21 tháng 5, 2012

Doanh nghiệp BĐS "xoay vốn" trong cơn bĩ cực


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận xét, việc NHNN cho phép các NHTM cơ cấu lại nợ cũ để doanh nghiệp BĐS có nhu cầu tiếp tục được vay mới đã mở ra khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Thông tin này được giới kinh doanh BĐS chờ đợi, nhưng đến nay, hy vọng được các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp BĐS vay đã giống như quả bóng xì hơi.

Lý do, giải pháp cứu doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) là vậy, song NHNN lại yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay chứng khoán và BĐS ở mức không quá 16% tổng dư nợ. Việc cho vay với 2 lĩnh vực này vẫn không được khuyến khích, trừ khoản cho vay để hoàn thiện các công trình, dự án phát triển nhà ở dở dang sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012.

Theo đại diện một DN BĐS, đặt BĐS ra ngoài vòng ưu đãi như vậy, chủ đầu tư khó có cửa vay thêm bởi hầu như các dự án dở dang cũng đều đã ít nhiều “dính” đến nợ ngân hàng. May mắn lắm, các chủ dự án BĐS cũng chỉ có thể tiếp cận, đàm phán được với ngân hàng trong việc tái cơ cấu lại các khoản nợ cũ. Sau thời gian dài phải gánh lãi suất cao từ khoản vốn đã vay của ngân hàng thời điểm thị trường BĐS rớt giá.

Doanh nghiệp BĐS "xoay vốn" trong cơn bĩ cực | ảnh 1
Một dự án căn hộ gặp khó khăn vì ngân hàng ngưng rót vốn giữa chừng. Ảnh: Đức Anh.

Thậm chí với những DN BĐS đã đưa cổ phiếu lên sàn, thì hội đồng quản trị và đại diện DN còn phải đối mặt với sức ép từ cổ đông, từ Sở Giao dịch chứng khoán do cổ phiếu mất giá hoặc rớt xuống dưới giá gốc. Từ đầu năm 2012 tới nay, các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh đã phải đồng loạt bằng cách này cách khác co cụm, thoái vốn khỏi dự án căn hộ, cao ốc để cắt lỗ.

Thông báo từ ông Trương Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Vạn Phát Hưng cho biết, đến tháng cuối quý 1 vừa qua, DN này đã hoàn thành việc cơ cấu khoản vay nợ trung hạn 150 tỷ đồng thành nợ dài hạn. Tổng cộng, khoản vốn vay tín dụng trung và dài hạn của DN này cũng đã lên tới 402 tỷ đồng.

Tương tự, các dự án của BĐS Khang Điền cũng đã tới 423 tỷ đồng vốn ngân hàng, trong đó phần không nhỏ trong số này phải chịu mức lãi suất 21 - 25% và phải đáo hạn trong năm nay. Sử dụng vốn vay nhiều thuộc về BĐS Hoàng Anh Gia Lai với tổng nợ ngắn hạn và dài hạn tới 11.626 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.

Chỉ với vài dự án, nợ vay ngắn hạn của Savico cũng đã trên 235 tỷ và khoản nợ vay dài hạn cũng là 194 tỷ đồng. Tuy nhiên, với các khoản đã cho vay, việc giảm lãi suất của ngân hàng cho DN BĐS xem ra vẫn hết sức khó khăn, nhỏ giọt. Theo thông tin từ NHNN, hiện lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh là 14 - 18%/năm; với lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất cho vay vẫn ở mức 16,5 -20%/năm. Vay nợ mới đã khó, gánh lãi suất lại càng khó.

Theo ông Nguyễn Bá Đài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Intresco, DN này đã thực hiện xong các thủ tục thoái toàn bộ phần vốn góp với tỷ lệ 15,69% vốn điều lệ; tương đương với số tiền 26,35 tỷ đồng đã góp vào một DN khác để liên kết làm dự án tại Bình Dương.  

Tự tin rằng năm ngoái đã đạt doanh thu 1.039 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 103 tỷ đồng nên năm nay Công ty địa ốc Sài Gòn Thương tín vẫn kỳ vọng vào mức doanh thu 1.620 tỷ đồng và khoản lợi nhuận trước thuế là 110 tỷ đồng. BĐS Quốc Cường Gia Lai với mục tiêu doanh thu 885 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ, tăng hơn 3,8 lần do với năm ngoái. Nhỏ hơn, song BĐS Đất Xanh cũng đã nhắm tới con số doanh thu đạt 300 tỷ đồng với khoản lợi nhuận trước thuế là 70 tỷ trong năm nay…

Nhưng thiếu vốn để tiếp tục triển khai dự án cùng lúc với việc vừa phải chịu áp lực trả lãi suất cao, vừa lo đến hạn trả vốn vay trong năm nay, các chủ đầu tư dự án BĐS đã đồng loạt tìm cách tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu. Đã được sự hậu thuẫn từ ngân hàng mẹ, song địa ốc Sài Gòn Thương Tín cũng đã quyết định phát hành thêm cổ phần (CP) để tăng vốn điều lệ thêm 40%.

Cụ thể, số lượng CP sẽ phát hành thêm là 57,2 triệu với số tiền thu về là 572 tỉ đồng. Các DN khác như BĐS Vạn Phát Hưng cũng đã có phương án phát hành thêm 13,85 triệu CP. Đồng thời, phát hành thêm khoảng 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi có thời hạn từ 1 - 3 năm nhằm bổ sung nguồn vốn.

“Thuyền lớn sóng lớn”, với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, dù đã giảm mạnh tỷ lệ vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS, nhưng trong năm nay, DN này vẫn cần khoảng 2.581 tỉ đồng cho việc trả 800 tỉ đồng nợ gốc; 1.738 tỉ đồng trả lãi và 3.712 tỉ đồng đầu tư cho các lĩnh vực khác ngoài BĐS. Gom được khoản vốn khổng lồ như vậy vấn đề không dễ, nên hiện đại gia này vẫn đang còn phải loay hoay thu xếp vốn. Thiếu vốn, nên ngay với khoản nợ thuế hơn ngàn tỷ đồng, DN này cũng phải dây dưa kéo dài cũng là điều dễ hiểu
(Theo CAND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét