23 tháng 5, 2012

Phải kiểm tra từ nơi cấp sổ đỏ để tránh bị lừa


“Sổ đỏ" giả, tang vật một vụ án do Công an Hà Nội triệt phá.


Công an TP Hà Nội cảnh báo, một số phôi "sổ đỏ" bị thất lạc trong thời gian gần đây là điều kiện để đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân và các tổ chức tín dụng. 

Vì vậy cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của "sổ đỏ" tại Phòng Tài nguyên và Môi trường trước khi thực hiện giao dịch và mua bán.
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn thông qua chiêu bài sử dụng "sổ đỏ" giả đem công chứng rồi thế chấp ở các tổ chức tín dụng, ngân hàng và nhiều cá nhân. Do mất cảnh giác nên một số tổ chức và cá nhân đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo ranh ma này. Bài học từ các vụ án cho thấy, từ việc thiếu kiểm soát tài sản của đối tác trước khi thực hiện giao dịch sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Một trong những vụ sử dụng "sổ đỏ" giả để lừa đảo số tiền rất lớn do Lê Bá Quỳ, Giám đốc Công ty TNHH My Quý (Hà Nội) xảy ra mới đây là một điển hình. Cơ quan điều tra đã làm rõ, trong khoảng 2 năm, Quỳ đã thông đồng với một nhân viên hợp đồng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lấy trộm hơn 30 phôi "sổ đỏ", sau đó điền các thông tin vào phôi "sổ đỏ" mang tên vợ chồng Quỳ rồi thế chấp vay tiền ngân hàng.

Với 17 "sổ đỏ" giả, Quỳ đã thực hiện giao dịch vay trên 70 tỷ đồng của sáu ngân hàng trên địa bàn Hà Nội rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, vợ chồng Quỳ còn dùng ba "sổ đỏ" giả khác để thế chấp vay tiền của nhiều cá nhân. Ngoài vụ án do Lê Bá Quỳ thực hiện, nhiều đối tượng khác cũng dùng thủ đoạn tương tự như Quỳ để thực hiện thành công hành vi phạm tội. Kết quả điều tra cho thấy, thời gian gần đây, từ thủ đoạn dùng "sổ đỏ" giả đem thế chấp của một số đối tượng đã gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân hàng trăm tỷ đồng.

Trung tá Hà Thế Hùng, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an Hà Nội cho biết, quá trình điều tra các vụ lừa đảo cho thấy, "sổ đỏ" được làm giả bằng phương pháp in lưới, con dấu và chữ ký được scan màu nên bằng mắt thường rất khó phát hiện.


Theo cơ quan điều tra, một số đơn vị công chứng hiện nay hoạt động theo kiểu thu phí dịch vụ là chính, bỏ qua khâu thẩm định tài sản để xác định tính hợp pháp của tài sản đó. Đó là một trong những lý do khiến người dân dễ bị lừa, khi đối tượng đưa "sổ đỏ" nhưng người dân không xác minh lại gốc "sổ đỏ" từ nơi cấp, và người dân cũng không tìm hiểu về mảnh đất ghi trong "sổ đỏ" từ UBND xã (phường, thị trấn) có đúng là của đối tượng đang giao dịch với mình không.


Từ việc thiếu kiểm tra thông tin và độ chính xác của tài sản có giá trị lớn là "sổ đỏ", người dân đã vội ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng thông qua cơ quan công chứng với đối tượng đang sử dụng "sổ đỏ" giả. Trong khi thực tế hiện nay, cơ quan công chứng hầu như không kiểm tra nguồn gốc "sổ đỏ" của người mang đến công chứng nên thật khó để phát hiện ra đâu là "sổ đỏ" thật và đâu là "sổ đỏ" giả.

Không chỉ trong hoạt động công chứng, mà trong công tác quản lý giao dịch tài sản đảm bảo hiện cũng bất cập. Do không kết nối được dữ liệu giao dịch nên nhiều giao dịch trùng tài sản mà không được phát hiện. Thế nên, việc kiểm tra tài sản thế chấp rất lỏng lẻo, không phát hiện được tài sản đã được đem thế chấp, cầm cố ở đâu hay chưa, dẫn đến việc một tài sản được đem thế chấp ở nhiều nơi.

Lợi dụng các kẽ hở trên, tội phạm đã nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn khiến người bị hại sập bẫy. Một trong những nguyên nhân ấy là người dân khó có điều kiện tiếp xúc với Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi đối tượng có "sổ đỏ" nên không có được đầy đủ thông tin. Nếu người dân và các tổ chức có điều kiện tiếp xúc công khai với thông tin trên thì kẻ xấu sẽ không có cơ hội lừa đảo.

Công an TP Hà Nội cảnh báo, một số phôi "sổ đỏ" bị thất lạc trong thời gian gần đây là điều kiện để đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân và các tổ chức tín dụng. Vì vậy cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của "sổ đỏ" tại Phòng Tài nguyên và Môi trường trước khi thực hiện giao dịch và mua bán.

Bên cạnh đó, cơ quan công chứng cần xiết lại những kẽ hở trong hoạt động công chứng, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong quá trình công chứng để ngăn chặn đối tượng định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, trước sự việc một số địa phương để thất lạc "sổ đỏ", Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác.

Người dân nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ sở đó. Ngoài ra, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các “sổ đỏ” nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký “sổ đỏ”.
Tác giả: Nguyễn Hưng

Theo CAND
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét