9 tháng 5, 2012

Petro Vietnam: Có đầu tư “trá hình” vào dự án tháp dầu khí?


Hiện nay, việc kiểm soát nguồn vốn hơn 1000 tỷ đồng vừa được Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) “bơm vào Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) sẽ được kiểm soát như thế nào, khi tập đoàn này vừa “rút lui” khỏi dự án tháp dầu khí?
Petro Vietnam: Có đầu tư “trá hình” vào dự án tháp dầu khí? | ảnh 1
Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cho biết vừa chào bán thành công 150 triệu cổ phần (tương đương 1.500 tỷ đồng), tăng vốn điều lệ lên thành 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã góp thêm 1.100 tỷ đồng (tương đương với 110 triệu cổ phần) vào PVC, nâng tỷ lệ vốn sở hữu của PVN tại PVC từ 41.21% lên 53,26%. Đợt huy động vốn này nằm trong kế  hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.500 tỷ lên 5000 tỷ đồng của PVC.

Theo một số ý kiến, sự “ra tay” kịp thời của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi quyết định mua 110 triệu cổ phần với giá 10.000đ/cp đã “giúp” PVC “vượt ải” ngoạn mục trong chỉ tiêu tăng vốn của tổng công ty.

Trước đó, trong 125 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu của PVX, chỉ có 9.609 cổ phiếu được đăng ký mua, 12,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cán bộ công nhân viên với giá 10.000 đồng/CP không có ai đăng ký mua; 100 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược với giá 12.000 đồng/CP, không phân phối được cổ phiếu nào.

Tổng số cổ phiếu còn lại sau đợt chào bán là 137.490.391 cổ phiếu. PVX đã chào bán số cổ phiếu trên cho 4 tổ chức gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Xây dựng Đông Thành, CTCP Đầu tư và Vật liệu - PVV. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí mua 110 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP.

Trước đó, giới đầu tư trước đây cũng rúng động với thông tin PVN phải “tháo lui” tại dự án dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp dầu khí tại xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

Mới đây, dự án này đã chính thức được Chính phủ giao cho PVC  thực hiện. Dự án Tháp Dầu khí sẽ được thay đổi tên gọi do Tập đoàn Dầu khí VN không trực tiếp đầu tư để tập trung nguồn vốn cho hoạt động của ngành nghề kinh doanh chính. Tập đoàn Dầu khí VN chỉ tham gia góp một phần nhỏ vốn làm văn phòng.

Trả lời báo chí, ông Vũ Đức Thuận, tổng giám đốc PVC, cho biết, để thực hiện dự án, PVC sẽ huy động vốn nước ngoài và một số đối tác trong nước cho Dự án Tháp Dầu khí, chứ không sử dụng vốn nhà nước và vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Tuy nhiên, kết quả huy động vốn từ đợt phát hành cổ phiếu nói trên, cho thấy, nguồn lực vốn ngoại và một số đối tác khác của PVC để xây dựng tòa tháp dầu khí đã không như mong đợi. Vậy, với hơn 1000 tỷ đồng được “bơm” từ PVN, liệu nhưng đồng vốn của tập đoàn này có tiếp tục chảy vào dự án tại Mễ Trì mà PVC đang thực hiện?

Theo công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ gửi UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), PVN sẽ không tiếp tục thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại, Công viên giải trí và Tháp Dầu khí (PVN Tower) tại khu đất 25 ha tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội để tập trung nguồn lực cho hoạt động ngành nghề kinh doanh chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Cũng theo thông báo này, dự án sẽ được giao cho Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam tiếp tục thực hiện trên diện tích 21,2ha.

"Khi triển khai thực hiện dự án trên, PVN chỉ tham gia góp vốn làm văn phòng của Tập đoàn với mức tối thiểu và không lấy tên của Tập đoàn trong dự án này, đổi tên Tháp Dầu khí sang tên khác" - thông báo nhấn mạnh. (Theo: VnMedia.vn)
(Theo Pháp luật Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét