6 tháng 6, 2012

Bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn: Dân sợ quy hoạch treo


Dù phấn khởi trước thông tin thành phố đang xem xét dự án bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn nhưng người dân quận 5, quận 6, Tp.HCM không khỏi lo lắng bởi bài học nhãn tiền từ những dự án bảo tồn được vẽ ra rất đẹp rồi cả chục năm vẫn nằm trên giấy...

Bảo tồn khu phố cổ Chợ Lớn: Dân sợ quy hoạch treo | ảnh 1
Nếu việc bảo tồn khu Chợ Lớn đúng như đề án đưa ra, phố đèn lồng Lương Nhữ Học sẽ là điểm thu hút khách du lịch

3 khu vực trọng tâm

Những ngày này người dân khu vực Chợ Lớn đang xôn xao chuyện một số khu vực ở quận 5, quận 6 đang nằm trong vành đai thực hiện “Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn” vừa được Sở Quy hoạch - kiến trúc Tp.HCM trình UBND TP. Theo ý tưởng này, khu vực bảo tồn gồm các phường 10, 11, 13, 14 của quận 5 và phường 1, 2 của quận 6 với diện tích khoảng 68 ha, được chia làm 3 điểm nhấn.

Điểm nhấn đầu tiên là chợ Bình Tây và các dãy phố lân cận từ đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - kênh Hàng Bàng với tổng diện tích khoảng 4,2ha. Mục tiêu cải tạo khu vực này là tăng diện tích không gian công cộng chợ Bình Tây; Nâng cấp quảng trường phía trước chợ; Củng cố hình ảnh Chợ Lớn, đồng thời phục hồi hệ thống Kênh Hàng Bàng nhằm khôi phục mối quan hệ chợ - kênh như trước đây. Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp mặt đường cho người đi bộ, tổ chức bãi đậu xe và hợp lý hóa giao thông.

Khu vực thứ hai có diện tích 4,6 ha bao quanh các đường Phú Định, Nguyễn Án, Triệu Quang Phục. Đặc trưng của khu vực này là có nhiều đình, chùa, hội quán mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương... Cộng đồng người Hoa ở đây cũng có những lễ hội mang nét đặc trưng riêng như Tết Trung thu, Nguyên tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... Mục tiêu bảo tồn với khu vực này là giữ gìn và củng cố các di sản tài sản văn hóa, cả hữu hình và vô hình. Sẽ hướng dẫn bảo tồn và phát triển, quy hoạch sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và bãi đậu xe, tăng cường không gian công cộng, phát triển du lịch...

Đặc biệt, trong ý tưởng quy hoạch bảo tồn này có khu vực được tạo môi trường phát triển mới, thành vùng đệm giữa dải phát triển và khu vực di sản và giải quyết cảnh đô thị chưa hoàn chỉnh về phía Đại lộ Đông Tây. Khu vực này giới hạn bởi các đường Hải Thượng Lãn Ông - Vạn Kiếp - Võ Văn Kiệt, rộng 5,3 ha...

Tránh quy hoạch treo

Qua tiếp xúc với nhiều người dân khu vực Chợ Lớn, PV ghi nhận đa số người được hỏi đều cảm thấy vui mừng khi khu phố đặc trưng của người Hoa được bảo tồn. Thực tế những năm qua cho thấy, sự phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch đã làm cho khu vực Chợ Lớn trở nên nhếch nhác, nhiều khu nhà cổ, đền thờ, chùa bị xâm hại nghiêm trọng.

Ông Đào Tuấn Kiệt - chủ hộ bán thuốc Bắc trên đường Hải Thương Lãn Ông cho biết: “Khi những giá trị văn hóa cổ được bảo tồn thì khách du lịch đến đây cũng đông hơn, chúng tôi sẽ có điều kiện làm ăn buôn bán tốt hơn”. Bà Bùi Thị Huyền ở đường Lương Nhữ Học, phường 11, quận 5 tâm sự: “Tuyến phố này có nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời nhưng chưa được phát triển để thu hút khách du lịch và người dân đến mua bán. Nếu làm tốt, tôi tin rằng đây sẽ là điểm du lịch, phố đi bộ hấp dẫn trong những ngày rằm hay Tết Nguyên đán...”.

Tuy nhiên, bài học nhãn tiền từ những dự án bảo tồn được vẽ ra rất đẹp nhưng cả chục năm vẫn nằm trên giấy khiến người dân ở đây cũng rất băn khoăn. Phần lớn họ đều mong muốn, những căn nhà cổ không chỉ được bảo tồn bên ngoài mà sẽ được trùng tu từ bên trong, đồng thời cho phép họ sử dụng các căn nhà cổ vừa làm chỗ ở vừa kinh doanh buôn bán. Trao đổi với PV, đại diện một số hộ dân trên đường Triệu Quang Phục kiến nghị: “Nhà nước cần có một kế hoạch cải tạo đồng bộ, vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa cổ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - văn hóa, tránh quy hoạch treo làm khổ người dân”.

Bà Huỳnh Thị Thảo, Chủ tịch UBND quận 5 cũng cho rằng, phạm vi dự án khá rộng, nên việc bảo tồn phải đảm bảo đời sống của người dân không bị xáo trộn.
(Theo GTVT)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn đọc xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhân phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn
!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét