25 tháng 4, 2012

BĐS sẽ có lãi khi chọn đúng thời cơ


Mặc dù thị trường bất động sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cả nhà đầu tư và người mua nhà vẫn có thể tìm được cơ hội tốt nếu chọn đúng điểm rơi.
BĐS sẽ có lãi khi chọn đúng thời cơ | ảnh 1

Nguồn cung khan hiếm

Nền kinh tế khó khăn khiến cho thị trường bất động sản rơi vào tình trạng ảm đạm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nợ lớn, hàng tồn kho nhiều, tài sản thế chấp không còn để có thể tiếp cận vốn ngân hàng… Chính những khó khăn này đã gây ra tình trạng nhiều dự án bất động sản buộc phải “trùm mền” vô thời hạn do năng lực tài chính nhiều chủ đầu tư quá yếu.
 
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 486 khu đô thị mới, quy mô từ 20ha - 1.000 ha, tổng diện tích đất theo quy hoạch dự kiến là 74.057 ha, trong đó có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng chưa tiến hành triển khai.

Riêng Hà Nội, sau khi rà soát, dự án đầu tư xây dựng dự kiến có hơn 200/750 dự án bất động sản được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2013, trong đó trên 60% là dự án nhà ở, khu đô thị mới.
 
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số tính toán, còn thực tế thì tình cảnh đáng buồn. Hà Nội đang có hàng trăm các dự án “hoang” tồn tại nhiều năm nằm dọc các tuyến vành đai lớn. Trong đó, có cả dự án đầy đủ thủ tục, không vướng quy hoạch nhưng do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính nên không thể triển khai.
 
Đơn cử như tại huyện Mê Linh, với hơn 40 dự án đô thị mới được cấp phép 5-6 năm nhưng đến thời điểm này chưa có một dự án nào hoàn chỉnh tối thiểu về mặt hạ tầng. Đấy là chưa kể đến hàng loạt dự án đang chờ quy hoạch phân khu.
 
Một chuyên gia phân tích chia sẻ, nhìn tổng số lượng vốn đăng ký đầu tư thì 10-20 năm nữa Việt Nam cũng không thể đủ tiền để triển khai dự án. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường bất động sản không quá mức dồi dào như người ta phán đoán và khó có sự chào bán ồ ạt được. Bởi để thực hiện dự án bất động sản rất lâu dài và gối đầu liên tiếp, không thể có chuyện các doanh nghiệp đồng loạt xây dựng các dự án.
 
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, bất động sản không như hàng hóa khác, khi thấy thiếu thì nhanh chóng đẩy nguồn cung lên. Thời gian lập dự án bất động sản phải mất 2-3 năm, thậm chí lâu hơn mới có sản phẩm bán.
 
“Trước mắt có thể thấy, trong ngắn hạn thị trường lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung do nguồn vốn đầu tư đang khiến cho là rất nhiều dự án BĐS lớn bị tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thi công. Do vậy trong ngắn hạn, nguồn cung trên thị trường có thể sẽ bị thiếu hụt.Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp đi đầu, đón được điểm rơi cuảthị trường khi thiếu hụt” ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết

 Giá đã đến đáy

 Chỉ chưa đầy 1 năm, bất động sản đã mất giá 30-40%, tuy nhiên người dân chưa thực sự tin tưởng và tâm lý thận trọng vẫn bao trùm lên cả thị trường. Nhiều người muốn tiếp tục chờ đợi giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm nữa rồi mới quyết định mua vào.
 
Tuy nhiên, dựa trên căn cứ xác thực nhiều chuyên gia cho rằng, giá bất động sản thời điểm này gần như đã về vùng đáy và khó có cơ hội giảm hơn nữa khi mà các loại thuế tăng, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng cao…
 
Theo tính toán, tại khu vực quận Hà Đông, tiền sử dụng đất được tính cho 1m2 đất kinh doanh trên trục đường Lê Văn Lương đã có dự án được xác định là 40 triệu đồng (mức giá trên bao gồm tiền đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí khác).

Nếu bán bán ở mức giá 50 triệu đồng thì chủ đầu tư mới có cơ hội hòa vốn. Trong khi hiện ở khu vực này giá giao dich trên thị trường tự do mua đi bán lại cũng chỉ đang ở mức 50 triệu đồng/m2.
 
Tượng tự, giá mỗi m2 chung cư tại khu vực này hiện đang được cơ quan thuế quận Hà Đông áp ở mức giá tính thuế là 16 triệu đồng/m2 kinh doanh. Trong khi theo tính toán một số chủ đầu tư khu vực này giá thành xây dựng chưa bao gồm tiền đất đã ở mức 17 triệu đồng. Điều đó, có nghĩa là bán ở mức 17 triệu đồng/m2 là chủ đầu tư lỗ vốn.
 
Như vậy, nếu căn cứ giá bán nhà, đất trong khu vực có thể thấy giá chào bán đất dự án xung quanh khu vực hiện đã rất hợp lý.
 
Ông Phan Thành Mai cho rằng, thời gian qua hàng loạt chính sách khuyến mãi của chủ đầu tư nếu phân tích một dự án thì thấy giá chủ đầu tư đưa ra sau khi trừ đi tất cả các chi phí đầu tư ban đầu, khuyến mại, giảm giá đã cận kề với suất đầu tư ban đầu của chủ đầu tư. Đây là cơ hội mua rất tốt cho người tiêu dùng.

“Những tín hiệu chúng ta nhìn thấy thì thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc vì giá đã xuống rất thấp và những người có tiền thì đã bắt đầu quay lại để mua. Đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS cũng gia tăng do họ nhìn thấy sức hấp dẫn của thị trường.

Cùng với đó là hàng loạt các công cụ mới của các bộ ngành đã đưa ra và như vậy có thể dự báo một cách khách quan là thị trường sẽ có khởi sắc vào cuối năm nay và thực sự đang là cơ hội cho những tổ chức có tài chính và quản trị tốt và là cơ hội hình thành một lớp nhà đầu tư BĐS mới” - ông Mai nói.
(Theo VnMedia)

Hưng Yên: Tổ chức cưỡng chế GPMB dự án đô thị Văn Giang


Ngày 24/4, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) bàn giao đất tại xã Xuân Quang, huyện Văn Giang để thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang (gọi tắt là dự án đô thị Văn Giang).
Đây là thông tin chính thức được ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên cho biết trong buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí vào ngày 23/4, tại UBND tỉnh Hưng Yên.

Dự án đô thị Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại Văn bản số 1495/CP - NN ngày 31/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ, giao Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư; Quyết định số 742/QĐ - TTg ngày 30/6/2004 Thủ tướng Chính phủ về việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đô thị Văn Giang và xây dựng đường bộ từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên, đoạn Văn Giang đi xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu (Hưng Yên), theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án có quy mô 499,07 ha đất thuộc các xã Xuân Quang, Phụng Công, Cửu Cao huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội.

Hưng Yên: Tổ chức cưỡng chế GPMB dự án đô thị Văn Giang | ảnh 1
Ông Bùi Huy Thanh, Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại họp báo.

Ông Bùi Huy Thanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết: Đến thời điểm này đã có gần 200 văn bản từ Trung ương đến địa phương chỉ đạo việc triển khai dự án nhưng một bộ phận người dân nằm trong vùng dự án vẫn chưa đồng thuận. Riêng xã Xuân Quang, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 129,25 ha của 1.720 hộ; trong đó đất nông nghiệp thu hồi để thực hiện dự án là 107 ha, chiếm 36,32% diện tích đất canh tác. Diện tích đất đã bàn giao đợt một là 57,19 ha; trong đó diện tích đất giao cho dự án đô thị 49,87 ha, diện tích đất để làm đường giao thông liên tỉnh 7,32 ha, diện tích đất giao đợt này là 72,06 ha. Tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất là 1.554/1.720 hộ với 132,45 ha, chiếm 95,5% tổng số hộ có đất thu hồi để thực hiện dự án. Còn lại 166 hộ với diện tích 5,8 ha, chiếm 4,5% tổng số hộ, không nhận tiền bồi thường. Tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, do những hộ chưa nhận tiền bồi thường, chủ đầu tư đã chuyển tiền vào gửi ngân hàng theo quy định. Theo số liệu thống kê trên, số hộ thì lớn nhưng diện tích đất phải tiến hành cưỡng chế chỉ có 5,8 ha, bình quân mỗi hộ 349 m2. Toàn bộ diện tích bàn giao và cưỡng chế đợt này hoàn toàn là đất canh tác, không có đất ở, không có công trình xây dựng trên đất.

Mặc dù đã có nhiều buổi họp dân, gặp gỡ giải thích, vận động tuyên truyền để người dân đồng thuận, ủng hộ dự án, nhưng đến thời điểm này vẫn còn 166 hộ ở xã Xuân Quang chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. “Trước tình hình trên, UBND huyện Văn Giang sẽ tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng là để khắc phục tình trạng một bộ phận người dân trong vùng dự án tụ tập đông người khiếu kiện lên các cơ quan trung ương, gây mất trật tự công cộng tại Thủ đô Hà Nội” - ông Bùi Huy Thanh khẳng định.
(Theo BTT)