23 tháng 5, 2012

Chuyển mục đích sẽ nộp bốn lần bảng giá đất?



Nhiều ý kiến băn khoăn hệ số bốn lần cho trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất là khá cao. Ảnh: HTD

Sở Tài chính đã có dự thảo mới nhất về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (hệ số K) với phần diện tích vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình cá nhân, nhằm sửa đổi bổ sung Quyết định 64/2011 của UBND TP. Trường hợp chuyển mục đích cũng được áp dụng hệ số K. Dự thảo này vừa được đưa ra lấy ý kiến các sở và các quận, huyện vào ngày 22-5. 
Hai hệ số điều chỉnh cho hai đối tượng
 
Theo dự thảo, có hai hệ số K áp dụng cho hai đối tượng: Công nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho phần đất vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, toàn bộ diện tích vượt hạn mức nộp tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh K bằng hai (tức bằng hai lần bảng giá đất do UBND TP công bố hằng năm). Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất vượt hạn mức, phần diện tích vượt hạn mức sẽ nộp theo hệ số K bằng bốn, tức bốn lần bảng giá đất. 

Tại cuộc họp, nhiều quận, huyện ủng hộ việc ban hành hệ số K để tính tiền sử dụng đất, thay vì phải thẩm định từng trường hợp. Điều băn khoăn là hệ số bốn lần cho trường hợp chuyển mục đích sử dụng là quá cao. Đại diện Sở Tài chính cho rằng nếu hệ số này thấp hơn thì rất thuận lợi cho dân. Tuy nhiên, qua thu thập thông tin khi xây dựng bảng giá đất từ năm 2008 đến nay thì giá chuyển nhượng thực tế cao gấp ít nhất là bốn lần so với bảng giá đất. Do đó, chọn hệ số K là bốn lần thì mới có cơ sở pháp lý vì Nghị định 69/2009 đã yêu cầu tiền sử dụng đất phải nộp sát giá thị trường.

Cũng có ý kiến đề xuất, với trường hợp chuyển mục đích thì nên có hai hệ số (ba và bốn) tùy theo khu vực các quận, huyện. Tuy vậy, Sở Tài chính cho rằng nếu chia nhỏ ra hơn nữa thì rất khó cho việc thực hiện. Sở này cho biết sẽ báo cáo UBND TP các ý kiến trên để có sự thống nhất. 

Hệ số K cho chuyển mục đích: Quá cần thiết
 
Cuối năm 2011, UBND TP ban hành Quyết định 64 quy định hệ số K bằng hai nhưng chỉ áp dụng cho một đối tượng nhỏ và chỉ trong trường hợp công nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp còn lại và trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất ở phải nộp theo giá thị trường bằng hình thức thẩm định giá. Do chỉ tháo gỡ một phần quá nhỏ nên người dân gần như thờ ơ với Quyết định 64 và thực tế các trường hợp phải thẩm định giá đều tiếp tục ách tắc. 

Ghi nhận thực tế này, UBND TP đã điều chỉnh Quyết định 64 theo hướng “cởi trói” cho toàn bộ diện tích vượt hạn mức đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất (nộp tiền sử dụng đất theo hệ số K bằng hai lần). Nhưng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất ở thì không được TP đề cập mà vẫn quy định phải nộp theo giá thị trường, trong khi chuyển mục đích sử dụng đất mới là đối tượng chính và chủ yếu gặp vướng mắc trong việc nộp tiền sử dụng đất. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT cũng vừa trình TP dự thảo điều chỉnh Quyết định 64 theo nội dung trên. Tuy nhiên, rất đáng mừng là lần này TP không vội quyết ngay mà đã giao các sở nghiên cứu, xem xét lần nữa trên tinh thần có hệ số K cho trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất ở. Từ đó, dự thảo hệ số điều chỉnh với K bằng bốn lần cho đối tượng này được ra đời như đã nói ở trên.

Nhiều tỉnh, thành đã ban hành hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất cho phần diện tích vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân. Theo ghi nhận, các địa phương không phân biệt hai đối tượng (chuyển mục đích và công nhận quyền sử dụng đất ở) để áp dụng hai hệ số K khác nhau như TP.HCM. Thay vào đó, các địa phương ban hành nhiều hệ số K tùy theo khu vực trục đường và chia nhỏ đến từng quận, huyện. Hệ số K tại các tỉnh này cũng không quá cao như TP. Chẳng hạn tại Bình Dương, hệ số K chỉ dao động từ 1,1  đến 1,4.

Nếu hệ số bốn lần tôi cũng sẽ nộp để giải quyết cho xong. Cả năm nay vì không nộp được tiền sử dụng đất nên tôi bị bên mua phạt vi phạm hợp đồng, rất mệt mỏi. Hy vọng UBND TP sẽ sớm gút việc này.

Chị Vũ Thị Thanh Hà, phường Linh Đông, quận Thủ Đức

Tác giả: Cẩm Tú Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét