Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội: Đi liền với việc xây dựng 9 khu đô thị tái định cư, thay đổi lớn nhất về chính sách là người dân sẽ được chọn nhà chứ không phải bị “ép” vào những khu căn hộ chất lượng kém như trước đây...
Nhiều người dân tại khu tái định cư Nam Trung Yên kiến nghị về chất lượng nhà quá kém, quản lý dịch vụ thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Minh Tuấn. |
Thiếu trầm trọng nhà tái định cư
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 10 năm tới (2011-2020), thành phố cần khoảng 50.000 căn hộ và 10.000 lô đất tái định cư.Nhu cầu lớn nhưng thực tế khả năng đáp ứng bộc lộ nhiều bất hợp lý. Tại hầu hết khu nhà vẫn chưa có sự phân định rõ ràng diện tích sở hữu chung, riêng, quyền lợi, trách nhiệm của các bên dẫn đến trách nhiệm, quyền hạn của các bên trong quản lý, khai thác, vận hành chưa minh bạch.
Việc quản lý diện tích tầng 1 và diện tích công cộng trong các khu nhà tái định cư còn hạn chế, gây tranh chấp. Việc quản lý dân cư quá chậm gây khó khăn cho người dân khi đăng ký hộ khẩu, xin học cho con.
Do không phải lo khâu tiêu thụ nên nhiều chủ đầu tư bỏ rơi chất lượng xây lắp; việc bảo trì, bảo hành không được quan tâm dẫn đến tình trạng nhà mới xây đã xuống cấp mà người dân không biết kêu ai và quản lý dịch vụ sau bàn giao thường tùy tiện.
Siết chặt chất lượng xây lắp, vận hành
Ông Đạm khẳng định, đến nay đã giao 7/9 dự án xây dựng khu đô thị tái định cư cho các chủ đầu tư và Sở Xây dựng đang khẩn trương báo cáo thành phố tiếp tục giao nốt 2 dự án còn lại để nhà đầu tư triển khai.Điểm mới nhất trong phát triển nhà tái định cư của Hà Nội là thực hiện phương châm người dân được quyền chọn nhà phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.
“Nếu trước đây có khi cả trăm hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng một dự án cùng được đưa vào một tòa nhà tái định cư được ấn định thì nay họ được chọn một trong hàng vạn căn hộ thuộc chín khu đô thị quy mô lớn với nhiều loại diện tích, vị trí khác nhau”, ông Đạm nói.
Và để thực hiện chủ trương này, Hà Nội đang xúc tiến sửa đổi quyết định 108 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo hướng nâng giá trị đền bù theo sát giá thị trường.
Đại diện Sở Xây dựng giải thích thêm, thậm chí nếu không muốn ở trong các khu đô thị tái định cư, người dân hoàn toàn có quyền từ chối quyền mua nhà tái định cư và chọn một căn nhà khác theo ý mình.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân, thành phố vẫn quản lý giá bán nhà tái định cư theo hướng mềm hơn so với thị trường do được hưởng một số ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
“Trước mắt, khi chính sách giá bồi thường của Nhà nước chưa thay đổi, thành phố sẽ đầu tư hạ tầng khu đô thị như giao thông, trường học, trạm y tế, công viên... và khi xác định giá bán nhà sẽ không hạch toán phần đầu tư này.
Khi chính sách giá bồi thường, giải phóng mặt bằng của Nhà nước thay đổi, thành phố sẽ điều chỉnh từng bước theo hướng thu hồi vốn, tiến dần đến thị trường hóa quỹ nhà này”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định.
Việc quản lý vận hành các khu nhà tái định cư sẽ được giao trực tiếp cho doanh nghiệp chủ đầu tư dự án, gắn trách nhiệm chủ đầu tư trong cả xây lắp và vận hành.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2013-2015, Hà Nội sẽ có những căn hộ đầu tiên từ các khu đô thị này phục vụ người dân tái định cư.
Hà Nội triển khai đầu tư ngay 4 khu đô thị tái định cư gồm: Khương Đình (Thanh Xuân), khu vực huyện Thanh Trì, khu Thượng Cát (Từ Liêm), thị trấn Trâu Quỳ huyện Gia Lâm.
Bốn khu khác sẽ được xây dựng tại xã Kim Chung, Đại Mạch (Đông Anh), xã La Phù (Hoài Đức), xã Tiên Dược, Mai Đình (Sóc Sơn) và khu vực huyện Thường Tín. Quy mô mỗi khu từ 20 ha trở lên đối với nội thành và 50 ha trở lên với khu vực các huyện.
(Theo TPO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét