11 tháng 5, 2012

Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội "vòi" thêm tiền nhà nước


Trong số 10 dự án xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, có đến 7-8 chủ đầu tư kiến nghị thành phố cấp thêm vốn.
Tại buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội chiều 9/5, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo, liệt kê tình hình thực hiện triển khai các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn.

So với mục tiêu 15.500 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp (tương đương 1,1-1,5 triệu m2) mà Hà Nội phải phát triển được trong giai đoạn 2011-2015, thì cho đến nay số lượng nhà đầu tư đăng ký, được thành phố chấp chuận triển khai đạt 12.000 căn hộ.

Trong số này, hiện không có nhà đầu tư nào đăng ký xây dựng quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua. Lý do chính là do không có nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn và có nhiều rủi ro vì đầu tư kiểu "bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ", quá trình thu hồi vốn kéo dài. Mặt khác, doanh nghiệp lại chủ yếu đề xuất được vay tiền thành phố để xây nhà bán cho người có thu nhập thấp.
Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội "vòi" thêm tiền nhà nước | ảnh 1
Cụ thể, dự án đầu tư tại CT1, CT2 khu tái định cư Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) do Liên doanh Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư. Các lô đất nói trên bao gồm 5 tòa nhà, dự kiến cung ứng 1.440 căn hộ.

Trong đó 3 tòa nhà do Vinaconex Xuân Mai đang thi công hiện đã xong phần thô, dự kiến hoàn thành trong năm 2012 đã bán hết 864 căn hộ cho khách hàng. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư đề xuất nhu cầu vay vốn ưu đãi năm 2012 là 300 tỷ đồng.

Dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp thuộc ô CT3, CT4 khu đô thị mới Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh), do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư dự kiến cung ứng 1.528 căn hộ, hoàn thành trong năm 2015, chủ đầu tư đề xuất nhu cầu vay vốn năm 2012 là 30 tỷ đồng.

Dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Từ Liêm) do Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, với 1.456 căn hộ hoàn thành năm 2015 cũng đề xuất vay 100 tỷ đồng.

Dự án tại lô CT1 và CT2 thuộc khu nhà ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, cung ứng 124 căn, hoàn thành dự kiến trong năm 2012 cũng có nhu cầu vay vốn 58 tỷ đồng.

Dự án tại lô đất NO5B và NO10B thuộc khu đô thị mới Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cũng do Viglacera làm chủ đầu tư cũng có nhu cầu vay vốn năm 2012 là 100 tỷ đồng. Dự án có 946 căn hộ, hoàn thành trong năm 2012. Hiện tại chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán 650 căn hộ.

Ngoài ra, còn phải kể đến dự án tại lô đất NO11A và NO12-2 thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên), do Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư cũng đề xuất nhu cầu vay vốn năm 2012 là 180 tỷ đồng để hoàn thiện 420 căn hộ của dự án trong năm 2012.

Dự án thuộc lô đất NO10A và NO12-3 cũng thuộc khu đô thị mới Sài Đồng nhưng do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đề xuất thành phố cho vay 100 tỷ đồng trong năm 2012 để hoàn thành 420 căn vào năm 2013.

Ngoài ra, một dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp khác tại khu đô thị mới Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức) của Liên danh Tổng Công ty Vinaconex và Handico, dù đang làm thủ tục đầu tư nhưng cũng đã đề nghị ngân sách cấp 300 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hạ tầng dự án, xin một phần đất để kinh doanh nhà thương mại và dành một phần để xây dựng 600 căn nhà thu nhập thấp để bán cho cán bộ của công ty liên danh...

Minh bạch chi tiêu

Doanh nghiệp nào cũng lên tiếng được cấp thêm vốn ưu đãi để triển khai dự án trong khi giá nhà thu nhập thấp thực tế vẫn rất cao và việc đóng tiền theo tiến độ dự án đang vượt quá khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thấp.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đặt vấn đề, theo quy định, chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn thực hiện dự án, một phần huy động từ khách hàng theo tiến độ, phần khác, các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi thì công trình xây dựng ra, giá thành cũng phải ưu đãi. Liệu các ngành chức năng có kiểm soát, bóc tách được giá thành khi thành phố cho vay ưu đãi hay lại tính bình quân với vốn vay thương mại của doanh nghiệp?

Ông Khôi chỉ đạo, riêng nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, trước hết Sở Xây dựng Hà Nội cần chốt lại và phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát lại từng dự án xem khối lượng, tổng mức đầu tư, giá trị đầu tư hiện đã thực hiện được bao nhiêu. Đã vượt quá 20% vốn của chủ đầu tư chưa. Tiếp theo, là tương quan giữa tiến độ thực hiện dự án với phần tiền góp vốn của khách hàng

"Phải quản chặt, soát xét nguồn vốn từng dự án. Làm như vậy nhằm đảm bảo dự án đáp ứng đúng tiến độ và khối lượng như mục tiêu đề ra, chứ không thể để tình trạng không cân đối được thì mọi thứ cứ trôi đi mãi.

Ở đây không phải khó khăn với nhà đầu tư mà là rõ ràng minh bạch. Trên cơ sở ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư nhưng phải đúng và đáp ứng được các quy định tối thiểu." - ông Khôi nhấn mạnh.
(Theo VEF)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét