2 tháng 6, 2012

Lệ Thuỷ (Quảng Bình): Hơn 200 hộ dân “dài cổ” chờ sổ đỏ


Trong năm 2009, người dân xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đã làm đầy đủ các thủ tục về quyền sử dụng đất nhưng đến nay, hơn 200 hộ dân vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên phải chịu nhiều thiệt thòi.

Làm một lúc nhưng người có, người không

Từ năm 2007 đến cuối năm 2009, đoàn đo đạc địa chính 203 ở Hà Nội về xã Trường Thủy tiến hành đo đạc tổng thể diện tích toàn xã, bao gồm: đất ở, đất sản xuất, đất trồng rừng. Đến cuối năm 2009, hàng trăm hộ dân nơi đây phấn khởi được cấp sổ đỏ nhưng hiện vẫn còn hơn 200 hộ dân với khoảng hơn 400 sổ đỏ chưa được cấp, gây nhiều bức xúc, thiệt thòi cho người dân.

Ông Lê Trung Nghĩa, một hộ dân xã Trường Thủy, có 2 lô đất chưa được cấp sổ đỏ, bức xúc: “Nhà tui có ba lô đất nhưng mới được miếng đất ở có sổ đỏ. Hiện vẫn còn hai lô đất trồng rừng chưa có. Nhiều lần lên xã hỏi thì họ nói là do hồ sơ bị thất lạc nên phải chờ khi nào tập hợp lại đầy đủ, huyện mới về làm một lần. Tui nói xã cấp cho cái giấy giới thiệu để lên gặp huyện hỏi xem thế nào nhưng họ lại không cho”.

Lệ Thuỷ (Quảng Bình): Hơn 200 hộ dân “dài cổ” chờ sổ đỏ | ảnh 1
Hàng trăm hộ dân ở xã Trường Thủy ở trên đất nhà mình hàng chục năm nhưng vẫn chưa có sổ đỏ

Cùng chung bức xúc với gia đình ông Nghĩa, chúng tôi tìm gặp gia đình ông Nguyễn Ngọc Mạnh - một hộ dân cũng đang có hai lô đất chưa có sổ đỏ. Bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Mạnh) cho biết, gia đình bà có 7 lô đất (đất ở, đất rừng) nhưng hiện vẫn còn hai lô đất rừng chưa có sổ đỏ. Ông Mạnh nhiều lần lên xã hỏi nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Hồ sơ bị thất lạc”.

Không chỉ gì gia đình ông Nghĩa, ông Mạnh mà đó đang là tình cảnh chung của hơn 200 hộ dân xã Trường Thủy. Hàng trăm gia đình này vẫn đang “dài cổ” chờ cấp sổ đỏ. Điều đáng nói, năm 2007 đến năm 2009, đoàn địa chính về đo đạc đất cho tất cả người dân xã Trường Thủy nhưng khi cấp sổ đỏ thì lại người có, người không.

Ông Võ Đại Nam, Trưởng thôn Hồng Giang, cho biết: Hiện trong thôn có hơn 20 hộ dân chưa có sổ đỏ đất nhà ở, còn đất trồng rừng thì rất nhiều hộ chưa có. Những lần tiếp xúc cử tri, dân đã đề xuất, kiến nghị nhưng đến thời điểm hiện tại họ vẫn còn “dài cổ”… ngồi chờ. Giờ làm lại hồ sơ thì dân phải chịu tất cả các khoản chi phí.

Hồ sơ thất lạc, xã “lãnh đạn” để giúp dân

Trước bức xúc của hàng trăm hộ dân, PV Dân trí  đã có cuộc làm việc với ông Lê Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy. Ông Hoàng, thừa nhận: “Hiện toàn xã đang còn khoảng hơn 400 sổ đỏ của hơn 200 hộ dân chưa được cấp, dù chúng tôi đã nộp hồ sơ đất của xã Trường Thủy lên Phòng TN&MT huyện Lệ Thủy cùng một lúc”.

Lý giải về vấn đề trên, ông Hoàng cho biết, UBND và cán bộ địa chính xã đã nhiều lần lên Phòng TN&MT hỏi nhưng được họ trả lời do hồ sơ bị thất lạc. "Nếu bị thất lạc thì Phòng TN&MT cũng phải có trách nhiệm với những hộ chưa được cấp sổ đỏ. Đằng này họ cứ thờ ơ và thiếu trách nên mới gây bức xúc cho người dân" ông Hoàng nói thêm.

Lệ Thuỷ (Quảng Bình): Hơn 200 hộ dân “dài cổ” chờ sổ đỏ | ảnh 2
Ông Lê Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Trường Thủy: "Trước mắt xã đang tính toán trích một khoản kinh phí từ ngân sách của xã để sớm làm sổ đỏ cho những hồ sơ bị thất lạc, tránh thiệt thòi cho người dân"

Ông Hoàng bực dọc: “Phòng TN&MT huyện Lệ Thủy không chỉ chậm trễ, thiếu trách nhiệm với hàng trăm hộ dân chưa có sổ đỏ ở xã Trường Thủy mà họ còn “đá” trách nhiệm việc thất lạc hồ sơ sang cho đoàn đo đạc địa chính 203 ở Hà Nội”.

“Để tránh bức xúc cho những hộ dân chưa có sổ đỏ, trước mắt xã đang tính toán trích một khoản kinh phí từ ngân sách của xã để sớm làm sổ đỏ cho những hồ sơ bị thất lạc, tránh thiệt thòi cho người dân. Khi làm xong rồi thì mình mới thu theo quy định của UBND huyện”, ông Hoàng nói.

Vì sao có tới 400 bộ hồ sơ bị thất lạc? Liệu bao giờ sổ đỏ sẽ về tay người dân? Những câu hỏi đó người dân xã Trường Thủy đang rất mong nhận được trả lời thỏa đáng.
(Theo Dantri)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét