2 tháng 6, 2012

'Luật đất đai được dân trông đợi từng ngày'

Phát biểu tại Quốc hội chiều 1/6, nhiều đại biểu không đồng tình lùi thời hạn trình Luật đất đai sửa đổi đến năm 2013, bởi đây là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần lùi thời hạn để đảm bảo chất lượng luật.

Không nên lùi thời điểm sử Luật đất đai
Chiều 1/6, tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, đề xuất lùi việc cho ý kiến dự án Luật đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 4 (năm 2012) sang kỳ họp thứ 5 (năm 2013) của Quốc hội nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.
Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, đất đai là vấn đề hết sức bức xúc "được nhân dân trông đợi từng ngày, từng giờ" nên Quốc hội cần gấp rút sửa đổi. Còn đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh, nhân dân chờ việc sửa luật này đã lâu nên nếu "lùi thời gian là không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn".
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị không lùi thời gian vì hiện đủ điều kiện để xây dựng bộ luật sửa đổi. "Trên 70% khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất đai. Quá trình chuẩn bị luật này có từ lâu rồi. Vì vậy, Quốc hội cần cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua ở kỳ họp thứ 5", ông Học nói.
Theo đại biểu Vũ Công Tiến, lý do lùi việc cho ý kiến Luật đất đai vì chờ sửa Hiến pháp là chưa thuyết phục bởi "chờ khi sửa xong Hiến pháp thì đến năm 2015 Luật đất đai sửa đổi mới có hiệu lực, tình hình đất đai càng thêm phức tạp".
Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Bùi Mạnh Hùng đều đề nghị lấy ý kiến Luật đất đai ở kỳ họp thứ 4 bởi "cần sửa đổi gấp quyền sở hữu của dân". Tuy nhiên, theo đại biểu Hùng, trong trường hợp không kịp thì Luật đất đai được xem xét đồng thời với việc sửa Hiến pháp là phù hợp.
Ảnh: Q.H.
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: Q.H.
Cũng liên quan đến đất đai, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần xây dựng Luật đền bù, hỗ trợ thu hồi đất và tái định cư. Lý giải điều này, ông Cảnh cho rằng, hiện chính sách đền bù, bồi thường đất đai không thống nhất nên người dân phải chịu thiệt thòi; các văn bản dưới luật về đền bù, tái định cư liên tục thay đổi, có nơi phải áp tới 10 văn bản mới giải quyết được vấn đề.
"Lãng phí không chỉ là sử dụng đất đai không hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Quốc hội xây dựng dự án luật này để xem xét vào kỳ họp thứ 6 và thông qua vào kỳ họp thứ 7", đại biểu Cảnh đề nghị.
Trước các phát biểu của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã lên tiếng giải trình, Hội nghị Trung ương 5 đã xem xét báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 07 về vấn đề tiếp tục đổi mới chính sách đất đai và đã ra Nghị quyết về 8 vấn đề này, trong đó có sở hữu về đất đai, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức quyền sử dụng đất, xử lý khiếu nại tố cáo trong quá trình thu hồi đất...
"Tuy nhiên, Trung ương thấy đất đai là vấn đề phức tạp, cần xem xét một cách thận trọng nên đã giao cho Chính phủ phải tiếp tục làm rõ một số nội dung để trình ra Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2012. Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ ra Nghị quyết định hướng sửa đổi Luật đất đai", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông Hải, hiện có tới 400 văn bản quy phạm pháp luật về đất đai nhưng rất chồng chéo nên để Luật đất đai sửa đổi không tạo ra sự bất cập và đảm bảo chất lượng, đề nghị Quốc hội giữ thời hạn như đã trình.
Tiến Dũng Vnexpress

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét