15 tháng 5, 2012

Nên làm rõ chủ sở hữu để đất đai bớt “nóng”


Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, trưởng bộ môn luật đất đai (Đại học Luật Hà Nội), vấn đề bức xúc hiện nay là cơ chế, chính sách thu hồi đất nông nghiệp của nông dân thì bồi thường theo giá đất nông nghiệp, trong khi giao cho doanh nghiệp thì bán theo giá thị trường.
Ông Tuyến nói:  “Cái hiện nay bức xúc luôn nằm ở những dự án thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế. Ở những dự án này, giá đền bù thu hồi chỉ có mấy trăm nghìn đồng/m2 nhưng doanh nghiệp chỉ đổ đất vào, san phẳng và bán nền đất đã có giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng một mét. Lợi ích đó là lợi ích nhóm nên người dân khó chấp nhận”.
Nên làm rõ chủ sở hữu để đất đai bớt “nóng” | ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến- Ảnh: XUÂN LONG
"Quan hệ đất đai luôn hàm chứa ba yếu tố. Thứ nhất, đất đai có yếu tố chính trị. Nếu giải quyết không thấu đáo, thận trọng rất dễ tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về chính trị. Thứ hai, đất đai liên quan đến xã hội. Đất đai là tư liệu sản xuất, đem lại công ăn việc làm cho nông dân. Thứ ba, đất đai liên quan đến kinh tế. Vấn đề nhạy cảm của đất đai là trong cơ chế thị trường thì giá đất lên cao, trong các tài sản thì đất đai là giá trị nhất. Còn vấn đề đất đai phức tạp là do suốt thời gian dài chúng ta buông lỏng quản lý"

TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng: Tại sao việc thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh hay làm đường, xây công trình công cộng luôn được người dân ủng hộ và không có khiếu nại, khiếu kiện? Câu trả lời đơn giản đó là thu hồi đất vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia nên người dân sẵn sàng hi sinh quyền lợi. Người dân được bồi thường thấp nhưng họ cảm thấy cũng được hưởng lợi từ các công trình.

Ý ông là tiêu chí quy định việc thu hồi đất đối với những dự án vì lợi ích kinh tế chưa rõ?

Nếu gọi là không có tiêu chí rõ ràng thì không phải. Luật đất đai năm 1993 quy định Nhà nước thu hồi đất chỉ có ba mục đích gồm: quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia; vì lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế đến Luật đất đai 2003 mới được bổ sung. Luật quy định rõ đối với dự án phát triển kinh tế quan trọng, tức dự án đó mang lại lợi ích cho một vùng, cho cả nước như khu công nghiệp và những dự án do Chính phủ quy định thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.

Còn đối với các dự án sản xuất kinh doanh, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, hiểu đơn giản là chỉ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp, đóng góp  cho ngân sách không nhiều thì chủ đầu tư sẽ nhận thuê đất hoặc doanh nghiệp tự thỏa thuận lấy đất.

Thực tế có tình trạng doanh nghiệp không thỏa thuận nổi với dân để lấy đất và quay sang đề nghị chính quyền dùng uy thế quyền lực để thu hồi đất. Việc đó là sai luật hiện hành. Nghị định 84/2007 quy định rõ nếu thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thì Nhà nước thu hồi đất. Đối với trường hợp vì lợi ích của chủ đầu tư thì nhất nhất doanh nghiệp phải thỏa thuận với dân, không thỏa thuận được thì đi chỗ khác thuê đất chứ không được nhờ chính quyền thu hồi đất.

Tại Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư đã đặt câu hỏi vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai? Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

Vì đó là tài sản giá trị lớn nhất của đời người, đặc biệt ở các đô thị, những nơi phát triển kinh tế, những nơi Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Còn tại sao tranh chấp, khiếu kiện đất đai liên quan đến thu hồi đất lại “nóng” như thế? Tôi cho rằng thứ nhất, giữa giá bồi thường với chuyển nhượng trên thực tế cách xa nhau. Thứ hai, việc giải quyết lợi ích thu hồi đất và lợi ích xã hội khi thu hồi đất chưa tốt. Người dân mất đất đương nhiên là không có công ăn việc làm.

Những bất cập, mâu thuẫn nào từ chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai hiện nay cần phải cấp bách điều chỉnh?

Đó là vấn đề xử lý, giải quyết hài hòa lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ, như vấn đề giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất, nhà đầu tư. Thứ hai là xử lý vấn đề công bằng trong sử dụng đất. Vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa tích tụ tập trung đất đai để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn với vấn đề Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp có đất để sản xuất. Mâu thuẫn nữa cũng cần giải quyết là giữa vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp với vấn đề phải tạo ra một quỹ đất cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt là vấn đề mối quan hệ giữa quyền sở hữu toàn dân và quyền của người sử dụng đất. Hiện nay có quan điểm nói rằng không quy định thời hạn sử dụng đất, vậy sở hữu toàn dân về đất đai sẽ như thế nào?

Việc sửa đổi chính sách cần tập trung vào những điểm nào để giải quyết các mâu thuẫn về đất đai?

Vấn đề đầu tiên là nội hàm của sở hữu toàn dân. Hiến pháp 1992, Luật đất đai 2003 và trước đó đều nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khi nói sở hữu toàn dân thì ai là chủ sở hữu cụ thể, vì sở hữu toàn dân tức là mọi người đều có quyền sở hữu. Thực tiễn chúng ta nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, ta chỉ quy định như vậy nên không có cơ chế quản lý cụ thể.

Đến Luật đất đai 2003 mới nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng vấn đề ở đây là Nhà nước cũng chỉ làm đại diện chứ không phải là chủ sở hữu. Bên cạnh đó, chúng ta lại giao cho rất nhiều cơ quan khác làm đại diện chủ sở hữu, vì vậy ở cấp địa phương mới có chuyện UBND địa phương thực hiện hai chức năng gồm đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước.

Theo tôi, phải rõ chủ sở hữu thì đất đai mới bớt “nóng”. Vì vậy, việc sửa hiến pháp nên cụ thể đất đai thuộc sở hữu nhà nước, từ đó xác lập cơ chế để quản lý. Với việc sửa luật, quan trọng nhất là phải xử lý hài hòa mối quan hệ về lợi ích kinh tế từ việc thay đổi mục đích sử dụng đất. Cơ chế xác định giá đất cũng nên có đột phá theo hướng để các tổ chức tư vấn làm. Đồng thời nên có cơ chế như thành lập cơ quan tài phán về đất đai, hoặc có thể có mô hình tòa án về đất đai.
(Theo TTO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét