14 tháng 5, 2012

Khi thị trường không nghe theo... định hướng


Thời gian gần đây, không ít chủ đầu tư địa ốc và chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng mức giá bất động sản đã xuống “đáy”, nên khó có thể giảm hơn nữa. Có thể hiểu, thông điệp ở đây là, hiện là thời điểm tốt để mua vào.
Việc thị trường địa ốc có tiếp tục giảm giá nữa hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời, khi mà “cuộc chiến” giữa bên bán và bên mua tiếp tục giằng co.

Khi thị trường không nghe theo... định hướng | ảnh 1
Thị trường địa ốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Đức Thanh

Những dự báo lạc quan

Thời gian gần đây, không ít chủ đầu tư địa ốc và chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng mức giá bất động sản đã xuống “đáy”, nên khó có thể giảm hơn nữa. Có thể hiểu, thông điệp ở đây là, hiện là thời điểm tốt để mua vào.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đầu năm 2012 tổ chức tại Hà Nội, ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh cho rằng, năm 2012 là năm mà thị trường địa ốc kết thúc 1 chu kỳ suy giảm, thị trường sẽ đi lên vào cuối năm. Theo ông Thìn, nếu lấy năm 2007 là “đỉnh” của thời kỳ tăng giá bất động sản, thì năm 2011 đã là “đáy” của thị trường.

Trước đó, phát biểu với giới đầu tư địa ốc vào cuối năm 2011, ông Nguyễn Trường Tiến (chuyên gia thẩm định dự án, Bộ Xây dựng) cho rằng, ở thời điểm này, giá xây dựng chung cư cao cấp chưa hoàn thiện nội thất trung bình ở mức 11-13 triệu đồng/m2, cộng với các chi phí gián tiếp, giá thành sẽ đội lên 18 – 25 triệu đồng/m2. Với mức giá như vậy, chủ đầu tư có lãi không nhiều và giá bất động sản khó có thể giảm hơn nữa.

Mới đây nhất, tại Hội thảo “Bất động sản 2012: Cơ hội trong khủng hoảng” tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 4/2012,  ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Giá bất động sản đã rẻ đến mức thấp nhất trong mấy năm qua. Lợi nhuận của hầu hết các dự án bất động sản đều âm, giá bán tại thời điểm này là thấp nhất. Đây cũng là cơ hội tốt cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn cho mình một sản phẩm vừa ý, hợp túi tiền”.

Nhưng trái với nhận định của giới chủ đầu tư dự án địa ốc, theo thống kê của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, quý I/2012 tiếp tục chứng kiến sự giảm giá tại thị trường thứ cấp đối với khoảng 50% số dự án khu đô thị, với mức giảm 5 - 10%. Mức độ giảm giá khác nhau trong các nhóm khu đô thị phân theo tiến độ xây dựng. Dự án đang trong giai đoạn đầu hoặc dự án đang xây dựng có mức giảm giá trung bình 5% so với quý trước, cá biệt có những dự án ghi nhận mức giảm 10 – 15%. Trong khi đó, một số dự án đã hoàn thiện có mức giá ít biến động, thậm chí còn tăng nhẹ. Tuy nhiên, so với mức giá tại thời điểm quý I hoặc quý II/2011, giá bán thứ cấp tại tất cả các dự án đã giảm 20 – 50%.

Thị trường không nghe… định hướng

Trái với những phát biểu mang tính “định hướng” thị trường của các nhà đầu tư, thị trường địa ốc vẫn chưa có dấu hiệu đi lên sau các đợt ngân hàng giảm lãi suất hay những tín hiệu tốt từ kinh tế vĩ mô như lạm phát giảm hay thặng dư thương mại gia tăng.

Ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thống kê từ các ngân hàng hàng thương mại cho thấy, lượng tiền gửi trong dân cư vào các ngân hàng tiếp tục tăng trong quý I/2012. Điều này chứng tỏ người dân vẫn tiếp tục cảnh giác với các kênh đầu tư, trong đó có bất động sản.

Theo ông Lực, hoạt động đầu cơ tràn lan trong thời gian kéo dài, kinh doanh không theo quy luật cung - cầu, hội chứng “làm giá” vật liệu xây dựng như: xi măng, sắt, thép, gạch… tràn lan trong những năm 2007 – 2009 là nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường địa ốc “tụt dốc”. Tiếp đó, hàng loạt vụ lừa đảo, kiện tụng, phá giá thị trường… trong các năm 2010 - 2011 đã khiến niềm tin của giới đầu tư địa ốc suy giảm nghiêm trọng. Chính vậy, hiện tại, người mua tiếp tục đứng ngoài thị trường nghe ngóng, chờ đợt những xu hướng rõ ràng hơn trước khi quyết định đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, giá bán thứ cấp chung cư liên tục “xuyên thủng” các ngưỡng hỗ trợ vốn được coi là “giá gốc” do chủ dự án đưa ra. Đó là những căn hộ mà các nhà đầu tư thứ cấp đã “ôm” từ nhiều tháng trước, nay chấp nhận bán dưới giá mua để “cắt lỗ”. Chẳng hạn, Dự án căn hộ chung cư Ngoại giao đoàn (Tây Hồ, Hà Nội) đang chào bán hàng loạt căn hộ có diện tích từ 99 m2 đến 164 m2, với giá 20 - 21 triệu đồng/m2, giảm mạnh so với giá bán do chủ đầu tư đưa ra là 24,5 triệu đồng/m2. Nhiều dự án căn hộ khác tại Xa La, Dương Nội, Văn Phú (Hà Đông) cũng chấp nhận giảm giá 8 – 15% so với giá gốc để “đẩy hàng”.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, chuyện lỗ hay lãi trong thị trường bất động sản còn tuỳ từng “góc nhìn”. Trong một thời gian dài, các nhà đầu tư khi bước vào thị trường bất động sản là nhìn thấy “siêu lợi nhuận”.

Cung thật luôn thiếu nhiều so với cầu ảo trong phân khúc nhà ở giá cao gắn với đầu cơ. Bối cảnh này làm cho nhà đầu tư luôn coi mình là thượng đế, không cần biết tới nhu cầu của người tiêu dùng và không cần tính tới các phương án sản xuất hợp lý để giảm giá sản phẩm. Công nghệ và vật liệu xây dựng không cần tính toán sao cho tiết kiệm, chi phí huy động vốn cao cũng không cần lưu tâm, chi phí quản lý cao cũng chấp nhận. Ngoài ra, rất nhiều chi phí ‘bôi trơn’ cũng được cho vào giá thành bất động sản. Vì vậy, nhà đầu tư cho rằng, giá sản xuất ở mức 16 triệu đồng/m2 là hợp lý khi mọi thứ lãng phí đều được tính vào giá sản phẩm. Nhưng người mua lại cho rằng, giá cả sản xuất phải ở mức 8 triệu đồng/m2 mới hợp lý, khi tính toán kỹ lưỡng phương án sản xuất để tránh mọi lãng phí có thể.

Bi kịch trên dẫn tới tình trạng nhà đầu tư nếu giảm giá hơn nữa sẽ lỗ, trong khi người mua chờ giá giảm hơn, vì cho rằng mức giá hiện tại vẫn cao. Do giá bất động sản vẫn ở thế giằng co giữa bên bán và bên mua, nên dù giá bất động sản đã giảm khá sâu, song giao dịch rất ít.
(Theo VIR)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét