3 tháng 5, 2012

BĐS Hà Nội: Tiền "chảy" ra nước ngoài từ kẽ hở chính sách


UBND TP Hà Nội đã có bản báo cáo lên Bộ Xây dựng chỉ ra những kẽ hở trong hoạt động hợp tác đầu tư tại các dự án bất động sản có yếu tố nước ngoài gây thất thu tiền thuế lớn.

“Chuyển giá” trong đầu tư bất động sản

Báo cáo do phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký cho biết: “Xuất phát từ thực tiễn quản lý thuế cho thấy, quy định về điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư tại điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP đã tạo cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua việc trả lãi vốn vay (số vốn vay chủ yếu là vay của các công ty mẹ ở nước ngoài, Nhà nước Việt Nam chỉ thu được thuế nhà thầu đối với bên cho vay)”.

BĐS Hà Nội: Tiền "chảy" ra nước ngoài từ kẽ hở chính sách | ảnh 1
Khu đô thị Nam Thăng Long, một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Hà Nội đến nay vẫn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Chí Cường

Một nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bị thất thu nữa là qua việc gửi giá trong hợp đồng với nhà thầu. Báo cáo chỉ rõ “phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện các dự án về khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đều giao thầu lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong cùng tập đoàn, hoặc các nhà thầu có cùng “quốc tịch”. Do các nhà thầu này không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam nên việc thu thuế TNDN đối với các đối tượng này được tính theo tỷ lệ (%) tính trên doanh thu theo quy định tại Thông tư số 134/2008 của Bộ Tài chính. “Tuy nhiên, việc thu thuế TNDN theo tỷ lệ tính trên doanh thu chưa điều tiết được phần lợi nhuận trước thuế của nhà đầu tư chuyển ra nước ngoài thông qua việc “gửi giá” trong hợp đồng với nhà thầu”, báo cáo nhấn mạnh.

Mặc dù “thất thu” như vậy, nhưng phần thuế TNDN nộp ngân sách nhà nước trong ba năm từ 2008-2010 đã lên tới 16.198 tỷ đồng, chiếm 45% tổng nộp ngân sách Nhà nước 2008-2010 (đạt 35.931 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 tỷ USD), gồm các khoản thu từ thuế gồm: Thuế GTGT, TNDN, TNCN… trong đó thuế TNDN chiếm tỷ lệ cao nhất.

Một điểm đáng chú ý nữa là tại báo cáo này Hà Nội cũng cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp chỉ cung cấp được số liệu lợi nhuận và nộp ngân sách của các năm 2008, 2009 và năm 2010, nhất là các dự án có thời gian hoạt động trên 10 năm, tập trung vào nhóm đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 60% tổng số dự án và 47% tổng vốn đầu tư đã thực hiện.

Do vậy trên cơ sở thống nhất tiêu chí lựa chọn, báo cáo này chỉ cung cấp số liệu và đánh giá việc chấp hành các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp bất động sản đối với Nhà nước trong khoảng thời gian 3 năm gần đây”.

Báo cáo đã không công bố những con số cụ thể, tuy nhiên với những kẽ hở về thuế chỉ ra, với số thuế TNDN thu được chỉ trong ba năm 2008-2010 tại Hà Nội, có thể dự đoán về con số thuế khổng lồ đã thất thoát từ hoạt động đầu tư bất động sản thời gian qua trên cả nước.

Kẽ hở “năng lực tài chính”

Liên quan đến nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án, TP Hà Nội kiến nghị, để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư sử dụng nhà thầu ngoại, Bộ Xây dựng cần bổ sung quy định chỉ được phép giao thầu cho nhà đầu tư nước ngoài theo một tỷ lệ nhất định không lớn hơn 50% trên tổng giá trị dự án, còn lại phải sử dụng nhà thầu trong nước.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần có quy định điều kiện về thực hiện chế độ kế toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài để cơ quan thuế có căn cứ tính toán thu thuế TNDN một cách chính xác đối với lợi nhuận thu được của các nhà đầu tư và nhà thầu.

Khi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án bất động sản, ngoài công nghệ thì vốn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, báo cáo của Hà Nội cũng chỉ ra những kẽ hở trong quy định hiện hành về năng lực tài chính, có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng để “lấy mỡ nó rán nó”.

Cụ thể báo cáo chỉ rõ: “Việc xác định vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư trên cơ sở Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, mặc dù đã được kiểm toán độc lập cũng chỉ mang tính tham khảo. Hơn nữa, nhà đầu tư có thể cùng lúc đăng ký thực hiện nhiều dự án bất động sản với cùng một báo cáo chứng minh năng lực tài chính và vốn chủ sở hữu. Như vậy, việc quy định vốn thuộc sở hữu 15%-20% tổng mức đầu tư là chưa đảm bảo được tính chính xác, đầy đủ”.

Đây có thể chính là lý giải thuyết phục cho tình trạng huy động vốn, dẫn đến khiếu kiện đã xảy ra tại nhiều dự án, đặc biệt việc các dự án bất động sản không thể triển khai khi ngân hàng siết vốn, thị trường đóng băng không huy động vốn được từ khách hàng.

Để hạn chế việc này, Hà Nội đề xuất kiến nghị Bộ Xây dựng sửa quy định về tỷ lệ vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư lên thành “không thấp hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt”. Với tỷ lệ này cũng sẽ nâng mức bảo đảm của chủ đầu tư đối với khách hàng, giảm bớt rủi ro cho khách hàng mua nhà mà hiện nay chủ yếu là khách hàng trong nước.

Hiện Hà Nội có 95 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 88 dự án (khoảng 1.530,5 ha) đã có quyết định cho thuê đất. Trên có sở tổng hợp của 83 doanh nghiệp đã báo cáo đáp ứng nội dung yêu cầu thì số vốn thực góp đạt 1,57 tỷ USD, đạt 67% vốn góp theo đăng ký. Các dự án huy động được từ các tổ chức tín dụng trong nước khoảng 494 triệu USD (chiếm 13% vốn đầu tư thực hiện) dưới các hình thức vay ngân hàng, vay của chính các nhà đầu tư (gọi là vay cổ đông). Các dự án huy động chủ yếu từ các tổ chức tín dụng nước ngoài với số vốn lên tới 1,22 tỷ USD (chiếm 33% vốn đầu tư thực hiện), ngoài ra số vốn huy động từ khách hàng cũng chiếm tỷ lệ khá lớn với 463 triệu USD tương đương 12% vốn đầu tư thực hiện.
(Theo Giadinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét