6 tháng 6, 2012

Chậm giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao là do... hậu tái định cư ?


Khu công nghệ cao để cỏ mọc, xây dựng kiểu... xôi đỗ. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới dự án đầu tư của DN mà còn cản trở sự phát triển chung của TP theo hướng quy hoạch.
Theo thống kê của Sở TN-MT Tp.HCM: Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), từ năm 2003 tới nay có 84.000 hộ bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất, trong đó có 15% khiếu nại về việc áp giá bồi thường không hợp lý. Điển hình nhất là dự án Khu Công nghệ cao (KCNC) Q 9, dù TP đã có quyết định thu hồi đất từ 10 năm trước nhưng tới nay, mới thu hồi được 95% diện tích.

Nhiều bất cập từ hướng dẫn

Dự án KCNC gồm 913 ha, có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 với diện tích rất lớn, ảnh hưởng tới khoảng 3.000 hộ dân. Trong đó, chủ yếu là người dân tại địa phương, còn người dân nơi khác chỉ khoảng 30%. Hiện công tác GPMB đã thu hồi được 95,53% diện tích, còn 4,47% diện tích với 200 hộ dân chưa chịu trả mặt bằng. Trong số 200 hộ dân này, phần lớn đã đã ký bàn giao đất nhưng người ta vẫn còn tiếp tục sử dụng, đầu tư sinh lời. Hiện có khoảng 30- 40 hộ dọc khu vực Bưng Ông Thòn (mỗi hộ khoảng 1.000- 2.000 m2) không chịu hợp tác.

Chậm giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao là do... hậu tái định cư ? | ảnh 1
Do vướng GPMB nên dự án khu công nghệ cao quận 9 Tp.HCM vẫn còn nhiều chỗ bị bỏ hoang

Ông Lê Hồng Phong - Trưởng ban GPMB Quận 9 khẳng định: Dự án bị kéo dài lỗi không phải do chủ đầu tư mà do một số hộ dân nằm trong diện giải tỏa không chịu hợp tác. Một số hộ dân đang khiếu nại về quy trình thực hiện của TP. Đây là dự án thực hiện theo Luật đất đai trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực chứ không phải áp dụng theo Nghị định 69. Tuy nhiên, do dự án kéo dài, nhiều người dân trong diện đền bù giải tỏa đã không chịu hợp tác và cho rằng phải áp giá đền bù theo Nghị định 69 nên dẫn tới tình trạng khiếu nại kéo dài.

Với dự án KCNC thì chủ trương của TP vẫn giữ nguyên theo quy hoạch ban đầu mà không khoanh vùng dự án. Nghị định 69 đã khiến người dân cho rằng đối với dự án này chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân. Nhưng ngay tại Điều 22 của Nghị định 69 thì nhà nước chỉ hỗ trợ cho những hộ dân trực tiếp canh tác trên diện tích đất nông nghiệp. Trong khi đó, những hộ dân cố tình không chịu trả mặt bằng chủ yếu là dân ở nơi khác đến và khi có thông tin về quy hoạch hoặc trước đó đến mua với nhiều mục đích khác nhau và cũng không thể loại trừ yếu tố đầu cơ. Tuy vậy, ông Huỳnh Văn Tỵ, Phó Trưởng ban GPMB Q.9 cho rằng, không có hiện tượng đầu cơ đất tại KCNC Q.9. Nhưng theo ông Tỵ những đối tượng nơi khác đến mua đất ở đây thực sự không phải là người có nhu cầu mua đất ở nên đền bù giải tỏa chậm không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Do đó, việc GPMB dây dưa kéo dài mục đích đòi tăng giá đền bù.

Cần giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư

Theo chủ trương của TP, nếu thỏa thuận trên 80%, số hộ còn lại không thỏa thuận được thì chủ đầu tư mới có văn bản đề xuất UBND Quận 9 hỗ trợ cho thu hồi phần diện tích còn lại. Song song thực hiện quy trình này thì chủ đầu tư vẫn tiếp tục thỏa thuận với các hộ dân. Theo ông Phong, “Với những hộ dân không chịu hợp tác, nếu thực hiện theo quy trình hành chính, kiểm kê dạng bắt buộc, thì TP có Quy định 74, nhưng do Quy định 74 đang được điều chỉnh, nên quận đang tạm dừng giải quyết theo hướng này. Do đó, hiện chưa có giải pháp hiệu quả nào hỗ trợ cho DN giải quyết thu hồi đất ở dự án này”.

Ông Nguyễn Văn Hồng - PGĐ Sở TN-MT Tp.HCM cho biết, với những người đang có quyền sử dụng đất, khi nhà nước tiến hành thu hồi bằng việc hỗ trợ bồi thường hoặc tái định cư, những thiệt hại về vật chất khi bị thu hồi chỉ mang tính tương đối nhưng thiệt hại về mặt tinh thần thì không thể tính được. Sau khi có Nghị định 69 về công tác đền bù, giải tỏa thì chính sách giải quyết thiệt hại về vật chất cho người dân có khá hơn theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đối với mảng đất nông nghiệp, chủ trương bồi thường theo giá chuyển nhượng làm đất nông nghiệp thì người dân chưa thấy hợp lý.

Cũng theo ông Hồng, có những trường hợp DN tự thỏa thuận và đã giải quyết được số lượng 2/3. Số còn lại, người dân không chịu với giá thỏa thuận trước đó mà đòi hỏi giá cao hơn hẳn mà việc thu hồi đất KCNC là một trường hợp điển hình. Điều đáng nói là tiền bồi thường mà DN bỏ ra chính là tiền sử dụng đất ứng trước và phần DN hỗ trợ cao hơn mức bồi thường, đang là một khó khăn rất lớn cho DN, ảnh hưởng tới việc quyết toán sau này. Vì thế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN.

Vị đại diện Sở TN-MT cũng khẳng định, sở đã tham mưu và TP đã ủng hộ. Với những dự án đã bồi thường được hơn 80% thì nhà nước cần hỗ trợ DN trong việc xác lập phương án bồi thường (nếu như chưa có phương án) để giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, trong khi chờ Trung ương chấp thuận đề nghị này thì hiện vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ cho DN cụ thể.

Theo ông Hồng, trong GPMB quan trọng nhất là khâu hậu tái định cư. Do đó, khi chuẩn bị đầu tư phải công bố cho người dân trước 2 - 3 năm rằng chỗ này sẽ tái định cư và họ sẽ được tái định cư tại đâu để người dân có sự chuẩn bị. Bởi theo thống kê, tỉ lệ người dân diện tái định cư được nhận nhà tái định cư rất nhỏ chỉ khoảng 20%.
(Theo DĐDN)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn đọc xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhân phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn
!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét