31 tháng 5, 2012

Nhanh chóng lập quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội


Lâu nay, nhiều doanh nghiệp ở nước ta thường tập trung vào phân khúc thị trường nhà ở cao cấp, chưa chú trọng đến phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp.
Cho nên nếu Nhà nước trao gửi lĩnh vực này vào sự may rủi của thị trường thì đâu phải là “tạo điều kiện dễ dàng” để người có thu nhập thấp có được nhà ở.

Nhanh chóng lập quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội | ảnh 1
Còn nhiều người nghèo vẫn không với tới nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong ảnh: ông Nguyễn Văn Thới, diện giải tỏa ở chung cư Nguyễn Kim (P.7, Q.10), được bố trí tái định cư tại chung cư Bàu Cát 2, P.10, Q.Tân Bình, Tp.HCM - Ảnh: N.C.T.

Có nhiều cách để khuyến khích, phát triển việc đầu tư, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyện quy hoạch và chuẩn bị nguồn tài chính cho nó.

Vẫn chuyện quy hoạch

Có thể nói, quy hoạch sử dụng đất hiện nay chưa đề cập đầy đủ đến quỹ đất cho nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp.

Một bước đi quan trọng để thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó có nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, là phải hoàn thành quy hoạch xây dựng có tính chiến lược dài hạn và rộng khắp nhằm cung cấp một khung liên kết chính sách về đô thị và không gian sao cho quy hoạch và đầu tư về nhà ở, toàn bộ cơ sở hạ tầng xã hội - không gian đô thị được phát triển cơ bản là theo quy hoạch đô thị.

Trên thực tế, công cụ chủ chốt để giải quyết và tạo điều kiện hiện thực hóa quy hoạch đô thị không gì khác hơn là thực hiện theo chiến lược nhà ở quốc gia. Bên cạnh đó, từ sự khởi đầu của chương trình nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp là yếu tố quyết định nhịp độ, theo đó các hệ thống giao thông, cơ sở thương mại, công nghiệp và tất cả các công trình cơ sở hạ tầng khác được phát triển. Nó giúp xác định các lô đất và dịch vụ hạ tầng của chúng, cho các tuyến đường, nhà ga và các tuyến xe buýt, hệ thống giao thông công cộng.

Cần thực hiện điều tiết chênh lệch địa tô do nhà nước đầu tư kỹ thuật hạ tầng mà có để cân bằng giữa phát triển nhà ở và phát triển hạ tầng đô thị.

Lập quỹ tiết kiệm

Cần sớm thành lập “quỹ tiết kiệm nhà ở”, hình thành trên cơ sở tái cơ cấu quỹ phát triển nhà tại các địa phương. Quỹ tiết kiệm nhà ở hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế. Nguồn vốn được hình thành từ sự đóng góp của người lao động từ tiền lương theo tỉ lệ quy định.

Mục đích của quỹ tiết kiệm nhà ở là để đầu tư xây dựng nhà ở và cho người mua vay ưu đãi. Người gửi tiền sau 10-15 năm sẽ được mua nhà bằng tiền tiết kiệm. Nếu người gửi không xóa yêu cầu mua nhà thì khi nghỉ hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi. Đây là mô hình được hầu hết các nền kinh tế đang phát triển áp dụng.

Mặt khác, đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở, tiền đóng góp hằng tháng có thể không tính theo tỉ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Khi tiền đóng góp vào quỹ bằng khoảng 30% giá trị nhà ở cần mua hoặc cần thuê và thời gian đóng góp quỹ tối thiểu từ năm năm trở lên thì hộ gia đình, cá nhân sẽ được vay tiền từ quỹ tiết kiệm nhà ở.

Việc cho vay được tính trên nguyên tắc ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Người vay phải trả đều hằng tháng trong thời hạn tối thiểu 15 năm, tính từ ngày được vay để mua nhà ở xã hội.

Nguồn vốn hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở cần được huy động từ nhiều nguồn: Nguồn vốn của quỹ tiết kiệm nhà ở, 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển thương mại, dự án khu đô thị mới, nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho quỹ, ngân sách địa phương hỗ trợ hằng năm, 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở...

Theo kinh nghiệm của các nước châu Á, cần có một cơ quan đủ quyền lực làm đầu mối đề xuất chính sách để quản lý vào phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội nhằm đảm bảo giải quyết các nhiệm vụ quan trọng về đất đai, tái thiết và phát triển các khu vực đô thị, xây dựng và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Nguyễn Đăng Sơn
(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng)
(Theo TTO)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét