30 tháng 5, 2012

Hà Nội: Cư dân CT3 Văn Khê tố chủ đầu tư chiếm đoạt tiền bảo trì


Vừa qua, ban quản trị tòa nhà CT3 Văn Khê (Hà Đông) đã làm dơn tố cáo chủ đầu tư cố ý chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng tiền phí bảo trì tòa nhà.

Dân tố chủ đầu tư chiếm đoạt tiền bảo trì

Theo đơn phản ánh của ban quản trị tòa nhà gửi báo điện tử VnMedia, căn cứ quyết định số 08/2008 của Bộ Xây dựng, trước khi nhận nhà, các hộ dân mua chung cư sẽ phải nộp cho chủ đầu tư số tiền bảo trì tòa nhà tương đương 2% giá trị căn hộ. Toàn bộ số tiền bảo trì tòa nhà sẽ được gửi vào ngân hàng thương mại. Lãi suất phát sinh hàng tháng sẽ gộp vào gốc để phát triển quỹ. Chủ đầu tư sẽ được quản lý số tiền này với thời hạn tối đa 1 năm khi chưa có ban quản trị. Khi tòa nhà đã bầu được ban quản trị thì toàn bộ số tiền bảo trì đó sẽ được giao lại cho ban quản trị quản lý.

Tuy nhiên, tại dự án CT 3 Văn Khê, việc quản lý quỹ bảo trì tòa nhà đã không được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bác Phạm Công Diên (Trưởng ban quản trị tòa nhà CT3) cho biết, 9/2010 hơn 200 hộ dân đã chuyển về sinh sống tại chung cư CT3 Văn Khê. Đến tháng 1/12/1011 toàn dân ở chung cư đã bầu được ban quản trị tòa nhà và ngày 19/12/1011, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định công nhận ban quản trị tòa nhà. Nếu chiểu theo đúng quy định pháp luật, toàn bộ số tiền bảo trì tòa nhà hơn 3,2 tỷ đồng sẽ phải được chủ đầu tư bàn giao lại cho ban quản trị từ tháng 1/2012. Tuy nhiên, đã quá thời hạn 5 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc chuyển giao quỹ bảo trì. Quá bức xúc, ban quản trị đã gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư trả lại số tiền trên nhưng không được.

“Chúng tôi đã 4 lần yêu cầu chủ đầu tư trả lại toàn bộ tiền phí bảo trì, vận hành tòa nhà cho ban quản trị nhưng chủ đầu tư không làm. Điều này đã gây thiệt hại về tài chính cho chúng tôi bởi với số tiền 3 tỷ đồng nếu đem gửi ngân hàng lãi suất trong vòng 5 tháng cũng được 150 triệu đồng. Ngoài ra, với khoản lãi gộp từ năm 2010 chuyển qua năm 2011 và 2012 là rất lớn” bác Diên nói.

Hà Nội: Cư dân CT3 Văn Khê tố chủ đầu tư chiếm đoạt tiền bảo trì | ảnh 1
Dự án CT3 Văn Khê (Hà Đông) hiện có khoảng 220 hộ dân đang sinh sống

Chủ đầu tư xin nợ

Trước bức xúc của cư dân, PV đã liên hệ với ông Bùi Quang Huy – Giám đốc công ty 126. Ông Huy cho biết, phí bảo trì được dùng để sửa chữa các sự cố liên quan đến tòa nhà. Tất cả các tòa nhà chung cư sau khi bàn giao căn hộ cho các hộ dân, chủ đầu tư sẽ lập quỹ bảo trì tương đương 2% tổng giá trị căn hộ.

Tuy nhiên, tòa nhà CT3 Văn Khê có đặc thù riêng, dự án được xây dựng để bán cho cán bộ công nhân viên của đơn vị báo chí, vì vậy giá bán được HĐQT đưa ra ở mức thấp 5 triệu đồng/m2. Sau 3 năm xây dựng, do biến động giá cả nguyên vật liệu, vì vậy công trình bị trượt giá nên chủ đầu tư chịu lỗ nặng.

Hà Nội: Cư dân CT3 Văn Khê tố chủ đầu tư chiếm đoạt tiền bảo trì | ảnh 2
Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân sinh sống tại các chung cư ngày càng xuất hiện nhiều

Đến tháng 10/2010, công ty thực hiện việc bàn giao nhà và tính toán lại giá bán trong hợp đồng theo hướng tăng lên nhưng không vượt quá 15% giá trị hợp đồng (bao gồm 2% phí bảo trì -PV). Việc tăng giá cũng được các khách hàng chấp thuận. Trong phần chi phí tăng thêm, công ty cũng thực hiện đầu tư thêm các hạng mục như sàn gỗ, hệ thống ga trung tâm, lắp camera, làm sổ đỏ cho các hộ dân....

“Chúng tôi biết rằng, sau khi có ban quản trị, chủ đầu tư phải trả lại phần phí đó cho ban quản trị nhưng tại thời điểm nay, công ty đã gặp khó khăn về tài chính do thị trường bất động sản giảm sút, nhà không bán được do vậy lượng tiền mặt trong công ty rất hạn chế. Vì vậy, công ty không có tiền để trả ngay cho ban quản trị” ông Huy nói

Cũng theo ông Huy, để tránh thiệt thòi cho các cư dân, công ty đã đưa ra nhiều giải pháp như công ty sẽ mang tài sản đang có thế chấp cho ngân hàng, yêu cầu ngân hàng mở bảo lãnh. Trong trường hợp, tòa nhà có sự cố kỹ thuật nếu công ty không thanh toán được tiền bảo trì thì ngân hàng sẽ đứng ra để thanh toán. Hoặc nếu người dân tin tưởng, công ty sẽ làm hợp đồng vay vốn với ban quản trị số tiền tương đương 2% phí bảo trì và trả lãi suất ngân hàng nhưng người dân vẫn không chấp thuận.
(Theo VnMedia)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét