Hiện nay, chỉ 5% dân số Hà Nội đủ tiền mua nhà đất, 95% dân Thủ đô, với GDP bình quân xấp xỉ 2.000 USD, gấp rưỡi GDP bình quân chung cả nước vẫn không mua nổi nhà. Đó là một nội dung đặc biệt được quan tâm trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố.
Khu ĐTM Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội. Images: Hải Linh |
Nghịch lý thừa - thiếu
Đang có một nghịch lý, trong khi thị trường bất động sản (BĐS) ảm đạm, thanh khoản trầm lắng, các dự án giảm giá trên thị trường từ 20 - 50% như Nam An Khánh, Kim Chung - Di Trạch, Bắc quốc lộ 32, Vân Canh… vẫn đìu hiu. Đa phần người dân vẫn không đủ tiền để sở hữu dù chỉ một căn hộ chính sách. Theo ông Arsh Chaudhry, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Công ty BĐS Mỹ Cushman&Wakefield, ở các nước trên thế giới, giá căn hộ chỉ gấp 7 lần thu nhập của người dân, trong khi Việt Nam con số này cao hơn tới 26 lần. Chẳng hạn, ở các nước, với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm đã có thể mua căn hộ 1,4 tỷ đồng trong vòng 7 năm. Còn ở Việt Nam, thu nhập phải tăng gấp 26 lần, người ta mới có thể mua được nhà.Anh Phạm Minh Long thuê nhà tại KĐT Mỹ Đình I, Từ Liêm, Hà Nội, đang có nhu cầu mua một căn hộ để ở với số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đi tìm những căn hộ đã hoàn thiện có thể vào ở ngay như FLC Land Mark Tower tại đường Lê Đức Thọ đều có giá quá cao, với mức 25 - 27 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các căn hộ đều có diện tích từ 100 - 200 m2, nhẩm tính để mua 1 căn hộ phải bỏ ra từ 3 - 4 tỷ đồng khiến anh Long đành chào thua. Không chỉ anh Long, nhiều người khác đang sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự, không đủ tiền để tiếp cận với các căn hộ đang rao bán giảm giá, trong khi đó các dự án tính thanh khoản hầu như rất thấp. Đã xảy ra một nghịch lý thừa căn hộ để bán tại các dự án và thiếu căn hộ để ở cho những người có nhu cầu thực.
Gỡ “hàng rào”
Giảm diện tích căn hộ không phải là điều mới, thời gian trước đây đã có một số doanh nghiệp đề xuất theo hướng này. Ở nước ngoài, các căn hộ diện tích nhỏ từ 20m2 đã phổ biến và không còn là vấn đề cần bàn từ rất lâu nay. Trước bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, ngày 25/4/2011, Công ty địa ốc Đất Lành đã giới thiệu căn hộ mẫu loại 40m2 dành cho 2 người và 20m2 dành cho 1 người. Theo tính toán của doanh nghiệp, với giá 300 triệu đồng/căn, người mua chỉ phải góp 2 - 4 triệu đồng/tháng để mua nhà. Dự án vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu đi kèm với tiện ích công cộng như cây xanh, công viên, nhà để xe và phòng tập thể dục.Diện tích nhỏ kéo theo giá thành giảm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Song tranh cãi bắt đầu nổ ra khi một số chuyên gia cảnh báo loại căn hộ 20 - 40m2 chưa phù hợp với quy định trong Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành không thừa nhận căn hộ dưới 45m2. Nhưng thực tế, loại căn hộ chung cư diện tích nhỏ đã tồn tại một cách tự phát từ nhiều năm qua. Đó là hiện tượng hai hay nhiều người cùng góp tiền mua căn hộ chung cư, khi nhận nhà họ tự ý chia đôi hoặc chia đều diện tích để sử dụng. Hiện tượng này luật không cấm và nhu cầu xã hội là rất lớn. Nếu không cho doanh nghiệp xây, căn hộ diện tích nhỏ vẫn tiếp tục xuất hiện.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, xây căn hộ nhỏ nhằm giảm giá thành và thích hợp với túi tiền của người mua. Giá rẻ thì việc đầu tiên phải là diện tích nhỏ. Như vậy, nhu cầu có nhà ở của người dân là những công chức, viên chức hoặc thu nhập trung bình là rất lớn. Tuy nhiên, Luật Nhà ở và tiêu chuẩn xây dựng hiện hành đã vô hình chung tạo một hàng rào khiến những đối tượng trên rất khó tiếp cận sản phẩm hợp lý. Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ thông qua, mong rằng việc quy định lại diện tích nhà ở thương mại, trong một giới hạn cho phép tại các dự án sẽ giúp người dân được sở hữu nhà ở và cũng góp phần xây dựng chiến lược nhà ở quốc gia thành công.
Quy mô căn hộ ở một số nước trên thế giới người ta không quy định mà căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Ví dụ như ở Trung Quốc, mỗi dự án có 20% căn hộ 20m2. Điều này phù hợp với người độc thân hoặc những đôi vợ chồng trẻ và như thế sẽ phù hợp với sức mua.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
|
(Theo KTĐT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét