12 tháng 6, 2012

Cà Mau: Cương quyết thu hồi đất công sử dụng sai mục đích


Cà Mau còn hàng ngàn hộ nghèo không có đất sản xuất. Sẽ bất công nếu để diện tích lớn tập trung vào những đơn vị, tổ chức không sản xuất, hằng năm "phát canh thu tô".
Nhằm chấn chỉnh lại việc quản lý đất công, Tỉnh ủy Cà Mau cương quyết thu hồi và xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị có đất giao khoán theo kiểu “phát canh thu tô”.

Ngỡ ngàng biết mình có đất

Trong 44 cơ quan, đơn vị nhận đất tự túc, có một đơn vị ngoài tỉnh là Hội Cựu chiến binh huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu nhận  57,2ha đất tại huyện Năm Căn, rồi tự điều chỉnh giao lại cho 17 hộ dân khai thác. Ngày 9.6, làm việc với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Sũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Giá Rai - cho rằng, Hội Cựu chiến binh huyện không biết chuyện này. Ông Sũng ngỡ ngàng: “Trong vòng 10 năm trở lại đây chưa từng nghe ai nói đến việc hội có 57,2ha đất sản xuất ở Cà Mau”. Ông Sũng nhớ lại: “Có thể do lãnh đạo trước đây đã bán rồi. Tôi nghe nói bán giá 7.000.000 đồng/ha, nhưng không rõ bán cho ai”.
Cà Mau: Cương quyết thu hồi đất công sử dụng sai mục đích | ảnh 1
Tương tự như ông Sũng, BS Huỳnh Quốc Việt - Phó GĐ Sở Y tế Cà Mau - cũng không biết Sở có 9ha đất đã bán cho 2 hộ ở huyện Năm Căn. Ông Việt cho biết: “Tôi về đây mới 2 năm, có thể các anh lãnh đạo trước đây đã bán rồi”.

Cầm danh sách có tên đơn vị mình là Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau có 41,9ha tự điều chỉnh giao khoán cho 6 hộ, ông Đỗ Chí Sĩ - Chi cục trưởng - ngỡ ngàng: “Có thể là  các anh lãnh đạo trước có nhận giao khoán, nhưng khi bàn giao nhiệm vụ, tài sản của chi cục không có khoản này”.

Còn Cty cổ phần xây dựng thủy lợi Cà Mau - đơn vị nhận 142,5ha đất thuộc xã Tân Thuận, Đầm Dơi rồi khoán cho 9 hộ dân - ông Cao Văn Dũng - Phó GĐ Cty - nói: “Hiện chúng tôi là Cty cổ phần, trước khi cổ phần hóa tôi chưa từng nghe có khối tài sản nào là đất tại Đầm Dơi cả”. Trong khi đó, ông Lý Văn Lăm - Trưởng phòng Hành chính quản trị - cho rằng, đã trả cho UBND huyện Đầm Dơi từ cách đây hơn 10 năm.

Hầu hết các “chủ đất” chúng tôi gặp đều cho rằng mình không biết đến diện tích đã nhận khoán. Một số cho rằng đã bàn giao lại cho UBND huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn. Tuy nhiên, lãnh đạo các huyện này cũng trả lời không biết có bàn giao hay chưa, vì sự việc xảy ra từ 5 - 10 năm về trước, đã qua nhiều đời lãnh đạo.

Dù hứa sẽ xác minh lại thực tế đơn vị mình thật sự có đất hay không, nhưng ông Nguyễn Văn Sũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Giá Rai - tỏ thái độ cương quyết: “Không thể có đất đến hàng chục hécta không tự sản xuất mà đem đi cho thuê, ngồi không mà thu tiền được. Tôi sẽ làm rõ chuyện này. Quan điểm của tôi là không sản xuất thì trả lại để Nhà nước điều chỉnh cho người dân không có đất sản xuất”.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau - nhận định: “Trên 4.000ha đất công giao cho các tổ chức, cá nhân, rồi để đó “phát canh thu tô” là có lỗi với dân. Không thể chấp nhận kéo dài việc này được. Tôi cho rằng, cần sớm thu hồi, điều chỉnh hợp lý cho các hộ dân nghèo không có đất
sản xuất”.

Sẽ kiểm điểm trách nhiệm

Trước tình hình các địa phương, đơn vị quản lý đất công một cách lỏng lẻo, tự sang bán trái phép; không chấp hành giao trả đất, ông Bùi Công Bửu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - cho biết: Tỉnh ủy chỉ đạo giao cho UBND tỉnh rà soát, làm rõ các cơ quan, đơn vị nhận khoán đất rừng, nhưng chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương thu hồi đất.

UBND tỉnh phối hợp với Quân khu 9 và Bộ CA tiếp tục rà soát tình hình sử dụng đất sản xuất tự túc của các đơn vị trực thuộc, đề nghị thu hồi diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa chấp hành giao trả đất theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, báo cáo kết quả kiểm điểm cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30.6.
(Theo LĐO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét