21 tháng 5, 2012

Ngân hàng hết "thủng đáy" thì BĐS mới được "nhờ"?


Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm.
Vào đầu tháng 5/2012, NHNN đã quyết định tiến thêm một bước, tuy chỉ là biện pháp sau tối ưu, là đặt thêm trần lãi suất cho vay 15% cho bốn khu vực ưu tiên (xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp) nhằm giảm mặt bằng lãi suất chung cũng như biên độ lãi suất đang quá cao của một số ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó vay được ở mức mới này. Một phần vì vài ngân hàng vẫn “đi đêm” huy động trên mức trần 12% (khoảng 14-15%), do đó khó cho vay lại ở mức thấp. Phần khác, nhiều ngân hàng lớn vẫn đòi thêm phí cao.

Ngân hàng hết "thủng đáy" thì BĐS mới được "nhờ"? | ảnh 1
Ảnh minh họa

Cần nhắc lại là trong một thời gian dài trước khi áp đặt trần lãi suất cho vay, các ngân hàng lớn chỉ phải trả lãi 12% cho vốn huy động của đa số dân cư, nhưng lại được cho vay với lãi suất thỏa thuận, có lúc lên trên 20% - mức lợi biên lãi suất (Net Interest Margin - NIM) quá cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, vài ngân hàng lớn còn được hưởng lợi ích lớn hơn trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất khá cao trong thời gian dài do vấn đề thanh khoản.

Gốc vấn đề ở đâu?

Vấn đề chính đã được biết rõ là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu liên quan đến thị trường bất động sản, vốn đã bị đóng băng kể từ năm 2009. Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm. Bên cạnh đó, điều kiện cho vay chặt chẽ cũng hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nếu tình trạng xấu của thị trường bất động sản còn kéo dài đến năm 2014-2015 như nhiều quan sát viên tiên đoán, các vấn đề ngân hàng còn khó gỡ trong lâu dài. Tuy nhiên, theo thông tin của NHNN, các khoản nợ xấu hiện có giá trị khoảng 4,3 tỉ đô la Mỹ và chỉ tập trung ở chín ngân hàng vốn đã được xác định và giám sát chặt chẽ bởi NHNN.

Chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thực hiện với tổng chi phí ước lượng khoảng 4 tỉ đô la Mỹ (dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng để giải quyết nợ xấu và thanh khoản), tương đương 3,6% GDP. Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu các giải pháp để giải quyết những khoản nợ xấu, trong đó có khả năng vay vốn từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hoặc thậm chí là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Vừa qua, việc sáp nhập ba ngân hàng phía Nam hay chuẩn bị sáp nhập vài ngân hàng nhỏ khác chỉ là biện pháp “chữa cháy” tạm thời trong năm 2012. Về lâu dài, phải có các phân tích và cải cách sâu rộng hơn nếu muốn chữa tận gốc vấn đề của hệ thống ngân hàng, trước khi giải cứu bằng biện pháp tái cấp vốn. Nếu chưa định rõ các nguyên nhân gốc cần cứu chữa cho các ngân hàng, số tiền tái cấp vốn dù là 4 tỉ đô la Mỹ (theo ước tính của NHNN để giải quyết nợ xấu ngân hàng) hay 12-13 tỉ đô la (ước tính của Fitch Rating’s) cũng chỉ như đổ tiền vào một hệ thống “thủng đáy”, vài năm sau các vấn đề hệ thống và nhu cầu tái cấp vốn sẽ lại xuất hiện.

Các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết

1. Vấn đề mất cân đối giữa chi tiêu và để dành trong nền kinh tế đã gây ra lạm phát quá cao suốt năm năm qua (2007-2011). Ưu tiên chính sách trước hết vẫn phải là giảm lạm phát, nhưng không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao nữa, mà là cắt giảm các khoản chi tiêu công khổng lồ vẫn đang tiếp tục chảy vào các doanh nghiệp nhà nước ưu đãi, các dự án lớn mà hiệu quả thấp, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất kém hiệu quả kinh tế.

Riêng trong năm qua, cho tới tháng 4/2012, đã có trên 14.000 dự án mới được khởi công. Như vậy đầu tư công vẫn dàn trải và chính sách tài khóa vẫn chưa được thắt chặt như các lời tuyên bố của giới hữu trách ngân sách.

2. Tình trạng đình đốn sản xuất từ quí 4/2011 đến nay đang kéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, và gây khốn đốn cho nhiều doanh gia có tâm huyết với sản xuất vì thiếu tiếp cận tín dụng.

3. Đặc biệt là các biện pháp hành chính của NHNN nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” đang được lầm tưởng là có tác động tốt cho toàn nền kinh tế hay dân cư, chẳng hạn như tỷ giá tạm ổn định, lãi suất có xu hướng giảm... Thực ra, nếu phân tích kỹ thì các dấu hiệu trên chỉ mang tính tạm thời, thiếu bền vững.

4. Dù lãi suất đang đi đúng hướng, nhưng việc tiếp cận tín dụng cũng còn giới hạn. Việc duy trì các trần lãi suất cũng như việc phân loại ngân hàng để phân bổ hạn mức tín dụng vẫn đặt ra nhiều dấu hỏi trong giới quan sát kinh tế về hiệu quả thật sự, lâu dài của các biện pháp cải cách của NHNN. Hy vọng NHNN có thể loại bỏ các trần lãi suất vào quí 3-2012 như giải pháp tối ưu, vì chỉ thị trường mới giúp tìm ra và giải quyết tận gốc vấn đề “thủng đáy” của các ngân hàng. n

Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, lại phải đối mặt với chính sách thắt chặt tiền tệ, họ không thể nhanh chóng cho vay với lãi suất giảm.
(Theo TBKTSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét