4 tháng 6, 2012

Tp.HCM: Công trình GT khát vốn, đói mặt bằng


Hiện nay, vốn và mặt bằng là 2 “điểm nghẽn” rất cần được khơi thông để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm tại Tp.HCM. Trên địa bàn Tp.HCM có 16 công trình giao thông trọng điểm đang triển khai thi công.

Chỉ thực hiện công trình nhẹ vốn

2 dự án sáng sủa có khả năng sẽ hoàn thành trong vài tháng tới là dự án xây dựng mới cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội và đường liên tỉnh 25B (giai đoạn 2).

Hoàn thành 2 công trình này, giao thông sẽ bớt nghẹt thở hơn với lượng xe tải, container ra vào cảng Cát Lái phía cửa ngõ Đông Bắc TP cũng như lượng phương tiện qua cầu Phú Mỹ đi xa lộ Hà Nội.

Tp.HCM: Công trình GT khát vốn, đói mặt bằng | ảnh 1
Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đoạn đi qua Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) còn vướng mặt bằng của 47 hộ dân. Ảnh: Minh Tuấn

Cầu Sài Gòn 2 là một trong những công trình quy mô lớn khởi công giữa tháng 4 vừa qua. Dự án có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) làm chủ đầu tư, dự kiến sau 2 năm thi công sẽ đưa vào khai thác, góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu.

Nhìn chung trong năm 2012, số lượng dự án mới không nhiều, có chăng chỉ là những công trình “xài tạm”, miễn sao thi công nhanh, vốn nhẹ, đi lại an toàn. Điển hình là 4 công trình cầu vượt nhẹ tại ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức), vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), vòng xoay Cây Gõ (quận 11) và vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình) được Sở GT-VT dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6-2012.

Cầu vượt nhẹ được xem như một giải pháp tình thế để hóa giải 4 nút thắt cổ chai khi ngành giao thông TP chưa tìm ra kinh phí để đầu tư xứng tầm.

Trong khi đó, dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc 2 trên đường vành đai phía Đông và đường nối đại lộ Đông Tây với đường cao tốc Tp.HCM-Trung Lương đến nay chưa được bố trí vốn. Do vậy, Sở GT-VT đang kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào 2 dự án trên. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình phải thi công gián đoạn, cầm chừng vì “đói” mặt bằng.

Như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến nút giao thông Đại học Quốc gia Tp.HCM - ngã ba Tân Vạn hiện CII đang “bó gối” vì các địa phương chậm giao mặt bằng. Tương tự, công trình tỉnh lộ 10 cũng “nằm nghỉ” do vướng mặt bằng của hàng trăm hộ dân thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Ngoài ra, một số quận vẫn bình chân như vại trong việc thu hồi mặt bằng phục vụ dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (do Công ty TNHH một thành viên Phát triển GS Sài Gòn làm chủ đầu tư). Chỉ riêng đoạn đi qua đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) hiện có khoảng 47 hộ dân còn khiếu nại, giữ đất.

Vốn ngân sách chỉ đáp ứng 35%

Theo đánh giá của ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GT-VT Tp.HCM, năm 2012 tiếp tục khó khăn về nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Từ đầu năm, vốn kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của Sở GT-VT được UBND TP giao đợt 1 là 2.158 tỷ đồng (chưa tính nguồn vốn đối ứng ODA và đầu tư ngoài ngân sách như BT, BOT), song phải chi 615 tỷ đồng hoàn vốn hỗ trợ cho chủ đầu tư thực hiện dự án BT xây dựng đường nối trên cao cầu Phú Mỹ.

Như vậy, nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng 35% nhu cầu đặt ra về vốn từ đầu năm. Với nguồn vốn ngân sách nhà nước lẫn tư nhân đầu tư vào giao thông đang có xu hướng teo lại trước một rừng dự án, ông Cường cho rằng việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân bổ nguồn vốn dàn trải.

Trước mắt cần đầu tư vào các công trình gần hoàn thành để phát huy hiệu quả giảm tai nạn, ùn tắc và lượng phương tiện lưu thông vào trung tâm TP những giờ cao điểm.

Cuối tuần qua, Ban Kinh tế ngân sách HĐND Tp.HCM đã khảo sát dự án nâng cấp đường vành đai phía Đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25B) và họp giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản tập trung các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Tp.HCM.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban kinh tế-Ngân sách HĐND Tp.HCM, góp ý Sở GT-VT cần kiến nghị Thường trực UBND TP chỉ đạo các địa phương có các công trình đi qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho chủ đầu tư thi công.

Hạn chế tình trạng thi công kiểu da beo, cầm chừng như hiện nay. Việc đầu tư các dự án giao thông trong thời gian tới cần tính đồng bộ, giảm bớt chi phí, song phải đảm bảo chất lượng khi đưa vào sử dụng.
(Theo ĐTTC)
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét