Đối phó với tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) phải cố gắng "bóp mồm bóp miệng" bằng cách đồng loạt cắt giảm nhân sự để giảm tải chi phí quản lý.
Siết nhân sự
Mới đây, lại thêm một công ty chứng khoán “nói lời chia tay” với nhân sự. Theo đó, trong năm 2012 này, Công ty CP Chứng khoán Thăng Long (TLS) lên kế hoạch tái cơ cấu nhân sự theo hướng tinh giảm. Cụ thể, quy mô nhân sự sau khi tái cơ cấu sẽ là 280 nhân viên, giảm 130 người so với cuối năm 2011 trên toàn hệ thống công ty.Trên thực tế, việc giảm nhân sự trong ngành chứng khoán, tài chính đã trở nên khá quen thuộc. Còn ở mảng địa ốc thì thông tin cắt giảm diễn ra dồn dập trong thời gian gần đây.
Mạnh tay cắt giảm nhân sự cùng là giải pháp giúp các DN BĐS vượt qua khó khăn - Ảnh: Quý Hòa |
Chẳng hạn, theo nhiều thông tin, năm 2010-2011, các quỹ đầu tư bất động sản giảm trên 30% nhân sự, các công ty môi giới nhà đất “ngoại” chỉ giữ lại bộ phận tư vấn và thẩm định giá, trong khi cắt giảm không nương tay bộ phận kinh doanh, chỉ giữ lại một vài nhân viên...
Mới đây, Báo cáo của Ban giám đốc về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011, trình Đại hội cổ đông của Công ty Khang Điền (KDH), cho thấy, để cơ cấu lại hoạt động của công ty trước tình hình khó khăn, ngoài động thái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng, KDH đã tiến hành cơ cấu lại hoạt động nhân sự, nhằm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động.
Theo đó, số lượng nhân viên trên toàn hệ thống tính đến thời điểm cuối tháng 12/2011 là 88 người so với 120 người tại thời điểm cùng kỳ năm 2010. Đại hội cổ đông của một DN khác là Công ty Cổ phần TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân cũng đưa ra chiến lược “tinh giảm nhân sự” trên toàn hệ thống ngay trong năm 2012 này.
Riêng đối với trường hợp của Công ty TNHH Địa ốc Phúc Đức, ông Lâm Văn Chúc, Chủ tịch HĐQT, cho biết, kể từ năm 2008 đến nay, công ty đã thực hiện 4 đợt cắt giảm nhân sự, trong đó giữ lại bộ phận tư vấn và quản lý dự án, còn mảng môi giới dự án (thuộc khối sàn giao dịch) là bị cắt giảm nhiều nhất. Hiện nay, hệ thống của Phúc Đức chỉ còn 30 nhân sự (trước đây lên đến 100 nhân viên).
Dù không quá rầm rộ, nhưng trong suốt thời gian thị trường BĐS khủng hoảng, để tiết kiệm chi phí, ngay từ năm 2009, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) buộc phải cắt giảm một lượng không nhỏ người lao động địa phương, kể cả những người có chuyên môn, vị trí cao; chỉ duy trì việc tuyển kỹ sư làm việc ngoài công trường (hiện tại, ngoài mảng BĐS, GS cũng đang thi công công trình tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài).
Giữ hầu bao
Thực ra chuyện cắt giảm nhân sự trong ngành BĐS cũng là điều bất đắc dĩ với DN vì trước đây, khi giao dịch trên thị trường sôi động, BĐS là một trong 3 ngành nghề có sức hút nhất đối với người lao động.Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Chúc, tình hình kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn (dự kiến kéo dài ít nhất đến hết năm 2012), trong khi hầu hết DN đều phải lấy thu để bù chi. Việc thu ít, chi nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy sụp. Chính vì vậy, để duy trì hoạt động, DN buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động lẫn nhân sự để giảm thiểu chi phí hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Berjaya Việt Nam, cho biết, BĐS và dịch vụ tài chính đang gặp nhiều trở ngại. Đầu ra khó, không chỉ ảnh hưởng dòng tiền, tài chính của DN mà còn tác động trực tiếp đến bài toán nhân sự.
Một khi doanh thu, doanh số không đạt sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, đặc biệt ở bộ phận kinh doanh. Nói về việc cắt giảm, vừa qua, dù công ty không có chính sách này nhưng một số nhân viên đã chủ động xin nghỉ và tìm cơ hội ở những ngành nghề hay công ty BĐS khác có nhiều cơ hội hơn.
Còn đội ngũ ở lại vẫn được duy trì nhờ vào phương án luân chuyển nhân sự từ công ty này sang công ty khác, khu vực này sang khu vực khác, do Berjaya phát triển triển nhiều ngành, cũng như liên kết với nhiều đối tác.
Với một DN chuyên về tư vấn và tiếp thị dự án như Tập đoàn Đất Xanh, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ, trước mắt, họ không cắt giảm nhân sự mà sẽ duy trì “lực lượng” hiện có. Tuy nhiên, công ty sẽ thực hiện việc cắt giảm tối đa các chi phí khác trong quá trình vận hành, nhằm giảm tải cho phần chi phí đầu vào của DN.
Cũng giống như trường hợp của Đất Xanh, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM - XD Lê Thành, trong vòng hai năm trở lại đây, công ty không giảm nhân sự nhưng lại có chính sách không tuyển thêm nhân viên vì nếu có tuyển thêm cũng chẳng biết đưa vào vị trí nào vì đầu ra của các DN BĐS đều gặp khó như nhau.
Một điều dễ dàng nhận thấy trong chính sách “dụng người” của DN BĐS hiện nay là không cần số lượng, chỉ cần chất lượng, chấp nhận bỏ những vị trí cao nhưng tạm thời không mang lại hiệu quả cho công ty. Tuy nhiên, theo ông Lương Trí Thìn, việc tăng hay giảm nhân sự trong thời điểm này còn tùy thuộc vào chiến lược của từng DN, trong đó có việc tăng hoặc giảm mục tiêu doanh thu.
(Theo DNSG)
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét