9 tháng 6, 2012

Sửa Luật Đất đai: Không thể vội!


Trao đổi với báo chí ngày 7/6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: "Nhiều ĐBQH đề nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, chúng ta không thể vội được, vì làm luật phải theo quy trình và quy định của pháp luật".
Phó thủ tướng cho biết: “Luật phải có bao nhiêu lần dự thảo, lấy ý kiến nhân dân, hội thảo với các cơ quan… Một vấn đề phức tạp như thế mà ngắn lại; nhiều người, cơ quan không được tham gia ý kiến là nguy hiểm. Hai nữa là cần chờ Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Các đại biểu sốt ruột nhưng biết làm thế nào được”.

- Vừa qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương đã kết luận nhiều vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai. Vậy hiện nay chúng ta còn vướng những vấn đề gì?
Sửa Luật Đất đai: Không thể vội! | ảnh 1
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Các vấn đề sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất, khiếu nại tố cáo, hành chính về đất, cơ sở dữ liệu về đất… thì đã làm xong rồi. Bây giờ chỉ còn vướng vấn đề giá đất. Vừa rồi Chính phủ có đưa ra nhưng chưa được thuyết phục, Trung ương đề nghị phải xem lại giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương; hai là vấn đề đền bù thu hồi đất. Đây là vấn đề lình xình, chủ yếu là do giá đất. Ngoài ra vẫn còn tồn tại các vấn đề tái định cư, đất cho đồng bào dân tộc, đất cho nông lâm trường với hơn 4 triệu ha sẽ xử lý thế nào. Đây là những vấn đề cần làm rõ từ nay đến hội nghị Trung ương 6.

- Vậy hướng giải quyết vấn đề giá đất sẽ như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Đây là bài toán khó. Nhà nước khẳng định giá đất phải sát thị trường. Tại sao nói sát thị trường chứ không phải là như thị trường vì thị trường luôn biến động. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đều dùng từ sát giá thị trường. Trường hợp có ý kiến cho rằng giá đưa ra chưa sát giá thị trường, ở các nước, tòa sán sẽ xử lý việc này. Tòa thuê một đơn vị khác xác định giá rồi quyết theo giá đó.

Làm thế nào để khẳng định sát giá thị trường thì từ trước đến nay, giá đất đều được điều chỉnh mỗi năm năm một lần. Khi đó, bản thân các địa phương điều chỉnh cũng rất vất vả, nhiều thủ tục để cập nhật, rồi sinh ra tâm lý chờ đợi, kì vọng tăng giá cao... nên ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Bây giờ, chúng ta muốn biểu giá đất là bảng giá đất thị trường, mà đã thị trường thì không còn khái niệm là năm nào cũng điều chỉnh nữa. Bảng giá đó sẽ có nhiều ô như: ô này là phố Lý Thường Kiệt, ô kia phố Phùng Hưng…, bảng giá càng nhiều ô thì càng chính xác, càng ít ô thì càng chung chung. Bảng giá đó là bảng giá thị trường. Vậy thì khi đền bù, làm công tác giải phóng mặt bằng, ô nào biến động thì điều chỉnh, tức là tôi không cần biết có hay không có dự án. Nếu nó có biến động lớn, ví dụ 15 - 20% chẳng hạn thì tôi điều chỉnh, và bảng giá luôn được cập nhật. Còn trong trường hợp khi tôi động đến một lô đất có biến động mà tôi chưa kịp xử lý, cập nhật thì phải xử lý trực tiếp ở dự án.

(Theo Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét