5 tháng 10, 2012

Môi giới nhà đất Việt Nam phải giỏi 'chém gió'?

Cùng với sự suy giảm của nền kinh tế và sự “đóng băng” của bất động sản, các sàn giao dịch và môi giới cũng đang ngày càng lao đao và đứng trên bờ vực phá sản.


Môi giới là nghề chân chính
Tại các nước phát triển, nghề môi giới được xã hội thừa nhận như một nghề chân chính và có những đóng góp đáng kể cho xã hội. Ông Dennis Wee, chủ tịch tập đoàn bất động sản (BĐS) nổi tiếng Dennis Wee của Singapore chia sẻ: các môi giới ở công ty ông luôn được đào tạo đầy đủ từ kiến thức chuyên môn đến các nghiệp vụ kỹ năng nhằm mang đến các giá trị thực sự cho khách hàng. Ngoài ra, định kỳ công ty còn tổ chức các chương trình đào tạo và các cuộc thi để nâng cao trình độ kiến thức cũng như loại bỏ những cá nhân không tiến bộ.
Tại Thượng Hải (Trung Quốc), nghề môi giới cũng được xã hội nhìn nhận ở vai trò tích cực và luôn được tôn trọng. Mỗi cá nhân tham gia cũng phải trải qua nhiều chương trình đào tạo chuẩn mực khắt khe. Chính vì vậy, phí môi giới thông thường là 2% giá trị giao dịch và cộng thêm 20% khoản chênh lệch nếu bán được giá cao hơn.
Nghề môi giới các nước luôn yêu cầu đào tạo bài bản và làm việc chuyên nghiệp.
Làm môi giới tại Việt Nam
Theo Luật kinh doanh BĐS thì cá nhân tham gia hoạt động môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề. Theo đó, cá nhân cần hoàn tất khóa học tại các cơ sở được quy định. Hiện nay thời gian học thông thường tại các trung tâm phổ biến không quá 2 tháng.
Nhưng dù như vậy thì các môi giới tại Việt Nam đã có đủ chuyên môn cũng như năng lực để mang đến giá trị cho xã hội? Câu chuyện nghề môi giới không dừng lại như vậy tại Việt Nam.
Anh Vinh với hơn 6 năm kinh nghiệm bán nhà, căn hộ tại Quận 4, TP HCM, cho hay anh đã trải qua nhiều đắng cay thăng trầm nhưng có lẽ điều làm anh cảm thấy “tủi” nhất chính là cách nhìn của người dân đối với nghề môi giới. Có nhiều lúc khi khách hàng gọi điện đến thì khi nghe đến môi giới thì họ bảo rằng “không làm việc với cò” và tắt máy ngay.
Cũng có nhiều trường hợp khi đi gặp khách hàng, dù trước thời gian hẹn 30 phút, anh đã cẩn thận gọi điện thoại nhắc lại địa điểm và thời gian nhưng khi đến nơi anh cũng không thấy khách hàng. Chờ hơn 10 phút nữa khi anh gọi hỏi tiếp thì khách hàng mới nói đang có bận việc đột xuất nên không đi được.
Anh Vinh buồn bã nói: “Nhiều người ở Việt Nam vẫn còn quan niệm rằng môi giới chỉ biết lấy tiền của chủ nhà, chỉ biết tìm cách để thu phí họ”.
Tâm lý người mua nhà vẫn thích tìm nhà chính chủ
Tâm lý người mua nhà vẫn thích tìm nhà chính chủ
Cũng từng trải nhiều năm trong nghề môi giới, một nhân viên môi giới khác chia sẻ: có những giao dịch người bán không biết được giá thị trường hoặc đang cần bán gấp nên anh đã “ép” xuống giá rất thấp. Sau đó anh kê lên bán chênh với người mua hoặc nhờ người quen đóng vai người mua để đặt cọc giữ chỗ xong bán lại giá cao hơn nhiều. Anh quan niệm làm môi giới ai “chém gió” giỏi thì sẽ chốt được khách và có giao dịch đều đều.
Trong một xã hội vẫn đang tồn tại một lượng không nhỏ các môi giới chỉ biết tư lợi mà không mang giá trị cho khách hàng, vẫn tồn tại không ít những định kiến về nghề môi giới, thì mỗi cá nhân hành nghề muốn trụ và khẳng định giá trị bản thân sẽ đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất nhiều.
Tuy nhiên, bản chất nghề môi giới là cầu nối và thỏa mãn cho nhu cầu của cả người bán và người mua, nên những người làm nghề chân chính đủ bản lĩnh sẽ chứng minh được giá trị của họ và từng bước được xã hội tôn trọng.
Lương Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét