17 tháng 5, 2012

"Đất vàng” công sở: Xử lý ra sao?


Nhiều bộ, ngành có trụ sở tại Hà Nội đã và đang rục rịch dời khỏi những địa điểm đắc địa hiện nay ở Hà Nội để đến địa điểm mới.
Song xử lý những nơi được coi là “đất vàng” này vẫn còn nhiều ý kiến, cách giải quyết khác nhau. Trong đó, khó nhất là làm sao định giá chính xác những khu “đất vàng” hàng ngàn mét vuông.

Bán đấu giá trụ sở

Để minh bạch, việc bán trụ sở các bộ sẽ được đấu giá mà nguyên tắc bán đấu giá là phải có đất sạch. Đây là điều không dễ áp dụng trong thực tế ở các bộ, ngành

Theo chủ trương của Chính phủ, đến nay, trụ sở mới của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ đã lần lượt hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thời gian tới, một loạt các bộ như: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), GTVT, Xây dựng, NN-PTNT cũng sẽ di dời ra khu vực Tây Hồ Tây và Mỹ Đình. Trụ sở cũ của các bộ này bỗng trở thành những miếng “đất vàng” do đều nằm ở mặt tiền những trục đường lớn của TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc xử lý các khu “đất vàng” này như thế nào vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý.

Có mới vẫn muốn giữ đất cũ

Tiếp xúc với báo chí cách đây không lâu, Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Huỳnh Phong Tranh, cho biết đang có dự định xin xây dựng khu đất trụ sở cũ của cơ quan này trên đường Đội Cấn (quận Ba Đình) thành khu chung cư cho cán bộ, nhân viên và một phần còn lại để bán. Mặc dù đã chuyển đi khá lâu nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn bố trí lực lượng ở lại bảo vệ trụ sở cũ,  chưa trả cho TP Hà Nội quản lý.

"Đất vàng” công sở: Xử lý ra sao? | ảnh 1
Trụ sở đang sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: ĐỖ DU

Tương tự, dù đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại khu đất 40 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) để xây trụ sở mới nhưng đến nay, nơi đây vẫn là trụ sở của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm. Trong khi đó, trụ sở Bộ Công an được xây dựng khang trang trên đường Phạm Hùng (huyện Từ Liêm) đã đi vào hoạt động khá lâu.

Bộ KH-CN dù đã chuyển đến 113 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) nhưng theo ghi nhận của chúng tôi ngày 16-5, hiện trụ sở cũ của bộ này tại số 39 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đang được tu sửa, nâng cấp. Trả lời báo chí, ông Phạm Công Tạc, Chánh Văn phòng Bộ KH-CN, cho biết trụ sở cũ sẽ tiếp tục là nơi làm việc của một số vụ, cục thuộc bộ nên không dự định chuyển đổi mục đích sử dụng. Bộ TN-MT cũng chuẩn bị di chuyển nhưng trụ sở cũ vẫn sẽ được giữ lại cho một số cơ quan hành chính sự nghiệp.

Giá trị trụ sở mới không hơn chỗ cũ

Trong số các cơ quan phải di dời khỏi trung tâm thủ đô, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đã chính thức lên tiếng về việc sẽ bán trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới. Ông Nguyễn Quang Nam, Trưởng Ban Quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng, cho biết sẽ tiến hành đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư mua lại khu đất trụ sở cũ. Hiện Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng nhà ở thấp tầng tại khu vực này với mục đích tăng giá trị sử dụng đất. Ông Nam cho biết Chính phủ đang thắt chặt đầu tư công nên việc bán khu đất cũ giá  càng cao càng tốt.

"Đất vàng” công sở: Xử lý ra sao? | ảnh 2
Trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo - Hà Nội sẽ được bán. Ảnh: ĐỖ DU

Trong khi đó, Bộ GTVT cho biết việc di dời trụ sở mới của bộ được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì). Đồng thời, Thủ tướng cũng cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do cơ quan này đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), theo giá thị trường. Việc chuyển nhượng này sẽ bảo đảm nguyên tắc giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý.

Khó có đất sạch

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 16/5, một lãnh đạo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết việc rà soát, quy hoạch sử dụng trụ sở các bộ, ngành vẫn đang được tiến hành gấp rút. Theo quy hoạch, Chính phủ giao UBND TP Hà Nội bố trí quỹ đất, Nhà nước bỏ tiền xây dựng các trụ sở. Tuy nhiên, trong lúc tình hình kinh tế còn đang khó khăn và phải giải quyết những cấp bách hơn như tiền lương, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông,… thì người dân khó có thể chấp nhận việc bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng trụ sở mới. Điều này khiến một số bộ đưa ra giải pháp bán khu đất cũ để lấy tiền xây trụ sở mới chứ không dùng ngân sách. Tuy nhiên, khi các bộ chuyển đi, UBND TP Hà Nội sẽ quyết định việc quy hoạch xây dựng tại các khu “đất vàng”.

Mặt khác, nguyên tắc bán đấu giá là phải có đất sạch. Điều này sẽ rất khó bởi không thể có sẵn một nơi làm việc tạm cho một bộ với cả ngàn con người. Chính vì thế, sẽ phải cho phép một chủ đầu tư được mua trên giấy trụ sở đó với cam kết họ sẽ xây dựng cho bộ (bán đất) trụ sở mới theo đúng yêu cầu về thiết kế. Sau đó, một cơ quan thẩm định độc lập sẽ tính toán cụ thể giá trụ sở mới và cũ theo giá thị trường thời điểm đó là bao nhiêu. Vị lãnh đạo Cục Quản lý Công sản khẳng định đây là mua bán chứ không phải hoán đổi, chuyển nhượng. Giá của trụ sở mới và cũ sẽ được xác định rồi trình lên chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định. Vị này khẳng định việc mua bán trụ sở đang được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
(Theo NLĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét