5 tháng 6, 2012

Khi bất động sản là cứu tinh


Theo Nhịp cầu Đầu tư


Bất động sản làm nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng cũng chính nó đã cứu không ít công ty khỏi lỗ.


Trong kinh doanh, lỗ-lãi là chuyện thường tình chứ không cứ nhất thiết đầu tư bất động sản là thua lỗ, là phá sản.
 Ảnh minh họa

Nhà trồng được!”, Ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept, hóm hỉnh trả lời khi chúng tôi thắc mắc về phòng làm việc rộng gần 50 m2 của ông. Căn phòng này nằm trên tầng 22 của Tòa nhà Gemadept (quận 1, TP.HCM). Một trong 4 tầng đang được sử dụng để làm văn phòng cho chính công ty này.

Không chỉ thoải mái sử dụng văn phòng mà không phải trả tiền thuê hằng tháng, Gemadept đã thoát khỏi viễn cảnh thua lỗ trong năm qua nhờ nguồn thu từ cho thuê tòa nhà này.

Gemadept là tập đoàn đa ngành, trong đó vận tải biển là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, vận tải biển cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất trong năm qua. Năm 2011, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đều lỗ, Gemadept cũng không ngoại lệ.

Theo báo cáo tài chính năm 2011, doanh thu của Gemadept lên đến gần 2.383 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 14 tỉ đồng. Trong tổng doanh thu 2.383 tỉ đồng, lĩnh vực vận tải biển chiếm khoảng 1.300 tỉ đồng, nhưng gây ra khoản lỗ gần 50 tỉ đồng. Khai thác cảng, một lĩnh vực cốt lõi khác của Gemadept, dù không lỗ, nhưng tỉ suất lợi nhuận lại rất thấp. Do đó, nếu không có nguồn thu đến từ bất động sản thì Gemadept sẽ bị lỗ nặng.

Tòa nhà Gemadept đã được thuê đến hơn 90% diện tích, giúp mang lại cho Công ty gần 60 tỉ đồng lợi nhuận trong năm qua. Ngoài ra, để bổ sung vào nguồn thu, doanh nghiệp này cũng đã chuyển nhượng 2 miếng đất mua cách đây khoảng 10 năm. “Do mua từ những năm 2000, nên bán với giá nào cũng có lời”, ông Minh nói.

Đối với Gemadept, bất động sản đúng là vị cứu tinh. Trong khi đó, tại những doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư ngoài ngành vào những năm sốt đất (2006-2007), bất động sản lại là kẻ tội đồ. Không ít doanh nghiệp vì nó mà bị thua lỗ, khi thị trường trầm lắng trong hơn 3 năm qua. Một số công ty đã bắt đầu rút lui khỏi bất động sản và tập trung cho lĩnh vực cốt lõi như Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn, Công ty Sacom, Tập đoàn Mai Linh...

Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp đầu tư đa ngành vào bất động sản và đã có những thành công nhất định. Gemadept là một ví dụ. Một số công ty khác cũng được xem là khá thành công trong kinh doanh bất động sản còn có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu (Comeco), Minh Long 1, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh REE.

Với REE, chẳng hạn, bất động sản chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong cơ cấu doanh thu nhưng lại đóng góp nhiều vào lợi nhuận. Năm 2011, doanh thu từ bất động sản của REE là 368 tỉ đồng, chỉ chiếm 20% tổng doanh thu nhưng lợi nhuận đạt đến 182 tỉ đồng, chiếm đến 35% tổng lợi nhuận. Hoạt động cho thuê văn phòng của doanh nghiệp này cũng tăng trưởng 8,5% so với năm 2010.

Nếu nhìn vào chiến lược phát triển của Gemadept hay REE và thời điểm các công ty này gia nhập thị trường bất động sản, có thể thấy họ đã nhảy vào lĩnh vực địa ốc với những tính toán rõ ràng.

Ở Gemadept, việc đầu tư vào bất động sản, cụ thể là xây dựng tòa nhà Gemadept, chỉ nhằm giảm áp lực đi thuê văn phòng cho chính Tập đoàn. Năm 2000, Gemadept nhận chuyển nhượng miếng đất đầu tiên của một hộ dân trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Sau đó, do thấy giá rẻ Công ty quyết định mua luôn 6 miếng đất của những hộ xung quanh. Tổng giá trị khu đất thời điểm đó chỉ khoảng 38,5 tỉ đồng. Năm 2008, Gemadept đưa vào hoạt động tòa nhà Gemadept và từ đó đến nay tỉ lệ lấp đầy luôn đạt trên 90%.

Theo ông Minh, Công ty Gemadept, hầu hết các doanh nghiệp khi phát triển đến một ngưỡng nào đó của ngành nghề ban đầu thì cần phải có thêm một hoặc nhiều ngành khác để duy trì tốc độ tăng trưởng. Đối với Gemadept thì là bất động sản. “Chúng tôi nghĩ khoảng 3-5 năm tới bất động sản sẽ phục hồi trở lại. Hiện nay, chúng tôi đã chuẩn bị đầu tư cho dự án Khu phức hợp Lê Lợi Plaza (quận 1) để đón đầu sự phục hồi này”, ông nói.

Trong khi đó, đối với REE, chiến lược đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã được hoạch định từ khá sớm. Dự án bất động sản đầu tiên của họ là Etown (quận Tân Bình, TP.HCM) được đưa vào cho thuê từ năm 2002. Tính đến nay, đã có 5 dự án của REE đi vào hoạt động, nhưng mục tiêu của Công ty chưa dừng lại ở đó. Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc REE, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào bất động sản và mục tiêu dài hạn là đảm bảo mức tăng trưởng 15%/năm.

Còn theo ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Long 1, mở rộng đầu tư sang bất động sản, hay kinh doanh tài chính là để chia sẻ rủi ro và giúp Công ty sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi linh hoạt và hiệu quả hơn. Năm ngoái, công ty gốm sứ này đã đưa vào hoạt động tòa nhà Minh Long Tower tại quận 3, TP.HCM. Dù chỉ mới đi vào hoạt động nhưng tòa nhà đã có tỉ lệ lấp đầy trên 85%.
Tác giả: Lưu Đức
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét