19 tháng 4, 2012

Kinh doanh khách sạn đang lao đao


Khó khăn, nhu cầu du lịch giảm mạnh, các khách sạn lớn nhỏ đều lao đao. Thậm chí, có ông chủ phải rao bán cả khách sạn.
Điển hình là trường hợp Vinaconex ITC đang rao bán khách sạn Holiday View tại Cát Bà, Hải Phòng với mức giá khởi điểm 70 tỷ đồng. Đây là khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, được đánh giá là một trong những khách sạn quy mô nhất trên đảo Cát Bà cho tới thời điểm này. Khách sạn hoạt động từ năm 2004 và thời gian thuê đất còn lại 20 năm. Theo chủ đầu tư, doanh thu của khách sạn đạt 18 tỷ đồng năm 2010 và năm 2011 là 18,97 tỷ đồng. Trong thời điểm du lịch giảm sút, để thu hồi vốn không phải là dễ.

Mới đây, khách sạn Deawoo Hà Nội đã rơi vào tay Hanel. Số tiền giao dịch chưa được công bố chính thức, tuy nhiên, việc bán một khách sạn có vị trí đẹp và được coi là biểu tượng của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã đặt ra không ít câu hỏi. Có giả thiết cho rằng, kinh doanh khách sạn thời điểm này đã không còn là một miếng bánh ngon.

Một khách sạn 5 sao khác tại vị trí vàng của Thủ đô Hà Nội là Hilton Opera cũng đã được bán cho BRG. Vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Việt đã khiến cho không ít dư luận xôn xao. Đến thời điểm này, kết quả kinh doanh sau khi mua lại khách sạn của chủ đầu tư vẫn chưa được công bố.

Kinh doanh khách sạn đang lao đao | ảnh 1
Nhiều khách sạn đang than trời vì lượng khách sụt giảm (ảnh minh họa)

Thực tế, kinh doanh khách sạn tại Việt Nam đang trong thời kỳ xuống đốc. Nếu như trước đây, tỷ lệ phủ kín phòng của các khách sạn lớn thường từ 80-90% thì nay cao nhất chỉ khoảng 50%. Để một khách sạn cao cấp hoạt động ổn định, chi phí rất tốn kém.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 561.877 lượt, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 3 tháng năm 2012 ước đạt 1.873.726 lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Một nghiên cứu của Savills Việt Nam cũng chỉ ra rằng, mặc dù thị trường khách sạn Hà Nội vẫn đang trong mùa cao điểm, nhưng công suất và giá thuê trung bình toàn thị trường giảm. Công suất trung bình giảm 5% và giá thuê giảm 7% so với quý IV/2011. Trong đó, khách sạn 3 sao có công suất thuê tốt nhất. Trong bối cảnh đó, Hà Nội lại sắp đón thêm 42 dự án khách sạn tương lai, trong đó 23 dự án sẽ cung cấp cho thị trường hơn 6.600 phòng.

Một chuyên gia trong ngành khách sạn thừa nhận, nhiều khách sạn hiện nay đang làm ăn thua lỗ bởi giá cả leo thang, trong khi lượng khách đến Việt Nam lại giảm mạnh. Trong đó, đối tượng khách chính là các doanh nhân và chính khách đến thăm, làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, để có tên trong các sự kiện quốc tế ở Hà Nội, nhiều khách sạn lớn đã phải có cuộc cạnh tranh quyết liệt để có được nguồn thu này. Một nguồn thu khác của khách sạn là cho thuê phòng tổ chức sự kiện và mặt bằng bán lẻ ở tầng trệt.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, những khách sạn mới mở ở khu vực ngoài trung tâm, nếu không có một lượng khách truyền thống thì khó có thể thu hồi vốn được. Nhiều khách du lịch nước ngoài đang có xu hướng nghỉ ở khách sạn 3 sao và các khu lưu trú của người dân trong khu vực phố cổ. Đồng thời, số lượng căn hộ dịch vụ đang tăng cũng là đối thủ của ngành khách sạn.

Ông Vũ Minh Tiến, một chủ khách sạn tại Đà Nẵng cũng thừa nhận, kinh doanh khách sạn đang rất khó khăn trong thời điểm này. Bản thân khách sạn của ông công suất cho thuê đạt 100% chỉ có vài tháng cao điểm. Hiện, doanh nghiệp này cũng liên kết với các công ty lữ hành với giá ưu đãi để có thêm khách và liên tục quảng bá, marketing. Mặc dù vậy, doanh thu vẫn chưa bù đủ chi. Theo ông Tiến, nếu tiếp tục khách sạn đạt công suất thuê kém, ông có thể phải chuyển nhượng khách sạn.

Theo lý giải của ông Tiến, doanh thu của khách sạn giảm sút do hãng hàng không Jestar Pacific đã đóng đường bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng khiến khách vắng dần. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, chí phí sinh hoạt tăng cao nên người dân không còn nhiều điều kiện để đi du lịch. Ông Tiến kỳ vọng vào lễ hội pháo hoa và kỳ nghỉ lễ dài 30/4-1/5 sắp tới sẽ giúp khách sạn thu được một nguồn tiền lớn để bù đắp.

Trong thời điểm vắng khách, nhiều khách sạn cũng tính tới việc xây sửa và quy hoạch lại. Điển hình như Horison đang sửa lại phần sảnh của tòa nhà. Sofitel Plaza Hanoi cũng chuẩn bị ra mắt sau thời gian nâng cấp đổi mới tòa nhà 20 tầng. Toàn bộ hệ thống tòa nhà 317 phòng Sofitel Plaza Hanoi cũng được nâng cấp mở rộng, bao gồm việc tân trang phòng Plaza Ballroom, các phòng nghỉ, các trung tâm thương vụ, cũng như thay đổi hoàn toàn nội thất và diện mạo của nhà hàng Trung Hoa và quầy bar trên tầng thượng.

Một số khách sạn khách sạn đưa ra nhiều khuyến mại cho khách thuê phòng. Hiệp hội du lịch Tp.HCM và một số công ty du lịch sẽ triển khai chương trình du lịch trọn gói khuyến mãi lớn nhằm kích cầu du lịch trong nước, nhờ Vietnam Airlines và dịch vụ du lịch mặt đất ưu đãi giảm giá vé. Chương trình kích cầu này hy vọng sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, góp phần ổn định giá, thu hút khách nội địa.
(Theo VEF)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét