17 tháng 5, 2012

Bất chấp thị trường tuột dốc, DN vẫn đua nhau xây cao ốc


5 tháng đầu năm, Tp.HCM chứng kiến không ít dự án có vốn đầu tư lớn được động thổ, khởi công. Đây là xu hướng ngược dòng trong bối cảnh thị trường địa ốc đang án binh bất động vì khát vốn và mãi lực cực thấp.
Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản tuột dốc, các dự án phức hợp có kinh phí hàng trăm triệu USD vẫn động thổ, khởi công tại Tp.HCM. Điểm chung là cuộc đua chỉ góp mặt những đại gia.

Ngày 27/4 Tập đoàn Bitexco đã động thổ Tòa tháp The One 55 tầng, tổng vốn đầu tư ước tính 500 triệu USD. Dự án gồm hai tòa tháp cao 48 và 55 tầng có hướng nhìn ra chợ Bến Thành, dự kiến hoàn thành năm 2015. Hai cao ốc có chức năng: khách sạn 6 sao, văn phòng cho thuê hạng A+, trung tâm thương mại và căn hộ dịch vụ cho thuê ngay trên khu đất vàng Tp.HCM.

Với tình hình tòa tháp phức hợp Bitexco Financial Tower của tập đoàn vẫn chưa đạt công suất cao, việc doanh nghiệp tiếp tục rót vốn vào dự án The One gây bất ngờ cho giới đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn Bitexco cho biết, dù gặp phải một số khó khăn nhất định về mặt tài chính, vòng đàm phán cuối cùng với các nhà đầu tư đã hoàn thành. Ông tin rằng đến năm 2015, khi công trình hoàn thành thì nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng công bố, giai đoạn 1, Vietinbank tài trợ 70 triệu USD cho dự án này.

Bất chấp thị trường tuột dốc, DN vẫn đua nhau xây cao ốc | ảnh 1
Tòa tháp đôi The One tại quận 1, hướng ra chợ Bến Thành có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Hôm 16/3, Công ty Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID) và Công ty TNHH đầu tư Mapletree (thuộc tập đoàn Temasek, Singapore) khởi công Trung tâm thương mại SC VivoCity tại quận 7. Dự kiến hoàn thành quý 1/2014, SC VivoCity là dự án thành phần của khu phức hợp Saigon South Place 4,4 ha với tổng vốn đầu tư 360 triệu USD. Dự án hướng đến khách hàng tiềm năng là các tập đoàn đa quốc gia và cộng đồng người nước ngoài tại khu Nam Tp.HCM.

Góp mặt trong cuộc đua xây các khu phức hợp không chỉ có ông lớn trong ngành bất động sản là Bitexco hay đại gia ngành bán lẻ Saigon Co.op và Mapletree mà còn có gương mặt mới.

Cuối tháng 2, Công ty Sửa chữa máy bay A41 (thuộc Bộ Quốc phòng) và Công ty Địa ốc Kinh Đô đã khởi công khu phức hợp Cộng Hòa Garden tại quận Tân Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 130.000 m2. Trong đó, có 970 căn hộ thương mại và dịch vụ cho thuê, 15.000 m2 văn phòng và gần 12.000 m2 mặt bằng bán lẻ.

Bất chấp thị trường tuột dốc, DN vẫn đua nhau xây cao ốc | ảnh 2
Phối cảnh dự án Trung tâm thương mại SC VivoCity tại quận 7 có vốn đầu tư 100 triệu USD.

Trưởng phòng nghiên cứu Công ty Savills Trương An Dương nhận xét, mặc dù các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng đều do những doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính thực hiện nên bài toán về vốn không đáng ngại. Vị trí của các dự án đều đắc địa, sẽ đi vào hoạt động 3-5 năm tới nên có thể xem đây là sự chuẩn bị tốt nguồn cung để đón điểm rơi trong tương lai.

Theo ông Dương, vòng đời của một dự án bất động sản trung bình 50-100 năm. Nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ không vì khủng hoảng nhất thời mà lùi bước. "Trong tuổi đời trăm năm, dự án phải chấp nhận chu kỳ thăng trầm của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông phân tích.

Chuyên gia này cũng cho rằng, hiện bất động sản chỉ xấu ở phân khúc căn hộ. Văn phòng cho thuê đã vượt qua giai đoạn giảm giá mạnh và bắt đầu ổn định hơn so với thời kỳ giá thuê lao dốc năm 2009. Mặt bằng bán lẻ và căn hộ dịch vụ cho thuê vẫn còn nhiều cơ hội phát triển so với vị thế trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính của Tp.HCM trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc một công ty bất động sản có thâm niên 10 năm tại Tp.HCM tiết lộ, nhiều dự án tầm cỡ vẫn phải đi vay nóng với lãi suất cao để triển khai dự án trong thời điểm này. Các chủ đầu tư này đánh cược với kỳ vọng khi thị trường phục hồi thì có ngay sản phẩm để bán, hợp tác hoặc cho thuê dài hạn.

Vị này dự báo thêm, nhiều khả năng các doanh nghiệp trong nước đang phải nhờ đến dòng vốn viện trợ từ nước ngoài để thực hiện dự án trong thời điểm hiện nay. "Cần xem lại ông chủ thật sự của dự án là ai. Với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm này xoay ra số vốn hàng trăm triệu USD không phải dễ", ông nói.
(Theo VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét