23 tháng 5, 2012

'Chứng khoán, bất động sản dễ bị lợi dụng để rửa tiền'


Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hiện tượng rửa tiền tại Việt Nam chưa quá tinh vi, phức tạp và đang núp bóng dưới nhiều hình thức, chảy vào các thị trường khác nhau.

- Ông đánh giá như thế nào về thực trạng rửa tiền ở Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam đang hội nhập nên xuất hiện những dấu hiệu rửa tiền là tất yếu. Tuy nhiên, ở ta, cũng cần thấy là việc rửa tiền chưa thực sự phổ biến, các thủ thuật cũng chưa quá tinh vi, chưa dùng những nghiệp vụ cao trong thanh toán như ở những nước khác. Một trong những nghiệp vụ rửa tiền nhìn thấy ở Việt Nam là thông qua hoạt động mua bán chứng khoán hoặc bất động sản. Ở một số thời điểm, người ta có thể thu siêu lợi nhuận từ những lĩnh vực này rồi dùng nó để biện minh. Đấy cũng là một dấu hiệu phải phòng chống.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng rửa tiền ở Việt Nam chưa quá tinh vi. Ảnh: Hoàng Hà
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng các nghiệp vụ rửa tiền ở Việt Nam chưa quá tinh vi. Ảnh: Hoàng Hà
- Dấu hiệu rửa tiền trong bất động sản có thể được chỉ ra như thế nào thưa ông?
- Bất động sản chỉ là một công cụ, một phương tiện cho người ta rửa tiền thôi. Chứ không phải cứ người ta đầu tư vào bất động sản là rửa tiền. Ở đây cũng cần phân biệt tiền đầu tư vào bất động sản từ tham nhũng khác với tiền vào bất động sản để rửa tiền. Khi rửa tiền người ta có thể chấp nhận phí rửa đến 20-30% của mức đầu tư. Như vậy, có thể thấy những doanh nghiệp thành lập, đầu tư và lỗ liên tiếp nhiều năm. Nhưng họ vẫn có tiền chuyển về nước, rồi sau đó phá sản. Đó chính là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của hình thức rửa tiền xuyên quốc gia.
- Bên cạnh bất động sản, đâu là lĩnh vực người ta hay dùng để rửa tiền?
- Thường qua con đường mua bán, cổ phần hóa doanh nghiệp nữa. Cổ phần hóa sau một thời gian người ta lấy cổ tức, bán cổ phiếu. Tiền từ không có địa chỉ chuyển thành một đồng tiền có địa chỉ rõ ràng, được coi như thu nhập chính đáng. Cũng cần lưu ý là việc rửa tiền bao giờ cũng phải gắn với các thị trường có mức độ sinh lời cao. Bên cạnh tài chính, bất động sản, còn có cả khoa học công nghệ nữa. Do vậy chúng ta càng cần phải thận trọng.
- Ông nghĩ sao nếu chính những đồng tiền được rửa đó chạy vào hệ thống ngân hàng Việt Nam thông qua con đường mua bán, sáp nhập?
- Tôi nghĩ chuyện này có thể xảy ra nhưng không dễ. Bởi như nói ở trên thì hoạt động rửa tiền ở Việt Nam chưa quá tinh vi. Trong khi đó, để đổ tiền vào ngân hàng thì phải thông qua những giao dịch tài chính tương đối phức tạp, nguồn gốc rõ ràng. Do đó tôi nghĩ xác suất xảy ra không nhiều.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng cần chấp nhận và xử lý chuyện đó như một lẽ hết sức bình thường. Như ta muốn một đứa trẻ cứng cáp, trường thành thì không để suốt ngày bắt nó ngồi trong lồng kính. Trong điều kiện phát triển của đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế thì không thể tránh khỏi chuyện rửa tiền. Cái đó là tất yếu trong quá trình phát triển mà ta phải chấp nhận. Và để phòng chống lại nó, người ta mới cần làm Luật Phòng chống rửa tiền.
- Trong phiên thảo luận của Quốc hội, một đại biểu cho rằng hiện chưa bắt được trường hợp nào rửa tiền, trong khi như ông nói, việc rửa tiền là có. Ông bình luận như thế nào về điều này?

- Điều đó không hoàn toàn chính xác. Thực ra mình vẫn bắt được nhưng đặt vấn đề là bắt dưới hình thức nào thôi. Thí dụ như tội tham nhũng chẳng hạn. Người ta thông qua gia đình hoặc qua các công ty sân sau để rửa tiền. Đó cũng là một hình thức. Hay như một doanh nghiệp du lịch nước ngoài đến Việt Nam, quản lý khách sạn nhưng lại giảm giá phòng, chịu lỗ với lý do 5 năm không đầu tư thì đấy cũng là một hình thức rửa tiền.
Trước đây Việt Nam chưa có Luật Phòng chống rửa tiền nên chưa có thống kê chính xác. Nhưng các tội danh được quy vào Luật Hình sự và vẫn được xử lý. Nếu luật riêng về chống rửa tiền được Quốc hội thông qua lần này, áp dụng từ 2013 thì sẽ có các trường hợp cụ thể, đánh giá rõ ràng hơn.
Song Minh Vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét