ chương trình này, nhằm thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, một số chung cư cũ có vị trí bất lợi, xen lẫn trong các khu dân cư hiện hữu, diện tích đất nhỏ nên việc cải tạo, đầu tư xây dựng lại trong khuôn viên cũ không đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Phần lớn các chung cư cũ lại không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như nhà giữ xe, nơi sinh hoạt cộng đồng, trường học, diện tích căn hộ thì quá nhỏ cho nên khi xây dựng mới theo tiêu chuẩn hiện hành thì căn hộ dôi dư không nhiều, hiệu quả kinh tế không cao, vì vậy khi kêu gọi đầu tư, không có DN nào tham gia.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, hầu hết các chung cư cũ bị hư hỏng cần cải tạo, xây dựng lại chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm của các thành phố lớn, có vị trí thuận lợi, nếu có phương án đầu tư, khai thác hợp lý sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, khu vực trung tâm của các đô thị thường là nơi có mật độ dân cư cao, cần hạn chế phát triển về dân số nhằm tránh tình trạng quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, các dự án không giải phóng được mặt bằng là do người dân đòi diện tích tái định cư tại chỗ tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần, cao hơn so với quy hoạch của thành phố (1,3 lần) mới chịu di dời. Và để đáp ứng yêu cầu trên thì cải tạo một khu nhà 5 tầng, DN phải xây cao 10 tầng mới có lãi. Nhưng theo quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu vực bốn quận nội thành không được xây cao tầng để hạn chế áp lực đến giao thông đô thị... trong khu vực. "Những mâu thuẫn nêu trên khiến chương trình cải tạo chung cư cũ bị "giậm chân tại chỗ" nhiều năm nay", ông Tuấn nhấn mạnh.

Mặt khác, cơ chế về bồi thường, giải phóng mặt bằng mới chỉ khuyến khích các chủ sở hữu căn hộ chung cư cũ được tái định cư tại vị trí cũ mà chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân di chuyển tới các dự án ngoài khu vực trung tâm. Ngoài ra, do khó khăn về vốn, công tác điều tra, khảo sát các khu nhà ở cũ rất phức tạp nên các địa phương chủ yếu thực hiện việc chọn chủ đầu tư trước và giao các chủ đầu tư tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, thực hiện lập quy hoạch khu vực cần cải tạo. Ðây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các chủ sở hữu căn hộ thiếu tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, không đồng thuận về phương án cân đối tài chính dự án của chủ đầu tư.

Một số DN muốn đầu tư cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ nên bằng mọi giá thực hiện thỏa thuận với dân. Nhưng trong quá trình thỏa thuận, phát sinh rất nhiều ý kiến của người dân, đặc biệt là đòi hỏi quyền lợi về diện tích nhà tái định cư, các khoản phí hỗ trợ... Sau đó, DN lại quay lại tạo sức ép với thành phố để nâng cao tầng, bảo đảm tái định cư. Ðây là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các DN. Ðấy là chưa kể các DN thường chỉ quan tâm thực hiện cải tạo riêng lẻ từng khối nhà chung cư cũ nằm ở các vị trí có khả năng sinh lợi cao mà chưa triển khai cải tạo theo mô hình dự án tổng thể, đồng bộ.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng cho rằng: Không thể thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ với cách làm như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, nếu quyết liệt thực hiện thì có thể hoàn thành trong 10 năm tới. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, sẽ sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội.
(Theo Nhân dân)

Nhà thu nhập thấp không hấp dẫn: Do chính sách không được thực hiện?


Cả lãnh đạo Bộ Xây dựng và các DN đã phản ánh một thực tế buồn về chính sách phát triển nhà thu nhập thấp với thực trạng đề ra nhưng không thực hiện là nguyên nhân khiến việc xây nhà cho người thu nhấp thấp không được như mong đợi.
Tuần qua, Bộ Xây dựng đã đạt được một thỏa thuận với ngân hàng về một gói tín dụng 2000 tỷ đồng với lãi suất thấp bằng lãi suất vay vốn ưu đãi của Chính phủ từ Ngân hàng phát triển Việt Nam để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở công nhân.

Bộ Xây dựng hy vọng, tiếp theo sẽ có thêm nhiều ngân hàng tham gia bơm vốn giá rẻ cho các DN, từ đó tạo nên một bước đột phá mới cho chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Mong đợi như thế  cũng là dễ hiểu nếu biết rằng; đến cuối năm mới chỉ có khoảng 8.000 người được dọn đến nhà mới tại các dự án nhà thu nhập thấp. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2011 cả nước có 42 dự án nhà cho người thu nhập thấp khởi công, đáp ứng cho khoảng 73.000 người. Nhưng việc tiến độ xây dựng ì ạch, giá cả lại tăng cao khiến người dân rất thất vọng. Con số này chỉ hơn 1% kế hoạch đề ra.

Ngay tại buổi lễ ký kết, ngoài đại diện Bộ Xây dựng thì cũng có mặt nhiều các DN xây dựng từ các tập đoàn lớn cho đến các DN tư nhân, từ những DN đang có dự án triển khai đến những đơn vị mới có ý định tham gia. Tất cả đều bày tỏ mong muốn tham gia để sớm vay được vốn rẻ để xây dựng nhà và cam kết sẽ giảm giá nhà thu nhập thấp xuống thấp hơn nữa.

Thái  độ hào hứng của nhiều DN trước sự kiện này đã cho thấy khó khăn trong phát triển nhà thu nhập thấp từ vốn cho tới chính sách ưu đãi.  Ngay tại  đây, cả lãnh đạo Bộ Xây dựng và các DN đã phản ánh một thực tế buồn về chính sách phát triển nhà thu nhập thấp với thực trạng đề ra nhưng không thực hiện là nguyên nhân khiến việc xây nhà cho người thu nhấp thấp không được như mong đợi.
Nhà thu nhập thấp không hấp dẫn: Do chính sách không được thực hiện? | ảnh 1
Trước hết là vốn, theo chính sách thì các chủ đầu tư xây nhà thu nhập thấp sẽ được xay vốn  ưu đãi của Chính phủ từ Ngân hàng Phát triển với lãi suât thấp hơn nhiều so với mặt bằng. Tuy nhiên, dù đã có hàng loạt dự án được triển khai với nhu cầu vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng ngân hàng này chỉ đáp ứng được mấy trăm tỷ nhưng cũng giải ngân chậm và nhỏ giọt. Các dự án muốn triển khai đành phải chấp nhận đi vay vốn ngân hàng với lãi suất thương lên đến 19 - 20%.

Cũng theo quy định, các chủ đầu tư áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế TNDN... Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế cũng chỉ thực hiện được năm đầu nằm trong thẩm quyền của Chính phủ, còn các năm tiếp theo thì phải trình cấp cao hơn quyết định nhưng việc này còn phải chờ.

Thiết thực nhất là miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định thì DN phải được giao đất sạch nhưng chỉ một vài địa phương cấp tỉnh thực hiện được. Còn tại thành phố lớn như Hà Nội thì chủ đầu tư phải gánh cả tiền đền bù với chi phí rất cao...

Chính vì  thế, đã khiến cho giá nhà thu nhập thấp bị  đẩy lên quá cao, sát với giá thị trường. Thậm chí, có dự án ở Hà Nội cao ngang ngửa dự án nhà thương mại ở Tp Hồ Chí Minh. Vì thế mới có cảnh, người thu nhập thấp vất vả tranh nhau để đăng ký được suất mua nhà, đến khi có nhà thì bỏ chạy vì không có đủ tiền mua vì giá nhà quá cao.

Với nguồn vốn mới và cam kết lãi suất thấp như gỡ được cái khó cho DN nên nhiều chủ dự án đã tuyên bố có thể giá nhà có thể giảm từ  12 - 18%. Thậm chí có những chủ đầu tư cam kết giá nhà chung cư thu nhập thấp ở các tỉnh sẽ xuống dưới 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều DN lớn cũng cho biết, họ sẽ tham gia đầu tư nhà  chung cư thu nhập thấp, nhà công nhân khi nhận  được các hỗ trợ như trên.

Mới chỉ  một nguồn vốn 2000 tỷ, còn ít so với nhu cầu vốn hàng chục ngàn tỷ cần để phát triển nhà thu nhập thấp nhưng đã kích thích được rất nhiều DN. Bất chấp, hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai...  vẫn chưa được tháo gỡ và thị trường nhà đất vẫn chưa hề có  dấu hiệu khởi sắc.

Tác động tích cực là thế, mà nhà thu nhập thấp thì đâu có thuộc lĩnh vực hạn chế cho vay mà sao sao điều này không được làm sớm hơn để thúc đẩy một chương trình lớn, có nhiều ý nghĩa mà phải chờ đến khi BĐS khó khăn, DN sắp phá sản... mới có được những sáng kiến đầu tiên. Vậy điều gì thôi thúc sự chuyển hướng này của DN và ngân hàng?. Đây dường như không hẳn là sự tự nguyện hoàn toàn mà trước hết cũng là vì sự sống còn của chính mình.

Điều này có thể nhìn thấy từ chính thực tế kinh tế khó khăn, khiến các DN không dám vay vốn, tín dụng của các ngân hàng liên tục suy giảm, nguồn vốn tồn đọng tăng cao trong khi đó lợi nhuận sụt giảm còn rủi ro tăng lên. Chính các ngân hàng cũng đã từng kêu ca là tìm được địa chỉ giải ngân hiện nay không hề dễ, vốn tồn đọng vốn không biết đổ vào đâu ngoài việc ôm tiền đi mua trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp. Vì thế, chọn được đối tượng để cho vay như các dự  án nhà thu nhập thấp, bên cạnh các ý nghĩa xã hội thì các ngân hàng cũng đã chọn được một địa chỉ rót vốn an toàn, thu hút được một lượng khách hàng lớn về mình.

Còn đối với các DN, đúng như lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ thì  vay được vốn, đầu tư cho nhà thu nhập thấp dù lợi nhuận không cao nhưng trong điều kiện hiện nay thì có việc làm, duy trì được hoạt động đã là điều tốt lắm rồi. Hơn nữa, dù không đạt lợi nhuận 10% như quy định thì có việc có vốn  đề hoàn thiện dự án, bán được hàng để giải phóng tồn kho, chôn vốn thì dù lãi 4 - 5% mà an toàn cũng là điều đáng làm. Chưa kể, làm nhà  ở xã hội DN còn được nhiều cái lợi khác về tiếng tăm.

Xét dưới góc độ  đó, thì nhà thu nhập thấp, nhà công nhân lại trở thành một lối thoát cho cả DN và ngân hàng trong điều kiện hiện nay.  Và thực tế không thể phủ nhận là chỉ khi nhà băng thừa tiền, DN khó kiếm với các dự án nhà ở thương mại thì  nhà cho thu nhập thấp, nhà ở công nhân mới  đến lượt.

Tuy muộn và chỉ được quan tâm sau cùng thì đây vẫn có thêm một hy vọng cho người thu nhập thấp và công nhân chưa có nhà. Chỉ mong rằng, đề ra rồi thì sớm thực hiện đừng thêm một lần chậm trễ và quên lãng như trước đây. Và cũng cầu mong rằng, ngân hàng hứa cho vay khi thừa vốn thì cũng nhớ giữ cam kết. Đừng để khi thị trường sôi động lại "bên trọng, bên khinh" chạy theo các dự án cao cấp, các lĩnh vực kinh doanh kiếm lời nhanh mà thêm một lần bỏ rơi người thu nhập thấp.
(Theo VEF)

Mua căn hộ phải chọn chủ đầu tư


Liên tục các tranh chấp liên quan đến chất lượng căn hộ như chủ đầu tư “xén” bớt mảng xanh, tiện ích… đã khiến khách hàng chịu nhiều thiệt thòi.
TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng khi mua căn hộ khách hàng phải xem kỹ hợp đồng, năng lực chủ đầu tư, tiến độ dự án, các tiện ích…

“Mua căn hộ cũng như mua hàng hóa tiêu dùng, tức là phải chọn chủ đầu tư có năng lực, uy tín. Dự án phải được thiết kế, giám sát bởi những đơn vị có uy tín. Bởi như thế, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện dự án theo chất lượng đã công bố. Một dự án tốt thể hiện ở tính thanh khoản khi để ở, bán hay cho thuê đều tốt”, ông Hiển phân tích.

- Nhiều dự án khi bán ra vẫn còn trên giấy, làm sao để khách hàng có thể kiểm tra tính pháp lý của dự án, chủ đầu tư?

Hiện đang tồn tại song song hai hình thức là mua và góp vốn đầu tư. Góp vốn đầu tư rất rủi ro, bởi nếu chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ cũng khó khởi kiện được. Do đó khách hàng nên ký hợp đồng mua bất động sản (BĐS) và kiểm tra các thông tin như: giấy phép xây dựng, đất đã chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đã hoàn thành các nghĩa vụ, các khoản thuế với nhà nước và đặc biệt là phải hoàn thành xong phần móng... Những thông tin này rất dễ để kiểm tra.

- Nhưng mua dạng góp vốn vẫn hấp dẫn vì lợi nhuận sẽ cao hơn?

Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Với khách hàng tìm kiếm sự an toàn, nên chọn chủ đầu tư có thành tích, đang làm những dự án có quản trị tốt, có trách nhiệm với khách hàng.

Mua căn hộ phải chọn chủ đầu tư | ảnh 1
Khách hàng nên chọn mua căn hộ của những công ty uy tín, pháp lý rõ ràng.

- Người "không chuyên" phải kiểm tra các yếu tố gì để không dính các dự án xấu?

Phải yêu cầu chủ đầu tư cam kết về chất lượng sản phẩm bằng cách đưa vào hợp đồng danh mục các loại vật tư, trang thiết bị dùng cho căn hộ… Phải xem xét mật độ xây dựng. Mật độ xây dựng thấp đồng nghĩa với các tiện ích hạ tầng, cây xanh, hồ bơi, trung tâm thương mại, nhà trẻ, khu vui… chơi được đầu tư bài bản. Làm sao phải đảm bảo mỗi căn hộ phải có một chỗ đậu ô tô vì không chỉ mua căn nhà mà mua cả không gian sống. Yêu cầu chủ đầu tư đưa vào trong hợp đồng phí bảo trì, phí quản lý căn hộ theo quy định của nhà nước để tránh tranh chấp về sau.

- Theo ông, việc nhiều chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ có khiến chất lượng giảm theo?

Nhiều dự án giảm giá bán, nhưng chất lượng không giảm do trước đó họ đưa ra giá cao, nay thị trường khó khăn, họ giảm giá để bán được hàng. Nhưng có nhiều dự án giá đã thấp mà nay còn giảm nữa thì xác suất chủ đầu tư xén phần thi công là rất lớn. Người dân không nên thấy giảm giá mà lao vào, cần bình tĩnh xem xét để đưa ra quyết định đúng. Nhiều dự án chúng ta thấy người dân mới vào ở thì hư hỏng tùm lum. Những dự án này có giá thấp và chủ đầu tư ăn vào vật liệu xây dựng.

- Theo ông, bài toán mua căn hộ để cho thuê có khả thi trong lúc này?

Chúng ta có thể chọn gửi tiết kiệm để hưởng lãi cao nhưng rủi ro tiền đồng mất giá. Gửi USD với lãi suất 2%/năm thì chỉ đảm bảo mục đích bảo toàn vốn, còn mua BĐS để không bị mất giá đồng tiền và chờ tăng giá. Như vậy BĐS sẽ được so sánh với USD trong quan hệ đều là những tài sản an toàn. Xét một căn hộ có giá từ 1,7 tỉ đồng, khoảng 80.000 USD. Nếu gửi 80.000 USD, với lãi suất một năm 2%, thì được 1.600 USD/năm. Còn căn hộ 80.000 USD, cho thuê khoảng 350 USD/tháng, mỗi năm thu về 4.000 USD. Như vậy, dòng tiền thu về từ cho thuê căn hộ tăng hơn gấp đôi so với gửi USD, chưa nói chuyện căn hộ tăng giá trong tương lai. Rõ ràng mua căn hộ cho thuê để bảo toàn vốn là khả thi.
(Theo Thanh niên)

BĐS trầm lắng: Chủ đầu tư đua nhau "xuống nước"


Thị trường trầm lắng, để kéo được khách hàng, các chủ đầu tư đã đua nhau “xuống nước” bằng nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ lãi suất mua nhà, tiết kiệm chi phí cho khách hàng bằng cách sửa chữa căn hộ khi chưa hoàn thiện, giảm trừ gói nội thất.

Thời trăm người bán, một người mua

Chưa thực sự tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ, thị trường địa ốc vẫn trong cảnh ảm đạm. Điều này đang tiếp tục tạo áp lực cho phần lớn các doanh nghiệp bất động sản.

Mặc dù mới đây Ngân hàng nhà nước đã công bố giảm lãi suất và nới lỏng hơn tín dụng cho vay với lĩnh vực bất động sản, nhưng theo nhiều doanh nghiệp, để các chính sách hỗ trợ thị trường có thể phát huy tác động sẽ còn cần một độ trễ về thời gian.

Trong khi áp lực về trả lãi vay, vận hành bộ máy, trả công người lao động... vẫn là sức ép hiển thị từng ngày, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phải tìm cách làm mới để tự cứu mình, thay vì ngồi chờ chính sách.

Tại Tp.HCM, thời gian vừa qua, rất nhiều chủ đầu tư đã có những sáng kiến rất hợp lý. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chủ đầu tư xây nhà theo thiết kế chung, người mua nhà muốn sửa theo ý mình thường phải bỏ tiền ra sửa lại. Chi phí đập đi, sửa lại đôi khi gây lãng phí cả trăm triệu đồng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Bây giờ, thay vì người mua nhà bỏ tiền ra đập đi sửa lại, chủ đầu tư dự án Era Town (Quận 7, Tp.HCM) - công ty CP Đức Khải mời người mua nhà đến để hỗ trợ sửa nhà theo ý thích. Theo đó, không những không phải vứt bỏ các thiết bị đã lắp đặt trong căn phòng dự định sửa sang, khách mua còn được trừ tiền thiết bị không dùng vào giá căn hộ.

BĐS trầm lắng: Chủ đầu tư đua nhau "xuống nước" | ảnh 1
Chủ đầu tư dự án Era Town (Tp.HCM) đang áp dụng hình thức hỗ trợ khách hàng sửa chữa nhà trước khi hoàn thiện. (Ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, một số chủ đầu tư cũng đã đưa ra những chương trình hỗ trợ linh hoạt hơn cho khách hàng.

Mới đây, CTCP Đầu tư Mai Linh – chủ đầu tư dự án Golden Palace đã đưa ra gói nội thất hoàn hảo. Theo đó, những khách hàng mua căn hộ tại dự án sẽ được lựa chọn các gói nội thấtkhác nhau. Cụ thể, với mức giá bán 30-33 triệu đồng/m2 bao gồm thuế GTGT, chủ đầu tư sẽ đưa ra gói nội thất đầy đủ theo hình thức chìa khóa trao tay.

Trong trường hợp, khách hàng lựa chọn gói nội thất cơ bản chỉ bao gồm thiết bị gắn tường, khách hàng sẽ được giảm trực tiếp vào giá thành khoảng 180 triệu đồng đối với căn hộ có 2 phòng ngủ và giảm 320 triệu đồng đối với căn hộ có 4 phòng ngủ.

Hay như dự án Nam Đô Complex, được vay lãi suất 16%/năm thời hạn vay có thể đến 15 năm mức vay có thể lên đến 80% giá trị căn hộ. Thông qua BIDV, chủ đầu tư sẽ áp dụng lãi suất cho khách hàng 10% và chủ đầu tư sẽ phải trả cho ngân hàng khoản chênh lệch lãi suất 6% để tạo ra mức lãi suất thấp để kích thích khách hàng vay tiền để mua.

Mạo hiểm nhưng phải “chơi đẹp”

Có thể thấy, phương án giảm tiền nội thất, hỗ trợ sửa chữa cho người mua nhà sẽ khiến chủ đầu tư tốn kém rất nhiều công sức và tiền của. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nếu không chơi đẹp, không dám mạo hiểm thì chủ đầu tư sẽ khó lòng giữ chân được khách hàng.

Ông Phạm Ngọc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải cho biết, để đưa ra chính sách trên, công ty cũng phải gồng mình vì chi phí quản lý và chi phí vốn đội lên khá lớn, chưa kể là lỗ... Nhưng trong bối cảnh thị trường chung là ảm đạm, DN vẫn phải nỗ lực tìm cách tự cứu mình, còn hơn là ngồi đợi chính sách.

Còn đại diện chủ đầu tư Golden Palace cho rằng, việc doanh nghiệp chào bán hàng trong thời điểm này là khá mạo hiểm. Tuy nhiên, sự mạo hiểm sẽ là bất lợi đối với những dự án không có ưu thế và ngược lại. Vì vậy, để có thể thành công doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi “đẹp” với các khách hàng. Có nghĩa, những gì đã cam kết với khách hàng cần phải được giữ nguyên vẹn cho đến khi bàn giao nhà.
(Theo VnMedia)