18 tháng 5, 2012

Hải Phòng: Cần thêm chính sách ưu đãi để xây nhà thu nhập thấp


Xây dựng nhà ở thu nhập thấp (TNT) là một chủ trương lớn và có nhiều quy định ưu đãi của Nhà nước, nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội, DN. Nhưng thực tế qua triển khai một số dự án, không ít doanh nghiệp ngại ngần với phân khúc này.
Hải Phòng: Cần thêm chính sách ưu đãi để xây nhà thu nhập thấp | ảnh 1
Chung cư Bắc Sơn

Dù khu chung cư TNT Bắc Sơn tại quận Kiến An, với gần 500 căn hộ cơ bản hoàn tất, nhiều hộ đã đến ở, nhưng nhìn lại quá trình thực hiện, ông Nguyễn Ngọc Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng-chủ đầu tư vẫn cho rằng đây là một quyết định dũng cảm.

Ông cho biết “nghĩ lại thấy toát mồ hôi” mặc dù dự án của ông có khá nhiều thuận lợi, đã có mặt bằng sạch, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cùng  với kinh nghiệm trong việc triển khai phân khúc nhà này. Tuy nhiên, không phải doang nghiệp nào cũng có may mắn như vậy. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài các doanh nghiệp rất thiếu việc. Dù chỉ là những dự án nhỏ, lợi nhuận không đáng kể, doanh nghiệp cũng sẵn sàng làm với mong muốn duy trì và tạo việc làm cho người lao động. Thế nhưng, với cơ chế như hiện nay, rất khó để tham gia xây dựng nhà TNT.

Theo Quyết định 67 của Chính phủ, chủ đầu tư được áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Đầu tư phát triển. Nhưng đến nay, trên địa bàn cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng, ngoài 1-2 dự án được vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, còn lại đều chưa thể tiếp cận nguồn vốn này. Ưu đãi mà các dự án được hưởng mới chỉ là miễn tiền sử dụng đất.

Đây là nguyên nhân căn bản khiến giá thành của nhà TNT không thấp hơn là mấy so với nhà thương mại. Một nghịch lý không thể lý giải, là việc các doanh nghiệp muốn vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đó, xây dựng nhà cho người TNT được miễn tiền đất nên không thể lấy đất làm tài sản thế chấp. Cùng với đó là những bất cập về khả năng tiêu dùng của xã hội. Chẳng hạn, với sản phẩm nhà TNT, trong khi  được người tiêu dùng đón nhận mạnh hơn ở Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội, do nhu cầu xã hội quá lớn và có khoảng cách giữa sản phẩm này với các sản phẩm cao cấp thì tại Hải Phòng, giá nhà TNT vẫn cao so bình quân mức sống của một bộ phận người dân, người TNT vẫn khó tiếp cận với sản phẩm này.

Cùng với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp, đối tượng mua nhà cũng rất khó trong vấn đề này bởi chưa có quy định, cơ chế cụ thể trong việc vay vốn mua nhà TNT. Bên cạnh đó, quy định về đối tượng chỉ có những người có hộ khẩu nội thành mới được xét mua cũng là một vấn đề bất hợp lý đối với các thành phố lớn có cả huyện, xã như Hải Phòng.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, trong phát triển nhà ở xã hội phải lấy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp là trung tâm. Việc Chính phủ ban hành chính sách mới về phát triển nhà ở xã hội tạo ra những chuyển động đối với phân khúc nhà này. Tuy nhiên, các quy định đối với phát triển nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp) thời gian qua chưa xác định rõ nhà ở cho đối tượng nào là trọng tâm để tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường.

Bên cạnh đó, cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, với từng địa phương cần có thêm nhưng cơ chế chính sách bổ sung phù hợp. Chẳng hạn, đối với thành phố Hải Phòng, ông Thành cho rằng, ngoài những ưu đãi của Nhà nước, thành phố có thêm ưu đãi về thuế, áp dụng miễn thuế giá trị gia tăng trực tiếp cho người sử dụng, vì thuế giá trị gia tăng chiếm 10% giá trị sản phẩm. Theo đó, tạo cơ hội cho hàng vạn người trong đô thị được thụ hưởng nơi ở mới tốt hơn. Đồng thời thành phố có quy hoạch dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người TNT cải thiện đời sống.
(Theo Báo Hải Phòng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét