1 tháng 6, 2012

Hải Dương: Người mua đất đấu giá "tháo chạy"


Thị trường bất động sản đóng băng, các “cò” đất “bỏ của chạy lấy người” đã khiến cho việc đấu giá quyền sử dụng đất ở các xã gặp khó khăn. Do không có nguồn thu từ đất, nhiều công trình xây dựng dở dang hoặc chưa thể hoàn thiện.
Hải Dương: Người mua đất đấu giá "tháo chạy" | ảnh 1
Do không có nguồn thu từ đất, nhiều công trình xây dựng dở dang hoặc chưa thể hoàn thiện.

Bỏ tiền đặt cọc

Cuối năm 2010, xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ) được phép tổ chức đấu giá quyền sử dụng 42 lô đất. Trong đó, thôn Kim Đới có 17 lô khu A, 6 lô khu B. Thôn Hiển Sỹ có 19 lô. Các lô đất có diện tích trung bình khoảng 140m2. Giá sàn ở thôn Kim Đới là 1,5 triệu đồng/m2, ở thôn Hiển Sỹ 800 nghìn đồng/m2. Do các lô đất có vị trí gần trục đường giao thông nên nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân địa phương. Tuy nhiên, người dân có nhu cầu thực rất khó có thể tiếp cận với các khu đất này. Bởi trong đợt đấu giá đầu đã có khoảng 300 người nộp hồ sơ, chủ yếu là người đến từ các địa phương khác. Ngay trong đợt đấu giá đầu tiên, 42 lô đất đã đấu giá thành công với giá từ trên 1 triệu đồng đến 3,4 triệu đồng/m2.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thao, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tây Kỳ cho biết: “Với việc đấu giá QSDĐ thành công, xã rất mừng. Tuy nhiên, đến thời hạn thì tất cả 42 người trúng thầu không đến nộp tiền vì cho rằng đã bỏ thầu với giá đắt. Vì vậy, toàn bộ số tiền đặt cọc (từ 10-15 triệu đồng/lô chúng tôi phải sung vào công quỹ. Đến tháng 6 - 2011, chúng tôi tổ chức đấu giá lại. Lần này, số tiền đặt cọc đã tăng lên. Đối với khu Kim Đới là 30 triệu đồng/lô, khu Hiển Sỹ là 20 triệu đồng/lô. Do đa số bỏ thầu với mức trên giá sàn một chút nên chỉ có 6 người sau khi trúng thầu không nộp tiền. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu lại lần thứ 3 đối với 6 lô đất còn lại” .

Xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) nằm tiếp giáp khu công nghiệp Đại An nên thời gian gần đây giá đất ở khu vực này tăng vọt. Năm 2011, xã được phép tổ chức đấu giá quyền sử dụng 17 lô đất ở khu trung tâm xã với diện tích trung bình 90 m2/lô. Anh Cao Văn Thoa, cán bộ địa chính xã Cẩm Đoài cho biết: “Trong đợt đấu giá đầu tiên, có khoảng 200 người tham gia, chủ yếu là “cò” đất ở khu vực khác đến. Dù giá khởi điểm chỉ  trên 5 triệu đồng/m2 nhưng họ đã bỏ thầu với giá từ 7 - 9 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, đến thời điểm nộp tiền thì chỉ có khoảng 7 người nộp, còn lại 10 trường hợp bỏ, không nộp dù tiền đặt cọc là 30 triệu đồng/lô. Trong số 7 trường hợp nộp tiền, có trường hợp đến nay chỉ nộp được 200 triệu đồng, dù xã đã đôn đốc nhiều lần. Chúng tôi cũng không thể thu hồi lại đất, vì ở thời điểm đấu giá, tỉnh không có quy định trong trường hợp đó sẽ xử lý thế nào. Sau đợt đó, xã đã tổ chức đấu giá lại thành công 10 lô với giá khởi điểm 5,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay vẫn có 4 người trúng thầu bỏ, không nộp tiền. Dự kiến đợt tới, xã sẽ tổ chức đấu giá lại khởi điểm khoảng 4 triệu đồng/m2. Hy vọng, với giá như vậy, người có nhu cầu thực có thể mua được”.

Các công trình “đói” vốn

Theo quy định của tỉnh, các xã tổ chức đấu giá QSDĐ sẽ được hưởng 70% số tiền thu được để sử dụng cho việc đầu tư xây dựng các công trình cơ bản tại địa phương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thao, Chủ tịch UBND xã Tây Kỳ cho biết thêm: “Ban đầu chúng tôi dự tính, nếu đấu giá thành công 42 lô đất, xã sẽ có đủ tiền để xây dựng các công trình như: trụ sở làm việc, hội trường, tu sửa nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng trường tiểu học và các công trình phụ trợ với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

Nhưng do đấu giá QSDĐ khó khăn, chưa thu được hết tiền nên các công trình xây dựng cơ bản xong nhưng vẫn còn nợ vốn nhà thầu thi công. Riêng công trình phụ trợ của trường học, nhà làm việc xã vẫn chưa được xây dựng vì thiếu kinh phí. Sắp tới, xã sẽ đề nghị huyện cho đấu giá thêm 22 lô đất ở thôn Kim Xuyên để có đủ tiền trả nợ và hoàn thiện các công trình đã đầu tư”.

Công trình nhà làm việc,  trường tiểu học của xã Cẩm Đoài được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5 - 2011 nhưng hiện nay, công trình phụ trợ vẫn chưa được xây dựng vì thiếu tiền. Do chưa thu được hết tiền từ đấu giá QSDĐ nên đến nay xã vẫn còn nợ bên B khoảng 2 tỷ đồng.

Đồng chí Nghiêm Xuân Yên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đoài kiến nghị: “Mặc dù đấu giá QSDĐ gặp khó khăn nhưng với mục tiêu là xây dựng xã đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 thì chúng tôi không có nguồn vốn nào khác là việc tiếp tục xin đấu giá QSDĐ. Bên cạnh việc tiếp tục cho phép các địa phương mở rộng việc đấu giá QSDĐ, tỉnh cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng bỏ thầu xong rồi lại bỏ hoặc nộp tiền dây dưa”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, khó khăn trong đấu giá QSDĐ ở xã Tây Kỳ, Cẩm Đoài cũng là khó khăn chung mà hầu hết các xã tổ chức đấu giá QSDĐ gặp phải. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét để có những giải pháp, quy định chặt chẽ hơn để tránh việc các địa phương phải tổ chức đấu giá QSDĐ nhiều lần. Bên cạnh đó, các xã cũng cần tính toán kỹ trong việc xử dụng vốn từ nguồn đấu giá QSDĐ, chưa có vốn thì chưa xây dựng để tránh nợ nần dây dưa trong xây dựng cơ bản.
(Theo Báo Hải Dương)

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím XUẤT BẢN. Sau đó, điền thông tin theo hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét