Đây là nhận định của ông Trần Sơn - nguyên giám đốc một sàn giao dịch BĐS có tiếng tại khu vực Nguyễn Thị Định (Hà Nội). Theo đó, khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực vẫn đang đau đầu về bài toán giá cả - uy tín - tiến độ của chủ đầu tư.
Niềm tin củng cố - lực cầu sẽ tăng
Theo ông Mai, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế - ngân hàng, báo cáo của nhiều DN BĐS đều cho thấy các dự án của họ đều không có lợi nhuận, kéo theo đó là giá bán sản phẩm đang ở điểm… cực tiểu (!). Đồng thời, sự chuyển đổi (dù chậm) về cơ cấu sản phẩm nhà ở - chuyển dịch về diện tích cũng như loại hình căn hộ từ cao cấp sang bình dân đã dần khơi thông nguồn cầu vốn bị ách tắc từ lâu. Thêm vào đó, Chính phủ đang nỗ lực để cải thiện tính thanh khoản cho thị trường địa ốc bằng các văn bản nới tín dụng đối với lĩnh vực này của Ngân hàng Nhà nước. Chính sách đã gợi mở hơn, tạo điều kiện mở đường cho tái cấu trúc các khoản vay mới. Đặc biệt, đối với các dự án không nhất thiết phải hoàn thành trong năm 2012 cũng được vay vốn đã tạo ra hai cơ hội cho cả cung và cầu đều được kích thích. Thêm vào đó, việc cơ quan quản lý đang ráo riết giải quyết một số vấn đề nổi cộm như nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch BĐS, ban hành quy định cho phép xây dựng nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, tăng cường thông tin đối với tất cả các lĩnh vực liên quan đến BĐS, tạo sự minh bạch công khai trên thị trường, hệ thống thuế, xác định giá đất... có vẻ như đã củng cố niềm tin của khách hàng vào nền BĐS nước nhà.Từ đầu tháng 3/2012, lượng khách tới giao dịch tại các trung tâm BĐS Hà Nội tìm hiểu thông tin về các căn hộ giá rẻ, vị trí tốt (không xa trung tâm quá 10km) tăng đột biến. Nhưng thống kê trong 100 lượt khách tới hỏi thì vẻn vẹn 2 khách quay lại đặt cọc - anh Minh, nhân viên giao dịch sàn Tp (trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội) chia sẻ.
Giá vẫn còn hạ tiếp
Trước quá nhiều thông tin khẳng định việc giá BĐS đã chạm đáy, thấp “kịch đường tàu”, hay “không thể hạ tiếp” vì muôn vàn lý do mà nhiều chuyên gia, thậm chí nhà quản lý đưa ra, dư luận vẫn xuất hiện luồng quan điểm trái ngược hoàn toàn.Phân tích theo lý thuyết kinh tế, anh Nam, một chuyên viên phân tích kinh tế được đào tạo tại Singapore khẳng định: Giá thành sản phẩm đi lên hay xuống phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của sản phẩm đó. Thực tế, hiện các dự án BĐS ế ẩm từ hơn năm nay vẫn còn rất nhiều. Trong khi đó, những dòng sản phẩm mới phù hợp với túi tiền nguồn khách hàng có nhu cầu ở thực (điển hình là loại căn hộ bình dân, diện tích từ 30 - 50m2) đang có sức hút và mãi lực tốt. Nhưng đó là sức tiêu thụ tăng đối với các loại hình sản phẩm mới, chứ không phải với các sản phẩm cũ đã tồn tại, “mốc meo” không ai hỏi từ lâu. Như vậy, logic cho thấy giá của các sản phẩm cũ sẽ chịu sức ép cạnh tranh từ những dòng sản phẩm mới kể trên và đương nhiên phải tiếp tục giảm giá mới mong đẩy được hàng nếu chủ đầu tư không muốn “chết trên đống tài sản” của mình.
Ngoài ra, tính trên thu nhập của người dân lao động tại Thủ đô hiện trung bình là 10 triệu đ/tháng/người. Một gia đình 2 vợ chồng thu nhập 20 triệu đ/tháng. Trừ chi phí tiêu dùng, có lẽ phải gần 20 năm nữa mới mua nổi căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng (với điều kiện không trượt giá và thị trường BĐS không còn giới đầu cơ!). Anh Hoàng, một cán bộ địa chính đã chuyển ngành trầm ngâm phân tích: Giá đất hiện nay, tuy đã giảm so với lúc đỉnh điểm đầu 2011, nhưng vẫn cao hơn khoảng 2 - 3 lần thời điểm năm 2008, còn giá chung cư vẫn còn cao hơn khoảng 30%. Năm 2008 là năm đại khủng hoảng kinh tế: Khắp nơi trên thế giới, giá BĐS nay đã xuống mạnh (còn khoảng 50 - 60% so với năm 2008). Riêng ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, giá đất vẫn tăng liên tiếp, đỉnh cao là năm 2011 khi giá đất gấp khoảng 4 lần so với năm 2008. Ví dụ, giá đất Văn Phú từ 15 - 17 triệu đ/m2 tăng lên khoảng 70 triệu đ/m2 (hiện nay khoảng 45 - 50 triệu đ/m2)…
Xin kết lại bài viết bằng lời cảm thán của một dân đầu tư thứ cấp BĐS đang đau đầu với câu chuyện nợ đọng vì đầu tư nóng cho BĐS: Điệp khúc "giá BĐS đã thấp nhất", "không thể giảm hơn được nữa" lặp lại từ mấy năm nay, mà sau đó vẫn thấy giá cứ giảm đấy thôi...
(Theo BXD)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét