17 tháng 5, 2012

Thị trường khó khăn, dự án BĐS xin chuyển công năng


Văn phòng chuyển sang bán căn hộ cao cấp, chung cư xin chuyển công năng làm bệnh viện, dự án xây dở thì cho thuê làm chợ tạm… Các chủ dự án đang đứng trước bài toán nan giải để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Dù đã được chấp thuận chủ trương nhưng việc chuyển công năng của các dự án này gây lo ngại cho những tác động về mặt xã hội.

Thị trường khó khăn, dự án BĐS xin chuyển công năng | ảnh 1
Dự án căn hộ 584 từng xin chuyển công năng thành bệnh viện nhưng bất thành.

Đồng loạt xin chuyển

Số lượng văn phòng, căn hộ tồn đọng lớn đang là vấn đề đau đầu cho các dự án. Hiện Tp.HCM có tổng cộng 266 văn phòng cho thuê ở tất cả các hạng với diện tích cho thuê 1.724.338m2 thế nhưng tỷ lệ trống ở các cao ốc cho thuê hiện tại rất lớn, có những cao ốc mới xây dựng tỷ lệ cho thuê chỉ đạt 30%, không những thế, áp lực văn phòng cho thuê ngày càng đè nặng trong năm 2012. Theo Savills Việt Nam dự kiến có thêm khoảng 960 nghìn m2 diện tích văn phòng được đưa vào thị trường.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tìm lối thoát, trong đó chuyển đổi công năng đã được đề xuất và Tp chấp thuận chủ trương. Sau khi có thông tin UBND Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương cho xem xét điều chỉnh chức năng một số công trình từ văn phòng, khách sạn sang căn hộ (bán hoặc cho thuê) và ngược lại, rất nhiều DN BĐS đã ồ ạt xin được thay đổi mục đích sử dụng dự án.

Mặc dù chưa công bố cụ thể tên từng dự án nhưng theo nguồn tin từ Sở QH-KT Tp.HCM, hiện tại có khoảng 10 chủ dự án văn phòng cho thuê đã làm đơn xin chuyển công năng sang căn hộ để bán, căn hộ dịch vụ và kinh doanh khách sạn. Trong đó có những cao ốc văn phòng thuộc hạng A, nằm ở vị trí đắc địa trung tâm Q.1.

Ở phân khúc nhà ở trung bình do tình trạng ế ẩm cũng rục rịch xin chuyển công năng. Hồi tháng 8/2011, thị trường BĐS nhận được thông tin bất ngờ khi dự án căn hộ 584 Tân Kiên A (huyện Bình Chánh) sắp được “hóa kiếp” thành bệnh viện. Lý do khiến chủ đầu tư tìm đến phương án này là số người nhận nhà rất ít, tổng số khách hàng còn nợ tiền mua căn hộ quá nhiều khiến DN thua lỗ nặng. Tuy nhiên sau nhiều lần thương lượng với khách hàng bất thành, chủ đầu tư đành rút lui ý định này.

Mới đây, tại Q.9, Thuduc House dành một phần của dự án Phước Long Spring Town để phân lô bán nền. Theo đó, bên cạnh khu trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, DN cắt ra 38 nền nhà phố thương mại và biệt thự để bán trước. Trước đó Cty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Phước Long (đơn vị trực thuộc Cty CP Vinaland) xin chuyển đổi công năng một phần khu đất thành dự án trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống.

Cần thận trọng

Việc cơ quan chức năng bật đèn xanh cho các chủ dự án chuyển đổi công năng nhằm tạo điều kiện cho DN tháo gỡ khó khăn trước mắt giúp DN đa dạng nguồn cung, tăng khả năng huy động vốn và tạo thanh khoản cho hàng tồn. Tuy nhiên không ít các nhà phân tích lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra nếu dự án nào cũng được điều chỉnh công năng đặc biệt là việc chuyển công năng của văn phòng cho thuê sang các loại hình nhà ở khác tại khu trung tâm Q.1 nguy cơ sẽ tạo sự hỗn loạn, mất kiểm soát cho quy hoạch của địa phương.

Các chuyên gia cho rằng, các chủ trương, biện pháp nhằm tháo gỡ cho thị trường BĐS thời gian qua dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa giải quyết được bài toán đầu ra. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, Hiệp hội đã có văn bản gửi UBND Tp và Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp mang tính dài hơi, trong đó Chính phủ và NHNN nên có chủ trương tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các DN và có lộ trình đưa lãi suất cho vay trở về mức 11-12%/năm. Đồng thời, nên cho DN BĐS vay vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển các dự án BĐS, nhất là ưu tiên cho các DN đã có quỹ đất và đang triển khai công trình, đặc biệt là các DN đang triển khai các dự án căn hộ cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, và phục vụ cho các chương trình tái định cư, nhà ở xã hội của Tp.

Ngoài ra, nên cho người tiêu dùng vay vốn với lãi suất ưu đãi để người dân mua căn hộ đầu tiên, đây là biện pháp kích cầu thị trường, góp phần làm hồi phục thị trường. Mặt khác, cần sớm thông qua đề án thành lập quỹ phát triển nhà ở và quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS nhằm tạo được nhiều kênh huy động vốn cung ứng cho thị trường BĐS.
(Theo BXD)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét