5 tháng 5, 2012

Đề án quản lý KĐT, chung cư: Kích cầu hay phá kiến trúc?


"Các chủ đầu tư phải có từ 15 - 20% lượng căn hộ chung cư có diện tích từ 25 - 40 m2" là một nội dung trong đề án quản lý việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, chung cư của Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng đang gây nhiều tranh cãi.
Có ý kiến ủng hộ nhưng có người lại cho rằng quy định này sẽ tăng áp lực cho giao thông và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc, an ninh trật tự xã hội, các ràng buộc pháp lý...
 
Đề án quản lý KĐT, chung cư: Kích cầu hay phá kiến trúc? | ảnh 1
Sẽ như thế nào khi khu chung cư đẳng cấp như thế này lại xen giữa những căn hộ siêu nhỏ.

Đề án chưa phải là thực tế?

Theo ý kiến Bộ Xây dựng, Đề án yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng chung cư phải có từ 15-20% lượng căn hộ chung cư có diện tích từ 25 - 40 m2 là nhằm mục đích kích cầu thị trường. Do phần lớn căn hộ chung cư hiện nay đều có diện tích khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng: Trong thời gian qua, trên cơ sở phản ánh của các chuyên gia và dư luận, hầu hết các chủ đầu tư bất động sản chưa chú trọng vào phát triển nhà ở có diện tích nhỏ, nhằm đáp ứng nhu cầu có khả năng thanh toán của người dân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tính thanh khoản thị trường này sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Trong khi nguồn cung diện tích lớn nhiều, vượt quá khả năng chi trả của khách hàng.

Đây là lý do để Bộ Xây dựng giao cho Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản nhiệm vụ: Chủ trì xây dựng đề án quản lý việc đầu tư xây dựng các khu đô thị, chung cư. Trong đó, nội dung quan trọng là bắt buộc các chủ đầu tư phải có từ 15 - 20% lượng căn hộ chung cư có diện tích từ 25 - 40 m2. Việc xây căn hộ diện tích nhỏ không đồng nghĩa với chất lượng thấp kém, do đó không nên lo ngại biến các dạng căn hộ này thành các “khu nhà ổ chuột”. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, dự kiến muộn nhất là vào tháng 12/2012, Đề án sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm hiểu ý kiến của một vị lãnh đạo khác thuộc Bộ Xây dựng thì vị lãnh đạo này cho rằng: Đây là đề án và Bộ sẽ lấy ý kiến tham khảo, đóng góp trước khi trình lên Thủ tướng. Vì vậy, không hoàn toàn những nội dung trong đề án sẽ trở thành thực tế.

Dễ bán nhưng quá tải, phá hỏng kiến trúc

Dễ làm, dễ bán
Một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản ủng hộ Đề án này thì cho rằng nhu cầu của người dân đối với căn hộ 30m2, giá bán trên dưới 500 triệu đồng rất lớn, trong khi thị trường không có nhiều sản phẩm để người dân chọn lựa. Vì vậy, quy định của Đề án rất phù hợp với phần lớn nhu cầu mua nhà ở hiện nay. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thì phân tích rằng: Nhu cầu về nhà ở có diện tích nhỏ hiện nay thực sự rất lớn, đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng trẻ với mức thu nhập trung bình. Vì vậy, các chủ đầu cũng nên quan tâm, xây dựng những loại hình chung cư này dễ làm, dễ bán. Theo đó, quy định của Đề án vào thực tế sẽ được ủng hộ.
Các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực bất động sản khi được hỏi về đề án này phần lớn đều cho rằng: Yêu cầu bắt buộc tối thiểu của đề án là từ 15-20% sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với sự phát triển của thành phố như: khuyến khích phát triển dân nhập cư, tăng quy mô dân số, tăng áp lực cho giao thông và hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc, an ninh trật tự xã hội, các ràng buộc pháp lý...

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Nếu cho phép xây dựng những căn hộ nhỏ thì sẽ giải quyết được bài toán nhu cầu về nhà ở nhưng bài toán quy hoạch, cảnh quan đô thị sẽ bị phá vỡ. Nhìn lại lịch sử, từ những năm 60 thế kỷ trước, quy định của chung cư cũ là đáp ứng tỷ lệ 6m2/người. Theo đó, căn hộ 24m2 cho gia đình 4 người nhưng khi thành viên trong gia đình tăng lên thì sẽ không đáp ứng được. Nhiều chung cư cũ hiện nay đã thành các khu “ổ chuột” do tình trạng quá tải. Bây giờ cho phép xây căn hộ nhỏ 25m2 liệu có hợp lý?”

Tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản đang xây dựng một khu chung cư siêu cao cấp tại Hà Nội cũng chia sẻ: Cần phải tính tới hệ lụy quá tải về hạ tầng như chỗ đậu xe, dân cư tập trung quá đông sẽ ảnh hưởng tới tiện ích công cộng... Người dân có nhà và sự ấm lên của thị trường BĐS là hai chuyện hoàn toàn khác. Đã là thị trường thì nên để cho nó vận động theo đúng quy luật thị trường, cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu. Trên thế giới, nhiều nước cũng xây dựng các phòng siêu nhỏ dưới 30m2 nhưng các căn hộ này chỉ để cho thuê nhằm quản lý sử dụng theo đúng quy định, đơn thuần là nơi để ngủ nghỉ, tương tự các khách sạn, ký túc xá nhưng không cho nấu nướng, ăn uống. Tuy nhiên, đó đều ở những nước phát triển, có hạ tầng hoàn hảo, công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tại các khu dân cư rất chặt chẽ.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, đây là cách làm manh mún, không đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị. Các dự án chung cư đã được phê duyệt đều nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển bền vững về diện tích, mật độ dân cư. Nếu cho phép xây căn hộ nhỏ, các doanh nghiệp sẽ “lao” vào làm, từ đó sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị.

Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Nhu cầu căn hộ siêu nhỏ là có thật, song đứng từ góc độ quy hoạch, kiến trúc và quản lý xã hội thì nhất định phải xem lại; Không hiểu Bộ Xây dựng xuất phát từ căn cứ nào để quy định bắt buộc tỷ lệ từ 15-20% lượng căn hộ diện tích nhỏ trong các khu đô thị, chung cư? Có địa điểm dù có xây nhà nhỏ vẫn ế vì người dân ở khu vực đó không có nhu cầu căn hộ nhỏ. Không phải vô cớ mà Luật Nhà ở quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại (dạng chung cư) phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11m 2.
(Theo Giadinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét